Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Mỹ - Nhật Bản tiếp ứng chiến lược Ấn Độ đối phó Trung Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 09-07-2017:
- Cập nhật : 09/07/2017
Tổng thống Donald Trump: Mỹ - Trung sẽ mất nhiều thời gian với Triều Tiên
Hôm 8/7, Tổng thống Donald Trump cho biết, sẽ mất nhiều thời gian để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên song thành công sẽ đến dù bằng cách này hay cách khác.
Reuters đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi họp với Tổng thống Trump sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức bế mạc. Ông Trump cũng đã hối thúc Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng kinh tế để gây áp lực với Triều Tiên.
Dù trong những tuyên bố trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra mất bình tĩnh về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4/7 của Triều Tiên nhưng trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Mỹ đã không thể hiện điều này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
“Tôi đánh giá cao những gì mà ngài đã làm để giải quyết vấn đề hai nước cùng vướng mắc với Triều Tiên. Vấn đề mà đôi khi tưởng chừng đã được giải quyết. Nhưng việc này sẽ mất thời gian hơn tôi tưởng và hơn ngài mong đợi. Song thành công sẽ đến dù bằng cách này hay cách khác”, Tổng thống Donald Trump phát biểu trong cuộc gặp.
Cũng trong cuộc gặp này, ông Donald Trump nhấn mạnh “rất vinh dự” được gặp gỡ ông Tập Cận Bình và khẳng định hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã xây dựng “một tình bạn đẹp”.
Tân Hoa Xã cho hay, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ rằng, Trung Quốc quyết thi hành chính sách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đàm phán. Cũng theo ông Tập Cận Bình, hải quân Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự mang tên Vành đai Thái Bình Dương vào năm tới.
Về phần mình, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công lần đầu tiên ICBM hôm 4/7 và tên lửa này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Theo giới chuyên gia, ICBM của Triều Tiên có tầm bắn vươn tới Alaska, Hawaii và thậm chí là khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ. (Infonet)
------------------------
Nga-Trung về một phe, "khẩu chiến" với Mỹ về vấn đề Triều Tiên
Đại diện Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chỉ trích Nga và Trung Quốc vì “bắt tay” lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang phải vật lộn để tìm cách đối phó với vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng.
Washington Post đưa tin, đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley đã quở trách Moscow và Bắc Kinh vì phản đối một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án Triều Tiên và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng hơn. Bà Haley cho rằng nghị quyết này là nhằm đáp lại hành động “leo thang quân sự đột ngột” của Bình Nhưỡng.
Đại sứ Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên “đang tự mình đóng lại khả năng dẫn đến một biện pháp ngoại giao” và cảnh báo Hoa Kỳ có thể tiếp tục cân nhắc hành động quân sự nếu cần thiết.
“Một trong những khả năng mà chúng tôi đưa ra là sử dụng các lực lượng quân sự. Chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp đó nếu chúng tôi cần phải dùng, nhưng chúng tôi vẫn muốn mọi việc đi theo hướng khác hơn”, bà Haley phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại New York tối qua (5/7).
Bài phát biểu của đại sứ Mỹ cho thấy nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm thúc đẩy các đồng minh và cả các nước đối đầu đưa ra một chương trình nghị sự chung để đối phó với sự phát triển vũ khí của Triều Tiên. Đặc biệt là sau khi, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mà các chuyên gia cho rằng có thể bắn tới Alaska.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, phát biểu của bà Haley cũng cho thấy Nhà Trắng có rất ít lựa chọn và thiếu sự chi tiết cũng như chắc chắn về những bước tiếp theo để đối phó với Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cho rằng, một sự đối đầu quân sự có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến thương vong lớn trên khắp bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, nơi Hoa Kỳ đang có hàng nghìn binh lính đồn trú.
Sự kiện này đã đè thêm một gánh nặng lên vai Tổng thống Mỹ khi ông chuẩn bị cho cuộc gặp mặt đầu tiên với Tổng thống Nga Putin và cuộc gặp thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, sẽ khai mạc vào ngày 7/7 tới tại Hamburg, Đức. Ông Trump cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ là Anh và Đức.
