Trung Quốc khăng khăng phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc là do Bắc Kinh không hiểu gì về hệ thống này cũng như mục đích ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Nhật biên chế vận tải cơ nội địa sau 16 năm phát triển
- Cập nhật : 03/04/2017
Máy bay vận tải Kawasaki C-2 được lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đưa vào sử dụng, kết thúc quá trình nghiên cứu phát triển từ giữa năm 2001.
Nhật Bản hôm 30/3 tổ chức lễ biên chế ba máy bay vận tải Kawasaki C-2, đưa loại vận tải cơ nội địa này vào phục vụ trong lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), Livejournal đưa tin.
Ba chiếc vận tải cơ C-2 đầu tiên được triển khai tới căn cứ quân sự Miho, tây nam Nhật. Chúng sẽ được kiểm tra vận hành cho tới tháng 9 năm nay, trước khi bắt đầu tham gia các chiến dịch vận tải từ tháng 12.
JASDF dự kiến biên chế 10 chiếc C-2 trong giai đoạn 2017-2020.
C-2 là dòng máy bay vận tải hai động cơ do tập đoàn Kawasaki Heavy Industries Aerospace thiết kế chế tạo. Dự án C-2 được tiến hành sau khi JASDF từ chối mua các vận tải cơ nước ngoài như C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster III và Airbus A400M.
Năm 1995, tập đoàn Kawasaki kêu gọi Cục phòng vệ Nhật Bản (JDA) cấp vốn cho dự án vận tải cơ nội địa mang tên mã C-X. Tới năm 2000, JDA đưa ra yêu cầu cho mẫu vận tải cơ mới, bao gồm việc sử dụng động cơ phản lực, có tầm bay từ Nhật tới Hawaii và trọng tải gấp đôi mẫu C-130.
Năm 2001, chi nhánh Kawasaki Aerospace Company của tập đoàn Kawasaki Heavy Industries bắt đầu phát triển dự án C-X với sản phẩm cuối cùng là mẫu vận tải cơ C-2.
Kawasaki C-2 dài 44 m, sải cánh 44,5 m, trọng tải tối đa 36 tấn. Phi cơ có tầm bay 4.500 km khi mang trọng tải tối đa, hoặc 9.800 km nếu không chở hàng.
Mỗi chiếc C-2 có thể chở một xe chống tăng MCV hoặc một trực thăng UH-60J, cũng như 8 khối hàng hóa tiêu chuẩn (pallet) 463L.
Máy bay vận tải Kawasaki C-1 (bên phải) cùng hai chiếc C-2 tại căn cứ Miho.
Nội thất bên trong Kawasaki C-2 khá rộng rãi, bảo đảm khả năng chuyên chở nhiều loại hàng hóa và số lượng lớn binh sĩ.
JASDF dự kiến đặt mua 40 máy bay Kawasaki C-2 với mức giá 136 triệu USD/chiếc.
Tử Quỳnh (Ảnh: Livejournal)
Theo Vnexpress