rss - tinkinhte.com

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 24-06-2017

  • Cập nhật : 24/06/2017

Triều Tiên lại thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Nikkei Asian Review ngày 23/6 đưa tin, một quan chức Mỹ nói với Reuters hôm thứ Năm rằng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử nghiệm động cơ tên lửa mà Hoa Kỳ tin, có thể đó là một phần của chương trình phát triển tên lửa đại đạo xuyên lục địa.

Mỹ đánh giá, vụ thử nghiệm mới nhất trong một loạt vụ thử tên lửa, động cơ tên lửa trong năm nay có thể là giai đoạn nhỏ nhất của một động cơ tên lửa xuyên lục địa. 

Một quan chức Mỹ thứ hai cũng xác nhận về vụ thử nghiệm này, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Cả hai đều giấu tên.

mot vu thu ten lua trieu tien, anh minh hoa: nbc news.

Một vụ thử tên lửa Triều Tiên, ảnh minh họa: NBC News.

Việc tiết lộ thông tin vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ ép Trung Quốc gây áp lực ngoại giao, kinh tế lớn hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về một cuộc xung đột lớn, rất lớn với Bắc Triều Tiên có thể xảy ra vì chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng, các chế tài cứng rắn hơn vẫn là ưu tiên lựa chọn chứ không phải giải pháp quân sự.

Lục địa Mỹ cách Triều Tiên khoảng 9000 km, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn tối thiểu khoảng 5500 km, nhưng một số có thể được thiết kế với tầm bắn tối đa 10000 km hoặc xa hơn. [1]

South China Morning Post ngày 23/6 cho biết, kết thúc đối thoại an ninh Mỹ - Trung, Washington vẫn tiếp tục đòi hỏi Bắc Kinh gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc không hứa hẹn điều gì.

Trong khi Bắc Kinh nhắc lại rằng họ tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc sau khi Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc giúp Triều Tiên né tránh trừng phạt quốc tế, cả hai bên dường như không đạt được đồng thuận nào đáng kể.

Hai bên cũng đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề khu vực khác, như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hay nhân quyền ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận sau hội đàm, rằng vẫn còn nhiều khoảng cách giữa hai bên trong các vấn đề, bao gồm Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho biết, thông điệp của Ngoại trưởng Tillerson đối với Trung Quốc là "khắc nghiệt bất thường". Zhang Liangui nói:

"Nó cho thấy Washington hiểu, mặc dù là miễn cưỡng, chiến dịch của họ để gây áp lực lên Triều Tiên ít có cơ hội thành công nếu như Trung Quốc tiếp tục chống lại, hoặc ngăn chặn một nỗ lực như vậy.

Tôi nghĩ rằng ông Tillerson muốn gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách chỉ ra rằng, khi những phương tiện hòa bình đó đã cạn kiệt, các lựa chọn quân sự sẽ được xem xét.

Trung Quốc đang ở trong tình thế khỏ xử vào thời điểm này, vì đề xuất của họ từ lâu đã bị cả Triều Tiên lẫn Mỹ bác bỏ rõ ràng.

Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra một kế hoạch chi tiết những lựa chọn của họ nếu Triều Tiên từ chối trở lại bàn đàm phán.". [2]

Trung Quốc liệu có "nhìn lầm" Triều Tiên?

Cựu Phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc, ông Đặng Duật Văn ngày 20/6 có bài viết đăng trên Financial Times, Anh quốc, bản chữ Hán: Về năm cách nhìn sai lầm (của Trung Quốc) đối với Triều Tiên.

5 nhận thức sai lầm mà ông Đặng Duật Văn nêu ra gồm có: tình hữu nghị đồng minh viết nên bằng máu, vai trò phên dậu hoãn xung địa chiến lược, cùng chung ý thức hệ, thuyết nội chính Triều Tiên, Trung Quốc không liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Ông Văn tin rằng, 5 cái nhìn sai lầm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận quan chức và giới hoạch định chính sách Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên.

