Triều Tiên hôm nay phóng một quả tên lửa đạn đạo từ bờ biển phía đông nước này, khiến văn phòng tổng thống Hàn Quốc triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về sự khiêu khích.
Trung Quốc 'mù tịt' về hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ
- Cập nhật : 04/04/2017
Trung Quốc khăng khăng phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc là do Bắc Kinh không hiểu gì về hệ thống này cũng như mục đích ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Sự xuất hiện của các thiết bị đầu tiên thuộc hệ thống THAAD tại Seoul đang đẩy mối quan hệ ngoại giao song phương giữa Mỹ và Trung Quốc vào sóng gió. Khả năng trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở bang Florida từ ngày 6 – 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đề cập tới việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Trong khi Mỹ nhấn mạnh THAAD là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ Seoul khỏi lực lượng tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhiều quan chức Bắc Kinh vẫn khẳng định hệ thống này sẽ đe dọa tới năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc đang đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rơi vào sóng gió.
"Rõ ràng, không có bất cứ ai ở Trung Quốc hiểu về năng lực của THAAD. Đây mới là nguyên nhân dẫn tới sự hiểu lầm. Năng lực toàn diện của THAAD được xem là bí mật và khiến giới chiến lược gia Trung Quốc không khỏi nghi ngờ. Trung Quốc cho rằng nếu THAAD bị triển khai nhầm địa điểm, quốc gia này sẽ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ nhất", Reuters dẫn lời chuyên gia nghiên cứu năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc, ông Zhang Baohui.
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố THAAD sẽ gây ra những bất ổn cho cán cân an ninh ở khu vực.
Theo giới chức Trung Quốc, phạm vi hoạt động của các radar dải tần X của THAAD là 2.000 km, có thể do thám vào sâu lãnh thổ Trung Quốc, chứ không phải để dùng để ngăn chặn lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Không chỉ khiến quan hệ Mỹ - Trung rơi vào sóng gió, THAAD còn đang đẩy quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh đứng trên bờ vực tan vỡ.
Cụ thể, giới chức Trung Quốc đã cho đóng cửa hàng chục cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ của Lotte sau khi tập đoàn này nhượng đất để chính phủ Hàn Quốc triển khai THAAD.
Ngoài ra, số lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc cũng sụt giảm mạnh. Các ca sĩ và diễn viên Hàn Quốc đã phải hủy các chuyến lưu diễn tới đại lục. Nhiều trang blog của hàng chục người nổi tiếng Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng đã bị chặn hoạt động.
Trên thực tế, THAAD chưa từng được kiểm chứng trong một cuộc xung đột. Do đó, hiệu quả hoạt động của hệ thống này vẫn đang là câu hỏi chưa có câu trả lời. Theo giới chuyên gia phương Tây, THAAD được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo hoạt động bên trong và bên ngoài khí quyển.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc lo ngại, phạm vi hoạt động của radar THAAD còn giúp hệ thống này phát hiện được cả vị trí phóng tên lửa và rocket nằm sâu bên trong khu vực phía đông bắc Trung Quốc, nơi quân đội Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí tầm xa mới.
Còn hiện tại, Bắc Kinh đang cho tái thiết kho tên lửa đạn đạo liên lục địa di động cũng như hạm đội tàu ngầm.
Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng hệ thống radar của THAAD vô cùng hiện đại và cho phép Mỹ theo dõi các cuộc thử nghiệm đặc biệt là tên lửa nhằm giúp Washington chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản không may xảy ra xung đột với Bắc Kinh.
Chuyên gia an ninh tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh, ông Li Bin cho rằng các radar của THAAD sẽ cho phép quân đội Mỹ thu thập thông tin dữ liệu về tên lửa của Trung Quốc từ đó hiểu rõ về chiến lược hạt nhân của Trung Quốc.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết quân đội Trung Quốc đã có cả phương án "rắn và mềm" để hạn chế hoạt động của các radar THAAD như sử dụng vũ khí laser hoặc sử dụng các thiết bị làm nhiễu sóng.
Ông Peng Guangqian, chiến lược gia tại Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu hồi đầu tháng Tư rằng, Bắc Kinh có cách để dễ dàng "vô hiệu hóa" các radar của THAAD.
"Trung Quốc có thể biến THAAD thành vô dụng bằng cách dùng các thiết bị điện tử can thiệp và các hành động quân sự giả mạo, nhằm làm rối loạn chức năng hoạt động của THAAD", ông Peng nói.
Dù vẫn còn những tranh cãi xung quanh phạm vi hoạt động của THAAD, nhưng theo giới phân tích Trung Quốc, hệ thống này có thể được kết nối với mạng lưới radar cảnh báo sớm, cảm biến và hệ thống quản lý chiến tranh của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh của Washington trong khu vực.
Ông Yao Yunzhu, một tướng Trung Quốc nghỉ hưu đã nhấn mạnh tại một cuộc hội thảo ở Thượng Hải hồi tháng trước rằng, mục tiêu hoạt động của THAAD là nhằm vào Trung Quốc.
Còn theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người cũng tham gia cuộc hội thảo ở Thượng Hải, lực lượng tên lửa Trung Quốc có đủ quy mô và độ phức tạp để phòng thủ. Do đó, Bắc Kinh không cần phải lo lắng về THAAD. Và THAAD được xem là thiết bị giúp "tăng cường" thêm hoạt động của các hệ thống chống tên lửa khác ở khu vực.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn