Trung Quốc "mở cờ" vì được Mỹ đối xử như đồng minh?
Cơ chế đối thoại mới có cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, điều mà Mỹ trước đây chỉ dành cho đồng minh thân cận. Việc thực hiện theo cơ chế mới sẽ thảo luận có hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Đối thoại ngoại giao an ninh Mỹ - Trung ngày 21/6/2017. Ảnh: Zaobao
Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 22/6 cho hay ngày 21/6 Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức Đối thoại ngoại giao và an ninh lần đầu tiên. Đây là lần đầu tiên Mỹ đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tiến hành đối thoại mang tính “cơ chế hóa” với Trung Quốc, lần đầu tiên nâng Trung Quốc lên cấp độ ngang với "đồng minh" để tiến hành đối thoại.
Chuyên gia cho rằng cơ chế đối thoại mới có hiệu quả hơn so với trước đây. Trong Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng và đại diện quân đội Mỹ đều không tham dự.
Phó giáo sư Vương Đống, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng việc đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tiến hành đối thoại song phương "2+2" là đãi ngộ mà Mỹ chỉ dành cho các đồng minh thân cận.
Theo Vương Đống: "Mỹ lần này nâng Trung Quốc lên cấp ngang với đồng minh để tiến hành đối thoại cho thấy sự coi trọng đối với quan hệ Trung - Mỹ".
Nhà nghiên cứu Thẩm Đinh Lập từ Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng cấp độ đối thoại Trung - Mỹ đang từng bước nâng lên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện sẵn sàng nâng cấp đối thoại là do lo ngại về vấn đề Triều Tiên, hy vọng đổi lấy sự phối hợp nhiều hơn của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Michael Swaine, Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, Mỹ cũng cho rằng cơ chế Đối thoại ngoại giao an ninh sẽ có hiệu quả hơn so với trước đây.
Ông phân tích, quy mô Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ trước đây lớn đến mức khó có thể vận hành ổn thỏa, "Đối thoại ngoại giao an ninh mới có quy mô khá nhỏ, hai bên có thể tập trung vào thảo luận những vấn đề chiến lược thực chất, cũng có thể đề cập đến những vấn đề chiến lược lâu dài".(Viettimes)
-------------------------
Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 21
Từ ngày 22-23/6 tại Xiêm Riệp, Campuchia đã diễn ra Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21. Đây là cuộc họp giữa các quan chức cao cấp ASEAN và Hàn Quốc nhằm trao đổi về các hoạt động hợp tác và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hàn Quốc tháng 8/2017 và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 19 vào tháng 11/2017.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Hàn Quốc đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc đối với sự phát triển của mỗi bên và hòa bình, ổn định, thịnh vượng và liên kết ở khu vực Đông Á. Với việc thành lập Cộng động Kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015 và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao những năm gần đây, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Thông qua các khuôn khổ như Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020, hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 200 tỉ USD giá trị tổng kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020.
Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM Hàn Quốc Lee Jeong-kyu (Li Chê-âng Kiu) khẳng định chính quyền mới tại Hàn Quốc tiếp tục coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong tiến trình hợp tác và liên kết khu vực. Hàn Quốc cũng cam kết tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực tại các diễn đàn quan trọng của ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF).
Các nước ASEAN mong muốn phía Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường ASEAN, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs). Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hàn Quốc được khuyến khích tổ chức các diễn đàn, sự kiện để kết nối hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng bàn nhiều biện pháp để thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Xác định 2017 là năm hợp tác Văn hóa ASEAN-Hàn Quốc, phía Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc hoàn tất Nhà văn hóa ASEAN tại Busan, Hàn Quốc vào tháng 9/2017. Đây sẽ là nơi giới thiệu các tác phẩm, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của các nước ASEAN, góp phần quảng bá văn hóa và con người ASEAN tại đất nước Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình giao lưu thanh niên, lãnh đạo trẻ, tăng học bổng dành cho các nước ASEAN.
Trước những thách thức an ninh hiện nay, hai bên đã trao đổi về các điểm nóng khu vực và các thách thức an ninh phi truyền thống. Về tình hình trên Bán đảo Triền Tiên, các nước ASEAN nhấn mạnh quan điểm đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định trong Tuyên bố ngày 28/4/2017, tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến leo thang căng thẳng gần đây, kêu gọi các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, tìm kiếm các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác, tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Về tình hình Biển Đông, Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác đối phó với chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, buôn lậu ma túy, vấn đề an ninh mạng. Nhằm tăng cường hợp tác ứng phó với thiên tai, phòng chống dịch bệnh, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) nâng cao năng lực, triển khai các dự án.
