Trung Quốc tung “chuỗi trân châu” khiến Ấn Độ bất an; NATO “sốc” trước sự lợi hại của quân đội Nga tại Syria; Dân Nhật phẫn nộ trước kế hoạch xả thải phóng xạ ở Fukushima; Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Afghanistan
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 15-07-2017:
- Cập nhật : 15/07/2017
Mỹ sắp trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Triều Tiên
Reuters ngày 13-7 dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết do thất vọng với việc Trung Quốc chưa đủ mạnh tay gây áp lực lên chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vài tuần tới có thể áp lệnh trừng phạt mới vào các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đang làm ăn với Bình Nhưỡng.
Theo nguồn tin, các biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ sẽ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc mà Washington coi là “mục tiêu dễ dàng”, bao gồm các tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các công ty “ma” có tham gia chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, quan chức Mỹ từ chối tiết lộ thông tin về các mục tiêu Trung Quốc sắp bị Mỹ trừng phạt. Ngoài ra, nguồn tin cũng thêm rằng chính quyền Tổng thống Trump tạm thời chưa “sờ gáy” các ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Cờ của Trung Quốc và cờ của Mỹ được đặt tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hôm 30-6. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, một trong số hai quan chức trên cho hay mục tiêu đang bị cân nhắc trừng phạt có thể nằm trong danh sách các công ty với số lượng “hơn 10” mà ông Trump đã đưa cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 tại Florida.
Thời hạn cũng như phạm vi của lệnh trừng phạt trên sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng với những sức ép từ Mỹ trong việc kiềm chế Triều Tiên, trong bối cảnh giới chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tham dự một cuộc đối thoại cấp cao về kinh tế tại Washington vào ngày 19-7 tới.
Tổng thống Trump và các trợ lý ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng hôm 4-7 phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với khả năng có thể đặt toàn bộ khu vực Alaska của Mỹ vào tầm ngắm.
Reuters bình luận, gói trừng phạt dự định của Mỹ nhắm vào các công ty, ngân hàng nhỏ của Trung Quốc nhằm mục đích gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Washington sẽ quyết tâm có những bước đi xa hơn trong vấn đề này.(PLO)
--------------------
Triều Tiên đã đủ lực để quay lại đàm phán
“Với việc phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Triều Tiên nay đã có thêm một quân bài nặng ký để mặc cả và sẽ sớm quay lại bàn đàm phán” - bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia từng hỗ trợ tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức Washington-Bình Nhưỡng, nhận định.
Trả lời tờ Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng, bà cho rằng chính phủ Mỹ cần nắm lấy thời cơ, tăng tối đa áp lực và tiếp cận để khởi động các đàm phán với Bình Nhưỡng.
“Tốt nhất là Mỹ nên tập trung ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển thêm năng lực của ICBM thông qua đàm phán một thỏa thuận ngưng thử hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên hiểu họ sẽ phải tái đàm phán ở một thời điểm nào đó để giảm căng thẳng vì chúng ta đang tiến quá nhanh đến giới hạn khủng hoảng” - bà DiMaggio nhận định. Mỹ luôn đặt nặng mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên lúc này “cần phải thực tế và tạm gác mục đích này lại, ít nhất là trong ngắn hạn” - chuyên gia hàng đầu về hạt nhân của Mỹ đề xuất.
Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng đi ngày 4-7 là một ICBM.
Theo bà, Mỹ cần quyết định đâu là ưu tiên hàng đầu trong vấn đề Triều Tiên vào lúc này và đưa ra một mục tiêu tạm thời. Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm căng thẳng và ngăn Triều Tiên sử dụng/phổ biến vũ khí hạt nhân là cấp bách nhất.
Vào tháng 5-2017, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun đã có cuộc gặp không chính thức với các đại diện Bình Nhưỡng ở Oslo (Na Uy). Trả lời các PV tại Bắc Kinh, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui trở về từ cuộc gặp khẳng định đối thoại Bình Nhưỡng-Washington sẽ chỉ được mở nếu “các điều kiện phù hợp”. Là người đã hỗ trợ kết nối, tổ chức và tham dự cuộc gặp ở Oslo, bà DiMaggio cho biết: “Nhiệm vụ trước mắt là xác định “điều kiện phù hợp” họ muốn là gì. Mỹ cần kiểm tra Triều Tiên có nghiêm túc mong muốn đối thoại không và cách duy nhất để thử là xúc tiến đối thoại”.
Triều Tiên tập trung toàn lực để phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa vì xem đây là cách duy nhất để đảm bảo an ninh quốc gia. Bình Nhưỡng cho rằng Washington sẽ không tấn công một nước vừa có vũ khí hạt nhân vừa có thể bắn đầu đạn hạt nhân đến Mỹ. “Giờ đây Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và ICBM, họ đã có một vị thế vững chắc hơn để quay lại bàn đàm phán” - bà DiMaggio đánh giá (PLO)
---------------------------
Triều Tiên có thể cho Mỹ "chìm trong bóng tối"
Một số chuyên gia Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo Triều Tiên còn có thể tấn công và "đánh sập" mạng lưới điện của nước này.
Lý do họ đưa ra là là mạng lưới điện Mỹ ngày càng dựa nhiều vào các hệ thống điều khiển số kể từ năm 1977, khiến nguy cơ xảy ra mất điện cũng tăng theo.
Giờ đây, khả năng xảy ra một vụ tấn công của CHDCND Triều Tiên đồng nghĩa toàn bộ nước Mỹ có thể chìm trong bóng tối.
Một kịch bản ác mộng là xảy ra tấn công bằng vũ khí xung điện từ (EMP) nhằm vào mạng lưới điện này.
Bình Nhưỡng được cho là đã mua công nghệ cần thiết để phát triển vũ khí EMP cách đây hơn 10 năm. Một số chuyên gia hiện lo ngại Bình Nhưỡng có thể bắn rốc két mang vũ khí EMP lên không gian và kích nổ nó, gây ra các sóng EMP có thể phá hoại nhiều trạm cung cấp điện ở Mỹ.
Một khu vực ở TP Los Angeles - Mỹ bị mất điện vào tuần rồi. Ảnh: AP
Ngoài ra, lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc có thể trở thành mục tiêu bị tấn công nếu Bình Nhưỡng hiện thực hóa lời đe dọa hôm 14-7.
Quân đội Triều Tiên cho rằng toàn bộ lực lượng này vẫn nằm trong tầm bắn của vũ khí Bình Nhưỡng ngay cả khi Quân đoàn 8 của Mỹ chuyển đến trụ sở mới tại Trại Humphreys ở thành phố cảng Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 70 km về phía Nam
"Căn cứ quân sự của Mỹ càng lớn, quân đội của chúng ta càng dễ dàng bắn trúng mục tiêu. " - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn quân đội cho biết.
Người này còn nhấn mạnh rằng nếu ban lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh, quân đội sẽ tấn công và tiêu diệt các lực lượng Mỹ (tại Hàn Quốc).
Binh sĩ Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhap
Đây là lần đầu tiên quân đội Triều Tiên ra tuyên bố như thế kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến.
Với động thái chuyển trụ sở nói trên, lực lượng Mỹ đã chấm dứt sự hiện diện kéo dài suốt 64 năm qua tại căn cứ Yongsan ở trung tâm Seoul.
Bình Nhưỡng lâu nay vẫn lên án các cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington, xem đây là cuộc diễn tập cho một cuộc xâm lược Triều Tiên ngay cả khi Mỹ và Hàn Quốc trấn an bản chất các cuộc tập trận chung là phòng vệ. (NLĐ)