Trước khi rời Nhà Trắng để sang châu Âu, ông Trump đã bày tỏ sự tức giận với ông Tập Cận Bình. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ viết: “Thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng gần 40% trong quý đầu tiên của năm nay. Như vậy là quá nhiều để Bắc Kinh có thể hợp tác với chúng ta, nhưng chúng ta cũng nên thử một lần”.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chặn ngân hàng Dandong, có trụ sở dọc vùng biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, không được tiếp cận các thị trường Mỹ. Các quan chức cho biết đây mới chỉ là hành động đầu tiên trong những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn mà Hoa Kỳ sẽ áp dụng thời gian tới.
Trong khi đó, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày hôm qua, các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc đã cùng đưa ra một cam kết chung sẽ tìm cách ngăn chặn các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, nhưng đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng phải dừng các cuộc tập trận quân sự. Cả Moscow và Bắc Kinh đều chỉ trích hệ thống đánh chặn tên lửa mà Mỹ đang triển khai tại Seoul và kêu gọi phải hủy bỏ hệ thống này ngay lập tức.
Không chỉ có vậy, Nga và Trung Quốc khẳng định biện pháp quân sự “không phải là lựa chọn” để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến Triều Tiên.
Liu Jieyi, đại sứ Trung Quốc tại LHQ, phát biểu trong phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an ngày 5/7: “Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối hỗn loạn và xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Biện pháp quân sự không phải là một lựa chọn trong vấn đề này”.
Ông Liu nói các bên liên quan cần kiềm chế, tránh có hành động khiêu khích, thể hiện thiện chí đối thoại vô điều kiện và phối hợp tích cực để xoa dịu căng thẳng.
Đại sứ Nga Vladimir Safronkov cũng loại trừ việc dùng biện pháp quân sự để giải quyết rắc rối trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm Triều Tiên và Hàn Quốc tham gia đối thoại và tham vấn. Thắt chặt kinh tế với Triều Tiên là không thể chấp nhận được và những biện pháp này không giải quyết tình hình”, ông Safronkov cho biết.(Infonet)
----------------------------
Triều Tiên: Quốc gia "điên rồ" hay quá thông minh?
Ở Washington, có một sự thống nhất hiếm hoi đã “bắc nhịp cầu” nối giữa hai đảng phái đối lập và đa số giới tinh hoa, đó là quan điểm về vấn đề Triều Tiên.
Quan điểm đó được tờ Washington Post diễn giải như sau: Triều Tiên là quốc gia kỳ quái nhất thế giới, được lãnh đạo bởi một nhà độc tài có mái tóc cũng kỳ lạ không kém. Anh ta là người khó lường, phi lý và không thể thỏa hiệp.
Giới tinh hoa ở Washington cho rằng, chế độ hiện nay của Triều Tiên rồi sẽ sụp đổ vì sự “quái đản” của chính họ. Tuy vậy, có vẻ thực tế không như họ nghĩ.
Tờ Washington Post nhận định, chế độ Triều Tiên hiện nay đã tồn tại gần 7 thập kỷ, không chỉ duy trì chính phủ lâm thời mà còn cả sự kế thừa vị trí lãnh đạo nhà nước theo hình thức cha truyền con nối. Chế độ Triều Tiên hiện nay đã đi qua sự sụp đổ của Liên Xô, của Cách mạng Cam, của Mùa Xuân Ả Rập và các nền độc tài châu Á khác, từ Hàn Quốc cho đến Indonesia.
Triều Tiên đã thành công khi luôn duy trì được mục tiêu chính: Tồn tại. Dù còn nhiều tranh cãi trong cách thức để đạt được mục tiêu đó, nhưng bằng cách nào thì Triều Tiên vẫn duy trì được thể chế của mình.
Kim Jong-un chỉ đang là thanh niên nhưng lại bảo vệ quyền lực cực kỳ hiệu quả. Ông nhận được sự ủng hộ của quân đội cũng như người dân bằng cách đem lại cho họ một mục tiêu chung để cùng hướng tới.
