Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước - chặn dòng Mekong tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam và các nước vùng hạ lưu
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 05-09-2017: Mỹ dính đòn hồi mã thương trong ván cờ Triều Tiên
- Cập nhật : 05/09/2017
Kim Jong-un có thể kích hoạt chiến tranh nếu Bình Những nhận thấy sự đe doạ từ bên kia chiến tuyến, ngược lại Donald Trump không thể làm điều đó...
Ngày 3/9, Triều Tiên đã thử thành công một quả bom H để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mới được phát triển.
Đây là lần thừ bom H lần thứ hai của Bình Nhưỡng, sau lần thứ nhất được cho là diễn ra vào ngày 6/1/2016.
Năng lượng phát ra từ vụ thử thứ hai này lớn hơn bất kỳ vụ thử nghiệm trước đó của Bình Nhưỡng và nó đã đốt nóng dư luận cả thế giới. Nóng bởi sự liều lĩnh của Kim Jong-un. Nóng vì bất ngờ về kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên.
Mục đích của Bình Nhưỡng trong vụ thử này được nhìn nhận là để khẳng định mình, dằn mặt Mỹ, đồng thời tiếp tục nắn gân ý đồ của Trung Quốc.
Cho dù mục đích đạt được, song theo giới phân tích, qua vụ thử bom H lần này, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un còn đạt được nhiều hơn những mong muốn của mình qua tiếng nổ và sức nóng của bom nhiệt hạch.
Bình Nhưỡng khiến Washington phải trả giá khi chỉ kiến tạo Hiệp định đình chiến cho chiến tranh Triều Tiên
Việc chỉ có một Hiệp định đình chiến, mà không có một Hiệp định hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, để cho hơn 60 năm qua bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng chiến tranh, khiến các chuyên gia chính trị và quân sự thế giới đặt ra nhiều câu hỏi.
Giới phân tích cho rằng, việc Washington chọn một bản Hiệp định đình chiến cho chiến tranh Triều Tiên là nhằm đảm bảo khả năng công - thủ cho Mỹ đối với liên minh Xô – Trung trong thời Chiến tranh Lạnh.
Bởi lẽ, trước bất cứ đe doạ nào từ đối phương đối phương được nhận diện hay phát hiện, Washington ngay lập tức có thể sử dụng chiến trường Triều Tiên làm bàn đạp cho chiến lược công – thủ của mình.
Hiệp định đình chiến còn có ý nghĩa như một “cây gậy” mà Washington dùng để kiểm soát mọi hành động tại đất nước mặt trời mọc, nếu Tokyo có ý định nhằm làm thay đổi bản Hiến pháp do Mỹ đạo diễn soạn thảo cho xứ sở hoa anh đào, sau Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, còn Trung Quốc cũng không còn có thể kiểm toả được Triều Tiên, lúc này hiệp định đình chiến lại vô hình trung trở thành cơ hội cho chiến lược “thoát Trung” của Bình Nhưỡng.
Còn đối với Mỹ, những thay đổi trong khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi Bình Nhưỡng liên tục đạt những thành tựu về kỹ thuật tên lửa và hạt nhân, thì Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên trở thành dao hai lưỡi với Washington.
Triều Tiên đã lợi dụng tình trạng đang trong thời chiến để làm náo động vùng Đông Bắc Á, khiến các đồng minh của Mỹ tại khu vực này là Hàn Quốc và Nhật Bản đều phải có động thái của mình trước sự đe doạ, uy hiếp từ xứ Bắc Hàn.
Khi kỹ thuật tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên còn ở thời kỳ sơ khai, hành động của Bình Nhưỡng chủ yếu là “khua chiêng gõ mõ” và còn nằm trong vòng kiểm toả của Bắc Kinh, thì cả Seoul và Tokyo chỉ hậm hực phản đối, chờ đợi sự lên tiếng của Bắc Kinh và sự trấn an từ Washington.
Song nay Bình Nhưỡng ngày càng thoát xa Bắc Kinh, cùng với đó là kỹ thuật hạt nhân tại xứ Bắc Hàn không thể xem thường được nữa.
Điều đó khiến cho những hành động “chướng tai gia mắt” của Bình Nhưỡng không chỉ còn là võ miệng, mà là sự đe doạ nghiêm trọng tới đồng minh của Mỹ tại khu vực này.
