Trung Quốc tung “chuỗi trân châu” khiến Ấn Độ bất an
Ngày 11/7/2017, Trung Quốc bắt đầu chính thức đưa quân sang Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi và là nơi có căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài. Giới quan sát cho rằng dự án này của Trung Quốc làm cho Ấn Độ lo ngại. Tờ Hindustan Times của Ấn Độ nêu ra 5 lý do giải thích.
Hải quân Trung Quốc ngày càng vươn xa khỏi bờ biển nước này
Thứ nhất, Djibouti nằm ở cực tây Ấn Độ Dương, nhưng có lợi thế chiến lược quân sự làm cầu nối giữa vùng Trung Đông với châu Phi. Với việc cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại đây, Djibouti có khả năng trở thành một viên ngọc khác của “chuỗi trân châu” trong số các liên minh quân sự của Bắc Kinh.
Giới quân sự Ấn Độ lấy làm lo ngại vì chuỗi ngọc này có khả năng bao vây Ấn Độ. Ở một mức độ nào đó, có thể thấy “Chính sách Hướng Đông” của New Dehli được xem như là hành động đáp trả “chuỗi trân châu” Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc những năm gần đây đã gia tăng các hoạt động quân sự tại Ấn Độ Dương, khu vực mà New Dehli xem là vùng ảnh hưởng của mình. Trong vòng hai tháng gần đây, Ấn Độ ghi nhận khoảng hơn một chục tầu chiến Trung Quốc, kể cả tầu ngầm, khu trục hạm và các tầu dọ thám đến hoạt động trên vùng Ấn Độ Dương, buộc New Dehli phải tăng cường việc giám sát vùng biển chiến lược này.
Thứ ba, vì Ấn Độ Dương là nơi trung chuyển đến 80% lượng dầu thế giới và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc lý giải cần phải bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng năng lượng và vận chuyển hàng hóa dọc theo trục giao thông hàng hải quan trọng này.
Nhưng Ấn Độ Dương những năm gần đây còn là một sân chơi lớn giữa các cường quốc hòng tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế. Trong chiều hướng đó, để cạnh tranh với Ấn Độ, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương, qua việc đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu cảng, đường bộ và đường sắt.
Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố căn cứ tại Djibouti chỉ là một “cơ sở hậu cần” và Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng hay tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào. Tuy nhiên, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times của Trung Quốc không ngần ngại khẳng định rằng chẳng có gì là sai trái nếu như đấy quả thực là một căn cứ quân sự. “Đương nhiên, đây là căn cứ quân sự đầu tiên của quân giải phóng nhân dân ở hải ngoại và chúng ta sẽ đóng quân ở đó”, tờ báo viết.
Cuối cùng, việc bố trí một căn cứ quân sự ở Djibouti một lần nữa khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Khu vực này nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường - OBOR” đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm xây dựng một con đường tơ lụa mới.
Đây là dự án mà Ấn Độ không phải là một tác nhân chính, trong khi đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, vốn dĩ có tranh chấp lãnh thổ với nước này tại vùng Kashmir, lại nằm trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, một phần của OBOR. Một dự án đầy tham vọng mà New Dehli cho rằng thách thức vấn đề chủ quyền của Ấn Độ.(Viettimes)
---------------------
NATO “sốc” trước sự lợi hại của quân đội Nga tại Syria
Theo hãng tin Sputnik, một chuyên gia người Nga khẳng định rằng quân đội Nga đã chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu của mình tại Syria, điều mà các đồng minh NATO vẫn chưa thể làm được.
Hải quân Nga có kế hoạch bắt đầu diễn tập quy mô lớn và có thể sẽ oanh kích các cứ điểm của quân khủng bố tại Syria từ biển Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Nga hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc tập trận này. Cuộc diễn tập quân sự dự kiến sẽ diễn ra lần lượt vào các ngày 14, 19, 21, 26 và 28/7, bắt đầu từ 8 giờ sáng tới 6 giờ tối.
Một mục tiêu của tổ chức khủng bố IS bị tên lửa Kalibr của Nga bắn trúng.
