Nhiều người lo ngại rằng dù cho là hợp pháp nhưng việc phong tỏa không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp sẽ là một hành vi gây chiến và có nguy cơ gây ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên nỗi lo sợ này đã bị thổi phồng, Foreign Policy nhận định.
Thủ tướng Singapore nói gì về căng thẳng Mỹ - Trung?
- Cập nhật : 02/03/2017
Singapore có nguy cơ bị đẩy vào thế phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai cường quốc chạy đua giành ảnh hưởng ở châu Á, theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) nói chuyện cùng người dẫn chương trình HARDtalk của đài BBC Stephen Sackur - Ảnh: BBC
“Nếu quan hệ Mỹ - Trung trở nên trắc trở, chúng tôi sẽ lâm vào thế khó phải chọn giữa việc làm bạn với Mỹ hay Trung Quốc. Nỗi lo này là có thật. Hiện tại chúng tôi là bạn với cả hai, không phải không có chút vướng mắc nào nhưng chúng tôi nhìn chung là bạn bè và các mối quan hệ đang suôn sẻ” - Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ nỗi trăn trở trong chương trình HARDtalk của đài BBC ngày 1-3.
“Quan tâm thường xuyên”
Trong nhiều thập niên, Singapore - nền kinh kế mở phụ thuộc vào thương mại và đầu tư - bước “khéo” trên lằn ranh giữa Mỹ và Trung Quốc, xây dựng quan hệ kinh tế với cả hai cường quốc nhưng cũng đồng thời ủng hộ hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực để kiềm chế chính sách bành trướng của Bắc Kinh.
Tại Diễn đàn Shangri La trước đây, Thủ tướng Lý từng cảnh báo rằng các nước nhỏ ở Đông Nam Á không muốn phải chọn phe, mặc dù ông thừa nhận cạnh tranh giữa các cường quốc là không tránh khỏi.
“Tôi cho rằng mối quan hệ đòi hỏi một sự quan tâm gần gũi và thường xuyên từ cả hai phía. Tôi chắc là người Trung Quốc làm điều đó. Về phần Mỹ, tôi hy vọng họ cũng sẽ lưu ý vì họ đã có quá nhiều thứ phải lo - châu Âu, Trung Đông, Ukraine, Mỹ Latin” - ông Lý Hiển Long nhận xét.
Singapore thời gian gần đây đã vài lần kẹt trong sóng gió quan hệ Mỹ - Trung. Bắc Kinh công khai chỉ trích Singapore vì đã ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông, Hải quân Mỹ thì đang sử dụng Singapore làm căn cứ tuần tra eo biển chiến lược Malacca.
Chính phủ Singpore cũng đã phải mất nhiều tuần lễ để giải thoát cho 9 xe bọc thép bị Hải quan Hong Kong bắt giữ hồi tháng 11-2016 khi đang trên đường trở về từ Đài Loan sau một đợt diễn tập.
“Tôi không muốn nói là chúng tôi có các vấn đề lớn, chúng tôi chỉ có vài vướng mắc và một số biến cố” - Thủ tướng Singapore nói về quan hệ của nước mình với Trung Quốc.
Câu chuyện thương mại
Dưới triều đại của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ có vẻ đang có những thay đổi lớn trong quan điểm thương mại với việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhà lãnh đạo Singapore đã không giấu sự thất vọng về điều này: “Chúng tôi tham gia tích cực vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chúng tôi phụ thuộc vào hệ thống Mỹ dựng lên để duy trì một quan hệ mở toàn cầu về giao thương, đầu tư và tài chính. Chúng tôi thất vọng vì đã dành rất nhiều thời gian thương lượng mới đạt được thỏa thuận (TPP)”.
Ông Lý Hiển Long cho biết nếu 11 quốc gia còn lại đạt được đồng thuận tiếp tục triển khai TPP mà không có Mỹ, Singapore sẽ đặt bút ký, nhưng ông tỏ ra không tin chắc về viễn cảnh này. “Điều đó không dễ đạt được” - ông Lý nhận định.
“Nước Mỹ là một thực tế, họ vẫn là một siêu cường. Nhưng tôi nghĩ người ta không còn quá tin vào chính sách của Mỹ vì vết sứt mẻ này. Nhưng điều đó đã xảy ra và chúng ta phải sống chung với nó. Nước Mỹ đang có một tâm trạng mới, Tổng thống Trump phản ánh điều đó, và chúng ta sẽ phải quan sát cẩn thận việc ông ấy theo đuổi những chính sách nào” - Thủ tướng Lý Hiển Long kết luận.
Trong khi đó Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã gặp người đồng cấp Vương Nghị trong tuần này ở Bắc Kinh. Họ đã thảo luận các phương án hỗ trợ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.
Ông Vương tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh hợp tác với ASEAN soạn ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), mục tiêu là đạt một thỏa thuận khung vào giữa năm nay, theo Bộ ngoại giao Singapore.
M. TRUNG
Theo tuoitre.vn