Ông John Schilling, nhà phân tích về kỹ thuật tên lửa tại Trường Đại học Johns Hopkins cho rằng, sự thành công của những vụ thử tên lửa của Triều Tiên cho thấy chương trình kỹ thuật quân sự của Triều Tiên phát triển nhanh hơn so với dự kiến ban đầu của Bình Nhưỡng và vượt ngoài dự đoán của phương Tây
Do vậy, cho dù nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ, nhưng những hành động của Triều Tiên đã thực sự đe doạ chủ quyền quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc - vấn đề mà Washington không thể bảo trợ được. Thế là cả Seoul và Tokyo đều phải chuẩn bị có những hành động đối phó của riêng mình.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hoà bình mà Washington không còn là đạo diễn trong việc soạn thảo nữa, thì sự nguy hại tới nước Mỹ có thể đạt mức báo động.
Tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên giúp cho Bình Nhưỡng có điều kiện phát triển kỹ thuật tên lửa và hạt nhân
Còn khi kỹ thuật hạt nhân được phát triển tại Hàn Quốc thì đó sẽ là khởi phát sự đối đầu - một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu từ bán đảo Triều Tiên và khi đó thì tình hình có thể hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington.
Để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm đó, Mỹ buộc phải hướng mạnh tới Bình Nhưỡng, mà theo giới phân tích, không loại trừ một cuộc tấn công quân sự đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều đó là không dễ dàng với Mỹ. Bởi Triều Tiên đang trong tình trạng chiến tranh thì Bình Nhưỡng có quyền chuẩn bị các khả năng và thực hiện mọi biện pháp đáp trả tương xứng với sự đe doạ từ kẻ thù.
Theo giới phân tích, nếu bán đảo Triều Tiên không ở trong tình trạng chiến tranh thì việc biến Triều Tiên thành một Iraq.2 đã xảy ra từ lâu, song Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên được Mỹ kiến tạo đã khoá tay Washington.
Khi Bình Nhưỡng "tự tung tự tác" khiến Washington phải có kế hoạch đáp trả, giúp cho Bắc Kinh và Moscow có cơ hội gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực chiến lược Đông Bắc Á, dù Mỹ và đồng minh không mong muốn.
Mặc dù Bắc Kinh có động tác mạnh với Bình Nhưỡng, Moscow thì liên tục lên tiếng cảnh báo về hành động của Bình Nhưỡng, nhưng thực ra cả Moscow và Bắc Kinh đang là “ngư ông đắc lợi” từ hành động của Kim Jong-un.
Washington giúp cho Kim Jong-un "vĩ đại" hơn
Rõ ràng, Hiệp định đình chiến tạm thời cho Chiến tranh Triều Tiên được xem là bảo bối cho Kim Jong-un, khi nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn hành động mà không sợ gây thảm hoạ chiến tranh cho người Triều Tiên.
Không những vậy, Kim Jong-un có thể kích hoạt chiến tranh nếu Bình Những nhận thấy sự đe doạ từ bên kia chiến tuyến, ngược lại Donald Trump thì không thể làm điều đó.
Đã có nhiều chuyên gia nhận định rằng, vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên nói riêng, vấn đề hoà bình cho Triều Tiên nói chung, chỉ được giải quyết căn cơ bằng một hiệp định hoà bình và chắc chắn Washington đã có ý định hiện thực hoá việc ấy.
Chỉ có điều, một hiệp định hoà bình được bàn thảo sau hơn 60 năm kết thúc chiến sẽ cực kỳ phức tạp. Nó không chỉ là cơ hội cho Bình Nhưỡng khai thác lợi thế nhờ thành tựu kỹ thuật hạt nhân, mà cả Seoul và Tokyo cũng sẽ không chịu kém phần.
Lúc đó chỉ có Washington phải nhượng bộ bằng cách chia sẻ lợi ích để hy vọng hoà bình thực sự cho bán đảo Triều Tiên - điều mà dường như lúc này Washington ước mong có được hơn bao giờ hết.
Khi liên tục thể hiện hành động "chơi ngông" mà không bị trả đũa quân sự, Kim Jong-un đã cho thấy tài năng của một nhà lãnh đạo trong xây dựng chiến lược và tính toán kế hoạch hành động.
Qua đó hình ảnh Kim Jong-un - vị lãnh tụ vĩ đại của người dân Triều Tiên ngày càng được củng cố, từ đó mọi "thù trong" với nhà lãnh đạo trẻ sẽ được quét sạch, giúp cho Bình Nhưỡng yên tâm hướng tới "giặc ngoài".
Tóm lại, việc thử bom H của Kim Jong-un đã mang lại hai hiệu ứng đặc biệt. Đó là đưa Mỹ vào thế bị động và phải tính đến việc đối thoại với Triều Tiên, bên cạnh đó nó còn là tiếng nổ của bom “đắc nhân tâm” đánh vào lòng người dân xứ Bắc Hàn.
Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn