Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã xuất phát từ căn cứ hải quân Yokosuka tại Kanagawa, Nhật Bản ngày 16/5 để tiến hành tuần tra thường niên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Chuyến tuần tra năm nay diễn ra trong bối cảnh cẳng thẳng gia tăng trong khu vực, Japan Times nhận xét.
Tin thế giới đáng chú ý trưa 19-05-2017
- Cập nhật : 19/05/2017
Afghanistan bỏ trực thăng Nga, mua hàng Mỹ để chống khủng bố
Mỹ sẽ cung cấp cho Afghanistan 159 máy bay trực thăng đa dụng UH-60A Black Hawk để thay thế mẫu Mi-17 của Nga sản xuất.
Tờ Military Times ngày 17.5 cho hay đây là một phần trong kế hoạch 4 năm nhằm tăng gấp đôi con số 17.000 binh sĩ thuộc lực đặc nhiệm của nước này và tăng cường sức mạnh không quân.
Sĩ quan liên lạc quốc phòng cao cấp Ahmad Shah Katawazai tại Đại sứ quán Afghanistan ở Washington cho biết số trực thăng mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường an ninh.
“Chúng tôi đang đối phó với cuộc nổi dậy và kẻ thù được hậu thuẫn ngầm từ các nước láng giềng. Lực lượng an ninh hằng ngày đang phải chịu áp lực đương đầu với hơn 20 tổ chức khủng bố trên nhiều mặt trận”, ông nói.
Trước đó, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Afghanistan John Nicholson, trong một cuộc điều trần trước Thượng viện vào tháng 2, đã đề nghị Mỹ cử thêm binh sĩ đến để “phá vỡ thế bế tắc” trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở đây.
Tuy nhiên, con số 159 trực thăng Black Hawk sẽ gấp đôi số lượng 78 máy bay Mi-17 hiện tại ở Afghanistan, dẫn đến nghi ngại liệu nước này có khả năng duy trì hoạt động của phi đội lớn như thế hay không.
Afghanistan từng gặp nhiều trục trặc trong việc bảo trì phi đội Mi-17. Nnăm ngoái, tướng Mahayuddin Ghori thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng Mi-17 mà nguyên nhân được cho là lỗi kỹ thuật do thiếu bảo trì.
Theo ước tính của cơ quan chức năng ở Afghanistan, chỉ có 18 trực thăng Mi-17 còn hoạt động.(Thanhnien)
-------------------------------
Đội ngũ tranh cử của ông Trump tiếp xúc bí mật với giới chức Nga
Theo Reuters, Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ ông Michael Flynn cùng các cố vấn khác cho đội ngũ tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp xúc với các quan chức Nga và các quan chức có quan hệ với điện Kremlin qua ít nhất 18 cuộc điện đàm và các thư điện tử trong 7 tháng cuối cùng của cuộc chạy đua giành ghế tổng thống năm 2016.
Thông tin này được các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm Mỹ thạo tin tiết lộ.
Theo nguồn tin trên, 6 trong số các cuộc tiếp xúc bí mật trước đó được miêu tả với phóng viên Reuters là các cuộc điện đàm giữa Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak với các cố vấn của ông Trump, trong đó có ông Flynn.
Các cuộc đàm luận giữa ông Flynn và ông Kislyak đã tăng lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11/2016 khi hai bên thảo luận về việc thiết lập một kênh liên lạc có thể qua mặt giới chức an ninh quốc gia Mỹ.
Hồi tháng 1 vừa qua, Nhà Trắng ban đầu phủ nhận mọi cuộc tiếp xúc với các quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên sau đó, Nhà Trắng và các cố vấn tranh cử của ông Trump đã xác nhận có 4 cuộc gặp giữa ông Kislyak và các cố vấn của ông Trump trong thời gian kể trên.
18 cuộc điện đàm và trao đổi thư điện tử đã diễn ra từ tháng 4-11/2016 khi các tin tặc tiến hành vụ tấn công mà tình báo Mỹ trong tháng 1 kết luận là một phần của chiến dịch do điện Kremlin tiến hành nhằm tác động tới kết quả bầu cử vốn nghiêng về phía ông Trump.
Những cuộc thảo luận này tập trung vào vấn đề cải thiện các quan hệ kinh tế Mỹ-Nga vốn đã xấu đi do các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, phối hợp trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt hơn.
Ngoài 6 cuộc điện đàm liên quan tới Đại sứ Kislyak, các cuộc liên lạc được thông báo với Reuters liên quan tới 12 cuộc điện đàm, trao đổi thư điện tử hoặc tin nhắn khác giữa các quan chức Nga hoặc những người được coi là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cố vấn trong đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Một trong những cuộc tiếp xúc này là do ông Viktor Medvedchuk - một chính trị gia người Ukraine - tiến hành. Hiện chưa rõ, ông Medvedchuk liên lạc với ai trong đội ngũ tranh cử của ông Trump. Trước đó, ông Medvedchuk đã bác bỏ thông tin về các cuộc tiếp xúc kiểu này.(Vietnam+)
-------------------------------------
Số người nhập cư trái phép bị bắt tại Mỹ tăng gần 40%
Số người di cư trái phép bị bắt tại Mỹ đã tăng gần 40% sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành các sắc lệnh về hạn chế người nhập cư.
Quyền Cục trưởng Cục Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) Thomas Homan ngày 17/5 cho biết trong thời gian từ ngày 22/1 đến cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan này đã tiến hành bắt giữ 41.318 người nhập cư, tăng nhiều so với con số 30.028 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, 2/3 số người bị bắt với cáo buộc phạm tội hình sự, còn số người bị bắt vì nhập cư trái phép đã tăng vọt hơn 150%, từ 4.200 người cùng kỳ năm ngoái lên thành 10.800 người kể từ đầu năm tới nay.
Ông Homan cho biết ngoài những người bị ra lệnh trục xuất dù không phạm tội nào khác, ICE thường nhằm vào những người di cư có nguy cơ gây mất an ninh quốc gia hoặc có tiền án, tiền sự.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ trục xuất nhiều nhất có thể trong số 11 triệu người được cho là nhập cư trái phép, kể cả những người đã sinh sống và làm việc tại Mỹ nhiều thập kỷ qua.
Chính quyền mới tại Mỹ chủ trương tập trung vào những đối tượng nhập cư trái phép có hành vi phạm pháp, đặc biệt là các trường hợp tham gia vào các băng đảng tội phạm hay các nhóm buôn bán ma túy.
Tổng thống Trump cũng đã ký Sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) vào Mỹ trong 90 ngày, song vấp phải sự phản đối của các tòa án liên bang.
Đến ngày 16/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã sửa đổi Lệnh cấm này, rút Iraq khỏi danh sách, song cũng nhanh chóng bị các tòa án ở Maryland và Hawaii chặn lại.
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định sắc lệnh trên nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố(Vietnamplus)
------------------------------------
Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không tầm trung
Hãng ANI News tối 17/5 dẫn nguồn hải quân Ấn Độ cho biết tàu INS Kochi của Bộ chỉ huy hải quân nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không tầm trung, sau khi tên lửa này đánh chặn chính xác một mục tiêu bay tốc độ cao ở tầm thấp.
Tuyên bố của Hải quân Ấn Độ có đoạn viết: ''Vụ thử này không chỉ tạo dấu mốc quan trọng trong việc cải thiện mức độ tích hợp của tên lửa và hệ thống kiểm soát bắn với Phòng chỉ huy CMS trên tàu, mà còn cho thấy khả năng phòng thủ khu vực sống còn của tàu chiến'."
INS Kochi là chiếc tàu thứ hai trong số ba tàu khu trục lớp Kolkata do Ấn Độ tự đóng và phiên chế cho lực lượng hải quân nước này