Hãy nhìn thế giới theo quan điểm của Triều Tiên. Họ đã chứng kiến Xô Viết sụp đổ, sự chuyển đổi đầy bất ngờ ở Trung Quốc, từ bạn bè nay đã trở thành một quốc gia thực dụng, đang tích cực tham gia vào thị trường thế giới. Ngày nay, Bắc Kinh xem Bình Nhưỡng là một mối phiền toái. Trung Quốc giờ đã không ngần ngại tham gia lên án cũng như đệ trình các biện pháp trừng phạt Triều Tiên lên Liên Hợp Quốc.
" "
Và quốc gia mạnh nhất thế giới nói: Triều Tiên sẽ là đích đến của đống tro tàn lịch sử. Từ sau ngày 11/9, khi Mỹ bị khủng bố tấn công, Tổng thống George W. Bush tuyên bố Mỹ sẽ không chấp nhận “trục ma quỷ” gồm Iraq, Iran và Triều Tiên. Mỹ đã xâm lược Iraq. Đối với Iran, trong một phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Rex Tillerson, ông cho biết chính sách của Mỹ sẽ là “hướng tới hỗ trợ các yếu tố bên trong Iran để tiến tới sự chuyển đổi ôn hòa của chính phủ”. Và đối với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Trung Quốc “kết thúc điều vô nghĩa này một lần và mãi mãi”, điều này có nghĩa là sẽ loại bỏ chế độ của ông Kim Jong Un bằng một cách nào đó.
Vì thế, Triều Tiên đang tìm mọi cách để “mua bảo hiểm”. Và trên trường quốc tế, không có thứ bảo hiểm nào tốt hơn là khả năng hạt nhân. Bình Nhưỡng biết mình có một quân đội đủ lớn và mối lo ngại chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên rất khó tưởng tượng. Nếu xảy ra, chiến tranh có thể tạo ra một cuộc di cư khổng lồ tiến vào Trung Quốc và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã tính toán một cách chính xác rằng Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ hoảng sợ về sự hỗn loạn xảy ra sau khi chế độ Triều Tiên sụp đổ nhiều hơn là lo sợ khả năng hạt nhân của nước này.
Có lẽ cách nhìn đúng về Triều Tiên sẽ phải là “một chính phủ thông minh, hợp lý, biết tính toán, đang hoạt động một cách khéo léo và hiệu quả duy trì ưu tiên sự tồn tại của chế độ”. Nhiều áp lực hơn sẽ chỉ tăng thêm quyết tâm mua nhiều bảo hiểm hơn. Làm sao để giải quyết tình huống này?
Đầu tiên, Mỹ sẽ phải thuyết phục Trung Quốc gây áp lực thực cho đồng minh của mình. Điều này sẽ không xảy ra nếu chỉ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng một chiếc bánh sô cô la tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago được. Bắc Kinh phải đối mặt với một cơn ác mộng dễ hiểu: Dưới áp lực và các lệnh trừng phạt, Triều Tiên sẽ sụp đổ, Triều – Hàn thống nhất với một hiệp ước quốc phòng được ký kết với Washington. Sẽ có kịch bản 30.000 lính Mỹ và hàng chục vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng ở biên giới của Trung Quốc.
Để Trung Quốc hợp tác, Washington phải hứa với Bắc Kinh sẽ rút quân ngay sau khi thống nhất, thay đổi bản chất quan hệ hiệp ước quốc phòng với quốc gia mới, làm việc với Trung Quốc, loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhưng áp lực sẽ chỉ hiệu quả khi Triều Tiên có lý do để nhượng bộ. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng từng cho thấy họ có thiện chí kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (Washington chỉ mới ký hiệp định đình chiến trong năm 1953) với điều kiện công nhận chế độ và bãi bỏ lệnh trừng phạt. Điều này khó được đáp ứng ngay, tuy nhiên sẽ không tổn hại gì khi nói chuyện với Bình Nhưỡng và tìm mọi cách sử dụng thương mại như một sự nhượng bộ để tiến tới loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Giải quyết vấn đề Triều Tiên là bài toán lớn của Washington, tuy nhiên Mỹ có thể đặt hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hành động chống lại lợi ích của nó và hạ gục đồng minh, hoặc Triều Tiên cuối cùng cũng sụp đổ. Nhưng niềm hy vọng rõ ràng không phải là một chiến lược. (Infonet)