Tổng thống Donald Trump: Mỹ - Trung sẽ mất nhiều thời gian với Triều Tiên; Nga-Trung về một phe, "khẩu chiến" với Mỹ về vấn đề Triều Tiên; Triều Tiên: Quốc gia "điên rồ" hay quá thông minh?
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 09-07-2017: Triều Tiên có thể được đà lấn tới, Washington vẫn làm chủ cuộc cờ
- Cập nhật : 09/07/2017
Sau những phát biểu tỏ ra "quan ngại", dường như Nhà Trắng vẫn làm chủ tình thế và tiếp tục sử dụng vấn đề Triều Tiên như một con bài chiến lược để mặc cả.
Hãng thông tấn Hoa Kỳ AP ngày 7/7 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm phát biểu ở Warszawa, Ba Lan: "đã đến lúc phải đương đầu với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên".
Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố:
"Tôi không muốn nói về những gì tôi đã lên kế hoạch.
Nhưng tôi có một số điều khá nghiêm trọng đang phải suy nghĩ, nhưng không có nghĩa là chùng tôi sẽ thực hiện nó.
Thật đáng xấu hổ khi họ hành xử như vậy. Nhưng họ đang hành xử một cách rất nguy hiểm.
Và một điều gì đó sẽ phải được thực hiện vì chuyện này.".
Tổng thống Mỹ không giải thích những tùy chọn "nghiêm trọng" của mình là gì, khi ông phải cân nhắc phản ứng với vụ Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa hôm 4/7.
Trong một cuộc gặp gỡ "ngẫu hứng" với báo chí tại Lầu Năm Góc ngày thứ Năm 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 4/7 không đe dọa tới Mỹ.
Washington không thay đổi quyết tâm theo đuổi chính sách giải quyết mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao, kinh tế.
Tuy nhiên ông cũng dự đoán rằng, Bình Nhưỡng sẽ còn đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa.
Có điều, năng lực phát triển tên lửa liên lục địa của Triều Tiên không tự nó đẩy 2 nước Mỹ - Triều đến chiến tranh.
Bruce Bennett, một chuyên gia về Triều Tiên từ Rand Corp cho biết:
Mỹ muốn tiến hành một chiến dịch ném bom hiệu quả vào các căn cứ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên sẽ đòi hỏi có thông tin tình báo chính xác về vị trí, mà phần lớn được ngụy trang trong các hang núi.
"Chúng tôi không biết nơi chúng được cất giấu.
Thậm chí ngay cả khi biết nó ở đâu, bạn vẫn phải mất hàng tuần ném bom để có thể phá hủy các căn cứ này.
Triều Tiên đã tuyên bố rất rõ, nếu bạn tấn công chỉ một công trình cơ sở hạ tầng của họ thôi, Bình Nhưỡng sẽ leo thang đáp trả đáng kể.
Họ đã đe dọa biến Seoul thành biển lửa.". [1]
The New York Times bản chữ Hán ngày 6/7 cũng có bài phân tích nhận định: phương án tấn công quân sự Triều Tiên sẽ phải trả giá tàn khốc, Mỹ muốn ném chuột nhưng sợ vỡ bình. [2]
Tác giả bài báo, Motoko Rich cho rằng, thậm chí ngay cả một cuộc tấn công có giới hạn cũng có thể tạo ra con số thương vong rất lớn.
Triều Tiên có thể đáp trả bằng hàng ngàn khẩu pháo ở biên giới dội xuống Seoul.
Ngoài ra, trong lịch sử tác chiến của quân đội Mỹ, chưa từng có hoạt động quân sự nào tấn công kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia khác.
Ngay từ cuộc khủng hoảng năm 1994, trước thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên hơn 10 năm, Mỹ đã tính đến phương án tấn công quân sự chính xác vào căn cứ hạt nhân của quốc gia này.
Nhưng cuối cùng Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, ông William J. Perry đã phải hủy bỏ kế hoạch này, vì ông hiểu rằng quyết định tấn công có thể gây thương vong cho hàng trăm ngàn người. [2]
Về phía Trung Quốc, The New York Times trong một bản tin khác cùng ngày 6/7 đã dẫn lời Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh bình luận:
"Tập Cận Bình với tư cách một nhà chiến lược, ông đang phải đối diện với sự lựa chọn khó khăn:
Lật ngửa hết những con bài có thể dùng để đối phó với Kim Jong-un, nhưng không có gì đảm bảo hiệu quả.
Nhà chiến lược này có thể làm được gì? Một sự do dự là điều khó có thể tránh khỏi.
Người ông phải đối mặt là Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo ngày càng 'kiên định và quả quyết', trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không dễ bàn bạc.
Quan điểm của Tập Cận Bình và Donald Trump không thể duy trì được sự thống nhất lâu dài.
