Trung Quốc rót 14,4 tỷ USD để được lập căn cứ quân sự tại Djibouti
Các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Ngày 1/8/2017, Trung Quốc bắt đầu sử dụng căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Ảnh: Sina
Hãng AFP Pháp ngày 1/8 cho hay Trung Quốc đã chính thức bắt đầu sử dụng căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên, căn cứ này ở Djibouti. Việc này diễn ra đúng vào thời điểm tròn 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Ngày 11/7, Trung Quốc điều tốp binh sĩ đầu tiên đến căn cứ này. Trung Quốc luôn gọi căn cứ có tính chất “phòng ngự”, cho rằng nó sẽ hỗ trợ cho hoạt động hộ tống trên biển, giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, chống cướp biển và hành động bảo hộ người Hoa.
Từ lâu, hải quân Trung Quốc đã tích cực tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở khu vực châu Phi.
Trung Quốc xây dựng căn cứ này tại Sừng châu Phi bắt đầu từ tháng 2/2016. Căn cứ này cách căn cứ Lemonnier - căn cứ duy nhất của Mỹ ở châu Phi chỉ có vài dặm Anh.
Cùng với việc Trung Quốc tìm cách có được tài nguyên thiên nhiên và mở rộng thị trường mới, Bắc Kinh đã tiến hành đầu tư hạ tầng cơ sở rộng lớn ở toàn bộ châu Phi.
Các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình loại này cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Djibouti chỉ có khoảng 800.000 dân. Ở nước này còn có các căn cứ quân sự của Pháp và Nhật Bản.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ hậu cần ở Djibouti vào năm 2016. Căn cứ này sẽ chủ yếu dùng để bảo đảm tiếp tế cho các nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc như hộ tống, gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo ở vịnh Aden và vùng biển Somalia.
Đây là căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chính thức gọi nó là căn cứ bảo đảm hậu cần.
Đài phát thanh Trung Quốc cho biết trong ngày 1/8, ngày thành lập quân đội Trung Quốc năm nay, Trung Quốc đã làm lễ kéo cờ và chính thức sử dụng căn cứ này. Tham dự buổi lễ có hơn 300 người, bao gồm Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Điền Trung và Bộ trưởng Quốc phòng Djibouti.
Diện tích của Djibouti tương đương với xứ Wales, nằm ở cảng biển phía nam của Biển Đỏ, trên đường đến kênh đào Suez. Quốc gia nhỏ bé này nằm kẹp giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia. (Viettimes)
-----------------------------
TQ phóng cấp tập 20 tên lửa chiến lược “dằn mặt” Mỹ-Hàn
Đợt diễn tập quy mô lớn của lực lượng tên lửa chiến lược diễn ra chỉ một ngày sau dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Trung Quốc.
Tên lửa DF-26 được đánh giá là "sát thủ diệt Guam".
Theo The Diplomat, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (PLARF) đã tổ chức diễn tập phóng tên lửa với các loại tên lửa đạn đạo chiến lược, tên lửa hành trình, và tên lửa phòng không.
Đợt phóng tên lửa diễn ra tại Nội Mông, gần căn cứ quân sự Zhurihe lớn nhất châu Á. Căn cứ này là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt quân trong lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc hồi tuần trước.
Nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết, PLARF đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26C, 10 tên lửa đạn đạo DF-16A và 6 tên lửa hành trình tối tân CJ-10.Đáng chú ý nhất trong số này là tên lửa DF-26C, tầm bắn 3.000-4.000km và có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này được cư dân mạng Trung Quốc gọi là “sát thủ diệt Guam”, ám chỉ căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc.
Tên lửa mới được Trung Quốc đưa vào biên chế quân đội năm 2015 và có khả năng khai hỏa ở bất cứ nơi nào từ xe phóng di động.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phóng nhiều tên lửa đối không, bao gồm loại HQ-6, HQ-16 và HQ-22. Đáng chú ý nhất là tên lửa HQ-22, vốn lần đầu tiên xuất hiện trong lễ diễu binh hồi tuần trước.
HQ-22 có tầm bắn xa 150-170km và tầm cao từ 50-27.000 mét. Tên lửa được coi là vũ khí hữu hiệu nhất để diệt máy bay tàng hình F-22 Mỹ vì khả năng nhận dạng mục tiêu vượt trội và có thể chống lại biện pháp gây nhiễu.
Mục tiêu giả định của các tên lửa này là Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ hoặc các chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ. Đây là một trong những vụ phóng tên lửa quy mô nhất cửa PLARF, đánh dấu lần đầu tiên DF-26C được thử sức. Tên lửa DF-16 cũng nằm trong dự án bí mật của Trung Quốc. Tên lửa này mới xuất hiện trong cuộc duyệt binh nhân kịp năm 70 năm Ngày Chiến thắng năm 2015.
Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-22 của Trung Quốc.
Giới chuyên gia đánh giá DF-16 với tầm bắn 1.000km, là mẫu tên lửa đạn đạo chính xác nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.
Cuối cùng, CJ-10 là tên lửa hành trình phiên bản Trung Quốc của Tomahawk Mỹ. Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 1.500km.
Theo The Diplomat, PLARF thử nhiều loại tên lửa khác nhau, chứng minh khả năng phối hợp tác chiến và khả năng xuyên phá hệ thống phòng thủ đối phương, đặc biệt là tổ hợp THAAD.
20 quả tên lửa như vậy đủ sức thể “vùi dập” THAAD dù hệ thống này có cố gắng đánh chặn đến mức nào đi chăng nữa.
Giới phân tích nhận định, PLARF đã gửi thông điệp răn đê đến Mỹ khi lựa chọn THAAD là mục tiêu giả định.
