Quan hệ Nga-Mỹ không tốt lên, Điện Kremlin tiết lộ bí mật; Phóng viên Nga bị bắt cóc tại Ukraine; Nga chế tạo siêu ngư lôi hạt nhân có thể gây sóng thần cao 30m; Thủ tướng Anh bác tin đồn rút khỏi chính trường
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 31-08-2017:
- Cập nhật : 31/08/2017
Căng thẳng với Triều Tiên gia tăng, Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công bom hạt nhân B61-12
Trong bối cảnh dư luận dậy sóng trước việc Triều Tiên phóng một loạt tên lửa đạn đạo mà nước này coi là "khúc dạo đầu" trước khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên hướng tới tấn công đảo Guam, không quân Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công ném bom hạt nhân B61-12 từ chiến đấu cơ F-15E.
Đài phát thanh Sputnik đưa tin ngày 8/8 chiến đấu cơ F-15E mang theo phiên bản mới của bom B61 xuất kích từ căn cứ Không quân Nellis tại Nevada. Buổi thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là khi chính quyền Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa.
Loại bom hạt nhân B61-12 này lần đầu được thử nghiệm vào tháng 3. Kết quả thử nghiệm được công bố chính thức vào ngày 13/4 – cùng ngày chiếc máy bay vận tải C-130 thả “Mẹ của các loại bom” nặng gần 22.000 kg xuống căn cứ của các tay súng cực đoan tại tỉnh Nangarhar (Afghanistan).
Theo Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA), lần thử nghiệm trong tháng 8 nhằm mục đích đánh giá điều kiện hoạt động của quả bom, cũng như khả năng lắp đặt lên máy bay chiến đấu. Dự kiến loại bom B61-12 sẽ được triển khai trên chiến đấu cơ F-35A, "sát thủ tàng hình" B-21 Raiders, máy bay ném bom B-2 Spirits và P/A-200 hoạt động trong liên minh NATO.
Trước đó, với phiên bản đời cũ B61-11, chỉ có máy bay ném bom siêu thanh B-2 là phi cơ duy nhất đủ khả năng ném bom hạt nhân. Tuy nhiên, theo Hans Kristensen – Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, loại bom mới B61-12 sẽ được tích ứng với tất cả các loại máy bay hạt nhân Mỹ và NATO.
B61-12 là vũ khí chiến thuật được Không quân NATO sử dụng trong trường hợp xung đột quân sự có tính chất giả định với Nga.
Hiện đang có tổng số gần 150 đầu đạn B61 được dữ trữ tại 5 quốc gia thành viên NATO, bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự -Tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" Igor Korotchenko, các cuộc thử nghiệm phiên bản mới bom B61-12 cho thấy Mỹ đang tiếp tục tăng tốc tái vũ trang kho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu. Ông Korochenko cảnh báo: "Thực tế cuộc thử nghiệm phiên bản đổi mới bom hạt nhân nói lên rằng Mỹ tiếp tục chương trình cấp tốc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở châu Âu, cũng như phản ánh việc Washington và Brussels đang xem xét các kịch bản chiến tranh hạt nhân hạn chế ở châu Âu".
Với thông báo kế hoạch nâng cấp vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ, phía Nga đã bày tỏ lo ngại động thái này có thể gây bất ổn an ninh toàn cầu.
Phát biểu trong tháng 8/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết: “Điều này đồng nghĩa với việc giới hạn vũ khí theo lí thuyết sẽ bị hạ thấp xuống, và tất nhiên sẽ làm tình hình trở nên bất ổn đến một mức độ nhất định”.
Trong vòng 30 năm tới, Washington có thể sẽ chi ngân sách lên tới 1.000 tỷ USD cho chương trình hiện đại hóa vũ khí quy mô lớn. Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ “tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân”.(TTXVN)
----------------------
Nhật Bản, Australia nhấn mạnh việc gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng
Ngày 30/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc gia tăng sức ép với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bay qua Nhật Bản.
Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29/8 là một mối đe dọa chưa từng thấy đối với khu vực. Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp hối thúc Triều Tiên kiềm chế các hành động khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang thông qua việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng như tìm kiếm vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong vấn đề này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp HĐBA LHQ ngày 29/8, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho biết Trung Quốc phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi nỗ lực đưa vấn đề này trở lại lộ trình đối thoại.
Đại sứ Trung Quốc nêu rõ Trung Quốc phản đối các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Ông Lưu cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh những phát biểu hoặc "những hành động khiêu khích lẫn nhau" có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và tạo điều kiện cho nối lại đối thoại.
Liên quan động thái của Triều Tiên, giới phân tích nhận định rằng việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản có thể làm tăng sức ép khiến Washington cân nhắc đánh chặn các tên lửa phóng thử của Triều Tiên trong tương lai, mặc dù không có gì đảm bảo việc này sẽ thành công và các quan chức Mỹ đều thận trọng về sự leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh để ngỏ "mọi phương án" đối với Triều Tiên, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố quân đội sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào bị xem là gây nguy hiểm cho lãnh thổ Mỹ cũng như lãnh thổ các nước đồng minh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ sớm thay đổi chính sách hướng tới hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Triều Tiên.(TTXVN)
---------------------------------------
Đại sứ Nga tại LHQ: Không chấp nhận giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya tuyên bố không thể sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya. Ảnh: Sputnik/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ liên quan đến việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo ngày 29/8, ông Nebenzya nói: "Không thể dùng giải pháp quân sự cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng tất cả các nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên phải chỉ rõ điều này".
Ông Nebenzya nói rõ: "Bình thường hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đòi hỏi một cách tiếp cận vừa chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa của của Triều Tiên, vừa từ bỏ việc tăng cường lực lượng quân sự (Mỹ-Hàn Quốc), trong đó có Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giảm quy mô các cuộc diễn tập quân sự".
Ông Nebenzya cũng lưu ý: "Những ý kiến của Nga-Trung Quốc, đã được trình bày dưới nhiều hình thức", có thể là lộ trình để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ông, nên sử dụng các công cụ chính trị để kiểm soát tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Liên quan tới Triều Tiên, ngày 30/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành điện đàm, ngay sau khi hãng thông tấn quốc gia KCNA của Triều Tiên xác nhận rằng nước này đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 qua Nhật Bản.
Trước đó ngày 29/8, các ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có cuộc điện đàm, trong đó 2 bên nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn với nhau và với Mỹ nhằm giải quyết các hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên.
Trong bối cảnh cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên kéo dài tới ngày 31/8, Triều Tiên đã phóng tên lửa vào sáng 29/8 bay qua Hokkaido, đảo cực bắc chính của Nhật Bản, trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng đã phản đối cuộc tập trận thường niên này.(TTXVN)