Những căng thẳng gần đây liên quan đến tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến nhiều người liên tưởng đến một cuộc xung đột quân sự Trung-Nhật trên biển.
Hải quân Nhật Bản được tổ chức như thế nào?
- Cập nhật : 12/10/2016
Nhật Bản là nước có vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) lớn thứ bảy trên thế giới, và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) có trách nhiệm bảo vệ khu vực rộng lớn này. Hãy thử tìm hiểu về lực lượng hải quân của nước này.
Là một đảo quốc, phụ thuộc vào thương mại biển đối với đa số tài nguyên, kể cả thực phẩm và nguyên vật liệu, các hoạt động biển là hết sức quan trọng trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản (NB). JMSDF được biết đến đặc biệt với khả năng quét mìn và chống tàu ngầm.
Các nhà lên kế hoạch phòng vệ tin rằng cách hữu hiệu nhất để chống tàu ngầm của kẻ địch là huy động tất cả mọi vũ khí, kể cả trên mặt biển, các tàu ngầm, máy bay và trực thăng tuần tra.
JDS Hyuga, tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản |
Tại sao không gọi là “hải quân NB” mà lại gọi “lực lượng phòng vệ biển NB”?
Sau khi NB thua trong Thế chiến 2, hải quân hoàng gia NB bị giải thể theo tuyên bố Postdam, cũng như NB không còn Bộ Quốc phòng mà chỉ có thể có Cục Phòng vệ.
Các chiến hạm không còn được trang bị vũ khí, một số bị đồng minh tịch thu. Những tàu còn lại chỉ dùng để chở binh sĩ NB hồi hương hoặc gỡ mìn trong khu vực quanh NB. Hạm đội gỡ mìn cuối cùng cũng chuyển qua Cơ quan An toàn biển mới thành lập – cơ quan này cũng là cơ sở chính để hình thành JMSDF hiện nay.
Lược qua về sự hình thành của JMSDF?
Hiến pháp NB năm 1947 được soạn thảo sau Thế chiến 2, trong đó có điều 9 nói lực lượng quân đội NB chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Do sức ép của Chiến tranh lạnh, Mỹ vui mừng khi NB góp phần tự phòng vệ hơn là hoàn toàn dựa dẫm vào lực lượng của Mỹ.
Năm 1952, JMSDF được hình thành, thuộc Cơ quan An toàn biển, sáp nhập với hạm đội quét mìn và các tàu quân sự khác, chủ yếu là khu trục hạm, do Mỹ trao. Năm 1954, JMSDF tách ra, coi như là cánh hải quân của Lực lượng phòng vệ NB (JSDF), sau khi luật Lực lượng phòng vệ được thông qua.
Những chiến hạm đầu tiên của JMSDF là những khu trục hạm cũ của Hải quân Mỹ được chuyển giao cho NB. Năm 1956, JMSDF nhận lại khu trục hạm đầu tiên do NB sản xuất từ Thế chiến 2, tàu Harukaze. Do Chiến tranh lạnh đe dọa, trước hạm đội tàu ngầm mạnh và đông của hải quân Xô viết, JMSDF được giao vai trò chống tàu ngầm.
Một tên lửa RIM-161 được phóng đi từ tàu chiến JDS Kongo, một khu trục hạm Aegis |
Hậu Chiến tranh lạnh thì sao?
Chiến tranh lạnh chấm dứt, vai trò của JMSDF thay đổi rất nhiều. Năm 1991, dưới áp lực quốc tế, JMSDF đưa các tàu quét mìn đến vịnh Ba Tư sau Cuộc chiến vùng vịnh để gỡ mìn do lực lượng của Saddam Hussein rải; tiếp đó khởi sự nhiệm vụ giữ gìn hòa bình do LHQ dẫn đầu ở Campuchia năm 1993. Cũng năm 1993, JMSDF được trang bị khu trục hạm tối tân Aegis đầu tiên, chiếc DD173 Kongo.
Và JMDSF bắt đầu tích cực tham gia những cuộc diễn tập hải quân với các nước khác, như Mỹ chẳng hạn. JMDSF cũng đưa một số khu trục hạm làm nhiệm vụ luân phiên ở Ấn Độ Dương trong vai trò bảo vệ các tàu đồng minh, một phần trong chiến dịch tự do lâu dài do Mỹ cầm đầu.
Sau những căng thẳng ngày càng gia tăng với CHDCND Triều Tiên tiếp theo các vụ thử tên lửa Nodong-1 năm 1993 và tên lửa Taepodong-1 năm 1998 bay ngang mạn bắc NB, JMSDF nâng cao vai trò của mình trong phòng thủ trên không. Một hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên tàu chiến đã bắn thử nghiệm thành công vào ngày 18.12.2007, đặt trên các khu trục hạm lớp Aegis của NB. JMSDF cũng đã hoạt động tích cực để ngăn chặn CHDCND Triều Tiên xâm nhập, và đã có lần đánh đắm một tàu do thám của CHDCND Triều Tiên năm 2001.
Sức mạnh hiện nay của JMSDF?
Hiện JMSDF có từ 45.500 - 46.000 người, với 110 tàu chiến; trong đó có 2 tàu sân bay trực thăng (như tàu sân bay nhưng chỉ chở trực thăng), 4 khu trục hạm có bãi đậu trực thăng, 48 chiến hạm nổi, 18 tàu ngầm, 29 tàu quét mìn, 9 phi đội tuần tra và 9 tàu đổ bộ.
Hải quân Nhật cũng có 179 máy bay và 135 trực thăng. Hầu hết máy bay của JMSDF được sử dụng để chống tàu ngầm và các chiến dịch rải mìn.
Tàu ngầm lớp Yuushio của Nhật Bản: dài 76,2m, rộng 9,9m, lượng choán nước ngầm 2.500 tấn |
JMSDF có bổ sung các tàu mới?
Như đã nói, JMSDF ngay từ khi mới hình thành đã rất chú trọng về tàu ngầm, nay dự định sẽ bổ sung 6 tàu ngầm mới. Những tàu ngầm mới sẽ được sử dụng để tham gia tuần tra trên vùng biển phía đông Trung Quốc (TQ) để luôn chủ động đối phó và xử lý nhanh mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên vùng biển này cũng như các khu vực lân cận.
Theo kế hoạch, mỗi năm JMSDF sẽ nhận được thêm 1 tàu ngầm mới. Hiện các thông tin về chủng loại cũng như nguồn cung cấp tàu ngầm cho NB vẫn chưa được tiết lộ, chỉ biết rằng, đây sẽ là các tàu ngầm có ứng dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay.
Theo các nguồn tin không chính thức, hiện trong biên chế của JMSDF có tất cả 18 tàu ngầm các loại, trong đó 2 chiếc lớp Soryu, 11 chiếc lớp Oyashio và 3 chiếc lớp Kharus.
Chiếc tàu ngầm thứ 3 lớp Soryu hiện đã được hạ thủy và đang tiến hành thử nghiệm hành trình. Như vậy, trong khoảng 5 năm tới, JMSDF sẽ sở hữu khoảng 25-26 tàu ngầm các loại, các lớp khác nhau. Với số lượng tàu ngầm này, mặc dù chưa lớn so với một số cường quốc khác song cũng đủ để NB đối phó với những nguy cơ an ninh trên biển.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, riêng về hải quân, NB mạnh hơn TQ. Nếu xét về số lượng vũ khí đơn thuần, hải quân TQ vượt xa hải quân NB về “trọng lượng thép”: Hải quân Nhật có 48 chiến hạm nổi trong khi con số này ở TQ là 73. TQ còn có 84 tàu mang tên lửa và 63 tàu ngầm, trong khi Nhật chỉ có 18 tàu ngầm.
Tuy nhiên, con số chẳng nói lên điều gì. Thứ nhất, chỉ khi thực sự lâm chiến, vũ khí mới chứng tỏ hiệu quả, hay chỉ là… quảng cáo. Khả năng chiến đấu chứ không phải các tiêu chuẩn kỹ thuật là thứ quyết định giá trị của công nghệ quân sự. Không rõ TQ có che giấu sức mạnh gì hay không nhưng chất lượng vũ khí của JMSDF tối tân hơn hẳn hải quân TQ.
Thứ hai, về mặt nhân lực, JMSDF được đánh giá chuyên nghiệp hơn hải quân TQ, nhất là thủy quân lục chiến NB. Thứ ba, NB còn có lợi thế tập trung lực lượng. Lực lượng TQ phải chia thành 3 hạm đội dàn trải ra đường biên giới biển kéo dài của nước này.
Vì vậy, nếu dồn lực lượng để giành lợi thế trong cuộc đối đầu với NB thì TQ sẽ bộc lộ những lỗ hổng an ninh chết người ở các vùng biển khác. Ngoài ra, TQ còn phải tính đến yếu tố Mỹ bởi nếu xảy ra cuộc chiến Trung - Nhật, Mỹ sẽ nhảy vào vì hiệp ước an ninh chung mà họ đã ký với Tokyo.