Đến nỗi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) từng 2 lần lăng mạ, châm biếm Trung Quốc là "to xác, ngu xuẩn", cảnh cáo Bắc Kinh phải chuẩn bị đối mặt với hậu quả thảm hại, khiến truyền thông Trung Quốc cũng phải nhảy vào phản bác. [3]

Chúng tôi xin không đi sâu vào lập luận của ông Đặng Duật Văn về 5 nhận thức sai lầm này.

Tuy nhiên, từ những diễn biến địa chính trị, địa chiến lược khu vực Đông Bắc Á từ Chiến tranh Triều Tiên đến nay, cá nhân người viết nhận thấy Trung Quốc không hề "nhìn lầm" Triều Tiên.

Bởi lẽ đồng minh, đồng chí, tình hữu nghị được viết bằng máu chỉ được nước lớn dùng với nước nhỏ khi nước nhỏ đem lại những lợi ích chiến lược cho họ.

Và cái "tình" ấy chỉ tồn tại khi cả hai cùng một kẻ thù, mà để bảo vệ mình nước lớn không tiếc người tiếc của chi viện cho nước nhỏ để họ đánh kẻ thù chung.

Thời thế, thế thời thay đổi khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trung Quốc là nước kết thân với Mỹ nhanh nhất, học Mỹ nhanh nhất để phát triển.

Và ngày nay Trung Quốc cạnh tranh vị thế siêu cường với Hoa Kỳ, trước mắt là ở châu Á, trong tương lai là trên toàn cầu khi đã đủ lông đủ cánh.

Lúc này Triều Tiên lại trở thành lá bài rất hữu ích để Trung Quốc có thể mặc cả với người Mỹ.

Trừ phi Triều Tiên "thoát xác" khỏi những xiềng xích về nhận thức, tự cởi trói cho mình để có thể phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quốc phòng, nếu không sẽ vẫn chỉ là quân cờ trên bàn cờ chiến lược giữa 2 tay chơi Trung - Mỹ. (Hồng Thủy/ Giáo Dục Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:

[1]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/North-Korea-tests-rocket-engine-US-official

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2099600/north-korea-still-sticking-point-after-china-us

[3]http://www.ftchinese.com/story/001073077?full=y

--------------------------------------

Triều Tiên đang đổi thay và ẩn ý của Tổng thống Mỹ

Đối thoại an ninh lần đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump đang diễn ra, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là nội dung trọng yếu hàng đầu được đặt lên bàn hội nghị.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết:

"Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ coi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là mối đe dọa an ninh hàng đầu của chúng tôi.

Chúng tôi tái khẳng định với Trung Quốc rằng, họ có trách nhiệm gây áp lực lớn hơn về ngoại giao và kinh tế với chế độ này, nếu họ muốn ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực.". [1]

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Ấn Độ WION được phát sóng hôm qua 21/6, Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ Kye Chun-yong cho biết:

"Trong một số trường hợp nhất định, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện về việc đóng băng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo.

dai su trieu tien tai an do kye chun-yong, anh: presidency maldives (@presidencymv).

Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ Kye Chun-yong, ảnh: Presidency Maldives (@presidencymv).

Ví dụ nếu phía Mỹ hoàn toàn ngừng các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, tạm thời hoặc vĩnh viễn, thì chúng tôi cũng sẽ tạm thời dừng lại.

Hãy bàn việc làm thế nào để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.". [1]

Triều Tiên đang đổi thay

Financial Times, Anh quốc ngày 21/6 có bài tường thuật của phóng viên báo này về những thực tế mắt thấy tai nghe khi có mặt tại Bình Nhưỡng trong tháng Tư năm nay.

Bài báo cho biết, một số hãng thông tấn quốc tế đã được Triều Tiên mời đến dự lễ khánh thành phố RyomYong, một dự án xây dựng đã trở thành biểu tượng về phát triển kinh tế của Triều Tiên với các tòa nhà chọc trời bên cạnh những tuyến đại lộ thênh thang.

