Mỹ khước từ lời kêu gọi của Trung Quốc về việc đối thoại với Triều Tiên, cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un đang hành động phi lý và nước này đang đánh giá lại hướng đối phó với Bình Nhưỡng.
Nhiều lãnh đạo Trung Quốc tin rằng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, nhân quyền và các yếu tố khác của pháp lý chỉ là để trang trí cho một chính sách thực dụng đầy tính toán của Mỹ.
Năm 2014, những vật thể lạ bắt đầu xuất hiện tại Biển Đông. Những vật thể đó chính là các tàu nạo vét khổng lồ của Trung Quốc tụm lại quanh quần đảo Trường Sa, hút cát từ đáy biển lên và bồi lấp phi pháp những hòn đảo nhân tạo lớn nhằm hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền (ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc còn hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ được bảo vệ bởi một hạm đội hùng hậu các tàu hộ tống quân sự và dân sự vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển Philippines 140 dặm, trong khi cách Trung Quốc tới 500 dặm.
Những hành động này được Bắc Kinh coi là những chiến thắng để mở rộng tầm với quân sự và chiếm ưu thế so với các bên tuyên bố chủ quyền khác. Trung Quốc đã đạt được một vài thành quả khiến quốc tế phải lo ngại nhưng cũng có những thứ Trung Quốc đánh mất khi sử dụng phương pháp này.
Hành động của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực tăng cường phối hợp với Mỹ và liên kết với nhau. Nhiều cuộc biểu tình ở Philippines đã xuất hiện. Philippines đã hoàn tất một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại một vài căn cứ quân sự ở nước này. Một số nhà quan sát còn đi xa hơn khi dự đoán rằng một thỏa thuận tương tự có thể đạt được với Việt Nam, nước từng là cựu thù của Mỹ. Nhà báo nổi tiếng Jeffrey Goldberg nhận xét "việc hải quân Mỹ trở lại Vịnh Cam Ranh từng bị xem là không tưởng trong lịch sử Mỹ". (đây chỉ là suy đoán riêng của tác giả, trên thực tế Việt Nam đã tuyên bố rõ chính sách ba không, trong đó không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Việt Nam).
Những sự việc trên sẽ không thể xảy ra nếu không có hành vi vô lối, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã giành được một vài bãi đá nhưng họ đã đánh mất "trái tim và tâm trí của những nước láng giềng" trong khu vực. Các nhà phân tích đã cố gắng giải thích hành động của Trung Quốc theo hai cách. Một số tập trung vào chiến thuật "cắt lát salami", tức là Trung Quốc lặp đi lặp lại việc tiến hai bước rồi lùi một bước, dần dần thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông theo hướng có lợi trong khi vẫn không vượt quá ngưỡng mà Mỹ đặt ra. Một số khác nhấn mạnh chiến lược dài hạn mà Trung Quốc tập trung thay đổi nguyên trạng để trở thành quốc gia khu vực vượt trội, chiếm ưu thế, theo đó Trung Quốc sẵn sàng trả giá ngắn hạn để đổi lại những kế hoạch dài hạn.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa bị bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3km, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố có quy mô một căn cứ không quân cỡ lớn của Trung Quốc ở đại lục
Tuy nhiên, hai cách giải thích đó chưa hoàn chỉnh. Còn có một cách lý giải thứ ba: sự phát triển của một tư tưởng đặc biệt nguy hiểm trong một bộ phận giới lãnh đạo Trung Quốc. Giải quyết trực tiếp tư tưởng này chính là cơ hội tốt nhất cho tổng thống mới của Mỹ trong việc tác động một cách tích cực tới quan hệ Mỹ-Trung.
Hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã hình thành một kết luận rằng trong các vấn đề quốc tế, sức mạnh là then chốt và là cơ sở pháp lý duy nhất. Theo quan điểm này, để chứng minh Trung Quốc là một nước mạnh, đặc biệt nổi lên từ "thế kỷ bị sỉ nhục" thì Trung Quốc cần phải cố gắng trở thành bá chủ để thiết lập ảnh hưởng đối với các nước khác.
Lời cam kết của ông Tập Cận Bình về "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản bắt nguồn từ chính hệ tư tưởng xem sức mạnh là yếu tố duy nhất. Những mối quan hệ dựa trên cơ sở này ngụ ý rằng vì Trung Quốc hiện giờ đang mạnh nên Mỹ cần chiều theo những hoạt động của Trung Quốc tại "sân sau" của họ mà không màng tới pháp lý hay mong muốn của các bên khác, đổi lại Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy đối với phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama đã hành động đúng khi không chấp nhận một thỏa thuận như thế.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn quan tâm ở một mức độ nào đó về việc được coi là một cường quốc có trách nhiệm nhưng chỉ là theo sự khôn ngoan chiến lược. Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách tránh mất mặt trên các diễn đàn quốc tế nhưng họ chỉ coi sự ủng hộ của quốc tế hay vấn đề pháp lý như là bài thực hành về quan hệ công chúng. Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift đã nói rằng châu Á đang trải qua "một thời kỳ mà sức mạnh quyết định tất cả sau hơn 70 năm ổn định".
Do đó, tổng thống mới của Mỹ cần phải định hướng chính sách ngoại giao, quân sự và kinh tế hướng tới việc làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc tỉnh ngộ khỏi quan điểm sức mạnh là tất cả. Yếu tố cốt lõi trong chính sách này là ngăn chặn những quan điểm sai lạc về Mỹ và Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo Trung Quốc tin rằng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, nhân quyền và các yếu tố khác của pháp lý chỉ là thủ đoạn trang trí cho một chính sách thực dụng đầy tính toán của Mỹ. Nếu đối thoại chiến lược về sức mạnh và pháp lý không thay đổi cách suy nghĩ, hành xử của Trung Quốc thì chính quyền mới phải sẵn sàng đối đầu với sự hung hăng của Trung Quốc, sử dụng công cụ mà Trung Quốc đã bỏ qua, đó là tính pháp lý.
Trung Quốc càng lấn tới bằng những biện pháp sử dụng sức mạnh thì Mỹ càng cần sẵn sàng khiến Trung Quốc phải trả giá, đặc biệt trên lĩnh vực pháp lý. Chính sách của Mỹ cần phải hướng lái Trung Quốc có lối suy nghĩ tương tự Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Lịch sử cho thấy vài thập kỷ đầu sau khi một cường quốc mới trỗi dậy là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với nhân loại. Bởi vậy, giới lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc cần chứng minh rằng họ có thể tránh khỏi những cái bẫy lịch sử như vậy.
* Lược thuật bài viết trên The Diplomat của tác giả Andreas Xenachis là thành viên nhóm nghiên cứu về chính sách của Mỹ đối với châu Á thuộc Viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Mỹ.
Anh Thư
Theo Viettimes.vn