Tham dự phiên Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với Hàn Quốc, không chỉ với tư cách là đối tác chiến lược của ASEAN, mà còn là một trong những nền kinh tế mạnh, thành viên của APEC, G20, có vai trò và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Hàn Quốc và ASEAN có đủ điều kiện để trở thành cầu nối cho các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Bên cạnh các hình thức kết nối đường bộ, đường biển, Thứ trưởng đề nghị hai bên sớm hoàn tất Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN-Hàn Quốc để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai bên. Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với phía Hàn Quốc tổ chức các diễn đàn, sự kiện quảnh bá hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, và sẽ đóng góp các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam để trưng bày tại Nhà Văn hóa ASEAN tại Hàn Quốc.
Nhấn mạnh ASEAN và Hàn Quốc cùng chia sẻ mục tiêu chung là duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Á, Thứ trưởng nhấn mạnh hai bên cần hợp tác nhằm thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, ủng hộ vai trò trung tâm cũng như những nỗ lực của ASEAN trong ứng phó với các thách thức an ninh khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng nhắc lại lập trường của Việt Nam và mong muốn các nước, trong đó có Hàn Quốc, tiếp tục ủng hộ chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, các tiến trình pháp lý và ngoại giao, nghiêm túc thực hiện DOC và xây dựng COC thực chất.
Về các thách thức an ninh phi truyền thống, ngoài vấn đề an ninh biển, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, Thứ trưởng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác bảo đảm an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, và hoan nghênh sự hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho các quốc gia trong tiểu vùng Mê Công nhằm tăng cường quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. (Baotintuc)
----------------------------
Iran giáng đòn tên lửa tấn công IS Syria, vỗ mặt Mỹ và đồng minh
Ông Mostafa Tajzadeh, một chính trị gia hàng đầu của Iran và là đồng minh của Tổng thống Hassan Rouhani, trong tuần này đã tuyên bố rằng chính quyền Donald Trump quá "yếu ớt" để đối đầu với Iran và nếu các quan chức Mỹ làm "bất cứ điều gì không khôn ngoan chống lại Iran,Iran sẽ khiến ông Trump bị hạ bệ”.
Iran phóng tên lửa đạn đạo tấn công IS
Một nhà lãnh đạo cao cấp của Iran và là người thân cận của Tổng thống Iran đang đe dọa "lật đổ" Tổng thống Donald Trump nếu ông tiếp tục chính sách đối đầu với Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông. Gần đây, các nhà lãnh đạo quân sự Iran đe doạ tấn công tên lửa vào các lực lượng và căn cứ của Mỹ trong khu vực.
Ông Mostafa Tajzadeh, một chính trị gia hàng đầu của Iran và là đồng minh của Tổng thống Hassan Rouhani, trong tuần này đã tuyên bố rằng chính quyền Donald Trump quá "yếu ớt" để đối đầu với Iran và nếu các quan chức Mỹ làm "bất cứ điều gì không khôn ngoan chống lại Iran, Iran sẽ khiến ông Trump đã bị hạ bệ”.
Những lời đe dọa này xuất hiện khi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân sự Iran tăng cường những lời lẽ chống lại chính quyền Trump sau các cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria. Những lực lượng này đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các lực lượng và chiến binh Iran liên kết với Hezbollah, do Tehran hậu thuẫn, đã tiến hành một số vụ tấn công vào các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Syria trong những tuần gần đây, khiến cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Iran ngày càng trở nên mạnh mẽ, đe dọa kích động cả khu vực.
Các quan chức quân đội Iran đã tuyên bố sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo và các vũ khí khác, bao gồm cả máy bay không người lái, nhằm đối phó với các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria.
Lực lượng IRGC phóng tên lửa diệt khủng bố ở Syria
Iran đã chọn cách đối đầu với chính quyền ông Donald Trump, cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao, khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Tehran. Theo Mỹ cáo buộc, Iran tiếp tục sử dụng các tên lửa đạn đạo một cách bất hợp pháp và tài trợ cho khủng bố.
Ông Tajzadeh đã khiến căng thẳng lên cao hơn khi trên trang Twitter cá nhân, ông xác nhận Iran đang cố hạ bệ ông Trump.
“Vị trí của Tổng thống Trump mong manh đến mức nếu ông làm bất cứ điều gì không khôn ngoan đối với Iran và nếu chúng ta phản ứng một cách thông minh, thay vì Cộng hòa Hồi giáo Iran, chính ôngTrump sẽ bị hạ bệ", Tajzadeh đăng trên Twitter.
Những lời bình luận này có vẻ phù hợp với những tuyên bố từ phía các chính trị gia và các lãnh đạo quân sự Iran trong một số ngày qua, sau vụ Iran tấn công tên lửa vào một số khu vực trọng điểm ở Syria. Động thái trên được Tehran tuyên bố là để trả đũa lại cuộc tấn công khủng bố do IS hậu thuẫn ở Iran.
