Bình Nhưỡng nói Mỹ 'châm ngòi nổ' hạt nhân; Những vũ khí ứng phó tên lửa Triều Tiên; Dấu hiệu tên lửa Triều Tiên có thể lừa hệ thống đánh chặn Mỹ
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 11-07-2017
- Cập nhật : 11/07/2017
Quân đội Trung Quốc – Triều Tiên cắt đứt quan hệ
Một quan chức quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, quan hệ đồng minh lâu đời Trung – Triều đang rạn nứt và hoạt động liên lạc liên quân đã giảm xuống bằng "0" song Bắc Kinh vẫn phản đối mạnh mẽ việc áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn Channel News Asia, Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận định, sự sụt giảm trong quan hệ liên quân Trung – Triều đã phản ánh thực tế mối quan hệ hiện thời giữa hai nước.
Khi được hỏi, giới chức Trung Quốc hiện còn liên lạc thường xuyên với những người đồng cấp Triều Tiên hay không, ông Zhou nói: "Không, hoàn toàn không. Chúng tôi hiện không còn liên lạc với họ".
Quan hệ quân sự Trung - Triều hiện bị cắt đứt vì những bất đồng liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Cũng theo ông Zhou, trong quá khứ, Trung Quốc và Triều Tiên đã có "nhiều hoạt động liên lạc và trao đổi" do đó, việc quan hệ quân sự giữa hai nước hiện sụt giảm đã phản ánh "sự thay đổi trong quan hệ song phương vì những lý do mà ai cũng biết".
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc được xem không chỉ là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên mà còn là đối tác thương mại và nguồn cung cấp thực phẩm cũng như nhiên liệu chính cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng từng nhiều lần phản đối lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên.
Trong cuộc chiến liên Triều (1950 – 1953), Trung Quốc đã viện trợ quân sự cho Triều Tiên bằng cách điều động binh sĩ tới hỗ trợ. Tuy nhiên, quan hệ Trung – Triều bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
"Trung Quốc và Triều Tiên là láng giềng và chúng tôi cùng chiến đấu trong cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên trước đây. Trung Quốc hiện đồng tình với cộng đồng quốc tế trong việc thi hành các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp cho vấn đề này", Tướng Zhou nói.
Mới đây, Triều Tiên tuyên bố đã cho phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn và khoảng cách bay xa hơn tất cả các vụ thử tên lửa trước đây. Nhiều chuyên gia dự đoán tầm bắn ICBM mà Triều Tiên phóng thử có thể vươn tới cả Alaska.
Theo ông Zhou: "Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ. Do đó, Trung Quốc sẽ giúp hai nước tiến hành thảo luận bởi trong lịch sử các cuộc đàm phán 6 bên, Trung Quốc luôn giữ vai trò chủ trì từ năm 2003 – 2007. Dù hoạt động liên lạc đã bị cắt đứt nhưng Bắc Kinh vẫn luôn thể hiện rõ quan điểm với Bình Nhưỡng rằng, từ bỏ hạt nhân sẽ đem lại sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hiện được xem là nguyên nhân khiến Trung – Triều nhiều lần lời qua tiếng lại. Hồi tháng Năm, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, quốc gia này sẽ không phục tùng theo yêu cầu của Trung Quốc trong việc ngừng hoạt động hạt nhân và nhấn mạnh "hành động thiếu thận trọng này sẽ phá tan trụ cột trong quan hệ Trung – Triều".
Cả tờ Nhân dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đều đã đưa ra phản ứng trước tuyên bố của KCNA và cho rằng, Triều Tiên đã "thể hiện sự phi logic qua chương trình hạt nhân".(Infonet)
--------------------
Hàn Quốc ra mắt tàu ngầm mới, bù đắp thiếu hụt về số lượng so với Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, ngày 10/7, Hải quân Hàn Quốc đã bổ sung quân số một chiếc tàu ngầm 1.800 tấn mới nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trên biển để chống lại Triều Tiên.
Theo cơ quan Quản lý mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) công bố, buổi lễ giao nhận tàu ngầm Yu Gwan-sun được tổ chức tại nhà máy đóng tàu của Daewoo trên đảo Geoje, gần thành phố cảng Busan.
Tàu ngầm Yu Gwan-sun, được trang bị động cơ nhiêu liệu diesel mới có khả năng lặn trên 10 ngày mà không cần trồi lên mặt nước. Được hy vọng sẽ giúp Hàn Quốc bù đắp vào sự thiếu hụt về số lượng tàu ngầm so với quân đội Triều Tiên.
Tàu ngầm được đặt theo tên nhà hoạt động đòi quyền độc lập cho Hàn Quốc Yu Gwan-sun (1902-1920). Đây là con tàu lớp Jang Bogo-II ra mắt tháng 12/2008. Jang là một đô đốc huyền thoại của vương quốc Silla cổ đại của Hàn Quốc (Vương quốc tồn tại từ năm 57 năm trước Công Nguyên đến 935 năm sau Công Nguyên).
Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch sẽ đưa tàu ngầm vào hoạt động trong tháng 12/2017, sau khi huấn luyện thủy thủ đoàn.
“Tàu ngầm Yu Gwan-sun là một trong những tàu ngầm diesel hàng đầu trên thế giới, có khả năng nhắm đến hơn 300 mục tiêu dưới nước cùng một lúc”, Choi Hee-kyung – một quan chức DAPA phụ trách chương trình cho biết, “Được trang bị hệ thống pin nhiên liệu, nó có thể thực hiện nhiệm vụ dưới nước trong hơn 10 ngày mà không cần nổi lên bề mặt”.
Tàu ngầm được mong chờ sẽ giúp Hàn Quốc bù đắp cho sự kém cỏi về số lượng tàu ngầm của mình so với Triều Tiên. Ông Choi cho biết, phía Triều Tiên có hơn 80 chiếc tàu ngầm.(Infonet)
----------------------
Dự án khí đốt của Nga sẽ "cứu" quan hệ Hàn - Triều?
Dự án xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc qua Triều Tiên có thể là biện pháp kinh tế và chính trị hữu hiệu giúp thúc đẩy hai miền Triều Tiên tăng cường thêm hợp tác kinh tế và hòa giải ngoại giao.
Phát biểu trong cuộc họp của Viện Korber Foundation tại Đức hôm 6/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia sẻ về kế hoạch mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh, quan hệ hợp tác tăng cường với Triều Tiên là nền tảng quan trọng để thiết lập hòa bình cho khu vực này. Ông Moon còn cho biết đã có một "lộ trình kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên". Kế hoạch này sẽ trở thành thực tế nếu vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được giải quyết.
Korea Herald cho hay, kế hoạch của ông Moon sẽ là đưa Hàn Quốc và Triều Tiên kết nối liên lạc qua đường ranh giới quân sự. Đây sẽ là "vành đai kinh tế" tạo lập một cộng đồng kinh tế mà ở đó người dân Hàn – Triều cùng được hưởng sự thịnh vượng.
Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc đi qua Triều Tiên không chỉ mang lại lợi ích cho ba bên mà còn giúp Seoul và Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ.
"Hoạt động đường sắt liên Triều sẽ được tái kết nối. Một chuyến tàu khởi hành từ Busan và Mokpo sẽ chạy qua Bình Nhưỡng và Bắc Kinh và hướng tới Nga cũng như châu Âu. Các dự án hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á như dự án đường ống dẫn khí đốt sẽ kết nối hai miền Triều Tiên với Nga cũng sẽ được thi hành", Tổng thống Moon nói.
Cũng theo ông Moon, "Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng được hưởng thịnh vượng khi kết nối với đất liền châu Á và Thái Bình Dương. Hàn Quốc và Triều Tiên cần cùng nhau thi hành Tuyên bố ngày 4/10. Từ đó, thế giới sẽ được chứng kiến một mô hình kinh tế mới. Mô hình kinh tế vì hòa bình và thịnh vượng chung".
Quay trở lại hồi năm 2008, Moscow và Seoul đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vận chuyển khí đối từ Nga cũng như tiến hành đàm phán về việc vận chuyển khí đốt qua Triều Tiên từ năm 2011. Đây chính là thời điểm tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Kogas của Hàn Quốc ký kết lộ trình triển khai xây dựng dự án. Theo đó, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc dài trên 1.100 km và ít nhất 700 km sẽ đi qua lãnh thổ Triều Tiên. Theo tính toán của Gazprom, đường ống này có khả năng vận chuyển ít nhất 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Dự án này được kỳ vọng là có lợi cho các bên khi mà Nga có cơ hội tiếp cận một thị trường xuất khẩu dầu mới, Triều Tiên sẽ được hưởng lợi với vai trò là nước trung chuyển, còn Hàn Quốc sẽ nhận được nguồn cung khí đốt ổn định và tiết kiệm chi phí hơn.
Ông Konstantin Simonov, Tổng giám đốc Qũy An ninh năng lượng quốc gia Nga cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt sẽ là thương vụ có lợi cho Hàn Quốc thay vì việc quốc gia này đang phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nước ngoài.
"Hàn Quốc mua khí tự nhiên hóa lỏng. Tất cả các nước châu Á lại đang quan tâm tớ đường ống dẫn khí đốt bởi giá thành rẻ hơn. Đó là lý do tại sao Nhật Bản đã quay trở lại với ý tưởng xây dựng một đường dẫn khí đốt", ông Simonov chia sẻ trên tờ Vzglyad của Nga.
Tuy nhiên, theo ông Simonov, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt có thành công hay không còn tùy thuộc vào quan hệ Hàn – Triều.
Ông Simonov nhận định, dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn Quốc thúc đẩy 'Chính sách Ánh dương' nhằm kéo Triều Tiên vào các dự án chung và thay đổi Bình Nhưỡng theo con đường hòa bình. Các dự án xây đường ống dẫn khí đốt và đường sắt qua Triều Tiên nhằm chuyên chở hàng hóa dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia đã được cải thiện. Nhưng bà Park Geun-hye trở thành Tổng thống Hàn Quốc, bà đã thi hành một chính sách hoàn toàn khác biệt. Theo bà Park, nói chuyện với Triều Tiên sẽ chỉ vô nghĩa vì Bình nhưỡng bị xem là người phá luật, đối địch. Hàn Quốc cũng không còn thi hành "Chính sách Ánh dương" mà chú trọng vào nâng cao năng lực phòng thủ. Tuy nhiên, khi ông Moon nắm quyền Tổng thống Hàn Quốc, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đang được hồi sinh.
Cũng theo ông Simonov, trên thực tế, ý kiến phản đối dự án này đang ngày càng nhiều. Cụ thể, những người phản đối cho rằng, Hàn Quốc sẽ bị lệ thuộc vào đường ống này và Triều Tiên sẽ lợi dụng để tống tiền, thao túng và thậm chí là chặn đường ống dẫn. Tuy nhiên, ngay cả khi chuyện này xảy ra, Hàn Quốc vẫn có các kho chứa nhiên liệu ở LNG do đó khi hoạt động của đường ống dẫn bị gián đoạn, Hàn Quốc vẫn không bị cắt đứt nguồn cung năng lượng. Một khi Hàn Quốc có nguồn cung cấp khí đốt thay thế, không có lý do gì để Triều Tiên gây gián đoạn hoạt động đường ống dẫn từ Nga.
Ông Simonov còn nhấn mạnh thêm, vấn đề then chốt trong kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt là việc Gazprom và Kogas vẫn chưa thể thỏa hiệp về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm thi hành xây đường ống qua Triều Tiên và bên nào sẽ chịu rủi ro trong quá trình trung chuyển.
"Khi Gazprom tiến hành đàm phán về kế hoạch xây đường ống dẫn khí đốt lần cuối, câu hỏi chính được đưa ra là đâu sẽ là nơi vận chuyển khí đốt từ Nga. Gazprom cho biết, sẵn sàng đầu tư vào hoạt động xây đường ống chuyển khí đốt qua khu vực biên giới Nga và Triều Tiên còn Hàn Quốc là bên chịu rủi ro trong quá trình vận chuyển. Nhưng Hàn Quốc lại muốn khí đốt được chuyển qua biên giới Hàn – Triều còn Gazprom là đơn vị chịu rủi ro trong quá trình trung chuyển", ông Simonov nói.
Cho tới nay, tương lai cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt vẫn chưa được định đoạt nhưng Gazprom và Kogas đã ký kết một số thỏa thuận mua LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2. Hiện tại, Sakhalin-2 đang cung cấp 1,5 triệu tấn LNG cho Hàn Quốc mỗi năm. (Infonet)