Đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách đã bị lên án và bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế, do tính chất phản khoa học.
Thấy gì từ việc nhóm chiến hạm Trung Quốc tới Philippines?
- Cập nhật : 05/05/2017
Tuần này một nhóm gồm 3 chiến hạm của hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm hữu nghị tới Philippines, chuyến cập cảng đầu tiên của họ trong 7 năm qua.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở trên một tàu chiến Trung Quốc cập cảng tại Davao những ngày qua - Ảnh: Malacanang/Diplomat
Theo trang Diplomat, mặc dù một chuyến cập cảng như thế này rất có thể chỉ là hoạt động bình thường trong các bối cảnh khác, nhưng ở đây, giới quan sát đánh giá nó là động thái mới nhất trong hàng loạt động thái diễn ra kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền, cho thấy những tín hiệu đảo chiều đáng chú ý trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh.
Từ ngày 30-4 đến ngày 2-5, ba chiến hạm của nhóm nhiệm vụ hải quân 150 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Changchun (DDG-150), tàu khu trục loại nhỏ có trang bị tên lửa dẫn đường Jinzhou (FF-G532) và tàu tiếp tế Chaohu (890) đã ghé cảng Sasa tại thành phố quê hương Davao của ông Duterte.
Mặc dù một số quan chức Philippines vẫn cố tình nói giảm nói tránh về ý nghĩa sự kiện này, cho rằng nó cũng giống như việc tàu của Mỹ của Nhật vẫn được tự do cập cảng Philippines, nhưng sự việc đương nhiên không phải vậy.
Giới quan sát có lý để phản biện quan điểm đó của giới chức Manila. Trong năm qua, người ta đã chứng kiến những động thái mà ông Duterte cố gắng tạo tình thân với Trung Quốc. Điều này là một phần trong chiến lược mà nhóm cố vấn của tổng thống Philippines định danh là "chính sách đối ngoại độc lập".
Chính sách đó, cho tới nay rõ ràng có thể hiểu là nhà lãnh đạo Philippines muốn bớt lệ thuộc một cách tương đối với đồng minh lâu năm là Mỹ và mở rộng quan hệ hợp tác đa dạng với các đối tác phi truyền thống khác, trong đó có Bắc Kinh và Matxcơva.
Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh có những chuyển biến đặc biệt rõ rệt kể từ sau chuyến công du đầu tiên của ông Duterte tới Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái.
Lần đó, hai bên đã ký kết khoảng 13 thỏa thuận hợp tác song phương bao trùm một loạt các lĩnh vực an ninh và kinh tế, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, kiểm soát ma túy và thậm chí là cả hợp tác ở công tác tuần duyên.
Xuyên suốt quá trình đó, ông Duterte cũng liên tục lặp lại quan điểm cho rằng ông đánh giá cao một quan hệ tốt đẹp hơn về Trung Quốc, nhấn mạnh các cơ hội có được quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp hơn và dịu giọng đi khi nói về những thách thức, kể cả với những động thái bành trướng của Trung Quốc gây tổn thất cho Philippines tại Biển Đông.
Trên thực tế, ngay trước khi ông Duterte thân chinh tới thăm các chiến hạm Trung Quốc đã cập cảng tại Davao vừa rồi, ông Duterte đã đưa ra tuyên bố chủ tịch (Philippines hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay) sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của ASEAN mà trong đó đã loại bỏ gần như tất cả những luận điểm, ngôn từ có nội dung chỉ trích hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việc 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng ở Davao, Philippines là động thái mới nhất cho thấy xu hướng đối ngoại mà ông Duterte lựa chọn. Nhà lãnh đạo của Philippines vui vẻ nhấn mạnh rằng đích thân ông đã mời các tàu chiến của Trung Quốc tới Philippines, và ông cũng yêu cầu rằng ông có thể lên các tàu đó thăm thú.
Trong lúc ở trên các tàu chiến này, sau khi tham quan hệ thống súng pháo và tên lửa trên tàu, phòng chỉ huy và khu kho chứa, ông Duterte tiếp tục không tiếc lời ngợi ca tàu chiến Trung Quốc, nói nó trông như một khách sạn.
Chính hải quân Trung Quốc cũng nói họ đã lựa chọn từ trước việc sẽ cập cảng của Philippines trước tiên trong hành trình của nhóm chiến hạm. Họ cũng nói đã thay đổi lịch trình vào phút chót để thay vì cập cảng ở Manila thì chuyển tới cập cảng tại thành phố Davao để phù hợp hơn với kế hoạch của ông Duterte.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng, sự kiện nhóm tàu chiến của Trung Quốc cập cảng tại Davao vừa qua là động thái biểu thị "sự tin cậy chính trị lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai nước".
Nhưng theo giới quan sát, bất kể thực tế, vẫn rất khó để nói rằng thực sự đã có một sự tin cậy chính trị giữa hai bên khi mà vấn đề Biển Đông vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
D. KIM THOA
Theo tuoitre.vn