Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phản đối Trung Quốc xây sân bay Long Thành
Tin thế giới đáng chú ý sáng 02-09-2017
- Cập nhật : 02/09/2017
Tân Tư lệnh Lục quân Trung Quốc phá vỡ tiền lệ
Tướng Hàn Vệ Quốc đã được thăng chức 3 lần trong 2 năm lên Thượng tướng, phá vỡ tiền lệ trong PLA.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/9 thông tin, nước này đã bổ nhiệm Tư lệnh Lục quân mới.
Theo đó, Thượng tướng Hàn Vệ Quốc là người nắm giữ chức vụ này.
Thượng tướng Hàn Vệ Quốc nhận nhiệm vụ thay cho ông Lý Tác Thành - hiện được thăng chức Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Điều đáng chú ý là tốc độ thăng chức của Thượng tướng này được đánh giá ở mức kỷ lục, phá vỡ tiền lệ thăng cấp trong hệ thống PLA.
Ông Hàn Vệ Quốc sinh năm 1956, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy chiến dịch liên hợp, Đại học Quốc phòng và hiện có thêm bằng Thạc sĩ quân sự.
Hàn Vệ Quốc từng là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 12, Quân khu Nam Kinh và Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh.
Đây là lần thăng cấp lần thứ ba của ông Hàn trong thời gian khoảng thời gian hai năm (từ tháng 7/2015 - 8/2017).
Tháng 7/2015, ông Hàn từ Thiếu tướng trở thành Trung tướng. Tháng 7/2017, ông này tiếp tục được thăng từ Trung tướng lên hàm Thượng tướng. Cho đến nay được nắm giữ toàn bộ lực lượng Lục quân Trung Quốc.
Theo Nhật báo Bắc Kinh, mới ngày 31/8, Tư lệnh lục quân Hàn Vệ Quốc đã tham gia và phát biểu tại buổi bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ 9 Đảng cộng sản Trung Quốc khu Vệ Thú (Bắc Kinh).
Trước đó, vào tháng 2/2016, tại Đại hội thành lập chiến khu PLA, trong năm Tư lệnh chiến khu tới tham dự, Hàn Vệ Quốc là Tư lệnh chiến khu duy nhất có xuất phát điểm từ Phó Tư lệnh quân khu.
Ông cũng chính là Tổng chỉ huy phụ trách cuộc diễu binh Chu Nhật Hòa nhân kỷ niệm 90 năm thành lập PLA hồi tháng 7 vừa qua dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu tự trị Nội Mông với 12.000 binh sĩ và những vũ khí, khí tài hiện đại nhất trong biên chế nước này.
Các nhà phân tích đánh giá tướng Hàn Vệ Quốc là người ủng hộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như các chính sách cải cách quân đội của ông. Ông Hàn được thăng hàm Trung tướng chỉ hai ngày trước khi diễn ra cuộc duyệt binh tại Nội Mông.
Đợt cải tổ lãnh đạo này diễn ra trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội, bổ sung nhiều khí tài hiện đại và đổi mới huấn luyện, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu bình luận: Điều này cho thấy, Hàn Vệ Quốc đã trở thành "Thượng tướng hai lớp" đầu tiên sau đợt cải cách lần này.
"Thượng tướng hai lớp" được dùng để chỉ người đứng đầu quản lý một quân chủng và một chiến khu.
Trả lời phỏng vấn của Hoàn cầu, một chuyên gia đánh giá, Hàn Vệ Quốc từng là Tư lệnh chiến khu, nhiệm vụ chủ yếu là trù hoạch sách lược trên chiến trường, tham mưu chiến tranh và chiến thắng trong chiến tranh vì thế ông càng nắm rõ chiến tranh hiện đại cần một lục quân như thế nào hay làm thế nào để xây dựng một quân chủng lục quân phù hợp với yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Bởi theo chuyên gia này, hiện lục quân Trung Quốc còn tồn tại điểu yếu kém hơn so với các quân chủng binh chủng khác trong tác chiến liên hợp.
