Báo Mỹ cảnh báo trong tình huống khẩn cấp, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có 30 phút để quyết định xem liệu có phải tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện tấn công phủ đầu không, trong khi ông Putin cũng chỉ có chưa đầy 15 phút để xác định có phải ông Trump tấn công phủ đầu không....
Vùng chồng lấn, vấn đề hoạch định ranh giới biển và thực tiễn Việt Nam
- Cập nhật : 08/05/2017
Đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách đã bị lên án và bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế, do tính chất phản khoa học.
1. Vùng chồng lấn được hình thành như thế nào?
Các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các cùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn.
Tình trạng này mỗi khi chưa được các bên liên quan tiến hành đàm phán hoạch định ranh giới rõ ràng thì được xếp vào loại tranh chấp biển cần giải quyết giữa các quốc gia ven biển có liên quan.
Loại tranh chấp này có nguyên nhân xuất phát từ việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi toàn thế giới, với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời.
Kết quả là trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực đông nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp.
Tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi yêu sách không dựa vào các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 hoặc cố tình giải thích sai Công ước này để phục vụ cho tham vọng chính trị của minh.
Chẳng hạn, đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách đã bị lên án và bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế, do tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Thực chất đây chính là tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, từng bước hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò”bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
2. Vấn đề hoạch định ranh giới vùng chồng lấn:
2.1. Để giải quyết loại tranh chấp này, các quốc gia ven biển sẽ tiến hành đàm phán để phân định ranh giới các vùng chồng lấn đó theo các nguyên tắc đã được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định.
Chẳng hạn:
Hoạch định vùng lãnh hải chồng lấn: Điều 15 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định:
“Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác.”
Hoạch định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn: Điều 74 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định:
a) Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.
b) Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.
c) Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này.
Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.
d) Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó.
Hoạch định vùng thềm lục địa chồng lấn: Điều 83 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định:
a) Việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế tòa án quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng.
b) Nếu không đi tới một thỏa thuận trong một thời hạn hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.
c) Trong khi chờ đợi ký kết thỏa thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này.
Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.
d) Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới thềm lục địa được thực hiện theo đúng điều ước đó.
2.2. Những nội dung chủ yếu cần lưu ý khi xem xét và đánh giá việc giải thích và áp dụng các quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 của các quốc gia ven biển có liên quan đến vùng chồng lấn và vấn đề hoạch định ranh giới vùng chồng lấn:
2.2.1. Để phân định các vùng chồng lấn các bên liên quan bắt buộc phải sử dụng biện pháp ngoại giao thông qua các cuộc đàm phán song phương (nếu vùng chồng lấn chỉ liên quan đến 2 quốc gia ven biển) hay đa phương (nếu vùng chồng lấn liên quan đến nhiều quốc gia ven biển).
2.2.2. Nếu đàm phán ngoại giao không thành công, các bên liên quan có thể cùng nhau thỏa thuận sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế. Trong trường hợp tranh chấp do hoạch định ranh giới các vùng chồng lấn, các cơ quan tài phán quốc tế không có thẩm quyền thụ lý và xét xử hồ sơ đơn phương.
2.2.3. Khi đàm phán hoạch định các bên cần tuân thủ nguyên tắc công bằng; nghĩa là các bên phải thống nhất một giải pháp công bằng cho tất các bên liên quan.
2.2.4. Để đảm bảo nguyên tắc công bằng, thông thường các bên liên quan hay các cơ quan tài phán có thể sử dụng các phương pháp hoạch định khác nhau tùy theo sự thỏa thuận có tính đến những đặc điểm, điều kiện cụ thể…
Phương pháp phổ biến và thông dụng nhất là phương pháp trung tuyến hay trung tuyến có điều chỉnh mà việc xác lập phải tuân theo những công thức tính toán đo đạc do các chuyên gia chuyên ngành bản đồ thực hiện.
Trong khi các bên đang đàm phán hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa chồng lấn, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không quy định dùng Trung tuyến làm ranh giới tạm thời để phân chia quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan.
Các bên khi tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vùng chồng lấn đều phải có sự thỏa thuận của các bên liên quan. Tuy nhiên, trong vùng lãnh hải chồng lấn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 lại quy định:
“Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại.”.
Đây là điều mà một số cơ quan, lực lượng chuyên trách của Việt Nam đã có sự nhầm lẫn khi xử lý một số tình huống xẩy ra trong vùng chồng lấn ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ có liên quan đến hoạt động của một số dàn khoan Trung Quốc ở “phía Đông của Trung tuyến giả định”.
2.2.5. Trong khi đàm phán hoạch định vùng chồng lấn, nếu chưa thông nhất được phương án cuối cùng, các bên có thể sử dụng giải pháp tạm thời có tính thực tiễn: “khai thác chung” vùng chồng lấn (joint-development of overlapping area).
Nhưng chỉ áp dụng giải pháp này cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Trong vùng lãnh hải chồng lấn không áp dụng giải pháp tạm thời này mà chỉ có quy định liên quan đến vai trò của Trung tuyến như đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, chúng ta nên phân biệt giữa nội dung giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn” theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” do Trung Quốc đề xướng và theo đuổi từ trước đến nay.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 quy định rất rõ, nếu 2 bên chưa thể đi đến thống nhất việc phân định đường biên giới cuối cùng có thể tính đến phương án hợp tác tạm thời trên vùng chồng lấn được tạo ra bởi yêu sách của các bên trên cơ sở quy định của Công ước này.
Các giải pháp mang tính tạm thời không ảnh hưởng đến kết quả đàm phán hoạch định cuối cùng.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” và bước đầu, yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông là yêu sách phải được dùng làm ranh giới của “vùng chồng lấn” để “khai thác chung”.
Nếu chấp nhận đòi hỏi vô lối này có nghĩa là Trung Quốc bước đầu đã thành công trong việc “biến không thành có”, biến “vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp” và từ đó, họ sẽ tiến tới khống chế và độc chiếm Biên Đông theo đúng chiến lược mà họ đang theo đuổi với rất nhiều thủ thuật, thủ đoạn khác nhau…
3. Kết quả đàm phán hoạch định vùng chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia xung quanh Biển Đông.
3.1. Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ:
- Vào các năm 1957, 1961, 1963 hai nước có ký các thỏa thuận cho phép thuyền buồm của 2 bên được đánh bắt trong ngoài phạm vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải đảo mỗi bên. Các thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào những năm 70.
- Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ vào năm 1974 và sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, hai bên lại tiếp tục giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ.
- Sau quá trình đàm phán lâu dài, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh, hai bên đã đạt được giải pháp phân định vịnh Bắc Bộ.
Hiệp định được ký bởi ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và ông Đường Gia Triền, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngày 15-6-2004 hiệp định được Quốc hội Việt Nam khoá XI thông qua và Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 30-6-2004.
Ngày 25-12-2000, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ.
Hiệp định này giúp cho quan hệ hợp tác nghề cá giữa hai nước được nâng cao, đảm bảo việc khai thác bền vững các tài nguyên sinh vật biển trong Vùng nước Hiệp định ở vịnh Bắc Bộ.
- Đàm phán về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ: Trong khi đàm phán hoạch định vùng đặc quyền và thềm lục địa chồng lấn ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, 2 bên đã tiến hành thảo luận về những thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển:
“Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc”; “Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Hô-lô-xen khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”; Dự thảo thỏa thuận “Hợp tác tìm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc”…
3.2. Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia nằm tiếp liền và cùng có bờ biển bao bọc vịnh Thái Lan, có vấn đề trong việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngày 7-7-1982, 2 nước ký thỏa thuận về vùng nước lịch sử, theo đó vùng nước lịch sử giữa 2 nước sẽ được đặt dưới chế độ nội thủy và hai bên thống nhất lấy đường Brevie là đường phân chia chủ quyền đảo trong khu vực.
Hai bên cũng thống nhất sẽ hoạch định đường biên giới trên biển giữa 2 nước vào thời điểm thích hợp.
Sơ đồ Vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia. Nguồn: Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao.
3.3. Hiệp định phân định biển với Thái Lan là hiệp định phân định biển đầu tiên của Việt Nam giải quyết dứt điểm vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng.
Đây cũng là hiệp định phân định biển đầu tiên trong khu vực vịnh Thái Lan và hiệp định đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực.
Theo Hiệp định này, đường ranh giới trên biển giữa 2 nước là đường theo tọa độ được xác định, phân chia cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa 2 nước.
3.4. Giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trong khu vực vịnh Thái Lan rộng khoảng 2.800 km2 được hình thành bởi yêu sách của Việt Nam năm 1971 và Malaysia năm 1979.
Trên cơ sở thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, năm 1992 hai bên đã đàm phán giải quyết vấn đề vùng biển chồng lấn và ngay tại vòng họp đầu tiên 2 bên đã đạt được thỏa thuận sẽ khai thác chung dầu khí một phần của khu vực chồng lấn giữa 2 nước.
Vùng khai thác chung Việt Nam - Malaysia theo thỏa thuận (MOU) 5-6-1992 Nguồn: Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.
Theo Thỏa thuận về khai thác chung giữa 2 nước ký ngày 5-6-1992, 2 nước chỉ định 2 công ty dầu khí quốc gia là Petrovietnam và Petronas đàm phán Thỏa thuận thương mại về khai thác chung dầu khí trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
Ngày 29-7-1997, dòng dầu đầu tiên thuộc khu vực khai thác chung giữa 2 nước đã được khai thác thương mại.
