Cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, ông Thae Yong-ho, cảnh báo “thế giới nên chuẩn bị” đối mặt với nguy cơ Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân Mỹ và các nước đồng minh.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 3/4 dẫn nguồn tin từ Nhật Bản cho hay ngày 30/3, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) - đảng cầm quyền Nhật Bản- đã đưa ra một bản kiến nghị lên Thủ tướng Shinzo Abe, yêu cầu chính phủ Nhật Bản mua sắm hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
LDP cho rằng cần tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản, tăng cường bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Lực lượng Phòng vệ. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng cần nhanh chóng bố trí ngân sách để đổi mới và nâng cấp các trang bị quân sự có liên quan.
Với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây, nhất là việc phóng đồng thời 4 quả tên lửa vừa qua, Nhật Bản cảm thấy "mối đe dọa" từ Triều Tiên đã nâng cấp. Để ứng phó, ngoài THAAD, hệ thống Aegis mặt đất, còn cần hợp tác với Mỹ triển khai trước hệ thống đánh chặn trên biển, xây dựng được khả năng đánh đòn phủ đầu đối với căn cứ tên lửa của đối phương.
Ngay từ cuối năm 2016, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập ủy ban do Thứ trưởng Quốc phòng đứng đầu để nghiên cứu khả năng nhập khẩu THAAD. Tháng 1/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada còn đến thăm căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam (Mỹ), thị sát hệ thống THAAD của quân đội Mỹ.
Bà Tomomi Inada coi THAAD là "một phương án lựa chọn để đổi mới hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản", đồng thời cho biết sẽ hoàn thành quy hoạch phòng thủ tên lửa trước mùa hè năm 2017.
Việc Nhật Bản có ý định nhập khẩu THAAD, mục đích phòng thủ tên lửa từ Triều Tiên chỉ là một phần nhỏ. Hệ thống này một khi được hoàn thành xây dựng, sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với việc Nhật Bản tiến hành sửa đổi Hiến pháp, xây dựng thành công hệ thống quân sự hoàn chỉnh, đạt được mục tiêu chiến lược trở thành nước lớn quân sự - Giáo sư Chu Vĩnh Sinh, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc dự báo.
Theo báo Mỹ, hiện nay, cần thiết tiến hành điều chỉnh trách nhiệm phòng vệ của đồng minh Nhật - Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết rõ là Nhật Bản muốn nghiêm túc đối phó sau khi có mối đe dọa mới, "đạt được đồng thuận với Mỹ".
Theo giáo sư Chu Vĩnh Sinh: "Triển khai THAAD cũng là một trong những biện pháp kéo gần quan hệ với Mỹ. Giao dịch vũ khí là một biện pháp quan trọng để Mỹ “mạnh lên”. Nhật Bản mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với chính quyền Donald Trump và các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, làm cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ kiện toàn hơn".
Từ Chiến tranh thế giới lần thứ Hai đến nay, quyền tự vệ quân sự của Nhật Bản bị hạn chế, chỉ dựa vào ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ, dựa vào quân đội Mỹ để bảo vệ an ninh. Từ năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng lệnh cấm xuất nhập khẩu vũ khí, tiến tới xóa bỏ trở ngại để Nhật Bản trở thành "quốc gia bình thường" về quân sự.
Tờ Tin tức Asahi cho rằng chính quyền Shinzo Abe sẽ sớm xây dựng Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn, tiến hành nâng cấp mạng lưới phòng thủ tên lửa hai cấp hiện nay, có khả năng phòng thủ tên lửa như quân đội Mỹ.
Tính chất triển khai THAAD của Nhật Bản khác với Hàn Quốc. Nhật Bản nhập khẩu THAAD thực chất là để nâng cấp khả năng phòng thủ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản - Chu Vĩnh Sinh đánh giá.
Theo Chu Vĩnh Sinh, đối với Nhật Bản, THAAD là một lá chắn phòng thủ, nhưng lại thách thức cân bằng chiến lược của khu vực Đông Á. Đặc biệt là đối với khu vực Đông Bắc Á, xây dựng hệ thống THAAD thực sự đã làm trầm trọng hơn chạy đua vũ trang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là làm gia tăng mức độ theo dõi của Mỹ đối với các nước trong khu vực này, gây ra hậu quả mất cân bằng chiến lược.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn