Ukraine và Đức nhất trí 'gây áp lực' với Nga; Israel quan ngại về thương vụ vũ khí Mỹ - Saudi Arabia; Bộ ngoại giao Mỹ còn khuyết nhiều vị trí quan trọng; Núi lửa Indonesia phun trào dữ dội
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 23-05-2017
- Cập nhật : 23/05/2017
Bắc Kinh: Tình hình bán đảo Triều Tiên phức tạp và nhạy cảm
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sau lần phóng thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng vào ngày 21-5.
Người dân ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc theo dõi thông tin về phát ngôn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 22-5 - Ảnh: AP
Truyền thông Triều Tiên tỏ ra rất hỉ hả với vụ phóng thành công tên lửa tầm trung mới Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn.
Nhật báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 22-5 dành đến 3 trang để đăng tải hình ảnh và thông tin về vụ phóng tên lửa diễn ra ngày trước đó.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngay sau đó còn thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thể hiện sự hài lòng về sự chính xác của tên lửa cũng như thông qua việc sản xuất hàng loạt và triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo mới từ tầm trung đến tầm xa.
Chưa kể phía Bình Nhưỡng cho công bố hàng loạt hình ảnh Trái Đất chụp từ không gian. Nhật báo Rodong Sinmun đã công bố 58 bức ảnh màu ghi lại hình ảnh Trái Đất chụp từ không gian với lời chú thích: "Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất Pukguksong-2 đã một lần nữa thành công".
Đáng chú ý trong số những hình ảnh này là 5 bức ảnh được cho là chụp trong lúc tên lửa Pukguksong-2 tiến vào bầu khí quyển.
Sau những phản ứng từ các nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật, chiều nay, Trung Quốc đã kêu gọi đối thoại nhằm làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Hội đồng Bảo an LHQ đã có những quy định rõ ràng về cấm CHDCND Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và Trung Quốc cũng phản đối Triều Tiên về các hành động này vì nó vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Theo bà Oánh, "tình hình Bán đảo Triều Tiên đang rất phức tạp và nhạy cảm do vậy Trung Quốc kêu gọi các bên tránh các hành động khiêu khích lẫn nhau và tiếp tục lộ trình đúng đắn về đối thoại và tham vấn".
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc nhận định rằng tên lửa đạn đạo mới phát triển của Triều Tiên mang tên Pukguksong-2 là loại tầm trung, với tầm bắn 2.500 km, nên không thể bắn tới đảo Guam của Mỹ, nằm cách Triều Tiên khoảng 3.500 km.
Người phát ngôn của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Roh Jae Cheon giải thích: “Đây được cho là một tên lửa đạn đạo tầm trung, xét về khoảng cách bay khi được phóng ở một góc bình thường”.
Ngoài ra, khi được hỏi về tuyên bố của Bình Nhưỡng chụp được nhiều bức ảnh Trái Đất bằng thiết bị gắn trên tên lửa nói trên, ông Roh cho rằng cần phải phân tích thêm trước khi xác nhận thông tin này, đồng thời tỏ thái độ thận trọng về khả năng Triều Tiên đã có được công nghệ đưa tên lửa quay trở lại bầu khí quyển.
Cũng theo người phát ngôn Văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã có được dữ liệu để nâng cao công nghệ tên lửa.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: "Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo tính hiệu quả của các nghị quyết HĐBA LHQ và đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Nhật Bản sẽ được thực thi triệt để".
Theo các nguồn tin ngoại giao, HĐBA LHQ đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 23-5 để bàn về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.(Tuoitre)
------------------------------
Pukguksong-2, tên lửa thay đổi cuộc chơi của Triều Tiên
Tên lửa Pukguksong-2 với nhiều cải tiến vượt trội có thể giúp Triều Tiên tiến gần hơn tới khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua ra lệnh triển khai tác chiến tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 sau khi chứng kiến mẫu tên lửa này phóng thử thành công, theo KCNA. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng động thái này đánh dấu việc Triều Tiên đã sở hữu một loại tên lửa có thể "thay đổi cuộc chơi" ở khu vực Đông Á.
Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên trước đây dựa chủ yếu vào tên lửa tầm trung Musudan, nhưng loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng này đã bộc lộ điểm yếu về độ tin cậy sau một loạt vụ phóng thử thất bại hồi năm ngoái. Chuỗi phóng thử tên lửa thất bại đó chỉ chấm dứt khi Bình Nhưỡng chuyển sang phát triển Pukguksong-2, theo Telegraph.
"Động cơ nhiên liệu lỏng trên các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên rất nguy hiểm bởi nó có tính ăn mòn và bay hơi rất cao", Lance Gatling, chuyên gia quốc phòng kiêm chủ tịch Tập đoàn Nghiên cứu Nexial ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết. "Triều Tiên chưa chắc có khả năng lưu trữ nhiên liệu này trong thời gian dài, nên họ thường nạp nhiên liệu vào tên lửa ngay trước khi phóng".
Những vụ phát nổ của tên lửa Musudan ngay sau khi phóng đã thể hiện mức độ rủi ro của loại nhiên liệu lỏng này. Điểm khác biệt của Pukguksong-2 so với Musudan là nó sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, giúp tên lửa ổn định hơn, giảm thiểu thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng.
Nhiên liệu mà tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiều khả năng là ammonium perchlorate, loại nhiên liệu rất ổn định, dễ dàng lưu trữ, có thể giúp tên lửa khai hỏa bất cứ lúc nào, ông Gatling nói.
"Đó là loại vũ khí thay đổi cuộc chơi bởi tên lửa nhiên liệu rắn có thể được bảo quản ở nhiệt độ môi trường trước khi phóng, thời gian chuẩn bị cho vụ phóng cũng rất ngắn", ông cho biết.
Theo John Schilling, chuyên gia quốc tế về chương trình tên lửa Triều Tiên, tên lửa Pukguksong-2 được triển khai trên xe vận chuyển kiêm bệ phóng di động (TEL) chạy bằng bánh xích, giúp nó có khả năng cơ động băng đồng tốt hơn rất nhiều so với hệ thống TEL bánh lốp của các loại trên lửa trước đó.
Ông Kim Jong-un ra lệnh triển khai tác chiến Pukguksong-2 sau khi chứng kiến tên lửa phóng thử thành công. Ảnh:SCMP
Triều Tiên hoàn toàn có thể nạp sẵn nhiên liệu cho tên lửa Pukguksong-2 trên xe phóng trong các địa điểm bí mật dưới lòng đất, sau đó lợi dụng đêm tối, địa hình cơ động đến vị trí thuận lợi và khai hỏa trong thời gian rất ngắn. Schilling ước tính tên lửa Pukguksong-2 có thể khai hỏa chỉ trong 5 phút sau khi nhận lệnh báo động, so với thời gian 30-60 phút của tên lửa Nodong.
Tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, nên nó không cần các xe bồn chứa nhiên liệu lỏng đi theo để nạp nhiên liệu. Một bệ phóng tên lửa cùng vài xe bồn đi theo là dấu vết dễ bị vệ tinh phát hiện hơn rất nhiều so với một xe phóng Pukguksong-2.
Bởi vậy, vệ tinh và các loại radar của Mỹ và đồng minh sẽ có rất ít thời gian để phát hiện trước một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Điều này giúp Bình Nhưỡng tăng đáng kể khả năng ngụy trang, sống sót cho vũ khí trước khí tài do thám cũng như đòn tấn công phủ đầu của đối phương, Schilling nhận định.
Tên lửa Pukguksong-2 từng xuất hiện trong lễ duyệt binh hồi tháng 4 của Triều Tiên. Quan sát hình ảnh tên lửa này, Michael Duitsman, chuyên viên tại Trung tâm Nghiên cứu cấm phổ biến vũ khí (CNS), chỉ ra những đường vân trên thân nó là dấu hiệu của loại vật liệu composite gia cố bằng sợi thủy tinh hoặc carbon. Vật liệu này giúp tên lửa nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo độ bền trong quá trình phóng.
Tầng đẩy nhẹ sẽ giúp Triều Tiên tăng tầm bắn cũng như giảm trọng lượng cho tên lửa Pukguksong-2, tạo điều kiện để gắn đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu xa hơn, Duitsman nhận định.
Đường vân trên thân chứng tỏ Pukguksong-2 được chế tạo từ vật liệu đặc biệt. Ảnh:Reuters
Theo Kim Dong-yub, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-2 mới nhất nhiều khả năng là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm ổn định hóa hệ thống trước khi triển khai tác chiến.
Kim cho rằng thông qua vụ thử này, Bình Nhưỡng có thể cũng đang kiểm nghiệm động cơ cùng các thành tố khác để có thể phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn có thể bắn tới Mỹ. Loại ICBM này nhiều khả năng sẽ được đẩy bằng cụm nhiều động cơ của tên lửa Pukguksong-2.
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc ước tính tên lửa Pukguksong-2 có tầm bắn khoảng 3.000 km, thấp hơn một chút so với tầm bắn 3.500 km của Musudan. Với việc thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn của loại tên lửa này, các kỹ sư Triều Tiên trong tương lai nhiều khả năng sẽ tập trung tăng tầm bắn cho nó.
Việc Triều Tiên triển khai tác chiến tên lửa Pukguksong-2 chỉ sau hai lần phóng cho thấy Bình Nhưỡng rất tự tin vào độ tin cậy và hiệu năng hoạt động của tên lửa này. Điều đó cũng là dấu hiệu chứng tỏ quốc gia này đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc sở hữu một loại ICBM đáng tin cậy, có thể đe dọa các thành phố trên lục địa Mỹ, Gatling cảnh báo.(Vnexpress)
--------------------
Hàn Quốc muốn khôi phục hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên
Ngày 22.5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo nước này định khôi phục hỗ trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên và trao đổi dân sự liên Triều.
Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in muốn khôi phục trao đổi dân sự liên Triều, nhưng vẫn cứng rắn với Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân, tên lửa REUTERS
“Chính phủ có kế hoạch xem xét một cách linh hoạt (việc nối lại) trao đổi dân sự liên Triều ở mức không vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Duk-haeng nói rõ, theo Yonhap.
Chính quyền Hàn Quốc dưới thời của cựu Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng cần giúp đỡ ở Triều Tiên như trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, Seoul đã tạm ngưng hầu hết chương trình trao đổi dân sự liên Triều kể từ khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1.2016.
Seoul đưa ra động thái nói trên một ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in ra lệnh “ứng phó cứng rắn” đối với việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Pukguksong-2.
Yonhap dẫn lời giới quan sát cho rằng quyết định mới của Seoul cho thấy Tổng thống Moon muốn giải quyết tách biệt vấn đề hỗ trợ nhân đạo và trao đổi dân sự trong các lĩnh vực phi chính trị với căng thẳng địa chính trị xuất phát từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Bộ Thống nhất vừa tỏ dấu hiệu sẽ hậu thuẫn đề xuất của những tổ chức phi chính phủ là gặp người Triều Tiên để thảo luận về dự án hợp tác và hỗ trợ nhân đạo, theo Yonhap. “Không ai muốn quan hệ liên Triều tiếp tục hục hặc. Theo đó, chính phủ sẽ xem xét liệu có nên hậu thuẫn những nỗ lực (của các nhóm dân sự) liên lạc và thăm viếng Triều Tiên hay không”, phát ngôn viên Lee nhấn mạnh.(Thanhnien)
------------------------------------
Mỹ, Hàn thừa nhận Triều Tiên đạt được bước tiến công nghệ tên lửa
Theo người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Roh Jae-cheon, CHDCND Triều Tiên đã thu được "dữ liệu có ý nghĩa" từ vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 21.5.
Reuters ngày 22.5 dẫn lời ông Roh cho hay: "Giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên đã thu được dữ liệu có ý nghĩa trong việc tăng cường độ tin cậy về công nghệ tên lửa của mình".
Cũng theo người phát ngôn này, cần phải xác minh thêm thông tin về việc liệu Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ tái nhập khí quyển (re-entry) đối với đầu đạn gắn vào tên lửa hay chưa. Công nghệ này được coi là chìa khóa cho việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Phát biểu trên được ông Roh đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 vào chiều 21.5. Theo Hãng thông tấn KCNA, vụ thử trên nhằm kiểm tra độ tin cậy và tính chính xác của chức năng động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa Pukguksong-2, khả năng tách các tầng tên lửa và khả năng dẫn hướng đầu đạn hạt nhân ở giai đoạn cuối.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cũng công bố nhiều hình ảnh chụp trái đất từ camera gắn trên tên lửa Pukguksong-2. Yonhap cho rằng những bức ảnh này có thể được chụp khi tên lửa tái nhập khí quyển.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân theo dõi vụ thử và đồng ý sản xuất hàng loạt loại tên lửa này để triển khai cho các hoạt động quân sự của Triều Tiên. (Thanhnien)
-------------------------