Mỹ tìm cách tái khởi động tiến trình hòa bình Ukraine; Quân đội Philippines tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Marawi; Ông Putin với “ván bài lật ngửa” tại Pháp; Nga tung đòn tại Syria và Ukraine, Mỹ-NATO phải gờm
Tin thế giới đáng chú ý 30-05-2017
- Cập nhật : 30/05/2017
Đức ám chỉ Trump khiến phương Tây 'suy yếu'
Ngoại trưởng Đức hôm nay cho rằng các hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump "đã làm suy yếu" phương Tây.
"Bất cứ ai đẩy nhanh biến đổi khí hậu bằng cách làm suy yếu hoạt động bảo vệ môi trường, bán vũ khí cho các vùng xung đột, không muốn giải quyết xung đột tôn giáo theo hướng chính trị, đều đang khiến hòa bình châu Âu bị đe dọa", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm nay nói.
Theo ông Gabriel, những chính sách tầm nhìn hạn hẹp của chính phủ Mỹ đi ngược lại các lợi ích Liên minh châu Âu (EU).
"Phương Tây trở nên nhỏ hơn, ít nhất là yếu hơn", ông Gabriel cho biết thêm.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên, đến Arab Saudi, Israel, Brussels và Italy để dự hội nghị thượng đỉnh G7. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/5 cho rằng Mỹ và Anh có thể không còn là những đối tác đáng tin cậy.(Vnexpress)
----------------------------------------
Philippines đóng cửa thêm một thành phố vì lo phiến quân xâm nhập
Thành phố Iligan ở Philippines hôm nay bị đóng cửa do lo ngại phiến quân từ Marawi cạnh đó xâm nhập.
Người đi sơ tán tràn ngập thành phố Iligan, trong lúc quân chính phủ Philippines đang chiến đấu đánh đuổi các tay súng phiến quân Maute ở thành phố Marawi cách đó 38 km, theo Reuters.
"Chúng tôi không muốn những điều đang xảy ra ở Marawi lại ập đến ở Iligan. Chúng tôi muốn bảo đảm an toàn cho người dân ở đây, ngăn chặn các phần tử xâm nhập và tiến hành các hoạt động khủng bố", Đại tá Alex Aduca, chỉ huy Trung đoàn Bộ binh số 4 của Philippines, cho biết.
Theo ông Aduca, một số tay súng Maute cố gắng đột nhập Iligan nhưng đã bị bắt. Chi tiết các vụ bắt giữ chưa được tiết lộ.
Hầu như 200.000 người Marawi sơ tán đã tới Iligan. Giới chức Philippines lo ngại sức chứa của thành phố đã đến giới hạn và các tay súng Maute có thể trà trộn vào dòng người sơ tán. Iligan hôm nay bị đóng cửa.
Cuộc chiến ở thành phố Marawi chống lại phiến quân Maute, lực lượng tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), được coi là thử thách an ninh lớn nhất với chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte trong 11 tháng qua.
Các tay súng Maute vẫn đang chiếm giữ nhiều khu vực ở Marawi, chống lại các cuộc tiến công bằng trực thăng và lính biệt động Philippines.
61 phiến quân, 20 thành viên lực lượng an ninh Philippines và 19 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh từ hôm 23/5, khi các tay súng Maute tấn công Marawi, phản ứng lại nỗ lực bắt giữ kẻ bị cho là thành phần chủ chốt của IS ở Philippines Isnilon Hapilon của quân chính phủ
Khả năng kháng cự lâu dài của nhóm Maute làm tăng thêm lo ngại về việc tư tưởng cực đoan của IS sẽ lan tràn ở miền nam Philippines, khiến nơi này có thể trở thành điểm trú ẩn cho các phiến quân từ Indonesia, Malaysia và xa hơn.
Quân đội Philippines tin rằng Maute phát động tấn công trước tháng lễ Hồi giáo Ramadan nhằm thu hút sự chú ý của IS và được công nhận là chi nhánh khủng bố tại Đông Nam Á.
Các nhân chứng ở Marawi cho biết họ thấy các phiến quân Maute vẫy cờ IS và mặc đồ đen, băng đen buộc đầu đặc trưng của tổ chức khủng bố.(Vnexpress)
--------------------------------
Ukraine đòi xây ‘pháo đài bất khả xâm phạm” sát biên giới với Nga?
Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã đề xuất việc xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” trên biên giới giữa Ukraine và Nga.
Theo Đài phát thanh Sputnik, trong một tuyên bố gửi tới Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 28/5, ông Oleksander Turchinov - người đứng đầu cơ quan trên cho biết biên giới của Ukraine với EU nên thuận tiện, đáng tin cậy và được trang bị phù hợp với tiêu chuẩn phương Tây, trong khi biên giới khu vực phía đông giáp với Nga phải trở thành “một pháo đài không ai có thể vượt qua”.
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Ukraine lên tiếng bày tỏ tham vọng to lớn xây “hàng rào lớn” dọc biên giới với Nga.
Năm 2014, cựu Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã bắt tay xây dựng một “bức tường” dọc biên giới phía đông đất nước. Một khi được hoàn thành, hệ thống phòng thủ nhiều lớp này dự định sẽ bao gồm hàng rào dài 1.900 km, các tháp quan sát, đèn tín hiệu, hệ thống giám sát và liên lạc, các đơn vị chiến đấu điều khiển từ xa, hào chống tăng…
Trong suốt nhiệm kỳ của ông Yatsenyuk, hàng rào biên giới miền đông trở thành một trong những dự án lớn nhất của chính phủ Ukraine, với dự trù chi phí lên tới 200 triệu USD. Tuy nhiên, cuối cùng, dự án đổ bể sau khi dính vào vụ bê bối “thâm hụt” tiền xây hàng rào.
Hơn thế nữa, khu vực mà “bức tường” được thiết kế hoàn thành đơn giản hiện giờ chỉ là hàng rào kim loại đơn thuần. Thậm chí còn không được bảo vệ thường xuyên nên giờ bị cỏ dại mọc chùm lên.
Đầu năm, quan chức tại vùng Kharkov – nơi dự án bức tường cũng dự định được tiến hành xây dựng – thông báo tiến trình dự án cũng đang phải tạm hoãn do không có kinh phí.
Về phần Yatsenyuk, ông đã xin từ chức từ tháng 4/2016 trong bối cảnh một vụ bê bối tham nhũng chấn động bị phát giác 3 tháng trước đó. Tháng 2/2017, Yatsenyuk lại một lần nữa khiến truyền thông chú ý khi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump lời khuyên xây tường biên giới với Mexico.(Baotintuc)
--------------------------------
Lãnh đạo Hàn Quốc, Pháp nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương
Ngày 29/5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, trong đó hai lãnh đạo bày tỏ hy vọng Seoul và Paris có khả năng phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược song phương thông qua việc tổ chức thường kỳ các cuộc gặp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc điện đàm ở Seoul ngày 11/5. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo người phát ngôn Phủ tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun, trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Tổng thống Moon Jae-in cho biết đã nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác ở cấp bộ trưởng, đáp lại đề nghị của người đồng cấp Pháp về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai tại Paris sau hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Seoul hồi năm ngoái.
Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao sự ủng hộ hoàn toàn của Pháp đối với quan điểm của Seoul về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông, Chính phủ Hàn Quốc muốn đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sớm hơn dự kiến thông qua việc duy trì các biện pháp trừng phạt bên cạnh đối thoại với Triều Tiên.
Ông nêu rõ Hàn Quốc hy vọng Pháp sẽ hỗ trợ nhiều trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên dựa vào những kinh nghiệm của Paris khi đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Về phần mình, ông Macron nhấn mạnh Pháp sẵn sàng chia sẻ với Hàn Quốc các thông tin về ngoại giao và quân sự liên quan vấn đề Triều Tiên. Tân Tổng thống Pháp Macron đã mời ông Moon đến thăm Paris để hai bên hội đàm trực tiếp bên lề Hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Đức vào tháng 7 tới. Ông Moon đã vui vẻ nhận lời mời này.(TTXVN)