"Lần điều chuyển chức vụ lần này của Hàn Vệ Quốc cho thấy, quân đội Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu xây dựng quân chủng lục quân theo hình thức mới.
Với kinh nghiệm dày dặn, Tướng Hàn Vệ Quốc có thể nhanh chóng giúp lục quân Trung Quốc thực hiện cú chuyển mình từ truyền thống sang hùng mạnh, hiện đại và có lợi đối với các thiết kế thượng tầng khoa học, thực tế của lục quân trong tương lai và thực chiến", tờ Hoàn cầu viết.(ĐVO)
--------------------------
Cảnh sát Mỹ mất việc vì phát ngôn 'chỉ giết dân da đen'
Trung úy cảnh sát Greg Abbott khi kiểm tra một ô tô đã “trấn an” chủ xe rằng cảnh sát "chỉ giết người da đen".
Tờ The Washington Post ngày 1.9 đưa tin Sở cảnh sát hạt Cobb, bang Georgia (Mỹ), tuyên bố sẽ sa thải cảnh sát Greg Abbott sau khi báo chí đăng tải đoạn phim quay bằng camera của xe cảnh sát.
Trước đó, tờ The Atlanta Journal-Constitution đăng tải đoạn phim ông Abbott đứng bên ngoài kiểm tra một xe hơi vào tháng 7 năm ngoái. Một phụ nữ trong xe nói rằng bà không muốn đặt tay xuống lấy điện thoại vì lo sợ sẽ bị bắn nhấc tay lên. Bà nói mình đã xem “quá nhiều đoạn phim” cho thấy cảnh sát bắn thường dân.
Bà chưa dứt lời thì ông Abbott chen ngang: “Nhưng bà không phải là người da đen. Nhớ là chúng tôi chỉ giết người da đen, đúng không? Trong tất cả đoạn phim từng xem thì bà có thấy người da đen bị giết không? Đúng không?”
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31.8, cảnh sát trưởng hạt Cobb Mike Register cho rằng ông Abbott là người đáng kính dù ông phạm sai lầm.
Sở cảnh sát nhận được thông tin về đoạn phim vào tuần trước và đang tiến hành điều tra. Ông Lance LoRusso, luật sư của ông Abbott, cho biết thân chủ mình hoàn toàn hợp tác.
“Ông ấy đang cố giảm căng thẳng trong tình huống liên quan đến một hành khách trên xe không chịu hợp tác. Lời nói của ông ấy rõ ràng muốn khiến hành khách này tuân thủ”, ông LoRusso nói.
Tuy nhiên, ông Register cho rằng không có lý do thỏa đáng nào có thể biện hộ nào cho trường hợp này. “Cho dù tình huống nào đi chăng nữa, những lời nói như thế là không chấp nhận được và không đại diện cho một văn hóa mà chúng tôi đang khuyến khích tại sở cảnh sát cũng như trên toàn hạt”, ông nói(Thanhnien)
--------------------------------
Quan hệ Nga – Mỹ sẽ đi về đâu sau màn trả đũa ngoại giao rầm rộ?
Trong khi Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cắt giảm 455 nhà ngoại giao về nước kể từ ngày 1/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc nhở người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng phía Washington đã gửi thông báo cho Tổng thống Vladimir Putin về lệnh đóng cửa 3 cơ sở ngoại giao của Nga từ ngày 2/9. Dường như vòng xoáy trả đũa lẫn nhau đã bắt đầu.
Cựu chuyên gia phân tích tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Philip Giraldi phát biểu với kênh RT (Nga): “Đó là một sự leo thang đáng tiếc về một vòng trừng phạt chống Nga bởi chính quyền Trump”. “Điều này tạo ra một vòng xoáy trừng phạt và trả đũa bất tận mà không có lối thoát dễ dàng nào. Nó không phải một dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng thực chất đang tìm cách để cải thiện quan hệ với Kremlin”, ông Giraldi lập luận.