Bắc Kinh phản đối sự hiện diện của các tổ hợp THAAD ở Hàn Quốc, nói radar gắn trên hệ thống này đe dọa đến lợi ích quốc gia.(Danviet)
---------------------
Cung cấp vũ khí cho Ukraine không khác gì ác mộng
Đài phát thanh Đức cho rằng, vũ khí được trao cho Ukraine chưa chắc đã được sử dụng để phòng thủ theo như cam kết với Mỹ, và ý tưởng có thêm vũ khí trong một khu vực đã quá tràn ngập vũ khí thực sự làm châu Âu lo ngại.
Hôm 3/8 đài tiếng nói Deutschlandfunk của Đức cho biết: ngay từ thời ông Barack Obama còn đang tại vị, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí cho nước này. Nếu Washington sẽ đáp ứng yêu cầu của Kiev, thì đối với Đức và Pháp không khác nào gặp phải ác mộng.
Sự khước từ của Cựu Tổng thống Obama
Ông Obama đã không chấp nhận yêu cầu cung cấp vũ khí của Kiev – thậm chí khi đó Washington còn hạn chế chuyên viên hướng dẫn và một số thiết bị như: radar, thiết bị theo dõi ban đêm và các thiết bị khác. Đáp lại, ông Poroshenko phàn nàn rằng nếu cứ như vậy thì cuộc chiến tại Donbass sẽ chẳng thể giành thắng lợi - đài Deutschlandfunk nhắc lại.
Cho đến nay, ông Poroshenko và Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak vẫn tiếp tục không mệt mỏi yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
Liệu giờ đây Hoa Kỳ có từ chối?
Đặc phái viên mới của Hoa Kỳ Kurt Volker tới Ukraine và phản ứng trước yêu cầu của nhà chức trách Ukraine với thái độ đầy thấu hiểu. Ông Volker mang đến cho Kiev hy vọng rằng, lần này người Mỹ có thể sẽ đưa ra một quyết định khác.
Trước đó, ông Walker đã có mặt tại Kramatorsk, khu vực gần đường ranh giới. Ngay sau đó, ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên tham gia nhiều hơn trong việc giải quyết tình hình ở Donbass. Ông nói: "Theo như tôi biết, đây không phải là một cuộc xung đột lạnh, mà nó là một cuộc chiến sôi sục".
Liệu đây có phải là sự khiêu khích?
Theo đài Deutschlandfunk, ông Volcker cho rằng việc cung cấp "vũ khí phòng thủ" cho Ukraine không phải là sự khiêu khích. Đặc phái viên Hoa Kỳ nhấn mạnh: "Điều đó sẽ cho phép Ukraine tự bảo vệ bản thân nếu phía Nga đặt chân trên lãnh thổ Ukraine. Nga khẳng định sẽ không làm như vậy, và do đó sẽ không có rủi ro nào hết".
Vẫn hiện diện rủi ro?
Trước đó, tờ báo The Wall Street Journal đưa tin, rằng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn soạn thảo kế hoạch cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có cả tên lửa chống tăng.
Trong trường hợp này, các chuyên gia quân sự Nga nghi ngờ khả năng quân đội Ukraine sẽ tuân theo các "quy định" của phía Mỹ - đài phát thanh Đức cho biết. Họ cho rằng các tên lửa chống tăng có thể sẽ không được sử dụng phục vụ quốc phòng, mà lại được sử dụng với mục đích tấn công.
Chuyên gia quân sự Victor Marakhovski nhận định: "Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin có thể được sử dụng không chỉ như một vũ khí phòng thủ. Chúng cũng có thể được sử dụng như một vũ khí không kích và tấn công, ví dụ như trong khu vực thành phố".
Hơn nữa, không chỉ phía Nga mà cả các nước châu Âu đều rất phiền lòng về việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Đài Deutschlandfunk kết luận: "Đối với Đức và Pháp, ý tưởng rằng trong một khu vực tràn ngập vũ khí mà lại sẽ có thêm nhiều vũ khí nữa, chẳng khác nào một cơn ác mộng. Sau tất cả, hiện giờ không phải thời điểm để đạt được thậm chí cả một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài". (Infonet)
------------------------------
IS tung video chiến binh cầm dao dọa ông Trump
Phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa đưa ra đe dọa với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cảnh báo ông về các cuộc tấn công mới.
Báo IB Times cho biết, trong video mới xuất hiện trên mạng, phiến quân IS Abu Ishaq al-Somali cầm một con dao lớn và đứng cạnh một khẩu súng máy kê sát cửa sổ ở một nơi không rõ địa danh.
Ảnh chụp màn hình video
Đối tượng tuyên bố sẽ thực hiện thêm các hành động bạo lực, đặc biệt ở Constantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và Rome (Italy).
Hắn nói bằng giọng pha tiếng Anh và tiếng Ảrập, nhìn thẳng vào máy quay tuyên bố: "Đây là một thông điệp dành cho vị vua mới của hôm nay, Donald Trump. Ông có thể để mắt đến Raqqa và Mosul, nhưng chúng tôi thì để mắt đến Constantinople [Istanbul] và Rome".
Theo tờ báo Anh Mirror, video được thực hiện bởi văn phòng tuyên truyền của IS ở Raqqa, Syria, nơi vốn được IS coi là thủ phủ khi chúng chiếm trọn thành phố này năm 2013.
Phiến quân IS trong video nổi cơn thịnh nộ vì các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đã thành công một phần trong việc tiêu diệt IS. Hắn thề sẽ giết người vô tội để trả thù các chiến dịch của SDF – Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ ủng hộ.
Video mới được tung ra chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) lưu truyền danh sách 173 chiến binh IS được huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công tự sát ở châu Âu nhằm trả thù cho sự thất bại của chúng ở Trung Đông.(Vietnamnet)