Nhật Bản muốn có hội đàm cấp cao với Trung, Hàn bên lề hội nghị G20
Thủ tướng Nhật Bản mong muốn hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung, Hàn bên lề hội nghị G20, muốn hội đàm với Tổng thống Mỹ bên lề hội nghị G7, muốn TPP có hiệu lực và Mỹ quay lại TPP...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản) ngày 16/5 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có cuộc trả lời phỏng vấn rộng rãi với báo chí. Ông Shinzo Abe mong muốn, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hamburg Đức vào tháng 7/2017, sẽ tiến hành hội đàm lần lượt với nhà lãnh đạo các nước Trung Quốc và Hàn Quốc, bàn về tình hình Triều Tiên.
Ông Shinzo Abe đã nhắc đến vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 14/5/2017, cho rằng "hoàn toàn có thể tưởng tượng được khả năng tiếp tục khiêu khích" và cho biết "nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, Nhật Bản mong muốn thông qua nghị quyết Liên hợp quốc mới".
Theo ông Shinzo Abe, tổ chức Hội đàm sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn "còn sớm", "phải gây sức ép đầy đủ, hình thành trạng thái Triều Tiên phải ứng xử nghiêm túc với yêu cầu của cộng đồng quốc tế".
Ông Shinzo Abe còn cho biết ông sẽ tiến hành hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị cấp cao G7 tổ chức ở Taormina, Italy vào hạ tuần tháng 5/2017. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Mail
Về Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Shinzo Abe đã nhấn mạnh quan điểm thúc đẩy hiệp định 11 nước thành viên (do Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo, Mỹ đã rút) có hiệu lực.
Về cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng sắp được tổ chức ở Việt Nam vào ngày 21/5/2017 của 11 nước thành viên, ông Shinzo Abe bày tỏ "mong muốn các nước đoàn kết lại, đề xuất rõ ràng phương hướng trong thời gian tới". Ngoài ra, ông bày tỏ mong muốn Mỹ quay trở lại TPP.
Đối với khả năng tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, ông Shinzo Abe nhấn mạnh rằng sẽ đưa ra đánh giá trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Ông Shinzo Abe cho biết "nếu những nghi ngờ được loại bỏ thì sẽ tích cực tiến hành xem xét. Hiện vẫn đang quan sát sự vận hành của nó". (Viettimes)
-----------------------------------
Su-30 của Trung Quốc bị tố chặn máy bay Mỹ ở Hoa Đông
Hai chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc đã đối đầu máy bay dò tìm phóng xạ WC-135 của không quân Mỹ trên biển Hoa Đông hôm 17.5, và một chiếc Su-30 thậm chí còn bay "ngửa bụng".
CNN ngày 19.5 dẫn thông báo từ Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết phi hành đoàn trên chiếc WC-135 mô tả động thái của chiến đấu cơ Trung Quốc là “không chuyên nghiệp”.
“Trong lúc chúng tôi đang điều tra vụ việc, các báo cáo ban đầu từ phi hành đoàn Mỹ xem vụ ngăn chặn là không chuyên nghiệp. Vấn đề này đang được xử lý với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp”, thông cáo viết.
Trước đó, một quan chức Mỹ cho CNN hay hai chiếc Su-30 của Trung Quốc bay cách chiếc WC-135 khoảng 45 m, và một trong số đó thậm chí còn bay ngửa bụng ngay phía trên WC-135. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với cáo buộc trên.
Máy bay WC-135 chuyên dùng dò tìm phóng xạ trong khí quyểnUSAF
Theo phía Mỹ, máy bay WC-135 thường được điều tới khu vực Đông Bắc Á với sứ mệnh thu thập các mẫu thử từ bầu khí quyển để phát hiện và xác định một vụ nổ hạt nhân. Hôm 20.4, không quân Mỹ đã triển khai WC-135 đến phía đông bán đảo Triều Tiên, giữa lúc rộ tin CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng cho đợt thử hạt nhân mới.
Sự cố hôm 17.5 là lần thứ 2 máy bay Mỹ và Trung Quốc chạm trán trong năm nay. Hồi tháng 2, giới chức Lầu Năm Góc cảnh báo về một pha tiếp cận “không an toàn” giữa máy bay trinh sát P-3 Orion của hải quân Mỹ và máy bay giám sát KJ-200 thuộc không quân Trung Quốc trên Biển Đông. Khi đó, hai máy bay bay trong phạm vi cách nhau hơn 300 m.(Thanhnien)
-------------------------------------
Quân đội Campuchia sẽ không trung lập trong bầu cử
Đó là cảnh báo do phát ngôn viên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền Sok Eysan vừa đưa ra đối với phe đối lập, theo tờ The Cambodia Daily ngày 18.5.
Luật Quân nhân năm 1997 của Campuchia cấm quân nhân bày tỏ quan điểm chính trị hoặc tham gia vào bất kỳ đảng chính trị nào REUTERS
Ông Eysan nói rõ rằng quân đội sẽ đứng về phía chính phủ trong bất kỳ vụ xung đột liên quan đến kết quả bầu cử.
“Các lực lượng vũ trang sẽ không trung lập giữa một đảng chính trị và chính phủ hoàng gia hợp pháp vì đây là lực lượng quốc gia và chính phủ hoàng gia được hình thành từ bầu cử là chính phủ của quốc gia”, ông Eysan nhấn mạnh.
Chuyên gia pháp lý Campuchia Sok Sam Oeun cho hay luật Quân nhân năm 1997 của nước này cấm quân nhân bày tỏ quan điểm chính trị hoặc tham gia vào bất kỳ đảng chính trị nào. Tuy nhiên, luật Campuchia không quy định trực tiếp về việc quân đội bảo vệ một đảng chính trị và cũng không làm rõ vai trò an ninh trong nước của lực lượng này, theo ông Sam Oeun.
Phát ngôn viên của CPP đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 17.5 dọa sẽ “đập gãy răng” của những người biểu tình thuộc phe đối lập chống lại kết quả bầu cử.
Ông Eysan nói rõ: “Nếu bất kỳ ai phản đối kết quả bầu cử bằng hành động gây hỗn loạn như năm 2013, các lực lượng vũ trang sẽ hành động”.
Theo kế hoạch, Campuchia sẽ tổ chức cuộc bầu cử cấp xã, phường vào ngày 4.6.(Thanhnien)
--------------------
Hai tàu sân bay Mỹ sắp diễn tập chung gần Triều Tiên
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên tham gia cuộc diễn tập cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.
Tàu sân bay Mỹ hoãn tuần tra gần Triều Tiên vì sự cố kỹ thuật / Ý đồ của Trump khi chê máy phóng điện từ trên tàu sân bay
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Ronald Reagan di chuyển trên biển
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của hải quân Mỹ vừa rời quân cảng Yokosuka, Nhật Bản tới vùng biển gần Triều Tiên để tham gia diễn tập tác chiến cùng tàu sân bay USS Carl Vinson, giữa lúc căng thẳng trong khu vực gia tăng, CNN ngày 18/5 đưa tin.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa Hwasong-12, đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
USS Ronald Reagan đáng lẽ đã rời quân cảng Yokosuka từ hôm 16/5, nhưng một lỗi kỹ thuật khiến cụm tàu sân bay chiến đấu này phải nằm lại cảng trong vài ngày để khắc phục sự cố.
"Sau thời gian dài bảo dưỡng trong cảng, chúng tôi phải bảo đảm tàu Ronald Reagan và cụm tàu sân bay chiến đấu hoạt động hiệu quả", Chuẩn đô đốc Charles Williams tuyên bố.Sau khi tới khu vực bán đảo Triều Tiên, USS Ronald Reagan sẽ tiến hành nhiều bài diễn tập, chủ yếu để đánh giá khả năng phóng và thu hồi máy bay trên hạm. Hải quân Mỹ không cho biết thời gian hai tàu sân bay này cùng triển khai và diễn tập gần Triều Tiên.
USS Ronald Reagan ngoài khơi quân cảng Yokosuka. Ảnh: Naval Today.
USS Carl Vinson được điều tới khu vực gần Triều Tiên vào cuối tháng trước, trong một nỗ lực thể hiện sức mạnh của Washington trước khả năng Bình Nhưỡng chuẩn bị vụ thử hạt nhân thứ 6. (Vnexpress)