Các nguồn tin thân cận với chính quyền ông Trump tiết lộ cho Free Beacon rằng mặc dù không có các tuyên bố công khai về tình hình quân sự đang leo thang, các quan chức Mỹ đang giám sát chặt chẽ các hoạt động thù địch của Iran và sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực.
Một cố vấn chính sách đối ngoại, người thường xuyên liên lạc với Nhà Trắng, cho biết: "Chính quyền Obama đã liên tục che giấu báo giới về chính sách đối ngoại, và điều này tạo ra ý tưởng rằng nếu các quan chức không đề cập, báo giới sẽ không chú ý… Nhưng đội ngũ hoạch định chính sách Trung Đông của ông Trump biết rõ cách thức và địa điểm mà Iran đang tiến hành chiến tranh chống Mỹ và đồng minh của Mỹ".
Theo nguồn tin, các quan chức của ông Trump đang giữ bí mật các cuộc thảo luận về chiến lược, nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Syria nên được xem như một dấu hiệu cho thấy chính quyền của nước này sẵn sàng đối đầu với Iran.
"Họ không cho báo chí biết về các kế hoạch, nhưng tất nhiên họ luôn có chiến lược, nguồn tin cho biết, mọi người thực sự nghĩ rằng tất cả những phản ứng quân sự của Iran ở Syria trong vài tuần gần đây chỉ xảy ra ngẫu nhiên hay sao?".
Các quan chức cao cấp của Iran liên kết với Vệ binh cách mạng Hồi giáo, (IRGC), cũng đang tìm cách đối đầu, và cảnh báo rằng các vụ tấn công tên lửa gần đây ở Syria là một thông điệp gửi tới Mỹ và Israel.
"Phản ứng này có một thông điệp rõ ràng cho Mỹ và các quốc gia nhất định trong khu vực, những nước nghĩ rằng nếu họ tấn công Iran, họ sẽ không bị đáp trả", ông Yahya Rahim Safavi, một phụ tá quân sự hàng đầu cho Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã phát biểu hôm 21/6.
Các nhà lãnh đạo quân đội Iran cũng khoe về khả năng triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực.
Ông Safavi cho rằng: "Khả năng quyết định và phản ứng của Iran rất nhanh chóng và quyết đoán, và các cuộc tấn công tên lửa vào các vị trí quân khủng bố của IS trong những ngày qua cho thấy ý chí và khả năng của Iran trong việc ra quyết định và hành động".
Nhà ngoại giao Iran Hossein Sheikholeslam trong tuần này đã tuyên bố rằng cuộc tấn công tên lửa là lời cảnh báo trực tiếp cho Mỹ và Israel.
"Rõ ràng rằng đó là một thông điệp không chỉ đối với những kẻ khủng bố mà còn đối với Israel, Mỹ, Ả Rập Xê-út, những thế lực đã dùng bàn tay của quân khủng bố để gây nên những cuộc thảm sát trong khu vực", ông Sheikholeslam nhấn mạnh, “Iran quyết tâm thể hiện ý chí quân sự và sẽ tấn công vào bất kỳ nơi nào có khủng bố. Đó là thông điệp gửi tới tất cả các bên đang sử dụng bạo lực trong khu vực".
Chỉ vài ngày sau cuộc tấn công tên lửa, các máy bay của Iran lại một lần nữa nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ tại Syria, điều này chứng tỏ rằng Tehran cam kết một chính sách hành động trực tiếp mới, chống lại lực lượng Mỹ hậu thuẫn, Free Baecon nhận định.
Cuộc tấn công này cũng tương tự như hồi đầu tháng này, khi một chiếc máy bay không người lái của Iran áp sát quân Mỹ ở Syria.Các quan chức quân đội Mỹ tuyên bố đã bắn rơi chiếc phi cơ đó.
Các quan chức quân đội Mỹ, cùng Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) cho biết: "Các lực lượng liên quân đang bố trí nhân viên đến một tiền đồn chiến đấu ở phía đông bắc của At Tan, nơi họ đang huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng đối tác trong cuộc chiến chống lại IS. "Đây là địa điểm tương tự nơi mà một máy bay không người lái khác ủng hộ phe chính phủ Syria ném bom gần vị trí liên quân trước khi bị bắn hạ hôm 8/6".
Theo CENTCOM, quân đội Mỹ sẽ không ngần ngại đối đầu với các thế lực thù địch liên kết với Iran và Nga.
"Liên quân đã thông báo rõ ràng cho tất cả các bên một cách công khai và thông qua đường dây giảm xung đột với Nga rằng: ý đồ thù địch và hành động thù địch của lực lượng ủng hộ chính phủ đối với liên minh và các đối tác của liên minh ở Syria- những lực lượng đang tiến hành các chiến dịch chống IS- sẽ không được dung thứ", các quan chức quân sự Mỹ khẳng định.(Viettimes)