Át chủ bài của ông Trump tại Afghanistan là gì?; Nếu Mỹ 'xé thỏa thuận', Iran chỉ cần 5 ngày để khôi phục chương trình hạt nhân; Mỹ đòi LHQ thanh sát các cơ sở quân sự Iran; Chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc, bộ trưởng Sri Lanka bị sa thải
Tin thế giới đáng chú ý sáng 24-08-2017
- Cập nhật : 24/08/2017
Thủ tướng Israel sẽ đối chất với ông Putin về Iran
Thủ tướng Israel Emmanuel Netanyahu sắp có buổi gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại TP Sochi (Nga) ngày 23-8. Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Israel cho biết ông Netanyahu sẽ nhân cuộc gặp này bày tỏ sự bất bình của mình về hành động của Iran ở Syria, rằng ông lo ngại Iran và các đồng minh Shiite sẽ mở rộng hiện diện ở Syria.
Bản thân ông Netanyahu cũng đề cập chuyện này trước cuộc gặp với ông Putin. “Tôi sẽ bàn với ông Putin về chuyện Iran nỗ lực củng cố sức mạnh ở Syria. Điều này không chỉ là vấn đề với Israel mà với tất cả các nước ở Trung Đông và cả thế giới" - ông Netanyahu nói ngày 22-8.
Thủ tướng Netanyahu trong cuộc họp nội các ngày 13-8 ở Israel. Ảnh: REUTERS
Ông Netanyahu từng công khai cáo buộc Iran có kế hoạch lập các căn cứ không quân và hải quân ở Syria, đe dọa Israel sẽ đánh phủ đầu để ngăn Iran làm thế.
Nga hiện đang giữ vai trò chính trong đàm phán lập một số vùng giảm căng thẳng ở Syria. Israel lo ngại các vùng giảm căng thẳng này sẽ tạo thuận lợi cho Iran và nhóm vũ trang Hezbollah củng cố sức mạnh. Về phần mình Nga vẫn luôn cho rằng ảnh hưởng quân sự của mình sẽ ngăn chặn Iran và Hezbollah mở mặt trận mới đối đầu với Israel.
“Chúng tôi có xem xét đến các quyền lợi của Israel ở Syria” – đại sứ Nga tại Israel Alexander Petrovich Shein khẳng định ngày 22-8.
Tổng thống Putin thăm nhà máy thủy điện Nizhne-Bureiskaya tại vùng Amur của Nga ngày 3-8. Ảnh: SPUTNIK
Một nước khác cũng có vai trò lớn trong quá trình đàm phán này là Mỹ. Mục tiêu của Mỹ trong chuyện này là để đánh IS. Tuy nhiên Israel đã nói với Mỹ rằng Iran là mối đe dọa lớn hơn.
Sau cuộc gặp với ông Putin, ông Netanyahu sẽ bay trở về Israel để tiếp phái đoàn Mỹ do cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể Tổng thống Donald Trump dẫn đầu.
“Chúng tôi sẽ khoanh vùng các quyền lợi ngoại giao và chính trị với Mỹ, và sau đó với Nga, cùng nỗ lực đưa Iran quay lại vị trí ban đầu của mình” – kênh truyền hình Channel Two dẫn lời cố vấn an ninh Yoav Gallant của ông Netanyahu.(PLO)
--------------------------------
Hoa Kỳ “bơm” đợt năng lượng đầu tiên đến Ukraine
Ria Novosti đưa tin, Hoa Kỳ tuyên bố rằng việc cung cấp than cho Ukraine sẽ giúp Kiev ổn định nguồn năng lượng, và qua đó Hoa Kỳ sẽ từng bước đạt được mục tiêu thống trị năng lượng thế giới.
Theo Ria Novosti, Washington đã gửi đến Kiev lô hàng than đầu tiên từ Pennsylvania theo hợp đồng giữa công ty nhà nước Ukraine Centrenergo với công ty Hoa Kỳ Xcoal Energy & Resources.
Theo thông báo được công bố trên trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ, trong buổi lễ trao hàng tại Baltimore, về phía Mỹ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thương mại Israel Hernandez, Trợ lý vấn đề quốc tế của Bộ trưởng Năng lượng Wells Griffith và lãnh đạo công ty Xcoal, còn về phía Ukraine có đại diện là ông Valery Chaly- đại sứ của nước này tại Hoa Kỳ.
Trị giá của lô hàng đầu tiên là 113 USD/tấn than. Phía "Centrenergo" nhấn mạnh rằng chi phí nguyên vật liệu sẽ thay đổi tùy từng lần giao hàng.
Theo hợp đồng, Kiev sẽ nhận được 700 nghìn tấn than vào cuối năm nay. Cho đến cuối tháng Chín, dự kiến họ sẽ nhận được hai lô nguyên liệu với tổng cộng 210.000 tấn, và trong tương lai những con tàu chở than sẽ đến đúng tiến độ khoảng một lần hoặc hai lần một tháng.
Nga không từ bỏ kế hoạch
Ukraine dự kiến rằng than của Mỹ sẽ giúp quốc gia này vượt qua thời gian mùa Đông giá buốt 2017-2018. Bình luận về việc ký kết thỏa thuận, Nhà Trắng cho biết thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp than và vận tải của Mỹ, đồng thời giúp họ đạt được mục tiêu "thống trị năng lượng" thế giới.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh: "Sự hợp tác này sẽ cung cấp cho Ukraine một nguồn thay thế độc lập, đáng tin cậy và cạnh tranh về năng lượng, qua đó sẽ giúp ổn định nguồn cung cấp năng lượng, điều mà trong lịch sử chỉ xảy ra theo ý muốn của nước láng giềng không ổn định".
Kiev đã kêu gọi các nhà cung cấp nhiên liệu khoáng sản mới, sau khi từ chối mua hàng từ hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR). Năm 2016, nguồn than của Ukraine đến từ hai nước - Nga và Nam Phi. Bộ Năng lượng Nga tin rằng tác động của than Mỹ đối với việc cung cấp nguyên liệu từ Nga sang Ukraine sẽ không đáng kể. Theo Thứ trưởng Anatoly Yanovsky, Nga vẫn giữ kế hoạch giao hàng than trị giá khoảng 10 triệu tấn mỗi năm.
"Cuộc chơi đẹp"
Các chuyên gia tin rằng trong quyết định mua than từ Mỹ của Ukraine, những cân nhắc chính trị đã được ưu tiên hơn khía cạnh kinh tế. Theo Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga Sergey Pikin, với khối lượng giao hàng dưới một triệu tấn, mặc dù không quá lớn, nhưng vẫn có ý nghĩa cần thiết đối với Kiev.
Có thể tiền sẽ được lấy từ Ngân hàng Thế giới hay bất kỳ tổ chức tài chính quốc tế khác - họ có ưu đãi tín dụng rất tốt cho những chương trình mà người thụ hưởng cuối cùng là các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Điều này áp dụng cho lĩnh vực than đá và các nguồn cung cấp khác - bao gồm cả nhiên liệu hạt nhân. Vì vậy, trong mọi trường hợp họ sẽ tìm ra cách rút tiền", chuyên gia nói trên sóng của đài phát thanh Sputnik.
Ông Pikin nhận định: Một tình huống tương tự là khí đốt Nga được cung cấp ngược từ châu Âu – Kiev mua cũng nguồn khí đốt ấy của Nga từ châu Âu, nhưng với giá đắt hơn, và họ làm thế vì lý do chính trị - đó là lợi ích của "trò chơi đẹp" đối với Washington.
Trong một diễn biến khác, Nhóm công tác của Ukraine điều tra thông tin trên tờ New York Times (Mỹ) cho rằng nước này liên quan đến các hoạt động chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều Tiên, đã xác nhận chính quyền Kiev không liên quan đến vấn đề này.
Báo cáo của Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Oleksandr Turchynov trình lên Tổng thống Petro Poroshenko nêu rõ: "Sau khi tổng hợp các thông tin của New York Times cũng như xem xét đề xuất của ủy ban liên ngành và tài liệu từ các cơ quan nhà nước về vấn đề này, nhóm công tác nhất trí đi đến kết luận rằng chính quyền Ukraine hoàn toàn không liên quan đến việc tiến hành các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".
