Đòn đánh tầm xa của tàu CSB 8020 Việt Nam; Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên; Trung Quốc khoe chiến đấu cơ tàng hình bị nghi "mượn" thiết kế Mỹ; Lộ vũ khí đủ sức khoan thủng mọi boongke Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý trưa 24-10-2017:
- Cập nhật : 24/10/2017
Việt Nam ngó nghiêng Smerch khi sản xuất được EXTRA, AccuLAR...
Các loại đạn dẫn đường như EXTRA, AccuLAR và cả BM-21 Grad đã được Israel tích hợp vào hệ thống pháo phản lực phóng loạt Lynx.
Trong tiến trình đưa Lục quân tiến lên hiện đại, bên cạnh đầu tư cho "nắm đấm thép" có sức xuyên phá mạnh như xe tăng, thiết giáp thì lực lượng yểm trợ hỏa lực cũng cần có sự quan tâm tương xứng.
Ngoài thông tin đặt hàng 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S, đã có thêm một vài nguồn từ truyền thông nước ngoài cho biết thêm rằng chúng ta còn quan tâm tới pháo tự hành bánh lốp 155 mm CAESAR do Tập đoàn Nexter của Pháp sản xuất.
Như vậy trong mảnh ghép kiến tạo nên sức mạnh của Lục quân Việt Nam trong tương lai, còn một thứ nữa vẫn cần phải bổ sung, đó chính là các hệ thống pháo phản lực phóng loạt thế hệ mới sở hữu tầm bắn xa và uy lực vượt trội.
Hiện nay, mặc dù Binh chủng Pháo binh Việt Nam sở hữu một lượng lớn pháo phản lực BM-21 Grad và đã tự chủ nâng cấp lên chuẩn BM-21-M1 có năng lực chiến đấu cao hơn, tuy nhiên mức độ của hệ thống này theo đánh giá là đã tới hạn khi tầm bắn cũng như độ chính xác khó mà cải thiện thêm được nữa.
Trước tình hình trên, đã có nhận định cho rằng chúng ta có thể sớm tiến tới đặt mua từ đối tác truyền thống là Nga các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt hiện đại BM-30 Smerch.
BM-30 Smerch được trang bị loại đạn dẫn đường cỡ 300 mm có uy lực mạnh hơn hẳn đạn 122 mm của BM-21 Grad, tầm bắn tối đa lên tới 90 km với sai số trong khoảng 150 m, triển khai được nhiều loại đạn đa dạng như đạn nổ phá mảnh, đạn rải mìn, đạn mẹ - con chống tăng, hay đạn cháy...
Với ưu thế vượt trội BM-21 về mọi mặt và nếu Nga đồng ý bán công nghệ chế tạo các loại đạn công nghệ cao nữa thì đây là lựa chọn tốt.
Vẫn còn một phương án khác có thể được tính tới đó là chúng ta sẽ trưng dụng các loại đạn dẫn đường EXTRA và AccuLAR đang có trong biên chế Hải quân cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực bộ binh.
Tầm bắn của EXTRA lên tới 150 km hoặc 40 km đối với AccuLAR, độ sai lệch chỉ trong khoảng 10 m, mang được đa dạng các loại đầu đạn khác nhau, có thể sử dụng linh hoạt đạn rẻ tiền cho mục tiêu ít giá trị... đây là lựa chọn tỏ ra ưu việt hơn phương án mua BM-30 Smerch.
Ngoài ra với triển vọng hợp tác quốc phòng ngày càng mật thiết với Israel, đạn EXTRA, AccuLAR cùng với Python-5 và Derby của hệ thống tên lửa phòng không SPYDER theo đánh giá thì nhiều khả năng sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam.(Baodatviet)
--------------------------
Tàu đổ bộ tương lai được ví như “vũ khí kỳ diệu” của Mỹ
Tàu đổ bộ USS Bougainville được trang bị khoang hở, có thể thực hiện cả nhiệm vụ đổ bộ đường không và đường biển.
Hải quân Mỹ hồi giữa năm nay ký hợp đồng trị giá ba tỷ USD với nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries (HII) để thiết kế và đóng tàu tấn công đổ bộ USS Bougainville (LHA-8). Là phiên bản cải tiến của tàu đổ bộ lớp America, chiến hạm này được ví như vũ khí kỳ diệu trong tác chiến đổ bộ tương lai của Mỹ, khi có thể thực hiện cả nhiệm vụ đổ bộ đường không và đường biển cùng lúc, theo Scout.
Khác với hai chiếc đầu tiên của lớp America, vốn chỉ tập trung vào năng lực đổ bộ đường không, USS Bougainville sẽ được trang bị khoang hở để hỗ trợ khí tài đổ bộ đường biển. Việc tích hợp khoang hở lên lớp America là yếu tố then chốt trong chiến lược tác chiến đổ bộ trước môi trường đe dọa hiện đại, được hải quân Mỹ nghiên cứu trong nhiều năm qua.
Sau nhiều năm tiến hành chiến tranh trên bộ ở Iraq và Afghanistan, nhiều chiến lược gia Mỹ nhận thấy cần tăng cường mô hình đổ bộ hiện đại để đủ sức đối phó với những đối thủ mạnh như Nga và Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chỉ huy chiến trường cần có thêm khả năng tiến công để đối phó lực lượng phòng thủ bờ biển, đặc biệt ở những nơi không quân khó có khả năng tiếp cận.
Thiết kế khoang hở sẽ giúp thủy quân lục chiến Mỹ triển khai hai tàu đổ bộ đệm khí hoặc một tàu đổ bộ cỡ lớn từ đuôi tàu USS Bougainville. Chúng sẽ giúp lực lượng đổ bộ vận chuyển lượng lớn binh sĩ và các khí tài chiến đấu hạng nặng vào bờ, nhiệm vụ vốn bất khả thi với các trực thăng đổ bộ đường không trên lớp America.
Các đối thủ tiềm tàng của Mỹ hiện nay đều sở hữu vũ khí tầm xa trang bị cảm biến hiện đại, sử dụng công nghệ dẫn bắn tối tân, buộc lực lượng đổ bộ phải phân tán để giảm thiểu rủi ro trong những chiến dịch tấn công hiệp đồng. Khả năng triển khai lực lượng từ trên không và mặt biển sẽ đáp ứng yêu cầu này, giảm thiểu nguy cơ mất sức chiến đấu khi một lực lượng bị đối phương vô hiệu hóa.
Tốc độ và sự cơ động cũng là yếu tố cơ bản trong chiến dịch đổ bộ. Hải quân Mỹ đang nghiên cứu phương tiện đổ bộ tốc độ cao, phù hợp phương án tấn công chớp nhoáng từ ngoài đường chân trời, giúp tàu mẹ ở khoảng cách an toàn trước hỏa lực đối phương. Kết quả là khả năng sử dụng nhiều loại phi cơ khác nhau cho mục đích đổ quân và chế áp hệ thống phòng thủ bờ biển trên lớp America.
Mỗi tàu đổ bộ lớp America có thể mang theo 31 máy bay, gồm 12 trực thăng lai MV-22 Osprey và trực thăng CH-53 Super Stallion, trực thăng tấn công AH-1Z Super Cobra, trực thăng đa dụng UH-1Y Huey và MH-60 Sea Hawk, cùng siêu tiêm kích F-35B.
Tốc độ và tầm hoạt động của MV-22 kết hợp hệ thống cảm biến và vũ khí trên tiêm kích F-35B hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về bản chất chiến tranh đổ bộ của Mỹ. Hải quân Mỹ có thể di chuyển vũ khí trang bị và lính thủy đánh bộ lên đất liền bằng trực thăng lai MV-22. Trong khi đó, tiêm kích F-35B sẽ yểm trợ hoạt động đổ bộ, tấn công yểm trợ mặt đất và chế áp hỏa lực phòng không đối phương.
Tàu USS Bougainville dự kiến khởi đóng từ năm 2018 và bàn giao cho hải quân Mỹ trong năm 2024.(Vnexpress)
------------------------
Triều Tiên có "bảo bối" hủy diệt Mỹ: Chuyện thật hay đùa?
Giới quan sát nhận định, việc Triều Tiên tuyên bố sắp đuổi kịp năng lực hạt nhân của Mỹ có phần phóng đại. Song thực tế, Bình Nhưỡng vẫn đúng khi khẳng định đủ năng lực để “tấn công nước Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng gần như đã cân bằng với Mỹ. Tuy nhiên, chia sẻ với Sputnik, một số nhà quan sát người Nga cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên có phần phóng đại nhưng thực tế, Bình Nhưỡng vẫn đúng khi khẳng định đủ năng lực để “tấn công nước Mỹ”.
Phát biểu tại buổi hội thảo về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tại Moscow hôm 20/10, người đứng đầu ban phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã khẳng định, Triều Tiên sắp đuổi kịp Mỹ về năng lực hạt nhân.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động ở khu vực phía đông bán đảo Triều Tiên hôm 18/10.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt thế cân bằng với Mỹ, để Washington không còn dám bàn luận về việc tiến hành bất cứ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên", bà Choe nói.
Cũng theo bà Choe, năng lực của các loại vũ khí hạt nhân chính là “sự sống còn” của Triều Tiên và Bình Nhưỡng cũng không có ý định đàm phán với Washington về vị thế hạt nhân hiện tại.
"Tình hình hiện tại càng khiến Triều Tiên hiểu rằng, chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng. Hiện Triều Tiên đang phải sống dưới mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất liên tục bị vũ khí hạt nhân Triều Tiên nhắm tới", bà Choe nói thêm.
Bình luận về phát biểu của bà Choe, nhà nghiên cứu cấp cao Evgeny Kim tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Khoa học Nga nhận định, Bình Nhưỡng có thể đã phóng đại khi tuyên bố gần đuổi kịp sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như có thể khiến Mỹ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
"Ở đây đã có sự phóng đại bởi Triều Tiên chưa thể sánh với Mỹ về công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ngay cả ở thời điểm hiện tại và cả một thập kỷ tới", Sputnik dẫn lời ông Kim.
Ông Kim còn nhấn mạnh, “thứ nhất, Triều Tiên chưa có hệ thống mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ đang sở hữu. Thứ hai, Triều Tiên cũng không có nhiều đầu đạn hạt nhân như Mỹ. Dù Triều Tiên đã thử nghiệm đầu đạn hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng chưa thể sản xuất đại trà. Nói cách khác, Triều Tiên chỉ có thể sản xuất hàng loạt sau 2 - 3 năm nữa".
Ông Kim nói thêm, "Triều Tiên vẫn có lý khi nói họ có thể gây thiệt hại cho quân đội Mỹ. Ví dụ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang có mặt trên biển Nhật Bản. Triều Tiên hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ tên lửa để tiêu diệt nhóm tàu sân bay này. Do đó, Triều Tiên vẫn đúng khi nói có thể tấn công Mỹ”.
Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã quay trở lại trong tuần trước, khi mà Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung ở khu vực phía đông bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, 40 tàu chiến của Mỹ và Hàn Quốc bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng máy bay ném bom chiến lược B1-B của không quân Mỹ đã xuất hiện tại khu vực trải dài từ biển Hoàng Hải tới biển Nhật Bản.
“Mỹ muốn giải quyết tình hình. Washington cũng đã chuẩn bị phương án dùng vũ lực nếu cần thiết để chắc chắn rằng, Bình Nhưỡng không có năng lực đẩy Mỹ vào tình thế nguy hiểm”, Giám đốc CIA Mike Pompeo cho hay.
Khi được hỏi về việc liệu tuyên bố của Giám đốc CIA là muốn nhắm tới một cuộc tấn công sắp xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên, nhà phân tích chính trị Vladimir Terekhov cho rằng, những lời hiếu chiến chỉ là một phần trong chiến lược gia tăng áp lực với Trung Quốc.
Song theo ông Terekhov, không nên loại trừ bất cứ tình huống xấu nào bởi liên quan tới tình hình căng thẳng Triều Tiên, Mỹ đã tính tới phương án tấn công quân sự.
Còn trong bài phát biểu hồi đầu tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc không nên ép Triều Tiên vào “chân tường” đồng thời nhấn mạnh, Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền và “mọi mâu thuẫn cần được giải quyết theo cách văn minh”. (Infonet)
---------------------------------
Tổng thống Putin cảnh báo vũ khí vượt siêu bom hạt nhân
Tổng thống Putin cảnh báo vũ khí vượt trội hơn cả siêu bom hạt nhân bởi tính phi đạo đức của chương trình gen người.
RT dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc thảo luận nhóm "Thanh niên 2030: Hình ảnh Tương lai" tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 19 đã cảnh báo về một loại siêu vũ khí vượt trội cả siêu bom hạt nhân.
Theo lời Tổng thống Putin, nhân loại đang bước vào một giai đoạn phát triển mới khi bỏ qua các giá trị đạo đức và có thể gây ra một thảm hoạ còn lớn hơn cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Putin đã nhắc tới chương trình gen người để minh họa về các giá trị đạo đức đang bị hủy hoại này.
Theo đó, chương trình kiểm soát được gen người sẽ "thật tuyệt vời" nếu có thể cung cấp khả năng thay đổi mã di truyền của những người mắc bệnh hiểm nghèo và giúp sửa chữa chúng để mang lại sức khỏe và tương lai cho họ.
Tuy nhiên, mặt trái của chương trình này có thể bị lợi dụng bởi những hành động phi đạo đức và nhân loại cũng có cơ hội để chứng kiến việc người ta tác động vào mã di truyền tự nhiên và tạo ra những con người với các đặc điểm mà ai đó muốn.
"Có thể là một nhà toán học thiên tài hay nhạc sĩ, nhưng cũng là một người lính, người sẽ chiến đấu mà không sợ hãi, từ bi và hối tiếc, không biết đau đớn" - Tổng thống Nga cảnh báo.
Người đứng đầu nhà nước bày tỏ hy vọng rằng các nhà khoa học trẻ tuổi đang trình bày các dự án của họ tại Sochi sẽ ghi nhớ rằng, đạo đức là điều quan trọng nhất để thực hiện mọi hành động.
"Trong tương lai gần, nhân loại có thể bước vào và chắc chắn sẽ bước vào giai đoạn rất khó khăn và quan trọng trong vì sự phát triển và tồn tại... Những gì tôi nói bây giờ có thể nguy hiểm hơn một quả bom hạt nhân. Do đó, bất kể chúng ta đang làm gì, chúng ta không bao giờ quên được cơ sở đạo đức và đạo đức trong mọi hành động" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Putin khuyến khích: "Tất cả mọi thứ mà chúng ta sẽ làm phải mang lại lợi ích cho nhân dân và nâng cao vị thế cho nhân loại, chứ không phải là hủy diệt nó".
Công nghệ là điều mà Tổng thống Putin đặc biệt quan tâm thời gian gần đây khi nhắc tới các triển vọng kinh tế hay khoa học trong tương lai.
Sự thay đổi ở mức chóng mặt của thành tựu khoa học công nghệ đang mang thế giới tới các nguy cơ xung đột cao hơn bất cứ lúc nào.
Ông Putin cũng từng cảnh báo về sự phát triển trí tuệ nhân tạo có thể gây nên các thách thức khổng lồ bởi "Quốc gia nào dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ trở thành kẻ thống trị thế giới".
"Trí tuệ nhân tạo là tương lai của không chỉ đối với Nga, mà còn cho cả toàn thể nhân loại. Chúng sẽ mang đến những cơ hội bên cạnh các thách thức khổng lồ" - Tổng thống Nga nhận xét.
Song ông Putin lưu ý rằng, Nga không muốn nhìn thấy một quốc gia “độc quyền” trong lĩnh vực này, và thay vào đó: “Nếu ai trong chúng ta trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực này, chúng ta nên chia sẻ bí quyết với toàn thế giới, giống như cách các quốc gia chia sẻ công nghệ hạt nhân với nhau”.
Mới đây, ông cũng bày tỏ sự quan tâm khi nhắc tới Ethereum, tiền ảo lớn nhất sau bitcoin- được coi như một công cụ tiềm năng giúp Nga đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt.
Theo thông tin từ trang web của Điện Kremlin, ông Putin gặp gỡ cha đẻ của đồng ethereum Vitalik Buteri bên lề Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg đầu tháng 6 và ủng hộ kế hoạch xây dựng mối quan hệ với các đối tác nhằm thực hiện công nghệ blockchain tại Nga.
“Nền kinh tế kỹ thuật số không phải là một ngành công nghiệp riêng biệt. Nó thực sự là nền tảng cho việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới”, ông Putin nói.
Tiền ảo có thể giúp nền kinh tế bằng cách khiến các giao dịch được thực hiện nhanh chóng hơn, an toàn hơn trên mạng. Bên cạnh việc là một phương thức trao đổi, ethereum cũng là sổ cái cho mọi thứ, từ hợp đồng tiền tệ đến quyền sở hữu, đẩy nhanh hoạt động kinh doanh bằng cách cắt giảm những khâu trung gian.
Sau đó, tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hamburg đầu tháng 7, Tổng thống Putin cũng yêu cầu các quy định quốc tế thống nhất về công nghệ kỹ thuật số bao gồm Bitcoin.
Ông Putin nói: “Chúng tôi tin rằng G20 sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình các quy định quốc tế trong lĩnh vực này. Đồng thời cải tiến các hệ thống tài chính quốc tế để tất cả các nền kinh tế có thể có lợi từ nó, bao gồm cả ở các nước đang phát triển trong chương trình G20.”(Baodatviet)