Mỹ khẳng định sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để đối phó Triều Tiên; Nga có ngừng bán dầu cho Triều Tiên?; Hàn Quốc: Triều Tiên lại chuẩn bị bắn tên lửa đạn đạo sau thử bom nhiệt hạch
Tin thế giới đáng chú ý 05-09-2017
- Cập nhật : 05/09/2017
Ông Mattis tuyên bố Mỹ có nhiều phương án “hủy diệt một quốc gia”
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington không quyết tâm tìm kiếm viễn cảnh "hủy diệt toàn bộ một quốc gia nào đó, (ở đây ám chỉ đến Triều Tiên), nhưng như tôi từng nói, chúng tôi có nhiều phương án có thể làm điều này"...
Theo Ria Novosti, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã đe dọa có "hành động đáp trả quân sự quy mô lớn" đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Theo ông Mattis, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp với các thành viên trong chính quyền nhằm tham vấn các phương án quân sự nhằm đáp trả những hành động gây hấn của Triều Tiên.
Trả lời báo giới bên ngoài Nhà Trắng, ông Mattis nêu rõ: "Bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ và lãnh thổ của chúng tôi, trong đó có đảo Guam hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ bị đáp trả bằng một hành động quân sự quy mô khổng lồ, hiệu quả và không thể chống đỡ".
Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Washington không quyết tâm tìm kiếm viễn cảnh "hủy diệt toàn bộ một quốc gia nào đó, ở đây ám chỉ đến Triều Tiên. Nhưng như tôi từng nói, chúng tôi có nhiều phương án có thể làm điều này".
Bộ trưởng Mattis cho biết thêm, Mỹ có rất nhiều phương án quân sự và Tổng thống Donald Trump muốn được báo cáo về tất cả các phương án này.
Trong một diễn biến liên quan, Quân đội Hàn Quốc đã tiến hành các bài tập sử dụng tên lửa đạn đạo để phản ứng lại cuộc thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hôm 3/9 vừa qua.
Theo cơ quan này, trong các bài tập, quân đội Hàn Quốc đã sử dụng tên lửa đạn đạo Hyunmoo, tấn công các mục tiêu thông thường ở Biển Nhật Bản. Trong cuộc diễn tập này cũng có sự tham gia của chiến đấu cơ F-15, các máy bay chiến đấu này cũng diễn tập đòn đánh vào các mục tiêu thông thường trên biển.
Trước đó ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử thành công một quả bom H để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mới được phát triển. Năng lượng phát ra từ vụ thử này lớn hơn bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trước đó của Bình Nhưỡng.
Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) thông báo vụ thử bom H nói trên được nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo thực hiện. KCTV khẳng định đây là vụ thử "thành công hoàn hảo" và là bước đi "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. (infonet)
--------------------------------
Cambodia Daily đóng cửa vào thứ 2
Tờ báo Cambodia Daily ngừng hoạt động vào thứ 2 sau khi nợ thuế trong 10 năm.
Báo Phnom Penh Post thông tin, ngày 2/9, tờ báo Cambodia Daily đã tuyên bố sẽ ngừng hoạt động vào thứ hai, ngày 4/9.
Tuyên bố chính thức của tờ báo này ghi rõ nguyên nhân đóng cửa là "do những mối đe dọa pháp lý ngoài vòng pháp luật của chính phủ".
Tờ báo khẳng định sẽ đóng cửa vì liên quan tới vụ tranh chấp về thuế trị giá 6,3 triệu USD với Chính phủ Campuchia - một tranh chấp mà theo các đại diện của tờ báo cho rằng đã mang tính chất chính trị.
"Quyền đánh thuế là sức mạnh để tiêu diệt. Và sau 24 năm và 15 ngày, người ta đã phá hủy tờ The Cambodia Daily, một ấn bản đặc biệt và độc nhất vô nhị của báo chí Campuchia" - bản tuyên bố này nhấn mạnh.
"Thứ hai (ngày 4/9), dịch vụ của Cambodia Daily đối với người dân Campuchia sẽ kết thúc. Chúng tôi muốn cảm ơn tới nhân viên của chúng tôi, những người đã chiến đấu dữ dội và can đảm để đăng tải tất cả các tin tức một cách không hề sợ hãi" - tuyên bố kết luận.
Trang Fresh News dẫn lời Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Campuchia, ông Kong Vibol nhấn mạnh, dù có đóng cửa, chủ tờ báo này vẫn phải chịu trách nhiệm trả nợ thuế và không được rời khỏi Campuchia nếu chưa hoàn tất nghĩa vụ trả nợ thuế.
