Kể từ sau đại chiến thế giới lần 2, Nhật Bản giống như một “chiến binh Samurai ngủ say trong vòng tay người Mỹ”. Nhưng khi “con voi” Trung Quốc trỗi dậy và bắt đầu thể hiện tham vọng lớn ở Thái Bình Dương, gã chiến binh Samurai Nhật Bản bắt đầu thức giấc.
Nhật Bản tăng cường quân sự toàn diện
- Cập nhật : 12/10/2016
Không chỉ tăng cường vũ khí tối tân và tái phối trí lực lượng, Tokyo còn dự định nới lỏng hiến pháp để phát triển sức mạnh quân sự.
Mới đây, Đài NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lên tiếng cảnh báo tình trạng an ninh bất ổn xung quanh nước này đang “ở mức cao chưa từng có”. Qua đó, ông Noda kêu gọi lực lượng phòng vệ chuẩn bị ứng phó mọi biến cố. Trong khi đó, báo The Washington Post dẫn kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 25% người Nhật được hỏi nghĩ rằng nước này cần tăng cường quân sự, tăng rất nhiều so với tỷ lệ 14% cách đây 3 năm và 8% vào năm 1991.
Cấp tập tái cấu trúc
|
Giữa lúc tình hình căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, Nhật tiến hành thực hiện kế hoạch điều động binh sĩ đến đảo Yonaguni trên biển Hoa Đông từ nay tới năm 2015. Tờ The Washington Post dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật cho hay đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo đưa quân đồn trú đến chuỗi đảo tiền tiêu nằm giữa Okinawa và Đài Loan, trong có cả Senkaku/Điếu Ngư. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto khẳng định: “Ưu tiên cao nhất hiện nay là tìm cách tăng cường khả năng phòng vệ khu vực tây nam dọc các chuỗi đảo tiền tiêu”. Theo giới chuyên gia nhận định, Nhật đang thực hiện những bước đi chưa có tiền lệ nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, Tokyo cũng đẩy mạnh đầu tư máy bay trực thăng chiến đấu và máy bay vận chuyển binh sĩ để tăng cường khả năng ứng phó, điều động tức thời. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật còn đẩy mạnh quan hệ quân sự với các nước thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật quốc phòng cho một số quốc gia Đông Nam Á, theo báo Asahi Shimbun.
Những động thái trên nằm trong chương trình quốc phòng mà Tokyo công bố hồi tháng 12.2012 để định hình chính sách quân sự Nhật Bản trong thập niên này. Nguy cơ đối với Nhật Bản được chuyển từ Nga ở phía bắc sang khu vực tây nam. Theo đó, Tokyo sẽ tập trung đẩy mạnh khả năng phòng vệ tại các đảo thuộc khu vực tây nam. Mặt khác, Nhật sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc, tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cũng tăng từ 4 lên 6 chiếc, theo AFP. Hiện tại, Nhật đang chế tạo tàu khu trục 22DDH có khả năng chở máy bay trực thăng và một số loại chiến đấu cơ. Theo giới chuyên gia, tàu khu trục này kết hợp với 2 khu trục hạm lớp Hyuga hiện có, Nhật sẽ sở hữu 3 đội tàu sân bay vào năm 2016. Ngoài ra, hồi tháng 3, Nhật bắt đầu lắp ráp chiến đấu cơ thế hệ thứ năm ATD-X. Theo Đài tiếng nói nước Nga, loại chiến đấu cơ này có thể được bay thử nghiệm vào năm 2014 với nhiều đặc điểm ưu việt không hề thua kém F-35 của Mỹ.
|
Nới lỏng hiến pháp
Bên cạnh việc tái bố trí lực lượng và tăng cường vũ khí, Nhật đang có khuynh hướng nới lỏng hiến pháp để tạo điều kiện phát triển quân sự. Năm ngoái, Nhật giảm nhẹ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tiếp đó, đến tháng 6.2012, quốc hội Nhật thông qua luật cho phép triển khai vệ tinh quân sự, theo tờ The Washington Post. Cũng trong tháng 6, thượng viện Nhật thông qua việc sửa đổi luật Cơ bản năng lượng nguyên tử của nước này, cho phép dùng năng lượng hạt nhân vì “an ninh quốc gia” chứ không còn giới hạn trong “dân sự”. Dù Tokyo phủ nhận nhưng động thái này dẫn đến các đồn đoán cho rằng Nhật muốn trở thành cường quốc hạt nhân, theo báo The Korea Times. Hiện tại, Nhật có 30 tấn plutonium ở cấp độ chế tạo vũ khí và khoảng 1.200-1.400 kg uranium. Vì thế, Tokyo thừa sức chế tạo 15.000 bom nguyên tử tương đương quả bom hạt nhân được Mỹ thả xuống Hiroshima hồi năm 1945.
Ngoài ra, chính quyền Thủ tướng Noda đang muốn dỡ bỏ giới hạn về “phòng vệ tập thể”. Theo luật quốc tế, quyền “phòng vệ tập thể” cho phép một quốc gia tham gia phản công nếu đồng minh của mình bị tấn công. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Nhật, nước này có quyền phòng vệ mà không được tham gia phản công giúp đồng minh, theo Asahi Shimbun. Trong khi đó, đảng đối lập LDP, vốn được cho là có thể sớm thay thế đảng cầm quyền DPJ, vừa tiến hành soạn dự thảo nới lỏng hiến pháp cho phép Nhật Bản “phòng vệ tập thể”. Nếu thành công, Nhật sẽ có thêm điều kiện tăng cường sức mạnh quốc phòng và mở rộng ảnh hưởng.
Văn Khoa
Theo Thanh Niên