Financial Times cho biết, kể từ khi lên nắm quyền cách đây 5 năm, ông Kim Jong-un đã công khai đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào trọng tâm của chương trình nghị sự, song song với chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo các chuyên gia về Triều Tiên, các nguồn tin tình báo, nguồn tin từ khách du lịch đến Triều Tiên cũng như những người dân đào thoát, đây là kết quả của những cải cách âm thầm.

Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp của Triều Tiên đã và đang chuyển sang nền kinh tế thị trường. Xu hướng này dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng của doanh nghiệp tư nhân, cũng như sự nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều này thách thức các quan niệm của phương Tây về quốc gia bí ẩn này.

Sokeel Park từ tổ chức Tự do ở Triều Tiên nhận định:

"Bắc Triều Tiên đã thoát khỏi một nền kinh tế quan liêu bao cấp do nhà nước kiểm soát chặt chẽ sang một nền kinh tế thị trường cơ bản.

Có thể đó là cách lùi một bước tiến hai bước, nhưng có vẻ về lâu dài rất khó để Triều Tiên quay trở lại mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung.".

Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang cố gắng bóp nghẹt Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un thông qua các hình thức trừng phạt mới, nền kinh tế đang có dấu hiệu của sức sống này có thể khiến Mỹ khó khăn hơn trong việc sử dụng các đòn bẩy gây áp lực lên Bình Nhưỡng.

Ngay cả khi áp lực của Mỹ có thể gia tăng hơn nữa sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier.

Bất kỳ phân tích nào về nền kinh tế Triều Tiên cũng nên được tiếp cận một cách thận trọng. Dữ liệu đáng tin cậy về quốc gia bí ẩn này rất khan hiếm, và có khoảng cách rất lớn từ các con số ước tính khác nhau.

Ngân hàng Hàn Quốc đánh giá mức tăng trưởng GDP của Triều Tiên năm 2015 là - 1%, trong khi Viện Nghiên cứu Hyundai đưa ra con số 9%.

Nhưng đối với những người theo dõi chặt chẽ quốc gia bí ẩn này, dấu hiệu thay đổi là rất rõ ràng.

Đáng chú ý là tiền lương đã tăng lên cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới ở Triều Tiên, được biết đến với thuật ngữ "donju".

Một quan chức tình báo Mỹ cho biết:

"Đã có những thay đổi rõ ràng khi bạn tới Bình Nhưỡng. Xe cộ lưu thông trên đường phố nhiều chưa từng có so với trước đây.

Ngày càng có những vật dụng hiện đại như pin mặt trời, máy điều hòa mà trước đây không thấy.".

Tuy nhiên, những cải cách dẫn tới sự bùng nổ các doanh nghiệp tư nhân thực tế rất ít được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Andrei Lankov, một học giả nổi tiếng tại Seoul và đã từng sống ở Bình Nhưỡng nói rằng:

"Ông Kim Jong-un đã quyết định làm điều mà cha ông sợ: bắt đầu giới thiệu những yếu tố quan trọng trong nền kinh tế thị trường. 

Ông ấy nói, về cơ bản bây giờ đã đến lúc làm kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là tự do hóa chính trị.".

Nhà phân tích này cho biết, ông Kim Jong-un đã vận hành một phần nền kinh tế này bằng cách không làm bất cứ điều gì có thể gây thiệt hại cho tự do kinh doanh tư nhân ở cơ sở.

Đồng thời, ông lựa chọn các quan chức cấp cao làm việc trong lĩnh vực kinh tế cho thấy tầm nhìn thực sự của Kim Jong-un về tăng trưởng.

Chủ trì lễ khai trương phố RyomYong hồi tháng Tư vừa qua là Pak Pong-ju, cựu Thủ tướng từng bị mất chức năm 2007 vì thúc đẩy cải cách kinh tế thị trường, nhưng đã quay trở lại ghế Thủ tướng từ tháng 3/2013 đến nay. [2]

Đài CNN ngày 20/6 dẫn lời Giáo sư Sheena Greitens từ Đại học Missouri bình luận:

Triều Tiên thực sự rất giỏi trong việc tìm kiếm nguồn ngoại tệ mạnh "bất hợp pháp một cách sáng tạo".  

nha lanh dao kim jong-un va mot so quan chuc cap cao trieu tien tren pho ryomyong, binh nhuong, anh: daily star.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và một số quan chức cấp cao Triều Tiên trên phố RyomYong, BÌnh Nhưỡng, ảnh: Daily Star.

