Đại sứ Mỹ: "Chúng tôi không thể tin và sẽ không bao giờ tin Nga"; Đến lượt TQ và Triều Tiên bị nghi can thiệp bầu cử Mỹ; Nga cảnh báo về việc cho Ukraine gia nhập NATO; Vận tải cơ 'Ngựa thồ' Mỹ lần đầu trình diễn bay thấp
Tin thế giới đáng chú ý trưa 11-07-2017
- Cập nhật : 11/07/2017
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân: thực thi được không?
Không phải vô cớ mà website của Liên Hiệp Quốc cuối tuần qua lại đăng bức ảnh cảnh đổ nát của Hiroshima (Nhật Bản) do sức tàn phá kinh hoàng của bom nguyên tử vào lúc 8h15 sáng 6-8-1945.
Website Liên Hiệp Quốc đăng ảnh cảnh đổ nát ở Hiroshima do bom nguyên tử như một cảnh báo về thảm họa hạt nhân - Ảnh chụp màn hình
Cuộc họp biểu quyết thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân hôm 7-7, chỉ 3 ngày sau vụ thử tên lửa “có thể bắn tới bất cứ đâu” của Triều Tiên, phản ánh ước muốn không thấy những cảnh bình địa như ở Hiroshima.
“Hi vọng lớn lao”
“Chúng ta cảm thấy xúc động do lẽ chúng ta đang đáp ứng những hi vọng và ước mơ của các thế hệ hiện tại và tương lai” (là loại bỏ vũ khí hạt nhân) - đại sứ Elayne Whyte Gómez của Costa Rica, chủ tịch hội nghị này, tuyên bố sau khi hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được thông qua.
Đây là một hi vọng vô cùng lớn lao vì khác với hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân được ký kết năm 1968 vốn chỉ cấm phổ biến, hiệp ước mới này cấm mọi hình thái sở hữu, sử dụng hay đe dọa sử dụng.
Không khó để có thể hiểu được tại sao hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân này không được các nước có vũ khí hạt nhân tham gia, đặc biệt là 5 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc đồng thời cũng là 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an!
Nếu như hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 đã được cả 5 cường quốc hạt nhân vào thời điểm đó tham gia là do các nước này không muốn độc quyền làm chủ vũ khí hạt nhân của mình bị chia sẻ bởi các nước khác, tức thế lực răn đe của các nước này bị chia sẻ, thì hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2017 ngược lại sẽ tước vũ khí hạt nhân của các nước này, tức tước bỏ thế lực răn đe.
Điều này được 3 trong số 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp thẳng thắn thừa nhận khi giải thích rằng hiệp ước mới này “coi nhẹ rõ rệt các thực tế của bối cảnh an ninh quốc tế”, mà đứng đầu là mối đe dọa của Triều Tiên, và rằng hiệp ước mới này “không tương thích với chính sách răn đe hạt nhân vốn đã là then chốt trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu và Bắc Á trong hơn 70 năm qua”.
Ít nhất 3 “ông lớn” này, đều trong thường trực Hội đồng Bảo an, cũng đã nói ra ý muốn độc quyền vũ khí hạt nhân, không chia sẻ thế lực của mình.
Lý giải của 3 nước này cũng có cơ sở trong thực tế: sức răn đe hạt nhân ít nhất cũng đã thể hiện bởi chính 2 siêu cường hạt nhân đầu tiên là Mỹ và Liên Xô cũ qua vụ khủng hoảng tên lửa và hạt nhân Cuba đầu thập niên 1960.
Hai lãnh đạo Liên Xô và Mỹ khi đó là Khrushchev và Kennedy dù có muốn căng thẳng tới đâu nhưng cuối cùng cũng phải hạ hỏa.
Yếu tố Triều Tiên
Ngày 10-1-2003, Hãng tin quốc gia KCNA của Triều Tiên thông báo nước này đã quyết định chính thức rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, viện lý do “tình thế nghiêm trọng mà chủ quyền của dân tộc Triều Tiên và an ninh của CHDCND Triều Tiên bị đe dọa do chính sách thù địch của Mỹ”.
14 năm rưỡi trôi qua, Triều Tiên đã làm chủ vũ khí hạt nhân vào năm ngoái, nay làm chủ luôn phương tiện chở vũ khí hạt nhân đó.
Thành ra, trong một góc nhìn nào đó, việc Liên Hiệp Quốc khởi sự thảo luận từ ngày 27-3 năm nay và bây giờ bỏ phiếu thông qua phản ánh nỗi lo ngại nay đã lên đến đỉnh điểm này.
Thế nhưng, hiệp ước này có ngăn chặn được việc sản xuất bom hạt nhân và tên lửa? E rằng, lại cũng giống như Công ước Luật biển 1982 hay Công ước về vũ khí hóa học 1997?!(Tuoitre)
-------------------------
Quan hệ căng thẳng, Nga cân nhắc rút đại sứ ở NATO
Moscow đang cân nhắc giảm cấp đại diện ngoại giao tại NATO sau khi đại diện thường trực của nước này là Alexander Grushko hết nhiệm kỳ, động thái cho thấy quan hệ song phương càng xấu đi.
Báo Izvestia ngày 10.7 dẫn các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ Moscow đang xem xét hủy bỏ hàm đại sứ ở NATO, giảm xuống còn đại biện lâm thời sau khi ông Grushko về nước.
“Chúng tôi cân nhắc khả năng chỉ duy trì vị trí đại biện lâm thời ở Brussels sau khi đại sứ Alexander Grushko quay về Moscow”, theo nguồn tin.
Vào ngày 13.7, Hội đồng Nga – NATO tổ chức cuộc hội đàm ở cấp đại sứ tại tổng hành dinh của khối quân sự ở Brussels, nhưng Moscow bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc gặp này sẽ chẳng mang lại bất kỳ kết quả nào, do NATO “không muốn lắng nghe” quan điểm của Nga, “và một lần nữa tiếp tục giọng điệu cáo buộc”, Nga về các vấn đề ở Ukraine.
Izvestia cũng dẫn lời Phó chủ tịch thường trực của Ủy ban Hội đồng liên bang về các vấn đề đối ngoại, Vladimir Dzhabarov cho rằng quyết định của Nga sẽ được thông cảm vì NATO luôn từ chối hợp tác với Moscow.(Thanhnien)
----------------------
Qatar đòi phía Ả Rập bồi thường hàng tỉ USD vì bao vây kinh tế
Qatar đã thiết lập ủy ban đặc biệt với mục tiêu buộc 4 nước Ả Rập đền bù tổn thất vì đã bao vây kinh tế nước này.
Tuyên bố trên từ văn phòng Tổng chưởng lý Ali bin Fetais al-Marri đang càng làm phức tạp hơn cuộc xung đột giữa Qatar và các quốc gia láng giềng gồm Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), tờ Guardian ngày 10.7 nhận định.
Bốn nước này cũng đã đưa ra yêu sách đòi Qatar bồi thường vì điều mà họ cho là Qatar đã có hành vi can thiệp vào các vấn đề nội bộ của mình trong quá khứ.
Đây là một trong 13 yêu cầu mà 4 nước này buộc phía Qatar phải thực thi nếu muốn cuộc bao vây kinh tế chấm dứt.
Văn phòng Tổng chưởng lý Qatar cho biết họ đang đóng vai trò đại diện các tập đoàn, công ty và tổ chức trong nước đã bị tổn thất trong thời gian gánh chịu đòn cấm vận bằng đường bộ và đường hàng không do nhóm 4 nước đơn phương áp dụng.
Trong khi đó, các nước Ả Rập phản bác rằng họ không cấm vận mà chỉ tẩy chay làm ăn với phía Qatar.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 10.7 đã đến khu vực để tìm cách hỗ trợ các nỗ lực điều đình, hiện do Kuwait chủ xướng.(thanhnien)
---------------
Áo cấm Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh
Áo ngày 10-7 thông báo đã cấm Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci nhập cảnh nước này để tham dự sự kiện kỷ niệm một năm diễn ra đảo chính quân sự bất thành.
“Ông ấy bị cấm bởi vì chuyến đi không được lên kế hoạch nằm trong cuộc giao lưu song phương mà là để xuất hiện công khai tại một sự kiện kỷ niệm một năm diễn ra đảo chính quân sự thất bại” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Áo Thomas Schnoell nói với hãng tin AFP ngày 10-7.
Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci. Ảnh: AFP
Ông Schnoell cho hay sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci sẽ tạo ra “mối nguy hiểm cho trật tự công cộng”. Bộ Ngoại giao Áo không tiết lộ thời điểm dự kiến diễn ra sự kiện trên.
Động thái trên diễn ra ba ngày sau khi chính quyền Hà Lan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ việc cử phó Thủ tướng Tugrul Turkes tới phát biểu tại một buổi mít tinh ở Hà Lan trong tuần này.
Mối quan hệ giữa Ankara và Liên minh châu Âu (EU) suy giảm sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đàn áp sau sự kiện đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất thành hồi 15-7-2016.
Đầu năm 2017, một số quốc gia phương Tây trong đó Áo và Đức đã cấm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị ở lãnh thổ họ trước thềm diễn ra trưng cầu dân ý hồi tháng 4.(PLO)