Trong khi đó, ông Poroshenko đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Ukraine khởi xướng một cuộc thảo luận về việc Ukraine không liên quan đến chương trình tên lửa Triều Tiên tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).(Infonet)
--------------------------
Chuyến thăm lịch sử, thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam – Indonesia
Theo TTXVN, chiều 22/8, tại trụ sở Quốc hội Cộng hòa Indonesia ở thủ đô Jakarta, được sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia Zulkifli Hasan, Phó Chủ tịch Evert Ernest Mangin Dan và Phó Chủ tịch Hidayat Nur Wahdid đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thay mặt Ban Lãnh đạo Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia, Ngài Evert Ernest Mangin Dan nhiệt liệt hoan nghênh và bày tỏ vui mừng được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm lại Indonesia; khẳng định chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là biểu hiện sinh động của quan hệ truyền thống hữu nghị, gắn bó giữa hai nước, là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, tạo dấu mốc quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển mạnh mẽ và thực chất, đáp ứng lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ban Lãnh đạo Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; bày tỏ vui mừng được trở lại thăm đất nước Indonesia tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa và tận mắt chứng kiến những phát triển to lớn trên mọi lĩnh vực mà nhân dân Indonesia đã đạt được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia lần này theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo là nhằm trao đổi, tạo nhận thức chung với các nhà lãnh đạo của Indonesia về các chủ trương và định hướng lớn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Ngài Evert Ernest Mangin Dan chúc mừng những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam; khẳng định Indonesia luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, từ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư cho đến văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương.
Các nhà lãnh đạo của hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương, giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indoneia; khẳng định quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp là một thành tố quan trọng trong tổng thể quan hệ giữa hai nước; mong muốn Cơ quan lập pháp của hai nước tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia thông qua việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, tạo các cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi để triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Hai bên bày tỏ hài lòng và nhất trí rằng Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp Ủy ban trực thuộc, trao đổi thông tin thường xuyên, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA) cũng như Hội đồng Liên nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia nhất trí cùng nhau làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có việc tăng cường đoàn kết, thống nhất và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.(Chinhphu)
-----------------------------
Taliban đe dọa: Afghanistan sẽ là “nghĩa địa” của Mỹ
Nhóm phiến quân Taliban tuyên bố sẽ biến Afghanistan thành “nghĩa địa” của Mỹ, sau khi Washington có kế hoạch tăng quân đến nước này.
“Nếu Mỹ không rút quân khỏi Afghanistan, thì Afghanistan sẽ trở thành một nghĩa địa khác cho siêu cường này trong thế kỷ 21”, phát ngôn viên của nhóm phiến quân Taliban Zabiullah Mujahid một tuyên bố.
Mujahid cũng kêu gọi Mỹ suy nghĩ về một chiến lược rút lui “thay vì tiếp tục chiến tranh” với Afghanistan. Nhóm này cũng khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc thánh chiến “chừng nào còn một người lính Mỹ trong đất của chúng tôi, và chừng nào Mỹ còn tiếp tục gây chiến”.
Binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: REUTERS.
Hãng tin AFP cũng dẫn lời một chỉ huy cao cấp của nhóm Taliban chỉ trích ông Trump chỉ đang duy trì “hành vi kiêu ngạo của các tổng thống trước đây như George W Bush”, khẳng định chiến dịch mới của ông Trump đã chứng tỏ chính phủ Afghanistan hiện nay “chỉ là một con rối của Mỹ”.
Cảnh báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược mới tại Afghanistan. Phát biểu tại căn cứ quân sự Myer-Henderson Hall, bang Virginia ngày 21-8, ông Trump cho biết sẽ không rút quân về nước như người tiền nhiệm Barack Obama từng làm, tránh gây ra lỗ hổng quyền lực nghiêm trọng dễ biến Afghanistan trở thành một thiên đường cho khủng bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tiếp tục tăng quân đến Afghanistan. Ảnh: GETTY IMAGES.
Mặc dù không nói chi tiết về số quân sẽ điều động thêm đến Afghanistan, tuy nhiên các nguồn tin cho thấy ông Trump đã chấp nhận đề nghị của Lầu Năm Góc là triển khai thêm 4.000 binh sĩ. Hiện ở Afghanistan đã có 8.400 binh sĩ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump khẳng định lực lượng Mỹ sẽ “chiến đấu để giành chiến thắng” bằng cách ngăn chặn phiến quân Taliban chiếm Afghanistan, “đánh tan” nhóm chiến binh al-Qaeda, và “xoá bỏ” khủng bố IS ở khu vực này.
Chiến lược mới của Mỹ cũng được thiết kế nhằm đưa phiến quân Taliban trở lại bàn đàm phán. Theo ông Trump, muốn giải quyết tình hình Afghanistan sẽ cần đến sự tích hợp của các giải pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự.(PLO)
-----------------------