Ấn Độ sốt ruột vì thua kém hải quân Trung Quốc; Ông Putin giành lợi thế từ cuộc gặp lịch sử với Donald Trump; Điều gì khiến ông Putin nổi giận trong cuộc gặp Donald Trump?
Tin thế giới đáng chú ý trưa 10-07-2017
- Cập nhật : 10/07/2017
"Bom địa chính trị hẹn giờ" trong quan hệ Nga - Trung
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ở vùng Viễn Đông Nga (RFE), làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng làn sóng di cư người Trung Quốc cũng như vấn đề về môi trường.
Những cuộc gặp gỡ gần đây giữa giới chức Trung Quốc và Nga cho thấy nỗ lực mới nhất nhằm tăng cường quan hệ 2 nước, đặc biệt là khu vực dọc biên giới. Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), giống như nhiều quốc gia khác, Nga ngày càng thấm thía việc hợp tác với Trung Quốc có thể là con dao 2 lưỡi.
Quan hệ Nga - Trung đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với truyền thông tại hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước ở Nga. Tuyên bố được củng cố qua gói tài trợ 10 tỉ USD của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới với Nga.
Dẫu thế, giới phân tích cho rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong khu vực chỉ châm thêm dầu vào căng thẳng, gia tăng lo ngại về sự hiện diện của Bắc Kinh ở RFE. Hệ quả không tránh khỏi là dòng người di cư từ Trung Quốc mà người dân địa phương xem là dấu hiệu mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Từ năm 2009, Trung Quốc và Nga đã khởi động chương trình hợp tác dài hạn ở khu vực biên giới, gồm 205 dự án trọng điểm - Nga 94 dự án và Trung Quốc 111 dự án. Dù vậy, trong khi phía Nga không mấy mặn mà, phía Trung Quốc lại cực kỳ sốt sắng thực hiện các dự án ở Nga như khai thác quặng kim loại, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, sản xuất xi măng, hiện đại hóa các cơ sở hải quan và kiểm soát biên giới. Điều kiện tiên quyết để thực hiện các dự án như vậy của Trung Quốc là đưa một lượng lớn lao động đến Nga. Trung Quốc còn muốn chuyển nhiều doanh nghiệp lớn sang RFE, từ các dự án xây dựng đến đóng tàu và viễn thông.
Thực tế, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại RFE vẫn đang mở rộng với sự ưu đãi ngầm của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, 2 nước ký kết thỏa thuận mới, trong đó Nga cho Trung Quốc thuê 150.000 ha đất nông nghiệp tại khu vực ngoại Baikal ở phía Đông Siberia trong 49 năm với giá 5 USD/ha. Hầu hết đất rừng của Nga gần biên giới đã được Trung Quốc thuê để phục vụ hoạt động khai thác gỗ.
Bất chấp những lo ngại về thoái hóa đất, sức khỏe con người... do Trung Quốc dùng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp, lợi ích kinh tế của cả hai bên đang càng ngày phụ thuộc lẫn nhau. Thế nhưng, điều này cũng không tránh khỏi làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại ở Nga. Hợp tác với Trung Quốc chỉ có hiệu quả khi nhiều người Nga lựa chọn sống và làm việc ở RFE, nhờ vào cơ sở hạ tầng được cải thiện và các ngành công nghiệp mới. Nếu không, sự hiện diện ngày càng tăng của người Trung Quốc trong khu vực có thể trở thành một "quả bom địa chính trị hẹn giờ".(Người Lao động)
------------------------
Đức bắt đầu rút khỏi căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 9/7, Đức bắt đầu rút quân khỏi căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara từ chối cho các nghị sĩ Đức đến thăm các binh sĩ đồn trú tại đây.
Căn cứ không quân Incirlik ở ngoại ô thành phố Adana, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/1/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức, quyết định rút quân khỏi căn cứ không quân Incirlik được Quốc hội Đức thông qua ngày 21/6, đánh dấu căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước vốn đang tồn tại nhiều bất đồng.
Theo kế hoạch này, các máy bay phản lực của Đức sẽ vẫn tiếp tục hoạt động ngoài căn cứ không quân Incirlik ít nhất cho đến cuối tháng 7, trong khuôn khổ sứ mệnh hỗ trợ hoạt động của liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Cũng trong thời gian này, những khí tài cần thiết sẽ được chuyển tới một căn cứ không quân tại Jordan, dự kiến bắt đầu triển khai hạm đội bay vào tháng 10 tới. Trong ngày 9/7, một máy bay tiếp nhiên liệu rời căn cứ Incirlik tới căn cứ ở Jordan.
Trong cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) diễn ra tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã thông báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch rút quân trên.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng căng thẳng suốt một năm vừa qua, liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố, và mới đây nhất là việc các nghị sĩ Đức bị ngăn cản đến thăm binh sĩ nước này tại căn cứ không quân của NATO ở tỉnh Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất đồng liên quan tới căn cứ trên nảy sinh sau khi chính quyền Berlin cấp quy chế tị nạn cho một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có dính líu đến cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7/2016.
