Bắc Kinh và Moskva đang hợp tác về công nghệ hàng hải tại hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga theo sáng kiến "Một vành đai, một con đường".
Phép thử mới của Trung Quốc trên Biển Đông
- Cập nhật : 09/03/2017
Hành động của Trung Quốc có thể thổi bùng căng thẳng giữa các nước ở Biển Đông và Hoa Đông.
Ngày 8/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lên tiếng kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nhận định động thái này có thể sẽ làm thổi bùng căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực và thu hút sự quan tâm các cường quốc thế giới.
Một nguồn tin Bắc Kinh tiết lộ với báo Hankuk Ilbo (Hàn Quốc) rằng, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành nhiều động thái cứng rắn hơn.
Theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng nhiều công trình phi pháp ở Biển Đông, bao gồm công trình có thể chứa tên lửa.
Gần đây, một phi đội gồm 13 chiến đấu cơ, máy bay ném bom hạng nặng cùng các loại máy bay quân sự khác của Trung Quốc đã bay qua Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, đây là phi đội nước ngoài lớn nhất bay qua khu vực này, khiến máy bay quân sự của Nhật Bản phải cất cánh nhiều lần để ứng phó.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định rằng, những hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã cấu thành hành vi ''vi phạm luật pháp''.
Những động thái của Bắc Kinh buộc Washington triển khai Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ tới Biển Đông để gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, Washington ủng hộ Nhật Bản 100% về tuyên bố của nước này đối với quần đảo Senkaku theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1951.
Cùng đưa ra bình luận về động thái này của Trung Quốc, tờ Sputnik (Nga) cho rằng hành động của Trung Quốc có thể thổi bùng căng thẳng giữa các nước ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo Sputnik, Trung Quốc ngày càng quân sự hóa khu vực này khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, đây là gánh nặng đặt lên vai ngài Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Trong một diễn biến liên quan, tờ South China Morning Post đưa tin ông Tillerson sẽ gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần tới.
Trước đó, hồi cuối tháng 2, Chính phủ Trung Quốc cho biết, đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống quan trắc dưới lòng biển, cung cấp số liệu thời gian thực. Bắc Kinh coi đây là công trình cấp quốc gia, với danh nghĩa phục vụ cho khoa học.
Theo các chuyên gia, hệ thống này không chỉ thu thập các thông tin về khoáng sản dưới lòng biển hay phục vụ khoan dầu, mà còn phục vụ cho các mục đích quân sự.
Trường Giang
Theo Báo Đất Việt