Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Trung Quốc lại gia tăng áp lực ở biên giới Trung - Ấn
Tin thế giới đáng chú ý chiều 04-08-2017
- Cập nhật : 04/08/2017
Thủ tướng Thái Lan phủ nhận can thiệp vụ xét xử bà Yingluck
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm qua phủ nhận cáo buộc cho rằng ông và chính quyền quân sự can thiệp vào vụ xét xử cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và vụ này “có động cơ chính trị”.
Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra được đông đảo người ủng hộ chào đón trước Tòa án Tối cao ngày 1.8.2017 REUTERS
Trước đó, khi được tòa cho phép nói lời cuối cùng hôm 1.8, bà Yingluck tuyên bố vụ xét xử bà về bê bối chính sách trợ giá gạo “xuất phát từ động cơ muốn hạ uy tín đảng Pheu Thai và triệt hạ cá nhân bà”. Cựu thủ tướng còn cho rằng chính quyền quân sự tác động vào vụ án.
Bà Yingluck tiếp tục tuyên bố vô tội và nói: “Tôi cầu xin tòa xét xử công bằng, không nghe theo lệnh của bất kỳ bên nào, kể cả người đứng đầu Hội đồng giữ gìn an ninh trật tự quốc gia”.
Bên cạnh cương vị đứng đầu chính phủ, ông Prayuth còn kiêm nhiệm đứng đầu Hội đồng giữ gìn an ninh trật tự quốc gia, được quân đội thành lập sau cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck hồi năm 2014.
Đáp lại những cáo buộc trên, Thủ tướng Prayuth khẳng định: “Tôi chưa bao giờ ra lệnh cho ai hay can thiệp vào quy trình khởi tố và xét xử vụ án ngoại trừ thúc giục họ làm đúng trách nhiệm”.
Theo dự kiến, Tòa tối cao Thái Lan sẽ đưa ra phán quyết đối với bà Yingluck vào 25.8 và cựu thủ tướng sẽ đối diện 10 năm tù giam nếu bị tuyên có tội.
Trả lời câu hỏi về nguy cơ phe ủng hộ gia đình Shinawatra xuống đường sau phán quyết, Thủ tướng Prayuth cho rằng đây “sẽ rất thảm họa cho Thái Lan” và chính phủ đang nỗ lực tìm cách giữ ổn định cho đất nước.(Thanhnien)
--------------------------------
Mỹ phát động chiến tranh với Iran, Triều Tiên: Nhiệm kỳ của ông Trump sẽ chấm dứt?
Theo cựu nghị sỹ Ron Paul, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang nôn nóng chạy đua hướng tới ít nhất một cuộc chiến tranh thảm khốc với Triều Tiên và Iran. Nhưng nếu làm vậy, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump có thể sẽ chấm dứt và người đứng đầu Nhà Trắng có thể bị kéo vào một cuộc chiến lớn hơn nhiều.
Nhà khoa học chính trị Mỹ Ron Paul, cựu nghị sĩ quốc hội Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đi ngược lại cam kết đối với các cử tri Mỹ khi tìm kiếm một cuộc xung đột với Iran hoặc Triều Tiên, đồng thời cảnh báo ông Trump rằng bất cứ cuộc chiến nào như vậy cũng sẽ đánh dấu chấm hết cho nhiệm kỳ của ông Trump.
“Tổng thống Trump dường như đang nôn nóng chạy đua hướng tới ít nhất một cuộc chiến tranh thảm khốc. Có thể là hai. Câu hỏi lớn là cuộc chiến nào sẽ diễn ra trước? Triều Tiên hay Iran”, cựu nghị sĩ 81 tuổi viết trên chuyên mục tuần của Viện Ron Paul vì hòa bình và thịnh vượng.
“Với áp lực từ cả các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ và những cáo buộc về vụ 'Russigate' (cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ), có vẻ như ông Trump sẽ tìm kiếm giải vây bằng cách bắt đầu “một cuộc chiến tranh nhỏ”. Tuy nhiên, nếu làm vậy, nhiệm kỳ Tổng thống của ông có thể sẽ chấm dứt và ông có thể bị kéo vào một cuộc chiến lớn hơn nhiều”, ông Ron Paul, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2008 và 2012, nhấn mạnh.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cố gắng gây áp lực lên Triều Tiên để phản ứng với các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Bình Nhưỡng.