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết, cuộc diễn tập này có thể sẽ có sự tham gia của các loại tàu chiến tối tân nhất của Nga và sẽ tiến hành một loạt các bài tập chiến thuật khác nhau. Ông cũng nói thêm rằng rất có thể tên lửa hành trình Kalibr sẽ được sử dụng trong cuộc tập trận này.
Tháng trước, các tàu khu trục Đô đốc Essen và Đô đốc Grigorovich cùng với tàu ngầm Krasnodar đã tấn công các trụ sở chỉ huy và kho đạn dược của các phần tử khủng bố tại tỉnh Hama (Syria) bằng tên lửa Kalibr.
Chuyên gia người Nga Vladislav Shurigin cho biết, cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu. “Đây là các cuộc diễn tập quân sự được lên kế hoạch từ cách đây một năm”, ông nói. “Toàn hạm đội đang tiếp thu những kinh nghiệm cần thiết để thực hiện mục tiêu đề ra”.
Ông Shurigin cũng tin rằng các cuộc tập trận này cũng phần nào nhằm chứng minh sức mạnh quân sự của Nga. “Hoạt động này cũng nhằm cho thấy khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân của chúng ta tại một khu vực tương đối xa xôi. Nếu cuộc diễn tập diễn ra thành công, nếu các tàu hoàn thành bài tập của mình, nếu mọi mục tiêu đã định đều bị tiêu diệt, tất cả các nước trên thế giới sẽ phải công nhận rằng Hải quân Nga đang rất mạnh”, ông nói.
Chuyên gia người Nga cũng nhấn mạnh rằng Nga đã có những thành công lớn trong suốt chiều dài chiến dịch quân sự tại Syria. “Gần đây, khả năng sẵn sàng chiến đấu của cả phi công và thủy thủ Nga đều rất đáng nể. Chúng ta có thể thấy được điều này từ các hoạt động quân sự tại Syria. Mặc dù đã có hơn 10.000 lần cất cánh làm nhiệm vụ trong hai năm qua, chúng ta không để mất một phi cơ nào vì vấn đề kỹ thuật hay sai sót của các phi công”, ông nói.
“Đối với NATO, đây là một cú sốc lớn bởi họ không lường trước được điều này. Tàu chiến của chúng ta có thể phóng tên lửa tiêu diệt quân khủng bố từ Biển hồ Caspi và biển Địa Trung Hải. Không có một vấn đề nào xảy ra và các mục tiêu đã định đều bị tiêu diệt”, ông Shurigin nhận định.
Chuyên gia người Nga Mikhail Nenashev tin rằng việc Nga công bố cuộc diễn tập quân sự của mình có thể coi là một bài học ứng xử đối với các nước đang hoạt động ở Syria.
“Trong cuộc chiến chống lại các thế lực khủng bố tại Syria, Hải quân và Không quân Nga đều hành động có chủ đích và đề phòng hậu quả không mong muốn xảy ra đối với các tàu chiến và máy bay hoạt động gần biển Địa Trung Hải”, ông Nenashev nói. Theo ông, Nga luôn thông báo hoạt động của máy bay và tàu chiến của mình cho các quốc gia khác hoạt động trong khu vực.
Ông Nenashev tin rằng cuộc diễn tập này có thể coi là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga cùng với Syria đã sẵn sàng để chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố “với kết quả là tổ chức khủng bố IS bị tiêu diệt hoàn toàn”.(Infonet)
-----------------------------
Dân Nhật phẫn nộ trước kế hoạch xả thải phóng xạ ở Fukushima
Các cư dân địa phương và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lên án kế hoạch xả thải phóng xạ ra Thái Bình Dương của nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima.
Ông Takashi Kawamura, chủ tịch tập đoàn Tepco của Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Theo báo Independent (Anh) các quan chức của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima, cho rằng các chất thải phóng xạ tritium có rất ít nguy cơ với sức khỏe con người và cũng sẽ mau chóng bị khuyếch tán ra đại dương.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, ông Takashi Kawamura, chủ tịch TEPCO, xác nhận: “Kế hoạch xả thải này đã được quyết định rồi”.
Tuy nhiên ông cũng nói thêm là nhà máy điện hạt nhân vẫn đang chờ chính phủ Nhật Bản phê chuẩn trước khi tiến hành xả thải, và cũng đang tìm kiếm sự cảm thông từ phía cư dân địa phương.
Đồng vị phóng xạ tritium được tích tụ lại trong nguồn nước vốn được sử dụng để làm mát ba lò phản ứng hạt nhân từng bị tan chảy sau khi thiết bị làm mát của chúng bị phá hủy trong trận động đất 9 độ Richter xảy ra ở vùng đông bắc Nhật Bản tháng 3-2011.
Khoảng 770.000 tấn nước nhiễm phóng xạ cao được chứa trong 580 bồn chứa tại nhà máy. Mặc dù nhiều chất độc đã được lọc bỏ nhưng công nghệ làm sạch nước hiện tại chưa thể loại bỏ khỏi nước phóng xạ tritium.
Bà Aileen Mioko-Smith, nhà hoạt động chống hạt nhân của tổ chức Green Action Japan có trụ sở tại Kyoto cho rằng: “Sự cố đã xảy ra từ hơn 6 năm trước và lẽ ra chính quyền đã có thể tìm ra được cách thức để loại bỏ tritium khỏi nước thay vì chọn cách thải chúng ra biển”.
Bà Aileen Mioko-Smith nói thêm: “Họ bảo rằng việc xả thải này là an toàn vì đại dương rất rộng lớn nên chất thải sẽ được khuyếch tán nhanh, nhưng điều đó sẽ đặt ra tiền lệ cho những người sau có thể bắt chước, về cơ bản là cho phép ai đó có thể xả chất thải hạt nhân ra các đại dương của chúng ta”.
Trong khi đó các ngư dân thường xuyên đánh bắt tại khu vực ngoài khơi của nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima cho rằng, bất cứ hoạt động xả thải phóng xạ nào cũng sẽ tiếp tay cho việc phá hoại sinh kế của họ vốn đã rất chật vật kể từ sau thảm họa hạt nhân vì động đất, sóng thần năm 2011.
Trao đổi với hãng tin Kyodo, ông Kanji Tachiya, người đứng đầu một hợp tác xã nghề cá ở địa phương, nói: “Việc xả thải tritium ra biển sẽ làm dấy lên một làn sóng tin đồn vô căn cứ mới và khiến mọi nỗ lực của chúng tôi trở thành công cốc”.(Tuoitre)
--------------------------
Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Afghanistan
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14.7 khẳng định lực lượng nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh chi nhánh ở Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đánh dấu lần thứ 3 trong một năm nhánh này mất người đứng đầu.
AFP dẫn thông cáo từ Lầu Năm Góc nói rõ rằng thủ lĩnh Abu Sayed bị tiêu diệt trong đợt không kích ngày 11.7 ở tỉnh Kunar. Một phần lớn của Kunar và tỉnh Nangarhar, gần biên giới giáp Pakistan, bị IS biến thành tỉnh Khorasan của tổ chức này hồi năm 2015.
Lầu Năm Góc cho biết thêm lực lượng Mỹ đã lần lượt tiêu diệt 2 người tiền nhiệm của Abu Sayed là Hafiz Saeed và Abdul Hasib vào tháng 7.2016 và tháng 4.2017. Khi đó, quân đội Mỹ tuyên bố cái chết của Hasib sẽ giúp họ đạt mục tiêu tiêu diệt chi nhánh IS ở Afghanistan trong năm nay.
Địa bàn hoạt động của Hasib ở Nangarhar không xa vị trí Mỹ đã thả một loại bom phi hạt nhân được gọi là “mẹ của các loại bom” hôm 13.4, khiến ít nhất 95 tay súng IS thiệt mạng. Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính IS hiện có chưa tới 1.000 thành viên ở Afghanistan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 14.7 khẳng định nước này chưa có bằng chứng xác nhận thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng. Hôm 11.7, Đài al-Sumaria News của Iraq loan tin IS đã ra thông cáo xác nhận Abu Bakr al-Baghdadi đã chết.(Thanhnien)