Hãng thông tấn KPL của Lào ngày 16.3 đưa tin các nước thành viên ASEAN thống nhất sẽ đẩy mạnh hợp tác để nâng cao năng lực về an toàn và an ninh sinh học cho các chuyên viên phòng thí nghiệm cũng như bệnh viện.
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 15 tháng 3 dẫn các nguồn tin cho hay, "radar bay" mới A-50U đã được đưa vào trang bị cho không quân Nga. Đây là một loại máy bay cảnh báo sớm đã được nâng cấp, nó sẽ được biên chế cho Trung tâm huấn luyện phi công tác chiến ở Ivanovo.
Giống như "tiền bối" A-50, máy bay mới dùng để phát hiện các mục tiêu trên không và mặt nước, hỗ trợ cho máy bay chiến đấu phát động tấn công các mục tiêu này, truyền tín hiệu radar cho sở chỉ huy tác chiến trên mặt đất và trên mặt nước.
Điểm khác với A-50 là số lượng mục tiêu đồng thời theo dõi của máy bay cảnh báo sớm A-50U phiên bản cải tiến đã tăng từ 50 lên 100.
Hơn nữa, nó có thể theo dõi rất nhiều mục tiêu trên không với các loại hình khác nhau, bao gồm máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay siêu âm, số lượng hỗ trợ máy bay chiến đấu cũng tăng lớn.
Thông qua sử dụng các linh kiện, vật liệu mới nhất, trọng lượng của A-50U đã giảm gần 6 tấn, giúp cho nó có thể mang theo nhiều nhiên liệu hơn, từ đó tăng thời gian bay liên tục lên 1 giờ.
Tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: "Đang hoàn thành công tác thiết kế, thử nghiệm máy bay cảnh báo sớm đa chức năng A-100... Tính năng của máy bay này vượt máy bay cùng loại của nước ngoài. Khả năng trinh sát sẽ có lợi cho phát hiện các loại mục tiêu mới và quan sát tình hình trên không, mặt đất và trên mặt nước".
Máy bay A-100 với tính năng tuyệt vời hơn sẽ thay thế các "tiền bối" của nó là A-50 và A-50U. Máy bay cảnh báo sớm này có thể hoàn thành bay thử lần đầu tiên trong năm 2017.
Gần đây, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét mua sắm lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 PAK-FA, thời gian sẽ vào năm 2018.
Bộ phận thông tin của Tập đoàn chế tạo động cơ thống nhất Nga cho biết máy bay mẫu PAK-FA đang thử nghiệm hiện nay sử dụng động cơ giai đoạn đầu là AL-41F1. Đồng thời, đã nghiên cứu chế tạo động cơ giai đoạn hai mới cho T-50.
Máy bay mẫu đã chế tạo xong, đang tiến hành thử nghiệm. Động cơ mới không phải là phiên bản cải tiến của động cơ cũ, mà là động cơ thế hệ thứ năm hoàn toàn mới. Nó có thể làm cho máy bay chiến đấu đạt tốc độ siêu âm trong tình trạng không sử dụng “máy gia tốc”.
Khác với động cơ 117S trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35S, lực đẩy của động cơ mới sẽ lớn hơn, nhiên liệu tiêu hao ít hơn, đã lắp tua bin mới, áp dụng hệ thống điều khiển số hoàn toàn.
Tập đoàn chế tạo động cơ thống nhất Nga cho biết: "Chúng tôi cho rằng đã có động cơ như vậy thì T-50 sẽ trở thành chương trình có tính đột phá hơn".
Động cơ mới sẽ giúp cho PAK-FA có ưu thế cạnh tranh to lớn. So sánh máy bay chiến đấu F-22 Raptor Mỹ và T-50 Nga, người ta thấy, lực đẩy của 2 động cơ AL-41F1 phiên bản mới nhất của PAK-FA là 30.000 kgf, kém hơn lực đẩy của 2 động cơ F119 lắp trên máy bay F-22 là 32.000 kgf.
Trong khi đó, động cơ tương lai của PAK-FA sẽ có lực đẩy lên tới 35.000 kgf. Đồng thời động cơ máy bay Nga có tính năng tốt nhất trên phương diện tốc độ chuyển véc-tơ lực đẩy, giúp cho máy bay hầu như có thể xoay tròn cấp tốc.
Hơn nữa, ống phun động cơ F119-PW-100 của máy bay Raptor Mỹ chỉ có thể chuyển hướng thẳng đứng. Tốc độ chuyển hướng chỉ 20 độ/giây, trong khi đó động cơ mới của Nga đạt mức 60 độ/giây.
Ông Yuri Borisov khẳng định, T-50 lắp động cơ giai đoạn hai sẽ bay lần đầu tiên vào quý 4 năm 2017. Bộ Quốc phòng Nga hy vọng từ năm 2018 sẽ cung ứng lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho quân đội.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn