Nga hiện đại hóa quân sự uy hiếp toàn diện NATO
Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Nga tạo ra mối lo ngại cho NATO, người đứng đầu Ủy ban Quân sự của liên minh, tướng Pyotr Pavel cho biết.
Binh sĩ quân đội Nga trong một cuộc diễn tập thực binh
Theo ông, không thể phủ nhận những tiến bộ đáng kể nước Nga đã đạt được trong lĩnh vực quân sự. Pyotr Pavel nhấn mạnh rằng Nga tích cực phát triển loại vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân mới, ngoài ra Lực lượng vũ trang của Nga có khả năng hành động hiệu quả ở trong khoảng cách đáng kể từ lãnh thổ của mình.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với việc hiện đại hóa toàn diện của lực lượng vũ trang Nga", ông Pavel tuyên bố.
Tuy nhiên chúng tôi không thể chắc chắn khẳng định dự tính của giới lãnh đạo Nga mang tính xâm lược đối với NATO, nên tôi kết luận rằng chúng vẫn chưa rõ ràng, ông Paul cho biết thêm.
"Do đó, chúng tôi nhận thức mối đe dọa tiềm năng này một cách đặc biệt nghiêm trọng", ông tướng tuyên bố.
Theo Sputnik, những cáo buộc và tuyên truyền về việc Nga dường như sẽ xâm lược các nước Baltic liên tục được Mỹ và phương Tây tung ra, mặc dù Matxcơva luôn nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công một nước nào đó trong số thành viên của Liên minh.(Viettimes)
-------------------------------
Tấn công mạng diện rộng ở châu Âu
Tối 27-6 (giờ VN), một loạt các công ty ở châu Âu trở thành mục tiêu của một đợt tấn công mạng chưa rõ thủ phạm. Ukraine khẳng định biến thể mới của mã độc tống tiền WannaCry đã xuất hiện.
Thông báo đòi tiền chuộc hiện trên màn hình tại một điểm rút tiền của ngân hàng Oschadbank, Ukraine sau đợt tấn công - Ảnh: Reuters
Danh sách các nạn nhân trong vụ tấn công mới đang ngày càng kéo dài. Khởi đầu từ tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft rồi lan sang Ukraine, Anh, Hà Lan, Na Uy.
Các vụ tấn công diễn ra gần như ngay lập tức tại nhiều nước khác nhau, nhắm vào nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận các vụ tấn công nhắm vào các nước châu Âu ngày 27-6 có do cùng một nhóm tin tặc tiến hành với cùng một loại mã độc hay không.
Rosneft xác nhận tập hệ thống máy tính của tập đoàn này "đang hứng chịu một cuộc tấn công mạng mạnh mẽ"
"Cuộc tấn công lần này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên tập đoàn đã chuyển sang một hệ thống vận hành sản xuất thay thế, sản lượng dầu sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng", Reuters dẫn thông báo của Rosneft.
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cũng thông tin gã khổng lồ trong ngành khai khoáng Evraz cũng bị ảnh hưởng bởi đợt tấn công. Ngân hàng Trung ương Nga thông báo nhiều ngân hàng tại nước này cũng bị ảnh hưởng.
Hệ thống máy tính của gã khổng lồ năng lượng Rosneft cùng nhiều ngân hàng Nga đã bị ảnh hưởng trong vụ tấn công mạng chiều tối 27-6 - Ảnh: Reuters
Tại Ukraine, Thủ tướng Volodymyr Groysman xác nhận quy mô của vụ tấn công là "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử nước này song không ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính "quan trọng".
Tuy nhiên, trong thông báo trên Twitter, Phó thủ tướng Ukraine Pavlo Rozenko khẳng định toàn bộ hệ thống máy tính của chính phủ đã bị sập và kèm theo hình ảnh màn hình máy tính hiện thông báo lỗi.
Ngân hàng trung ương Ukraine xác nhận một loạt các ngân hàng, công ty ở nước này đã bị tấn công mạng khiến một số hoạt động bị gián đoạn.
Ông Anton Gerashchenko, cố vấn cấp cao của Bộ Nội vụ Ukraine khẳng định "Cryptolocker" - một biến thể của mã độc tống tiền WannaCry là thủ phạm gây tê liệt hàng loạt hệ thống máy tính ở nước này.
Ông Oleksandr Turchynov, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Hội đồng quốc phòng Ukraine cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng nhắm vào Ukraine.
"Các phân tích ban đầu về loại vi-rút cho thấy có thể nói đã có bàn tay của người Nga nhúng vào", Reuters dẫn lời ông Turchynov.
Trong khi đó, Trung tâm báo cáo và phân tích đảm bảo thông tin Thụy Sĩ (MELANI) lại cho biết nhiều khả năng mã độc được sử dụng lần này là loại Petya chứ không phải WannaCry.
Nhà chức trách Na Uy xác nhận một công ty quốc tế có chi nhánh ở nước này đã trở thành nạn nhân của đợt tấn công chiều tối 27-6. Thủ đoạn bọn tin tặc sử dụng tương tự với nhóm đứng đằng sau mã độc WannaCry là mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc.
Các đợt tấn công cũng được ghi nhận tại Hà Lan, Anh. 17 cảng container của công ty APM tại Hà Lan và toàn cầu bị ảnh hưởng, một số máy tính hiện thông báo đòi tiền chuộc của nhóm tin tặc.
WPP, công ty quảng cáo lớn nhất thế giới có trụ sở tại Anh, xác nhận hệ thống máy tính tại nhiều chi nhánh của công ty bị tê liệt.(Tuoitre)
------------------------------
Trung Quốc đưa J-20 theo tàu sân bay Liêu Ninh “khoe cơ bắp“
Hành động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này là "bắn một mũi tên trúng nhiều con chim", không những có thể uy hiếp Đài Loan, mà còn "khoe cơ bắp" ở khu vực Biển Đông.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters/Thời báo Tự do Đài Loan.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 27/6 cho hay hiện nay báo chí Đài Loan đã xôn xao về việc Trung Quốc điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông tham gia các hoạt động chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông quay trở về với Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa công bố chính thức việc này, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh đã rời cảng, đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong dư luận Đài Loan.
Theo trang tin NOWnews Đài Loan ngày 26/6, quân đội Trung Quốc ngày 25/6 tuyên bố biên đội gồm tàu sân bay Liêu Ninh và 3 tàu hộ tống khác đã khởi hành rời Thanh Đảo ra biển, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cơ động xuyên qua các vùng biển khác nhau.
Mặc dù Trung Quốc chưa chính thức công bố hành trình, nhưng có tờ báo Hồng Kông cho biết tàu sân bay Liêu Ninh sẽ đến Hồng Kông tham gia các hoạt động chúc mừng.
Trong quá trình này, khả năng tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển lân cận Đài Loan đã thu hút dư luận Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi các động thái, chuẩn bị tốt các biện pháp ứng phó.
Theo kênh truyền hình TTV NEWS Đài Loan ngày 26/6, trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vừa ra khơi lần này ngoài tàu sân bay Liêu Ninh còn có 2 tàu khu trục tên lửa (Type 052C/D), 1 tàu hộ vệ tên lửa (Type 054A) và nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng. Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hành động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này có thể được cho là "bắn một mũi tên trúng nhiều con chim", không những có thể tiếp tục đi qua vùng biển lân cận Đài Loan, mà còn thể hiện tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể mở cửa cho người dân Hồng Kông tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, thể hiện tác phong "thân dân".
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 26/6 dẫn nguồn tin từ Hồng Kông cho biết tàu sân bay Liêu Ninh dự định sẽ đến Hồng Kông vào ngày 7/7/2017, đậu ở đó trong 2 ngày.
Việc lựa chọn ngày 7/7 đến Hồng Kông có ý nghĩa đặc biệt, đó là ngày kỷ niệm tròn 80 năm sự kiện cầu Lư Câu (phát xít Nhật tấn công Trung Quốc), có ý nghĩa là "không quên quốc nhục".
Có tin cho biết khi tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông, ngoài máy bay chiến đấu J-15, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất J-20 của quân đội Trung Quốc cũng sẽ cùng đến Hồng Kông.
Về tuyến đường đi, tàu sân bay Liêu Ninh có thể đi xuyên qua eo biển Miyako, rồi vòng ra vùng biển phía đông Đài Loan xuống phía nam, đi vào eo biển Bashi, cuối cùng đến Hồng Kông. Điều này tạo ra thách thức cho Đài Loan như trong năm 2016. Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định đã triển khai giám sát chặt chẽ, toàn diện. Huấn luyện máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Một số chính khách "phe lục" Đài Loan đã tận dụng việc này để lên tiếng. Ngày 26/6, La Trí Chính, ủy viên Ủy ban quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan cho rằng hoạt động chạy quanh Đài Loan của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đã trở nên thường xuyên, nhưng "không hợp lý", Đài Loan cần theo dõi chặt chẽ, tiến hành chuẩn bị ứng phó cần thiết.
La Trí Chính còn tuyên bố, trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất cứ động thái quân sự nào đều có ý đồ chính trị, một mặt cắt đứt tương tác với Đài Loan, mặt khác tăng cường gây sức ép với Đài Loan về quân sự và ngoại giao. Vì vậy, ở trên các cấp độ, Trung Quốc áp thái độ gây sức ép với Đài Loan rất rõ ràng.
Tờ Thời báo Tự do Đài Loan cho rằng biên đội tàu sân bay Liêu Ninh triển khai hành động lần này đã tạo ra "hiệu ứng phá vỡ thế cân bằng khu vực" đối với tình hình Đông Á hoặc Biển Đông.
Đài Loan ở vị trí trọng yếu của Đông Á, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc muốn đến Tây Thái Bình Dương huấn luyện biển xa hoặc tiến hành huấn luyện liên hợp 3 hạm đội lớn ở các vùng biển khác nhau thì đều phải đi qua vùng biển xung quanh Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan.
Điều này chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên phòng thủ của Đài Loan, nhưng càng cho thấy vị trí và giá trị chiến lược của Đài Loan. Giữa Đài Loan và các nước Mỹ, Nhật Bản có lợi ích chiến lược chung, cần sớm hợp tác ứng phó thì mới có thể xây dựng có hiệu quả mạng lưới phòng thủ - Tờ Thời báo Tự do Đài Loan nhấn mạnh.(Viettimes)
--------------------------------- Mỹ dấn sâu sẽ hứng ác mộng tại Syria
Một cuộc chiến chưa có điểm dừng, với sự đổi vai của các bên được coi là kẻ thù đã là quá nhiều với nước Mỹ. Do đó, Mỹ không cần một kịch bản tương tự diễn ra ở Syria, National Interest nhận định.
Lực lượng Mỹ đang hậu thuẫn người Kurd và một số nhóm phiến quân tại Syria
Cuộc chiến giành lại Raqqa- thủ đô tự xưng của IS- đang diễn ra hết sức quyết liệt, và rất nhiều lực lượng đã góp sức vào quá trình tiêu diệt nhà nước Hồi giáo tự xưng này. Tình hình hiện nay ở Syria đang gợi nhắc lại một tình huống tương tự trước đây, tuy nhiên trong tình huống đó, sau khi tiêu diệt được kẻ thù chung, hòa bình và ổn định đã không xuất hiện như dự định mà thay vào đó là cuộc chiến giữa những bên thắng cuộc. Điều đáng buồn đó đã diễn ra hơn hai thập kỷ trước, ở một đất nước mà Mỹ cũng đã rất cố gắng để hình thành một thể chế mới, đó chính là Afghanistan.
Sau khi Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan năm 1989, chế độ Najibullah thân Liên Xô đã kéo dài thêm ba năm nữa trước khi bị đánh bại bởi lực lượng dân quân, được gọi chung là mujahedin. Mujahedin với sự ủng hộ của nước ngoài (có cả Mỹ) đã chiến đấu với Liên Xô trong suốt những năm 1980 . Chiến thắng của mujahedin đã mang đến một hiệp định, hay nói cách khác là sự phân chia quyền lực giữa các bên, nhưng thỏa thuận đó đã không bao giờ được thực hiện nghiêm túc.
Các lãnh chúa đã từng là đồng minh trong cuộc chiến chống lại Liên Xô và Najibullah đã xung đột lẫn nhau. Một giai đoạn mới của cuộc nội chiến Afganistan lại nổ ra. Và trong những năm sau, các cuộc chiến diễn ra một cách thường xuyên và dữ dội ở các thành phố không khác gì cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại Liên Xô.
Giai đoạn chiến tranh này còn xuất hiện thêm một phong trào mới của các lực lượng cực đoan tôn giáo mang tên Taliban với sự ủng hộ từ Pakistan. Nhóm vũ trang Taliban đã lật đổ lực lượng dân quân trên gần như khắp cả nước và áp đặt sự cai trị riêng ở miền nam và miền trung Afganistan. Tất nhiên Taliban hiện nay đã bị coi là kẻ thù chính của Mỹ và đồng minh ở Afganistan.
Phiến quân Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Amnesty International UK.
Dù cho lịch sử giữa tình huống lúc đó của Afganistan và tình hình hiện nay ở miền đông Syria hoàn toàn khác biệt, nhưng National Interest đã đưa ra một số nhận xét chung về quá khứ có thể áp dụng cho hiện tại.
Thứ nhất, các bên hầu như không vạch ra kế hoạch hoặc nỗ lực giải quyết về mặt chính trị về lâu về dài thay vì mục tiêu quân sự nhất thời. Sự thiếu hụt trong khâu lên kế hoạch này ít nhất đúng trong trường hợp của Mỹ, cũng như bất kỳ nhân tố bên trong hay bên ngoài cuộc chiến nào khác.
Thứ hai là không hề có giải pháp quân sự cho những khác biệt và bất đồng xảy ra sau khi kẻ thù chung bị đánh bại. Không một lực lượng dân quân nào ở Afghanistan đủ mạnh để chiến thắng các lực lượng còn lại. Kể cả Taliban cũng chưa bao giờ giành được quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan vì có một liên minh ở phía bắc vẫn tiếp tục chống Taliban.
Tại Syria, chế độ của tổng thống Assad, đặc biệt với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, sẽ không dễ dàng bị hạ bệ. Nhưng chính quyền Assad cũng không đủ mạnh (và những nước ủng hộ Assad cũng không đủ quyết tâm) để giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và để quét sạch mọi lực lượng chống lại chính phủ.
Thứ ba, giai đoạn mới của cuộc nội chiến phản ánh tham vọng quá lớn được kích động bởi các lực lượng trước đây từng chiến thắng chứ không phải là các mục tiêu được cân nhắc kỹ càng để biện minh cho một cuộc chiến kéo dài. Gulbuddin Hekmatyar là đầu lĩnh thế lực nhất trong số các thủ lĩnh khát quyền lực ở Afganistan, tuy nhiên ông ta không phải là người duy nhất. Tương tự, trong cuộc nội chiến Syria, âm hưởng của Afganistan trước đây lại dội lại trong cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ về việc chống lại các lợi ích của Nga, Iran và chế độ Assad. Đó là một phần trong hoạt động quân sự của Mỹ và liên quân vốn lấy lý do là để chống IS.
Những vấn đề, mối đe dọa, và kẻ thù xuất hiện cuộc nội chiến bị kéo dài trong giai đoạn mới có thể sẽ mang những hình thức mới khó mà tiên đoán. Ở Afghanistan vào năm 1992, khi chế độ Najibullah sụp đổ và thủ lĩnh các lực lượng dân quân mới chỉ bắt đầu xung đột lẫn nhau, thật khó có thể lường trước rằng Taliban nổi lên và nhanh chóng giành quyền kiểm soát. Tương tự ở Syria, chủ nghĩa cực đoan bạo lực sinh ra từ xung đột và hỗn loạn sau khi Raqqa thất thủ có thể sẽ mang một hình thức mới nào đó thậm chí còn chưa được đặt tên.
Lính đặc nhiệm Mỹ có mặt ở miền bắc Syria
Quan trọng nhất là các vấn đề sau này và các mối đe dọa về an ninh sẽ là kết quả của việc kéo dài cuộc xung đột vũ trang, chứ không phải từ việc bên nào chiến thắng hay bên nào mở rộng được tầm ảnh hưởng. Ở Afganistan đầu những năm 1990, không phải thủ lĩnh hay lực lượng dân quân nào định hình tương lai an ninh và chính trị của đất nước này mà chính cuộc tranh giành dữ dội giữa các bên đã tạo thời cơ cho Taliban xuất hiện.
Tabliban sẽ không có cơ hội nếu như thỏa thuận chia sẻ quyền lực được tiến hành một cách nghiêm túc, trung thực và trọn vẹn. Trong khi đó ở Syria, người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy kịch bản tương tự. Cuộc nội chiến kéo dài đã tạo thời cơ cho IS trỗi dậy và đạt được những thành tựu đáng kể, chứ không phải là chế độ Assad, cũng không phải là liên quân do Mỹ dẫn đầu xúi giục lực lượng này. Do đó nếu IS bị đánh bại, những phong trào cực đoan hậu IS tương tự như ở Afganistan cũng rất dễ xuất hiện.
Mặc dù có nhiều khác biệt giữa hai cuộc nội chiến ở Afganistan và ở Syria, nhưng một kết luận lớn có thể áp dụng cho cả hai nước đó là muốn giảm thiểu các vấn đề an ninh trong tương lai đòi hỏi phải ngăn chặn leo thang và ổn định trở lại, không kéo dài cuộc chiến và chấm dứt các nhiệm vụ đáng ghê rợn. Điều này có nghĩa là không được nhân cơ hội chiến thắng một kẻ thù để tấn công kẻ thù khác mà mình coi là đối thủ.
Từ giữa những năm 1990, một vài năm năm sau kết cục của Afganistan, Al-Qaeda đã liên minh với Taliban gây ra vụ 11/9 kinh hoàng, và sau đó Mỹ đã đem quân can dự quân sự trực tiếp vào nước này một lần nữa vào cuối năm 2001. Đến nay cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Một cuộc chiến chưa có điểm dừng, với sự đổi vai của các bên được coi là kẻ thù đã là quá nhiều với nước Mỹ. Do đó, Mỹ không cần một kịch bản tương tự diễn ra ở Syria.(Viettimes)