Hôm 31/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu đóng cửa tòa lãnh sự quán Nga ở San Francisco cùng với hai tòa nhà phụ ở Washington và New York. Quyết định này được đưa ra để trả đũa việc Moskva yêu cầu Washington cắt giảm 455 nhà ngoại giao về nước kể từ ngày 1/9. Thông qua điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc nhở người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng phía Mỹ đã gửi thông báo cho Tổng thống Vladimir Putin về lệnh đóng cửa từ ngày 2/9 này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Lệnh đóng cửa do chính quyền Trump ban hành là một ví dụ mới nhất của mối quan hệ song phương đang xấu đi giữa Washington và Moskva. Tháng 12 năm ngoái, chính quyền Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao của nước này tại Mỹ - động thái trừng phạt liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Chính phủ Nga khi đó vốn định trả đũa ngay lập tức nhưng cuối cùng lại quyết định chờ đợi Tổng thống Trump lên nắm quyền rồi xem xét tình hình.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước. Tuy nhiên áp lực từ Quốc hội Mỹ, đặc biệt là các thành viên đảng Dân chủ đã đạp đổ các nỗ lực trên. Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua các dự luật trừng phạt bổ sung chống Nga. Tổng thống Putin phản ứng bằng cách tuyên bố cắt giảm sự hiện diện ngoại giao Mỹ tại đất nước mình. Mục đích của nhà lãnh đạo Nga, theo lời ông nói tại thời điểm đó, là tạo ra sự công bằng giữa mức độ nhân viên ngoại giao của hai nước.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ đưa ra phản ứng thích hợp sau khi nghiên cứu các biện pháp cấm vận của Mỹ. “Để trích dẫn lời của lãnh tụ Vladimir Lenin, chúng tôi không cần bất cứ cơn bùng nổ dữ dội nào”, ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Washington mới được bổ nhiệm khẳng định.
Trong khi đó, cựu đại sứ Anh tại Syria và Bahrain, ông Peter Ford lại tin tưởng quyết định đóng cửa 3 cơ sở ngoại giao Nga là một ví dụ cho sự mâu thuẫn trầm trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là kết quả cuộc một cuộc vật lộn đang diễn ra trong nội bộ chính quyền.
“Tôi nghĩ hành động của Mỹ vừa hoang tưởng vừa lưỡng cực cùng lúc. Người Nga có lẽ sẽ thấy rất rắc rối để đọc vị hành xử của Mỹ, hoàn toàn không có tính kiên định”, Ford phát biểu với kênh RT.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Jim Jatras thì cho rằng: “Đối với nhiều người ở Washington, các quan hệ tồi tệ với Nga là một dấu chấm hết cho chính nó, chứ không phải một phương tiện để kết thúc. Nếu có ai đó trong chính quyền của ông (Trump) muốn cải thiện quan hệ với Nga, đó chính là ông ấy – tuy nhiên tôi có thể nói rằng ông ấy là người duy nhất”.
Ông Dan Kovalik, giáo viên môn nhân quyền quốc tế tại Đại học Pittsburgh lại nêu ý kiến cá nhân rằng cuộc khủng hoảng leo thang này do phía Mỹ châm ngòi. “Ngay khi có vẻ như là một bước đột phá giữa Mỹ và Nga tại hội nghị thượng đỉnh G-20, Quốc hội Mỹ đã phản ứng về khả năng của một sự hòa hoãn bằng một dự luật áp đảo và hiệu lực lập tức áp đặt một vòng trừng phạt mới chống Nga, nhằm vào hoạt động buôn bán khí đốt tự nhiên của Nga tại châu Âu”.
Ông Kovalik cho rằng: “Đã đến lúc Mỹ cần rút khỏi các hoạt động khiêu khích Nga và tìm một con đường để hợp tác với Nga như bạn bè và đối tác như Nga đã mong muốn nhiều năm nay”.
“Biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người trên trái đất, trừ khi chúng ta cuối cùng có được một sự nhất quán trong lãnh đạo Mỹ, để rút lui khỏi bờ vực”, giáo sư truyền thông Mark Crispin tại Đại học New York cho biết. (Baotintuc)