Nếu cứ vài tháng Manila lại thay đổi lập trường một lần, sự tìm kiếm đồng thuận trong ASEAN sẽ trở nên phức tạp hơn.
Tăng chi phí quân sự, Donald Trump khơi mào chạy đua vũ trang?
- Cập nhật : 02/03/2017
Tổng thống MỹDonald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ thực sự gia tăng chi phí quân sự của Mỹ từ năm 2018 và cho khởi động “một trong những chương trình tái trang bị quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Tuyên bố này đã làm dấy lên lo ngại làm bùng phát cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo tuyên bố của ông Donald Trump, Mỹ sẽ “đưa lực lượng vũ trang lên tầm cao mới cả về phòng thủ và tấn công, và tất cả những gì đang có - làm cho lớn hơn, mạnh hơn và tốt hơn bao giờ hết”.
Theo tạp chí The New York Times (NYT), bản dự thảo ngân sách quân sự cho năm 2018 đã được đưa ra ngày 27/2. Việc Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tăng chi phí cho Lầu Năm góc có thể khiến tất cả các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ gia tăng ngân sách quân sự của mình. Khuynh hướng này đã xảy ra trong năm 2015. Quân đội Nga vốn được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama coi là đội quân có khả năng chiến đấu cao thứ hai trên thế giới, cũng không phải ngoại lệ.
Donald Trump định tiết kiệm khoản nào?
“Ngân sách giao cho chúng ta là một mớ hỗn độn. Nguồn tài chính của chúng ta đang ở trong vũng bùn bẩn và chúng ta cần phải làm sạch”- ông Donald Trump đã chỉ trích di sản ông Obama để lại sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Sự không hài lòng của tân chủ nhân Nhà Trắng được cho là có liên quan đến các chi phí liên quan đến lĩnh vực thử nghiệm sinh thái, chi phí cho các cơ quan đại diện ngoại giao được cho là không cần thiết và các chi phí cho các hoạt động khoa học nhân đạo.
Các chương trình này dự kiến sẽ bị cắt giảm mạnh chi phí dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó lĩnh vực nhân đạo có thể bị cắt giảm chi phí nhiều nhất. Dự án “Sự đóng góp của nhà nước vào các lĩnh vực khoa học xã hội”- dự án cung cấp tài chính cho các nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể sẽ bị cắt bỏ hoàn toàn kinh phí.
Theo NYT, các khoản kinh phí tiết kiệm được từ cắt giảm các chương trình trên sẽ được sử dụng để tái trang bị cho Quân đội Mỹ. Tất nhiên, Tổng thống Donald Trump sẽ không mạo hiểm cắt tất cả các chương trình phúc lợi xã hội. Các chương trình như chương trình trợ giúp y tế cho người trung tuổi Medicare hay sáng kiến quốc gia về hỗ trợ người già và người tàn tật Social Security sẽ được duy trì như trước. Những người không đủ khả năng kiếm tiền sẽ là những người lo ngại nhất vì Nhà Trắng sẵn sàng cắt bỏ hoàn toàn chương trình trợ giúp mua thức ăn cho người nghèo, ví dụ chương trình Food Stamps Program.
Giảm thuế nhưng vẫn tăng chi tiêu cho quân đội bằng cách nào?
Bài toán đau đầu nhất đối với Tổng thống Donald Trump hiện nay không phải là sự phản đối của những chủ thể bị cắt “miếng bánh ngân sách”. Trong suốt quá trình vận động tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump luôn đưa ra lời hứa sẽ giảm thuế quy mô lớn. Việc thực hiện bước đi này đồng thời với việc gia tăng chi phí cho các hoạt động quân sự là điều không đơn giản, ngay cả khi kinh phí cho các chương trình khác được xem xét lại. Ngày càng xuất hiện nhiều thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng cho thấy Nhà Trắng đang vướng vào vòng luẩn quẩn này.
Vấn đề tài chính của Nhà Trắng thậm chí còn trở thành yếu tố đe dọa đến mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia EU. Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã lần lượt yêu cầu các quốc gia EU tăng chi phí cho các hoạt động phòng thủ chung trong khuôn khổ NATO để giảm gánh nặng cho Mỹ. Hiện đòi hỏi này của Mỹ vẫn chưa có kết quả, đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn chưa tiết kiệm được lượng kinh phí khổng lồ chi cho NATO.
Thực trạng này khiến ông Donald Trump khó có thể thực hiện cam kết giảm thuế. Điều này được thể hiện rõ nét qua tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan về việc Mỹ sẽ khó có thể cắt giảm thuế trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay.
Liệu sẽ làm bùng nổ chạy đua vũ trang với Trung Quốc?
Hệ quả có thể coi là tiêu cực nhất từ quyết định gia tăng ngân sách quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump là những phản ứng từ phía Trung Quốc- quốc gia thời gian gần đây cũng gia tăng mạnh chi phí quân sự. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington hiện đang trong giai đoạn tương đối “êm đềm” sau khi Washington chính thức tuyên bố không có ý định thừa nhận nền độc lập cho Đài Loan.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi so sánh việc Trung Quốc xây các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông tương tự như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Các chuyên gia nhận định rằng nếu như đối đầu với Moscow là nhiệm vụ của toàn bộ khối NATO thì đối đầu với Trung Quốc sẽ là chuyện nội bộ của Mỹ. Và khí Mỹ gia tăng chi phí quân sự, Trung Quốc sẽ khó có thể ngồi yên và khả năng bùng phát chạy đua vũ trang mới hoàn toàn có thể lại xảy ra.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet.vn