Muốn thực sự gây sức ép đủ mạnh để ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Mỹ, ông Donald Trump phải chặn được nguồn cung ngoại tệ này.

Nhưng đó là một việc rất khó khăn. [3]

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đơn vị phụ trách việc kiếm ngoại tệ mạnh về cho Triều Tiên là một đơn vị có phiên hiệu "văn phòng 39". 

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của chính quyền Mỹ thời Barack Obama, "văn phòng 39" vẫn hoạt động bình thường. [4]

Liên Hợp Quốc cho hay, các nhân viên ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài có thể sử dụng đặc quyền ngoại giao để thực hiện "các giao dịch mờ ám", như buôn lậu vàng và bán vũ khí. [5]

Muốn cắt đứt nguồn thu ngoại tệ mạnh của Triều Tiên, buộc Hoa Kỳ phải tìm cách hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Đây là lý do tại sao ông Donald Trump lại điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, về vấn đề Triều Tiên.

8 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN có đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Triều Tiên. Hiện tại có 39 nước đặt cơ quan đại diện ngoại giao / sứ quán tại Bình Nhưỡng.

Đó cũng chính là lý do tại sao Ngoại trưởng Rex Tillerson từng tìm cách ép các nước ASEAN cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, tuy nhiên điều này rất khó xảy ra. [6]

Ẩn ý Donald Trump

Trước việc Bình Nhưỡng mở lời sẵn sàng đóng băng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nếu Washington dừng các hoạt động tập trận quy mô lớn trên bán đảo, các quan chức Nhà Trắng dường như không mấy quan tâm đến đề xuất này.

Thay vào đó, ông Rex Tillerson và ông James Mattis đang công khai gây sức ép Bắc Kinh phải tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng.

Lý do các quan chức Mỹ bỏ qua đề xuất của Triều Tiên là vì, họ cho rằng ý tưởng này là một cái bẫy.

Năm 1994 chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã thử "đóng băng" chương trình hạt nhân của Triều Tiên, rồi cuối cùng phải bỏ vì cáo buộc Bình Nhưỡng lừa dối.

Cuối nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống George W. Bush cũng thử chính sách "đóng băng" chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, và việc tháo dỡ một phần lò phản ứng hạt nhân được đàm phán, nhưng rồi Bình Nhưỡng cũng bỏ dở khi Barack Obama bước vào Nhà Trắng. [1]

Những diễn biến này càng khiến dư luận thêm khó khăn trong việc nắm bắt thông điệp, ẩn ý của Tổng thống Donald Trump trong dòng trạng thái ông viết trên Twitter.

Thông điệp được phát ra ngay trước thềm đối thoại an ninh Mỹ - Trung, đúng lúc tình báo Mỹ cho biết các dấu hiệu hoạt động tại khu vực Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân:

"Trong khi tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ (Mỹ) trong vấn đề Triều Tiên, nhưng cuối cùng nó không hiệu quả.

Nhưng ít nhất thì tôi biết Trung Quốc cũng đã cố gắng!". [7]

Bản thân không ít quan chức Mỹ cũng không thể nắm bắt, ẩn ý của ông Donald Trump trong thông điệp này là gì? Đồng cảm hay cảnh báo Bắc Kinh?

Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về quốc phòng Abraham Denmark cho rằng:

"Nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Tổng thống Donald Trump nhận ra rằng, Trung Quốc sẽ không giải quyết vấn đề này.

Một lệnh trừng phạt bổ sung  từ Mỹ chống lại các công ty Trung Quốc bị cáo buộc làm ăn với Triều Tiên là chắc chắn có thể.".

Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định:

"Thất vọng đang ngày càng tăng trong chính quyền Mỹ khi Trung Quốc không làm hết khả năng trong vấn đề này.". [8]

Cá nhân người viết có cảm giác rằng, dường như ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình không muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Triều Tiên, mà xem quốc gia này như con bài để cân bằng chiến lược sức mạnh toàn cầu.

Về phía Trung Quốc, chiến lược câu giờ để duy trì hiện trạng bán đảo và cục diện Đông Bắc Á thì đã quá rõ.

tong thong my donald trump va chu tich trung quoc tap can binh, anh: the business times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: The Business Times.

Thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa thể qua mặt Mỹ kể cả về kinh tế lẫn quân sự, nên mặc nhiên Triều Tiên là một con bài có giá trị để mặc cả với Hoa Kỳ.

Vì vậy, dù Triều Tiên có công khai chỉ trích Trung Quốc "bám váy Mỹ", Bắc Kinh vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Trung Quốc vẫn chấp hành lệnh trừng phạt Triều Tiên theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi thảo, nhưng về cơ bản không gây biến động lớn đối với nền kinh tế Triều Tiên.

Với Tổng thống Donald Trump, tiếp tục giữ Triều Tiên làm còn bài để gây sức ép lên Bắc Kinh trong các vấn đề khác, đặc biệt là kinh tế - thương mại sẽ là xu hướng chính sách chủ đạo của Nhà Trắng.

Cũng chính Triều Tiên sẽ là chiếc "cân" để giúp ông Donald Trump đo lường chính xác cán cân sức mạnh Trung - Mỹ trên vũ đài chính trị quốc tế.

Xa hơn nữa, đặt vấn đề ngược lại rằng nếu Triều Tiên bị "xóa sổ" như ai đó mong muốn, thì lý do nào để Mỹ tiếp tục duy trì Hạm đội 7 tại Nhật Bản, lực lượng quân sự hùng hậu trên lãnh thổ 2 đồng minh Đông Á?

Lúc đó với sức hút từ thị trường 1,3 tỉ dân của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với 2 đồng minh này, liệu Mỹ còn giữ được ảnh hưởng của mình không?

James R. Lilley, cựu nhân viên tình báo có 30 năm làm việc cho CIA cùng thời George HW Bush, được nhà báo tự do Nizar Visram từ Tanzania dẫn lời nói rằng:

"Khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nếu Bắc Triều Tiên không còn tồn tại thì chúng ta sẽ phải tạo ra họ như một cái cớ để duy trì Hạm đội 7 tại khu vực này.".  [9]

Cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu

Tình thế của Triều Tiên hiện nay buộc quốc gia này phải tìm mọi cách tồn tại và phát triển tự cường. 

Những dấu hiệu chuyển đổi của nền kinh tế Triều Tiên đang cho thấy sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh các siêu cường tự cho mình cái quyền phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân để răn đe, và cấm đoán các nước nhỏ làm điều tương tự, sẽ là ảo tưởng về một sự "công bằng" trong đàm phán giải quyết mâu thuẫn.

Ngay trong quan hệ đồng minh và mất tiền chi trả cho các dịch vụ đảm bảo an ninh từ Hoa Kỳ, không phải người Mỹ nào cùng nhìn nhận đối tác của họ một cách công bằng.

Dư luận Hàn Quốc hôm qua dậy sóng vì một nhà báo Mỹ từ đài CBS, khi phỏng vấn Tổng thống Moon Jae-in nhà báo này đã nói, hiện chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có "đồng ý, cho phép" đối tác Hàn Quốc đàm phán với Triều Tiên hay không.

Người phát ngôn Nhà Xanh Kwun Hyuk-ki hôm qua đã lên tiếng về vục việc:

"Việc nối lại đối thoại với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có thể cần phài tiến hành trong sự hợp tác và tham vấn chặt chẽ với Hoa Kỳ, nhưng Hàn Quốc không phải xin phép Mỹ để làm điều này.". [10]

Cá nhân người viết cho rằng, câu hỏi của phóng viên CBS chưa hẳn đã là một sự "hớ hênh" về chính trị của một nhà báo, mà có thể nó phản ánh xu hướng nhận thức của một bộ phận dư luận Mỹ trong quan hệ với các đồng minh.