Theo thông báo của Tổng cục Thuế Campuchia, ngày 4/9 là thời hạn chót tờ báo này được phép khiếu nại đối với khoản nợ thuế trên.
Trước đó, Tổng Cục thuế Campuchia đã gửi một hóa đơn tiền phạt lên đến 6,3 triệu USD tới tờ Cambodia Daily và yêu cầu nộp trong một tháng.
Hóa đơn này được cho là tuân theo chỉ thị của Thủ tướng Hun Sen giao các cơ quan có thẩm quyền để xem xét chặt chẽ hơn việc tuân thủ nộp thuế của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông.
Ông Vibol cho biết, chủ nhân của tờ báo là Deborah Krisher-Steele, con gái của người sáng lập Bernard Krisher, đã nói rằng cô không hề hay biết về khoản nợ khi cô tiếp quản tờ báo này từ cha.
Đại diện Cambodia Daily nhấn mạnh rằng, trước khi được tiếp quản, ấn phẩm được vận hành như một tổ chức phi lợi nhuận và cô cũng lưu ý rằng, cả khoản đóng góp từ thiện của Krisher - theo báo cáo là hàng chục triệu - vẫn được tính vào thuế.
Bà Krisher cũng nói thêm rằng, đã yêu cầu mở cuộc kiểm toán và sẽ hợp tác đầy đủ nếu được yêu cầu.
"Nếu Bernard có nghĩa vụ đóng thuế tờ báo hàng ngày cho Campuchia, Tổng cục Thuế cần phải thực hiện một cuộc kiểm toán thực sự" - bà nói thêm rằng tờ giấy yêu cầu không có kèm thêm đánh giá thực sự về các chi phí, thu nhập và đóng góp của Cambodia Daily.
The Cambodia Daily không phải là tổ chức tin tức duy nhất được gửi thông báo về thuế. Các kênh thông tin bằng tiếng Khmer Châu Á Tự do và Tiếng nói của Mỹ cũng nhận được một lá thư của Bộ Kinh tế Campuchia đưa ra câu hỏi liệu họ có trả tiền thuế không hay có được cấp phép bởi Bộ Thông tin không.(ĐVO)
--------------------
Nếu bà Merkel đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ hết ‘cửa’ vô EU
Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước bầu cử, bà Merkel nói nếu đắc cử nhiệm kỳ mới, bà sẽ chấm dứt các đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh chụp lại từ màn hình cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên sẽ tham gia cuộc bầu cử thủ tướng Đức ngày 24-9 là bà Angela Merkel (trái) và ông Martin Schulz - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước đối thủ là ông Martin Schulz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bà Merkel nói: "Thực tế rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành thành viên EU".
"Tôi sẽ thảo luận với các đồng nghiệp của tôi (tại EU) để xem liệu chúng tôi có thể đi tới một quan điểm chung về vấn đề này không, để chúng ta có thể chấm dứt những đàm phán gia nhập này", bà Merkel nói thêm.
Những phát biểu của thủ tướng Đức Angela Merkel chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia thành viên NATO vốn đã không êm ả kể từ sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mở chiến dịch trấn áp các phần tử đối lập liên quan vụ đảo chính bất thành tháng 7 năm ngoái.
Hiện chưa có phản ứng nào từ Thổ Nhĩ Kỳ sau thông tin này. Thổ Nhĩ Kỳ đang trong kỳ lễ tôn giáo lớn của người Hồi giáo.
Theo dõi diễn tiến cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tại Berlin, Đức, có thể thấy bà Merkel nêu quan điểm sau khi ông Schulz có vẻ như muốn gây bất ngờ với bà khi tuyên bố sẽ xúc tiến chấm dứt đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24-9.
Ông Schulz nói: "Nếu tôi trở thành thủ tướng Đức, nếu người dân trong nước trao cho tôi trọng trách đó, tôi sẽ đề nghị với Hội đồng châu Âu việc chúng ta sẽ chấm dứt các đàm phán trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ".
Thoạt đầu bà Merkel tỏ ra thận trọng trước tuyên bố của đối thủ, nói rằng sẽ là vô trách nhiệm khi gây căng thẳng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm vẫn còn những công dân Đức đang bị giam giữ tại quốc gia này.
Hiện có 12 công dân Đức đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì những cáo buộc liên quan tội trạng chính trị. Bốn người trong đó có 2 quốc tịch.
Tuy nhiên sau đó, khi những người điều phối cuộc tranh luận chuyển sang một câu hỏi về tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Merkel đã trở lại vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, và bất ngờ tuyên bố quan điểm ủng hộ của bà với việc chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập khối của họ. (Tuoitre)