Thay vì bắn hạ máy bay Trung Quốc và đánh bom các cảng Trung Quốc, liên minh có thể sử dụng máy bay không người lái, kể cả trên không lẫn dưới nước, xuất phát từ các tàu dân sự và tàu cảnh sát biển để phong tỏa mọi lối tiến vào các đường băng và cảng trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Foreign Policy đề xuất.
Ông Duterte đang chơi trò nguy hiểm trên biển Đông
- Cập nhật : 03/03/2017
Nếu cứ vài tháng Manila lại thay đổi lập trường một lần, sự tìm kiếm đồng thuận trong ASEAN sẽ trở nên phức tạp hơn.
Philippines là chìa khóa quan trọng với vấn đề biển Đông. Điều này trao cho ông Duterte chiếc chìa khóa mặc cả đầy quyền lực. Ông Duterte thường xuyên cổ xúy tư tưởng “bài Mỹ”, khen ngợi Tổng thống Nga Putin. Ông mời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến quê nhà mình và thảo luận về khoản đầu tư 90 tỉ USD của Tokyo.
Quá thân Trung Quốc
Thế nhưng nổi bật nhất trong các mũi ngoại giao của ông Duterte chính là các động thái mềm dẻo hơn với Trung Quốc (TQ), đặc biệt trong vấn đề biển Đông. Sử gia người Mỹ Alfred McCoy nhận định: “Tổng thống Duterte đang chơi một trò chơi nguy hiểm” khi trả lời tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Ông McCoy nhận định Tổng thống Duterte có khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự nếu chọn ngó lơ biển Đông để đổi lấy hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. “Nếu như ông ấy ngả quá nhiều về TQ và từ bỏ vùng biển chủ quyền trên biển Đông, nhiều khả năng các lãnh đạo quân đội sẽ có những phản ứng mạnh mẽ” - ông McCoy bình luận. “Đó là một mối đe dọa có thật và ông ấy cần phải cực kỳ khôn khéo với quân đội” - ông McCoy nói.
Tổng thống Duterte (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến công du đến Bắc Kinh tháng 10-2016. Ảnh: AP
Đi dây thì sẽ trắng tay?
Ông Duterte cũng phải đối mặt với một rủi ro tiềm năng khác từ sự thay đổi lập trường liên tiếp của Manila. Tháng 12-2016, Manila chỉ trích Bắc Kinh ngang ngược quân sự hóa Trường Sa. Đến giữa tháng 2, Ngoại trưởng Perfecto Yasay tiếp tục lên tiếng khẳng định ASEAN “quan ngại nghiêm trọng” TQ lắp đặt thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo. Để rồi đến cuối tháng 2, cũng chính ông Yasay khẳng định lập trường của Manila là “vùng biển tranh chấp trên biển Đông” chưa từng thuộc về nước nào, kể cả Philippines.
Đối với Tổng thống Duterte, TQ chính là điểm tựa đầy tiềm năng để giúp ông thực hiện các tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng và ngành du lịch của đất nước. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nehginpao Kipgen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Ấn Độ), ông Duterte thay đổi liên tục chính sách biển Đông sẽ khiến việc tiếp cận nguồn vốn từ Bắc Kinh thêm khó khăn.
“Manila liên tục thay đổi lập trường cũng khiến mọi chuyện phức tạp hơn đối với Washington vốn đang muốn giữ vai trò cân bằng quyền lực trong khu vực” - ông Kipgen nhận định. Những điều chỉnh liên tục của Philippines cũng cản trở khả năng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước ASEAN. Nếu cứ vài tháng Manila lại thay đổi lập trường một lần, sự tìm kiếm đồng thuận trong ASEAN sẽ trở nên phức tạp hơn.
Sẽ chẳng ai hiểu rõ động cơ đằng sau các thay đổi liên tục của Manila bằng chính ông Duterte. “Tuy nhiên, dù mục đích cuối cùng của ông là gì đi nữa, cách tiếp cận “nhiều mũi nhọn”, cố làm bạn cùng lúc với một loạt nước lớn và ASEAN của ông Duterte vẫn chưa thu lại những kết quả đáng kể, ít nhất là cho đến nay” - ông Kipgen nhận định.
Chiến lược “hai mũi tiến công” của Trung Quốc
Ông Alfred McCoy cho rằng TQ đang cố tìm cách xuyên phá “các vòng vây” của Mỹ bao quanh hai đầu lục địa Á-Âu. Liên minh quân sự NATO ở phía tây cùng hệ thống các đồng minh song phương ở phía đông đã góp phần tạo nên vị thế siêu cường của Mỹ trong một thời gian dài. Mũi tiến công thứ nhất là biến TQ trở thành hạt nhân của thị trường Á-Âu thông qua các sáng kiến kinh tế như “Một vành đai, một con đường”. Mũi tiến công thứ hai chính là các đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông và các dự án quân cảng hải ngoại ở Pakistan với tham vọng phá vòng vây về quân sự.
________________________________
Dù có đổ ra cả tỉ USD viện trợ, TQ hay Tổng thống Duterte vẫn khó thuyết phục nổi người dân Philippines rằng TQ không có gì đe dọa. Đây là một định kiến đã bắt rễ rất sâu và khó đổi một sớm một chiều.
RANDOLPH DAVID, chuyên gia xã hội học ĐH Philippines
TRUNG NHÂN
Theo Plo.vn