Hiện tại hoạt động khai thác chung dầu khí trong vùng chồng lấn giữa 2 nước đang được triển khai hết sức thành công, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như tăng cường quan hệ giữa 2 nước.
3.5. Đàm phán phân định vùng chồng lấn giữa Việt nam và Indonesia.
Indonesia là quốc gia láng giềng có quy chế quốc gia quần đảo nằm đối diện với bờ biển phía Đông Nam Việt Nam.
Khi xác định phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế, giữa hai quốc gia có vấn đề hoạch định ranh giới chung vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Hai nước đã tiến hành đàm phán để giải quyết:
3.5.1. Đàm phán phân định vùng thềm lục địa chồng lấn:
Giữa Việt Nam và Indonesia có vùng thềm lục địa chồng lấn được hình thành trên yêu sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1971 và Indonesia năm 1968 với diện tích khoảng gần 40.000 km2 nằm ở phía Đông Nam Biển Đông.
Năm 1972 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đàm phán với phía Indonesia nhưng 2 bên không đạt được giải pháp nào.
Bờ biển lục địa Việt Nam và bờ biển Kalimantan, Indonesia, cách nhau khoảng 474 hải lý, khoảng cách gần nhất giữa các đảo của hai bên là 246 hải lý. Gần đảo Natuna Bắc của Indonesia có một rãnh sâu khoảng 80 mét đến l00 mét.
Căn cứ vào các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về việc xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, hai nước có một vùng biển, thềm lục địa chồng lấn cần phân định.
Năm 1969, Indonesia tuyên bố giới hạn thềm lục địa của mình dựa theo nguyên tắc đường trung tuyến tính từ đường cơ sở quần đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia hữu quan.
Năm 1971 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã vạch ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa của mình, dựa theo trung tuyến tính từ bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Bornéo, Indonesia.
Năm 1972 , Indonesia và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn có diện tích khoảng 40.000km2, được hình thành bởi hai đường trung tuyến: trung tuyến đảo - đảo và trung tuyến bờ - bờ.
Tháng 6/1978, Việt Nam và Indonesia nối lại đàm phân định vùng chồng lấn rộng khoảng 98.000 km2, được hình thành bởi đường ranh giới tự nhiên (rãnh sâu) và trung tuyến đảo - đảo.
Sau đó, Việt Nam đã đề xuất đường phân định mới, "đường dung hòa", nằm giữa đường rãnh ngầm và đường trung tuyến bờ - bờ, thu hẹp vùng chồng lấn xuống còn 40.000 km2.
Qua 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, vùng chồng lấn đã được thu hẹp lại còn khoảng 4.500 km2.
Trải qua 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 12 vòng đàm phán không chính thức, 4 cuộc trao đổi hẹp cấp Trưởng đoàn chuyên viên và 1 vòng đàm phán về kỹ thuật hải đồ, ngày 26-6-2003, hai bên đã ký kết Hiệp định phân định thềm lục địa.
Hiệp định này có hiệu lực ngày 29-5-2006.
Hiệp định gồm có 6 điều chứa đựng nội dung liên quan đến vị trí đường phân định, tính chất của đường phân định, về bảo vệ môi trường biển, về cách thức xử lý các cấu tạo mỏ dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang qua đường phân định, cách thức giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua hiệp thương hoặc đàm phán.
Đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia được xác định bằng các đoạn thẳng nối tuần tự các điểm 20 - H–H1–A4–X1–25.
Tọa độ của các điểm này là tọa độ địa lý được tính toán trên Hệ tọa độ trắc địa thế giới năm 1984 (WGS 84) và được thể hiện trên mảnh Hải đồ số 3482, tỷ lệ 1:1.500.000 do Hải quân Hoàng gia Anh xuất bản năm 1997, là Phụ lục được đính kèm Hiệp định.
Hai bên xác định Hiệp định phân định thềm lục địa sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào được ký trong tương lai giữa các bên ký kết về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.
Các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau nhằm phối hợp chính sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biển.
Trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới, các bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thỏa thuận về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó.
Mọi tranh chấp giữa các bên ký kết nảy sinh trong việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua hiệp thương hoặc đàm phán.
Hiệp định đã phân định rõ ràng phạm vi vùng thềm lục địa của hai nước; đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ nằm trên đường ranh giới thềm lục địa giữa hai nước.
Việc ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, phục vụ cho sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên có thể tiến hành triển khai các hợp đồng dầu khí đã ký với các nhà thầu nước ngoài.
Việc ký Hiệp định cũng góp phần củng cố hơn nữa tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia mà còn đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng khác, vì lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo Hiệp định này, đường phân định thềm lục địa giữa 2 nước là một đường gẫy khúc có tọa độ xác định. Hiện tại, Việt Nam và Indonesia còn phải tiếp tục đàm phán giải quyết vấn đề ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.
Sơ đồ đường phân định ranh giới thềm lục địa Việt Nam - Indosesia. Nguồn: Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao.
3.5.2. Đàm phán phân định vùng Đặc quyền về kinh tế chồng lấn:
Trong quá trình đàm phán phân định ranh giới thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam đã đề xuất phương án sử dụng một đường phân định chung cho cả 2 vùng Thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Nhưng Indonesia không đồng ý. Có thể Indonesia cho rằng phương án này không lợi cho họ cả về mặt pháp lý , với tư cách là quốc gia quần đảo mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định, lẫn về mặt diện tích phân chia cụ thể.
Hiện nay, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Căn cứ vào những thông tin đã nêu ở trên, vấn đề là Việt Nam và Indosesia cần phải thống nhất lựa chọn một giải pháp nào có thể đáp ứng được nguyên tắc công bằng mà cả hai bên đều quyết tâm theo đuổi.
Thực tiễn quốc tế có liên quan đến hoạch định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, phương pháp trung tuyến hay trung tuyến có điều chỉnh là phương pháp được áp dụng khá phổ biến và thường đáp ứng được nguyên tắc công bằng.
Tuy nhiên, một số học giả còn có những băn khoăn về cách vạch “đường trung tuyến”, vì cho rằng phương pháp này không phải lúc nào cũng đáp ứng được nguyên tắc công bằng.
Qua một số bản án của Tòa án Trọng tài quốc tế, nhất là vụ xét xử việc phân định biển Manche giữa Pháp và Anh, các thẩm phán bình luận rằng:
"Trung tuyến là phương pháp thường được sử dụng trong phân định, nhưng không phải lúc nào phương pháp này cũng đảm bảo được nguyên tắc công bằng".
Nguyên nhân là trung tuyến sẽ được xác định tính từ các điểm cơ sở nhất định mà những điểm này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện hữu của các vị trị địa lý được thống nhất lựa chọn, nằm dọc theo bờ biển của mỗi bên để tính toán xác định.
Thông thường đường trung tuyến phải điều chỉnh do phải tính đến các hoàn cảnh, điều kiện có liên quan. Vì vậy khó có thể có một “trung tuyến” duy nhất và đích thực là trung tuyến theo đúng định nghĩa khoa học.
Trong một khu vực biển có thể có nhiều trung tuyến có điều chỉnh thích hợp, phụ thuộc vào phương pháp tính toán xác định của các chuyên gia kỹ thuật.
Cũng theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, hai bên cũng nên tính đến một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn: cùng khai thác chung vùng chồng lấn mà phạm vi của nó là vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải 12 hải lý của 2 bên đã được công bố chính thức. /.
Tài liệu tham khảo:
1. Zou Keyuan, The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin, 34 OCEAN DEV. & INTL. L. 22-24 (2005); Hong Thao Nguyen, Maritime Delimitation and Fishery Cooperation in the Tonkin Gulf, 34 OCEAN DEV. & INTL. L. 41-44 (2005); Ted McDorman, People’s Republic of China-Vietnam, 5 INT’L MAR. BOUNDARIES 3755‐3758 (2005).
2. Su Hao, China’s Positions and Interests in the South China Sea: A Rational Choices in its Cooperative Policies (CSIS, 2006), available at http://csis.org/publication/chinas-positions-and-interests-south-china-sea-rational-choices-its- cooperative-policies (last visited on Mar.30, 2012).
Yu, Peter Kien-Hong, “The Chinese (broken) U-shaped line in the South China Sea: points, lines, and zones”, Publication: Contemporary Southeast Asia, 01/12/2003, p. 2.
3. Daniel Schaeffer “Biển Đông: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò”, Diplomatie 36, January and February 2009.
4. Tuyển tập các phán quyết, lệnh của Tòa án pháp lý quốc tế ICJ, 1951, vụ Ngư trường Anh – Na Uy, tr.116, 139; G. Fitzmaurice, “Luật pháp và điều lệ của Tòa án pháp lý quốc tế, 1951-1954”, BYIL 1954, quyển 30.
5. Nguyễn Minh Ngọc, QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA VÀ VẤN ĐỀ PH N ĐỊNH BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN (Nghiên cứu Biển Đông , 21/02/2010).
6. PGS Nguyễn Hồng Thao, Đại học quốc gia Hà Nội,Việt Nam, “Biển Đông-Ba giai đoạn,bốn thách thức, hai cách tiếp cận khu vực và một niềm tin”
TS Hoàng Việt, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, “Đường lưỡi bò trên Biển Đông với luat pháp quốc tế”.
7. Paul Gewirtz “Giới hạn của Luật pháp ở Biển Đông”-http//PCAcases.com/web.send.attach/1506.
Ts Trần Công Trục
Theo Giaoduc.net.vn