Quay trở lại với Trung Quốc, Yonhap ngày 22/6 cho biết, Bắc Kinh và Washington đã đồng ý, hai nước không nên làm ăn với các đơn vị của Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen. [11]

Còn theo South China Morning Post ngày 21/6, Bắc Kinh đang tìm cách "tán tỉnh" con gái và con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump để xây dựng một quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, và chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Donald Trump.

Các quan chức Mỹ cho hay, Bắc Kinh đã mời Ivanka Trump và Jared Kushner thăm Trung Quốc vào cuối năm nay. Cả hai vợ chồng đều có chức danh chính thức tại Nhà Trắng.

Liu Weidong, một chuyên gia nghiên cứu Mỹ từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay, Jared Kushner đã đóng một vai trò quan trọng, cụ thể trong việc sắp xếp hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago tron tháng Tư vừa qua.

Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán bình luận:

"Có thể ông Donald Trump sẽ thăm Trung Quốc trong hành trình công du châu Á tham dự hội nghị APEC và hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nhưng thời gian cụ thể sẽ phụ thuộc vào ngày khai mạc Đại hội 19.

Vì vậy Ivanka Trump và Jared Kushner có thể thăm Trung Quốc trong tháng Chín hoặc tháng Mười này.". [12]

Cá nhân người viết cho rằng, những diễn biến mới vừa nêu trong quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ cho thấy:

Rõ ràng xu hướng "cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu" vẫn đang tiếp tục diễn ra, như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu lúc sinh thời đã từng tổng kết.

Điều này chứng tỏ nhận định của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về xu hướng "cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu" vẫn đang diễn ra trên vũ đài chính trị quốc tế, cho dù nhân loại đã bước vào kỷ nguyên văn minh từ lâu.

Muốn tránh được những thiệt thòi và nguy cơ đe dọa đến tồn vong của những quốc gia, dân tộc nằm trong vòng cạnh tranh ảnh hưởng của các siêu cường, có lẽ không còn cách nào khác là những con cá nhỏ hay "tép riu" phải tự lực tự cường, khiến mình trở nên "khó nuốt" với những con cá lớn.

Trong quá trình ấy, bên cạnh việc phát huy nội lực, tăng cường sức mạnh tổng hợp của bản thân, thì việc hợp tác và chơi được với những "con cá lớn" là lựa chọn sống còn của "cá nhỏ" hay "tép riu", đúng như những gì ông Lý Quang Diệu đã khuyên.(Hồng Thủy/ Giáo Dục Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nytimes.com/2017/06/21/world/asia/north-korea-missle-tests.html

[2]https://www.ft.com/content/db738fb8-3ed2-11e7-82b6-896b95f30f58

[3]http://edition.cnn.com/2017/06/20/politics/north-korea-illicit-money/index.html

[4]https://www.treasury.gov/press-center/press-releases/Pages/tg962.aspx

[5]http://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=S/2017/150

[6]http://thediplomat.com/2017/05/where-are-us-asean-ties-headed-in-the-trump-era/

[7]http://www.foxnews.com/world/2017/06/21/north-korean-nuke-test-site-sees-more-buildup-as-tensions-rise.html

[8]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2099435/us-and-china-agree-cooperate-halt-north-korea-nuclear

[9]https://www.newsghana.com.gh/if-north-korea-didnt-exist-us-would-create-it/

[10]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/06/21/0200000000AEN20170621004900315.html

[11]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/06/22/39/0401000000AEN20170622000351315F.html

[12]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2099389/beijing-courts-ivanka-trump-jared-kushner-forge-closer

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Thiết kế web Phát triển Portal

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal  chuẩn SEO, chất lượng cao

Nhanh chóng quảng bá, triển khai kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958