Điều này dẫn đến việc Ankara bác đề nghị của các nghị sĩ Đức được tới thăm các binh sĩ đang phục vụ trong lực lượng liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu tại căn cứ Incirlik.(TTXVN)
------------------------
Trung Quốc khẳng định không có liên lạc quân sự với Triều Tiên
Theo Sputnik, ngày 9/7, truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện không duy trì bất cứ liên lạc nào với quân đội Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Channel News Asia, Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Zhou Bo khẳng định: “Hiện chúng tôi không có bất cứ liên lạc hoặc quan hệ nào với Triều Tiên về mặt quân sự.
Trong quá khứ, chúng tôi đã từng có, chúng tôi có nhiều liên lạc và các cuộc trao đổi. Tôi nghĩ điều này phản ánh một sự thay đổi trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước, bởi các lí do mà mọi người đều biết… Trung Quốc giờ đây thống nhất với cộng đồng quốc tế để thực thi nghiêm túc các nghị quyết của Liên hợp quốc, và chúng tôi hy vọng cuối cùng có thể tìm được một giải pháp cho những vấn đề này.”
Bên cạnh đó, Đại tá Zhou Bo cũng lưu ý Triều Tiên muốn tổ chức đàm phán trực tiếp với Mỹ và Trung Quốc đang giúp xúc tiến cuộc đối thoại này(Vietnam+)
-------------------------
Indonesia phá vỡ một loạt âm mưu đánh bom các địa điểm công cộng
Cảnh sát Indonesia chiều 8/7 đã bắt giữ một đối tượng tình nghi là thành viên phiến quân Hồi giáo âm mưu đánh bom một số địa điểm công cộng tại Bandung - thủ phủ tỉnh Tây Java của nước này.
Theo cảnh sát địa phương, đối tượng bị bắt giữ có tên là Agus Wiguna, 21 tuổi, làm nghề bán hàng ăn. Đối tượng bị bắt giữ ngay sau khi xảy ra một loạt các vụ nổ tại căn hộ y thuê ở Bandung mà qua điều tra, cảnh sát xác định thiết bị gây nổ đều là bom tự tạo phục vụ các âm mưu tấn công khủng bố.
Những quả bom này đã bị kích hoạt nhầm và không gây trường hợp thương vong nào.
Qua điều tra, cảnh sát Indonesia phát hiện từ ngày 1/6, Agus Wiguna đã sử dụng các thông tin được thu thập từ một trang thông tin điện tử của một nhóm phiến quân phục vụ mục đích tự chế tạo bom.
Tại hiện trường vụ nổ, cảnh sát Indonesia phát hiện một nồi áp suất chứa đinh và một số bom nồi áp suất đã phát nổ.
Theo cảnh sát trưởng thành phố Bandung, nghi can đã khai nhận có âm mưu đặt bom ở một số địa điểm công cộng ở thành phố, bao gồm một nhà hàng, một nhà thờ và một quán càphê, điểm đến quen thuộc nổi tiếng của du khách. Theo đó, Cafe Bali là mục tiêu tấn công đầu tiên và âm mưu này sẽ được thực hiện trong ngày 16/7.
Hiện chưa rõ lý do khiến nghi can lựa chọn 3 địa điểm nói trên, song theo lời khai của tên này, các cuộc tấn công đều có chung mục tiêu nhằm vào người "không phải đạo Hồi."
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tìm cách thiết lập "chân rết" tại khu vực Đông Nam Á do bị truy quét mạnh tại Syria và Iraq.
Hiện Indonesia, Philippines và Malaysia đang phối hợp tăng cường tuần tra đường biển để ngăn chặn tay súng IS vượt biên xâm nhập vào các nước này.
Trong khi đó, giới chức Italy ngày 8/7 thông báo lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một nam thanh niên và trục xuất 3 đối tượng khác bị tình nghi liên quan đến khủng bố. Đối tượng bị bắt giữ là người Cộng hòa Chechen thuộc Liên bang Nga, 38 tuổi.
Đối tượng này được cho là có liên quan đến các tay súng nước ngoài người Chechnyan thuộc IS và có nhúng tay vào vụ tấn công tòa nhà truyền thông Grozny hồi tháng 12/2014.
Nguồn tin cảnh sát cho biết y từng tham gia trong hàng ngũ của IS ở Syria năm 2014-2015.
Đối tượng này được cho là tiêm nhiễm tư tưởng khủng bố cho 3 đối khác gồm 2 nam thanh nhiên người Albania và 1 phụ nữ người Nga. Hiện cả 3 đối tượng này đã bị trục xuất khỏi Italy vì ló do an ninh.(Vietnam+)