Ông Ron Paul tin rằng ông Trump đang muốn giành thế chủ động trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Bình Nhưỡng, ví dụ như điều máy bay ném bom B-1 thị uy sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên đã phát đi “một thông điệp rõ ràng rằng ông Trump sẵn sàng tấn công”.
Nhà khoa học chính trị này cũng chỉ trích việc Mỹ tăng cường lực lượng Hải quân ở Vịnh Ba Tư trong những tháng gần đây, dẫn đến các va chạm giữa các tàu Iran và Mỹ.(TTXVN)
--------------------------------
51% sinh viên Úc bị quấy rối tình dục
Trang International Business Times ngày 2.8 dẫn khảo sát mới công bố cho thấy 51% sinh viên các trường đại học ở Úc từng bị quấy rối tình dục, với đa số nạn nhân là nữ và người đồng tính.
Khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Úc thực hiện trên hơn 30.000 sinh viên tại 39 trường đại học cho thấy gần 7% bị tấn công tình dục ít nhất 1 lần trong giai đoạn 2015 - 2016. Nếu tính riêng, tỷ lệ sinh viên nữ bị quấy rối cao gấp đôi so với các nhóm khác.
Có đến 94% sinh viên bị quấy rối và 87% bị tấn công tình dục cho biết mình không báo với nhà trường.
Khảo sát được thực hiện sau làn sóng phản đối của sinh viên về tình trạng quấy rối và lạm dụng tình dục gia tăng.
“Chứng cứ đã rõ nên các trường đại học cần có nhiều hành động phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân và trừng trị thủ phạm”, bà Kate Jenkins thuộc Ủy ban Nhân quyền Úc kêu gọi.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Simon Birmingham cho biết ông đã viết thư đến từng trường đại học để yêu cầu họ phản hồi về khảo sát và đưa ra kế hoạch đối phó.(Thanhnien)
----------------------------
Thủ tướng Nhật cải tổ nội các giữa khủng hoảng
Thủ tướng Nhật hôm nay ra quyết định cải tổ nội các, tái bổ nhiệm nhiều cựu bộ trưởng, thay vì lựa chọn những gương mặt mới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn nhiều gương mặt cũ trong lần thay đổi bộ trưởng hôm 3/8, giữa lúc ông đang phải đối mặt với khủng hoảng và tình trạng uy tín sụt giảm. Tuy nhiên, nội các mới có thể không đủ sức lấy lại sự ủng hộ như ông kỳ vọng, Reuters đưa tin.
Ông Taro Aso sẽ tiếp tục làm bộ trưởng tài chính, vị trí ông giữ từ khi Thủ tướng Abe nắm quyền vào cuối năm 2012. Ông Hiroshige Seko được tái bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại. Một số cựu bộ trưởng cũng trở lại các chức vụ từng nắm giữ trước đây, như ông Itsunori Onodera sẽ thay thế cựu bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada từ chức tuần trước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng bổ nhiệm mới ông Toshimitsu Motegi, thành viên lâu năm của đảng cầm quyền, vào vai trò bộ trưởng kinh tế và bổ nhiệm tân Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono, người nổi tiếng vì sự thẳng thắn, sẵn sàng phê phán đảng cầm quyền. Đây là điều hiếm gặp ở một chính trị gia Nhật Bản.
Bà Seiko Noda, người từng được đánh giá có thể trở thành nữ thủ tướng Nhật đầu tiên, sẽ đảm nhận vị trí bộ trưởng nội vụ.
"Kinh tế vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tìm cách chấm dứt lạm phát bằng cách tăng tốc chu kỳ kinh tế", ông Abe phát biểu sau đợt cải tổ nội các.
Ông Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản từ tháng 12/2012 với mục tiêu chấm dứt lạm phát và hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông đã giảm mạnh trong vài tháng qua sau hàng loạt bê bối chính trị, bao gồm cáo buộc Thủ tướng Nhật thiên vị một người bạn khi ký kết hợp đồng kinh tế. Ông Abe đã bác bỏ cáo buộc này.
Hồi tháng trước, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) của ông Abe cũng hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo.(Vnexpress)