Mà ngay cả khi hai ông thống nhất với nhau, muốn kiềm chế Kim Jong-un cũng là một chuyện rất khó.". [3]
Cá nhân người viết cho rằng, sự đắn đo, thận trọng của ông Donald Trump khi tính đến giải pháp quân sự xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Mặt trái của sự thận trọng này là càng khiến Bình Nhưỡng được đà, Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của họ.
Điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ "sợ" Bình Nhưỡng. Đó chỉ là sự cân nhắc cần thiết về hậu quả trước một hành động chiến tranh.
Liều lĩnh, mạo hiểm, phiêu lưu trong quan hệ quốc tế không làm nên giá trị cho một nhà lãnh đạo.
Chỉ khi nào Washington đánh giá khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh Hoa Kỳ, thì khi đó phương án động binh mới được dùng đến.
Như vậy, tuy bầu không khí bán đảo Triều Tiên hiện nay có vẻ căng thẳng, nhưng Hoa Kỳ vẫn làm chủ được tình thế.
Trung Quốc và Nga cũng đã bộc lộ rõ ràng ý định tiếp tục chống lưng cho Triều Tiên.
Ngày 4/7 khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-14, ông Tập Cận Bình đang có mặt ở Moscow.
Ngay trong đêm 4/7, Bộ Ngoại giao hai nước Nga - Trung ra tuyên bố chung về vấn đề Triều Tiên với 4 nội dung chính:
Một là, Bắc Kinh và Moscow có "lợi ích chung" trên bán đảo Triều Tiên.
Hai là, Nga - Trung phê phán hành động thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đồng thời chỉ trích phát biểu sẵn sàng dùng biện pháp quân sự đáp trả của Mỹ - Hàn.
Ba là, Bắc Kinh đề xuất phương án "2 tạm dừng":
Bình Nhưỡng đóng băng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, còn Mỹ - Hàn đóng băng các cuộc tập trận chung trên bán đảo.
Ngoài ra, Trung Quốc khuyến cáo các bên vừa tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo, đồng thời vừa xây dựng cơ chế hòa bình cho hai miền Triều Tiên.
Bốn là, Nga - Trung đều phản đối "sự can thiệp của thế lực bên ngoài" vào bán đảo Triều Tiên, phản đối sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. [4]
Việc Ngoại trưởng 2 nước Nga - Trung cùng ra tuyên bố chung về Triều Tiên là rất hiếm gặp, nó cho thấy sự thống nhất khá cao giữa Điện Kremlin với Trung Nam Hải trong vấn đề này.
Đồng thời, chủ trương nêu trên của Bắc Kinh và Moscow cũng phù hợp với những gì Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ đã từng tiết lộ, điều kiện đàm phán Mỹ - Triều là "2 tạm dừng".
Hiện tại Mỹ vẫn bác bỏ điều kiện "2 tạm dừng" để đàm phán với Triều Tiên, nhất là kể từ sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã công khai tuyên bố Mỹ không theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Triều Tiên và muốn đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Như vậy có thể thấy rằng, hiện tại Mỹ chưa thể đánh và cũng không muốn đàm phán với Bắc Triều Tiên theo điều kiện Nga - Trung - Triều đề xuất.
Những căng thẳng trên bán đảo gây lo ngại cho dư luận Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều hơn là Hoa Kỳ. Ông Donald Trump vẫn "dẫn dắt dư luận" qua những dòng trạng thái thỉnh thoảng được đưa lên Twitter.
Đằng sau những phát biểu tỏ ra "quan ngại", dường như Nhà Trắng vẫn làm chủ tình thế và tiếp tục sử dụng vấn đề Triều Tiên như một con bài chiến lược để mặc cả với đồng minh lẫn đối thủ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để nâng giá trên bàn đàm phán với người Mỹ, trên cơ sở nhận định Hoa Kỳ không dám đánh.
Nhưng cá nhân người viết có cảm giác Washington vẫn làm chủ cuộc cờ.
Nỗ lực theo đuổi đàm phán hòa bình với miền Bắc của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in [5], chưa biết có nên cơm cháo.
Ông muốn theo gương chính sách Ánh Dương của hai vị tiền nhiệm Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, trong khi ông Kim Jong-un vẫn tiếp tục làm giá với người Mỹ bằng tên lửa đạn đạo, và có thể là một vụ thử hạt nhân.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://time.com/4848183/north-korea-military-strike-catastrophic-jim-mattis/
[2]https://cn.nytimes.com/asia-pacific/20170706/north-korea-south-us-nuclear-war/
[3]https://cn.nytimes.com/china/20170706/xi-jinping-kim-jong-un-north-korea-china-icbm/
[4]http://news.sina.com.cn/o/2017-07-04/doc-ifyhrttz2371377.shtml
[5]http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2017/07/07/2017070700823.html
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam