Ấn Độ tăng cường năng lực tàu ngầm; Chủ tịch Quốc hội Singapore từ chức để tranh cử tổng thống; Malaysia xây căn cứ chống đánh bắt trái phép; Trung Quốc khai trừ đảng quan chức dùng thần chú để tiến thân
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 08-08-2017
- Cập nhật : 08/08/2017
Truyền thông Trung Quốc nói Mỹ kiêu ngạo về vấn đề Triều Tiên
Truyền thông Trung Quốc hôm 7-8 nhấn mạnh những hạn chế trong lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc và chỉ trích sự “kiêu ngạo” của Mỹ đối với vấn đề Bình Nhưỡng.
Bài bình luận trên trang nhất của tờ People's Daily (Trung Quốc) cũng nhắc nhở rằng Washington cần hiểu mình có vai trò trong việc xoa dịu căng thẳng.
Theo bài viết, Triều Tiên phớt lờ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nên phải bị trừng phạt nhưng biện pháp này phải nhắm đúng mục tiêu.
Các biện pháp trừng phạt cần phải tránh những tác động tiêu cực đến người dân và các quốc gia khác.
"Đòn giáng chính xác là điều quan trọng trong các biện pháp trừng phạt" – bài báo nhấn mạnh.
Trung Quốc lặp lại nhiều lần rằng các biện pháp trừng phạt là cần thiết nhưng chúng không thể mang đến giải pháp cuối cùng cho vấn đề Triều Tiên. Điều này chỉ có thể làm được thông qua các cuộc đàm phán.
Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington và Seoul giúp giảm căng thẳng bằng việc kiềm chế các hoạt động quân sự và tập trận trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giao đoạn cuối (THAAD).
Trong khi đó, tờ Global Times cho rằng Mỹ cần kiềm chế "tính kiêu ngạo về vấn đề Triều Tiên" nếu muốn tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. "Mỹ nên hướng tới hòa bình và việc cùng tồn tại hơn là sự thống trị địa chính trị" - tờ báo khuyên.
Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời rất vui và ấn tượng về tổng số phiếu đồng thuận trừng phạt Triều Tiên.
Nhà Trắng cho biết ông Donald Trump và ông Moon Jae-in cam kết thực hiện đầy đủ tất cả nghị quyết liên quan và thúc giục cộng đồng quốc tế có động thái tương tự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 7-8 cho rằng Triều Tiên phải ngừng thử tên lửa nếu muốn thảo luận với Mỹ.(NLĐ)
----------------------
Triều Tiên tuyên bố là quốc gia hạt nhân 'có trách nhiệm'
Ngày 7/8, phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cũng đang diễn ra ở Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh Triều Tiên là "một cường quốc hạt nhân và quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có trách nhiệm".
Theo đó, "Bình Nhưỡng không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất cứ quốc gia nào khác ngoài Mỹ, trừ khi các nước khác tham gia vào các nỗ lực chống Triều Tiên của Mỹ".
Bên cạnh đó, ông Ri Hong-Yo cũng chỉ trích Washington "tìm cách quốc tế hóa vấn đề Bán đảo Triều Tiên bằng cách lạm dụng LHQ" thông qua tuyên truyền rằng việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân là "một mối đe dọa toàn cầu".
Theo quan chức này, tình hình căng thẳng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay chính là do Mỹ tạo ra và làm leo thang.
Diễn đàn ARF gồm 27 thành viên, trong đó có sự tham gia của đại diện Triều Tiên. Các thành viên của diễn đàn gồm 10 nước thành viên ASEAN và nhiều nước đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc....
Dự kiến, Ngoại trưởng các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ ra một tuyên bố tại ARF kêu gọi Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ hành động nào đe dọa hòa bình khu vực.
Theo bản sao dự thảo tuyên bố mà hãng tin Kyodo của Nhật Bản có được, các quan chức ngoại giao sẽ thể hiện "quan ngại sâu sắc" và kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức tuân thủ những cam kết quốc tế và kiềm chế vì hòa bình và ổn định trên thế giới.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) ở Manila, Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc "chắc chắn sẽ triển khai nghị quyết mới 100%, đầy đủ và nghiêm túc. (TTXVN)
---------------------------
Mỹ lo Triều Tiên chế tạo thành công siêu bom
Trong 18 tháng tới, theo các chuyên gia Mỹ, Triều Tiên có khả năng sẽ phát triển thành công bom H (bom khinh khí).
Theo Fox News, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hiện Triều Tiên đang nỗ lực phát triển bom H và có khả năng sẽ thành công trong 6-18 tháng tới. Quả bom mà Triều Tiên phát triển có thể có sức công phá mạnh gấp nhiều lần so với bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Triều Tiên sẽ có bom H?
Đầu năm 2016, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đã thử nghiệm một quả bom H nhưng hầu hết chuyên gia đã bác bỏ khả năng này. Theo các chuyên gia, vũ khí mà Triều Tiên phát triển là loại vũ khí nhiệt hạch tăng cường, hay còn gọi đơn giản là bom nguyên tử có sức công phá mạnh.
Thời điểm đó tin tức từ phía Hàn Quốc cũng khẳng định rằng Triều Tiên dường như “vẫn chưa đạt tới trình độ phát triển được bom H”. Nhưng không thể nói trước được gì với một Triều Tiên đầy bí ẩn. Mỹ và Hàn Quốc cũng từng không tin Triều Tiên sẽ sớm phát triển được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Thực tế đã chứng minh rằng Mỹ và Hàn Quốc đã dự đoán sai. Mới đây, vào ngày 29-7, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm ICBM thứ hai.
Bom H nặng hơn một vũ khí nguyên tử tiêu chuẩn, do đó Triều Tiên sẽ cần một tên lửa tối tân hơn những tên lửa đã từng thử nghiệm để có thể đưa được quả bom trọng lượng lớn này đến nước Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên dường như đang nỗ lực phát triển một tên lửa cải tiến là KN-08. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ba tầng đẩy KN-08 có thể có khả năng mang bom H tấn công các mục tiêu ở xa nhờ thiết kế tối tân hơn. Một số chuyên gia còn dự đoán đây có thể là tên lửa tiếp theo mà Triều Tiên phóng thử nghiệm.
Người dân Hàn Quốc xem thông báo về vụ thử bom H đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2016. Ảnh: AFP
Ước đoán mức công phá
Theo phần mềm mô phỏng của các chuyên gia, nếu bom H của Triều Tiên tấn công vào thủ đô nước Mỹ, nó có thể khiến khoảng 500.000 người chết và 900.000 người bị thương, theo Fox News. Và nếu TP New York bị bom H tấn công, con số thương vong có thể lên tới 1,7 triệu người.
Nhiều chính trị gia, quan chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ cho rằng mối đe dọa bom H từ Triều Tiên vẫn còn rất xa và Mỹ vẫn còn thời gian để ngăn chặn nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Harry J. Kazianis, Giám đốc chuyên trách nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), cho rằng dù Bình Nhưỡng có thể đang gặp một số trở ngại kỹ thuật nhưng Mỹ vẫn cần có cách tiếp cận với nhận thức nền tảng rằng Triều Tiên hiện có vũ khí hạt nhân đủ sức tấn công phủ đầu.
Theo ông Kazianis, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ sẽ không mạo hiểm tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân hay gắn bom H trên ICBM. Tuy nhiên, theo ông, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn buộc phải tính toán các biện pháp đối phó với kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.(PLO)