Đằng sau màn 'nắn gân' mới nhất của Triều Tiên và Mỹ; Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc giải thể ủy ban thống nhất; Mỹ tập kết 3 tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương kiềm chế Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 30-05-2017
- Cập nhật : 30/05/2017
Tên lửa mới của Triều Tiên thách thức hệ thống phòng thủ Mỹ
Lầu Năm Góc chuẩn bị thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa vốn bị chỉ trích kém hiệu quả giữa lúc CHDCND Triều Tiên liên tục thử nghiệm thành công hàng loạt tên lửa thế hệ mới.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ thông báo sẽ tiến hành vụ thử nghiệm dùng hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên vào ngày mai (30/5). Lầu Năm Góc từng sử dụng GMD hiện hữu để đánh chặn nhiều loại tên lửa khác, ngoại trừ ICBM. Cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành từ một căn cứ ở bang California, hướng ra Thái Bình Dương, với mục tiêu giả lập được thiết kế tương tự ICBM của Triều Tiên đang hướng đến nước Mỹ.
Lâu nay, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ năng lực của GMD do hệ thống này do chỉ đánh chặn tên lửa thành công 9 lần trong số 17 cuộc thử nghiệm kể từ năm 1999, không bao gồm ICBM. Đợt gần đây nhất là vào tháng 6/2014, khi đó GMD ba lần liên tiếp đánh chặn thất bại, dù Mỹ đã chi hàng tỷ USD nâng cấp hệ thống này.
Giới phê bình cho rằng tỉ lệ thất bại của GMD là 67% và hệ thống này kém hiệu quả nếu chiến tranh thật sự bùng nổ bởi vì mục tiêu giả lập thường bay chậm hơn tên lửa thật sự (di chuyển với vận tốc 6 km/giây khi sắp đến gần mục tiêu tấn công).
“Tôi không thể hình dung được quân đội Mỹ sẽ phải làm gì nếu cuộc thử nghiệm ngày 30/5 thất bại. Đã có chỉ đạo "từ trên" là sự kiện này bắt buộc phải thành công để dằn mặt Triều Tiên”, tờ Chicago Tribune dẫn lời ông Philip Coyle, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Mỹ, cho biết.
Giới chuyên gia dự đoán đến năm 2020 Triều Tiên sẽ sở hữu ICBM có thể vượt qua Thái Bình Dương, vươn tới Mỹ. Bình Nhưỡng gần đây nhiều lần khẳng định có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Công nghệ tên lửa mới
Triều Tiên gần đây phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa công nghệ mới khiến Mỹ phải lo ngại, theo tờ The New York Times (Mỹ). Thế hệ tên lửa mới của Triều Tiên được trang bị động cơ dùng nhiên liệu rắn, nên chúng có thể được đưa ra khỏi hầm sâu trong núi và phóng chỉ trong vòng vài phút. Điều này thách thức GMD vốn chỉ có thể hoạt động hiệu quả nhờ vào hệ thống cảnh báo sớm từ vệ tinh.
Đáng chú ý nhất là các tên lửa mới của Triều Tiên đều hoạt động hiệu quả, không giống thế hệ trước đa phần nổ tung hay rơi xuống biển quá sớm trong những đợt thử nghiệm. Các cuộc thử nghiệm gần đây diễn ra thành công, giúp Triều Tiên rút ra nhiều kinh nghiệm về cách phóng tên lửa vào không gian và đánh trúng mục tiêu tầm xa.
Trước đây, động cơ tên lửa Triều Tiên dùng nhiên liệu lỏng nên phải mất nhiều giờ liền châm nhiên liệu, cho phép Mỹ có thời gian đánh phủ đầu. Nhưng nay nhiên liệu rắn được gắn sẵn trong thân tên lửa ngay trong nhà máy nên thời gian chuẩn bị rút ngắn từ vài giờ xuống vài phút. “Đây là điều đáng lo ngại. Mỹ có rất ít thời gian để cảnh báo và chuẩn bị đánh chặn tên lửa Triều Tiên”, chuyên gia Philip E. Coyle III, cựu cố vấn Nhà Trắng - giám đốc đơn vị thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc, cảnh báo.
Ông John Schilling, kỹ sư hàng không Mỹ - chuyên gia về chương trình tên lửa Triều Tiên, kết luận Bình Nhưỡng đủ khả năng triển khai tên lửa động cơ nhiên liệu rắn trong năm nay, sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây của ông là phải thêm 5 năm nữa.
Cộng đồng tình báo Mỹ đã không thể phát hiện Triều Tiên chuyển từ động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng sang rắn từ năm 2016, buộc Washington phải chạy đua nâng cấp GMD hiện hữu, tờ The New York Times dẫn lời các quan chức đương nhiệm và về hưu giấu tên tiết lộ. Tuy nhiên, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định vẫn đang theo sát hoạt động phát triển tên lửa dùng nhiên liệu rắn của Triều Tiên.
Một cựu quan chức Mỹ theo dõi sát sao thông tin tình báo về Triều Tiên cho rằng không thể kết luận tình báo Mỹ thất bại, nhưng chính phủ đánh giá thấp tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Vào ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ không thể đợi Triều Tiên hoàn tất chương trình tên lửa rồi mới phản ứng. Ngay sau đó, Triều Tiên ngày 29/5 phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắm, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Đến nay, phản ứng của Mỹ trước chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bao gồm các lệnh trừng phạt và chương trình tấn công mạng bí mật do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng cách đây ba năm sau khi kết luận GMD hoạt động không hiệu quả.(ThanhNien)
-----------------------------------------
Trump nói Triều Tiên thử tên lửa là 'rất bất kính' với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ phóng tên lửa hôm nay của Triều Tiên là hành động "bất kính" với Trung Quốc.
"Triều Tiên đã cho thấy sự bất kính lớn với nước láng giềng, Trung Quốc, bằng việc phóng thêm một tên lửa đạn đạo... Nhưng Trung Quốc đang rất cố gắng", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter cá nhân hôm nay, AFP đưa tin.
Triều Tiên sáng sớm nay phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được cho là Scud, lần phóng thử thứ 12 kể từ đầu năm nay. Theo quân đội Hàn Quốc và Mỹ, tên lửa bay khoảng 450 km trong 6 phút rồi rơi xuống biển Nhật Bản.
Tổng thống Trump, tại hội nghị thượng đỉnh G7 tuần trước, tuyên bố "rắc rối lớn" Triều Tiên "sẽ được giải quyết". Ông cũng từng cảnh báo không loại trừ lựa chọn nào.
Tuy nhiên, Washington hiện mới chỉ chọn trừng phạt và áp lực ngoại giao, trông chờ Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, tăng cường sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng. Trong cuộc phỏng vấn với CBS News ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo chiến tranh với Triều Tiên sẽ là "thảm họa".(Vnexpress)
------------------------------
Triều Tiên có thể dẫn đường tên lửa bằng vệ tinh nước ngoài
Nhiều loại tên lửa và pháo phản lực Triều Tiên được cho là sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác từ mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Triều Tiên gần đây phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 lên độ cao hơn 2.000 km rồi sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Vụ phóng này khiến giới phân tích quân sự quốc tế chú ý tới khả năng dẫn đường cho tên lửa của Triều Tiên, theo National Interest.
Những tên lửa đạn đạo có tầm bắn rất cao như Pukguksong-2 phải được dẫn đường bằng vệ tinh để có thể rơi xuống vùng biển gần bờ mà không đâm xuống đất liền hay bay lạc sang không phận các nước láng giềng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Triều Tiên hiện nay chưa tự sở hữu hệ thống vệ tinh cần thiết có thể dẫn đường cho tên lửa.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Triều Tiên nhiều khả năng đã sử dụng hệ thống định vị toàn cầu từ các vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) của Trung Quốc để dẫn đường cho các tên lửa đạn đạo của mình.
Năm 2014, Trung Quốc mời các kỹ sư 8 nước châu Á, trong đó có Triều Tiên, tới thăm trung tâm vận hành vệ tinh ở Hà Bắc để giới thiệu về BDS.
Bắc Đẩu được triển khai từ năm 1994, là mạng lưới tương tự Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Nó có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Hệ thống này được Trung Quốc hoàn thiện vào cuối năm 2012 với 16 vệ tinh trên quỹ đạo để cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu.
Cuối năm 2014, tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết Bắc Kinh không thể ngăn cản Bình Nhưỡng sử dụng hệ thống BDS cho mục đích quân sự. Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên đã sử dụng hệ thống định vị này để dẫn đường cho máy bay không người lái xâm nhập không phận Hàn Quốc để do thám.Tuy nhiên, các chuyên gia hiện chưa thể chắc chắn Triều Tiên đã sử dụng phiên bản nào của Bắc Đẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng nước này đã sử dụng bản quân sự, do thiết bị dân sự dễ bị gây nhiễu điện tử và có độ chính xác kém hơn. Để sử dụng bản quân sự, Triều Tiên sẽ cần tới sự hợp tác của Trung Quốc, trong đó bao gồm chuyển giao công nghệ và thiết bị.
Ngoài Bắc Đẩu, Triều Tiên cũng có thể sử dụng hệ thống GPS của Mỹ hay Glonass của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và công nghệ quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng trong thập niên 2000, nên khả năng nước này sử dụng Glonass là không cao.
Hệ thống pháo phản lực (MLRS) KN-09 ra mắt trong cuộc duyệt binh ngày 15/4 có thể kết hợp tín hiệu của Bắc Đẩu và Glonass để tăng độ tin cậy và chính xác. KN-09 được cho là bản sao chép từ MLRS Trung Quốc, có hình dáng và cơ chế hoạt động rất giống pháo phản lực Nga.(Vnexpress)
-----------------------
Cầu 350 triệu USD dang dở vì căng thẳng Trung - Triều
Cầu Mới sông Áp Lục chưa được hoàn thiện là biểu tượng cho mối quan hệ căng thẳng Trung - Triều vì các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cầu Mới sông Áp Lục được Trung Quốc đầu tư 350 triệu USD để thúc đẩy thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nhưng bị bỏ dở vì Triều Tiên theo đuổi các chương trình tên lửa và hạt nhân, theo Business Insider. Ở phía Triều Tiên, cầu dẫn vào một cánh đồng đất. Ở phía Trung Quốc, Bắc Kinh thiết lập một vành đai quân sự có hàng rào thép gai bảo vệ.
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo. Triều Tiên sáng sớm nay được cho là phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Nhật Bản. Tên lửa bay khoảng 450 km trong 6 phút. Quân đội Hàn Quốc nghi ngờ đây là mẫu tên lửa đạn đạo Scud.
Chính sách của Bình Nhưỡng khiến Bắc Kinh thay đổi quan điểm. Các quan chức Trung Quốc trước đó cho biết đã thắt chặt công tác tuần tra, kiểm soát dọc biên giới với Triều Tiên.
"Mỹ nhìn thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong sự tiếp cận của Trung Quốc với Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc đồng minh này ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân", USA Today dẫn lời Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ngày 26/5.(Vnexpress)
-----------------------