Không có nơi nào trên thế giới mà trong chương trình tranh cử tổng thống lại đem vấn đề đối phó với Trung Quốc hay chính xác là với sự nguy hại của Trung Quốc ra làm con bài để lấy lòng cử tri như ở Mỹ...
Thách thức nào ở châu Á đang chờ tân tổng thống Mỹ?
- Cập nhật : 12/10/2016
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang được châu Á theo dõi sát sao để xem Mỹ sẽ áp dụng những chính sách nào đối với châu lục này trong thời gian tới.
Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách đó vừa phải nâng tầm quan trọng chiến lược của Mỹ trong khu vực, vừa không làm hỏng các mối quan hệ kinh tế sâu rộng của Trung Quốc với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mặc dù có một vài quốc gia châu Á chia sẻ quan điểm với Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng chưa rõ nhận thức của các nước khác ra sao.
Trong quá trình vận động tranh cử vừa qua, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney không đề cập gì nhiều đến các cường quốc ở châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản, mà lại tập trung nhiều vào Israel, kinh tế Mỹ và Iran. Về thương mại và kinh tế, cả hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney đều sử dụng chiến thuật cũ là đổ lỗi cho Trung Quốc. Romney dọa sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào ngày đầu tiên trở thành tổng thống… Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể hiểu rằng những lời đao to búa lớn trong quá trình tranh cử có thể không trở thành những chính sách thực sự.
Về TPP, cả hai ứng cử viên đều ủng hộ hiệp định này. Thách thức đối với Washington là mở rộng thành viên TPP, kết thúc các cuộc đàm phán khó khăn với những nước như Nhật Bản và giải tỏa sự nghi ngờ của Trung Quốc rằng TPP là nhằm bổ sung cho chiến lược chuyển trục quân sự của Mỹ. Ngoài ra còn có sự va chạm ngày càng tăng về kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ủy ban Tình báo Hạ viện gần đây đã cảnh báo về các nguy cơ gián điệp liên quan đến công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei. Tổng thống Obama đã không cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện gần đơn vị Hải quân Mỹ ở Oregon vì những lý do an ninh quốc gia. Ông là tổng thống đầu tiên trong 22 năm qua làm như vậy. Ông cũng đệ đơn kiện Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu ôtô, và cùng với Nhật Bản kiện Trung Quốc về vấn đề đất hiếm lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Về an ninh, cho dù ngân sách bị cắt giảm, Washington sẽ phải thể hiện khả năng thực hiện các cam kết quan trọng của mình. Romney đã tự chuốc lấy sự chỉ trích vì gọi Nga là "kẻ thù địa chính trị" số 1 của Mỹ. Trên trang web của chiến dịch tranh cử, ông ta hứa hẹn sẽ thực hiện "một chiến lược làm cho con đường bá chủ khu vực của Trung Quốc tốn kém hơn rất nhiều so với phương án trở thành một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tế". Mặc dù không hài lòng với Obama về chiến lược tái cân bằng, nhưng Bắc Kinh có thể nhận thấy rằng Romney sẽ thực hiện những chính sách ngăn chặn Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản, một cường quốc khác trong khu vực sẽ không hài lòng với những câu nói "hớ" của Romney khi ông ta cho rằng nước này đang ở trong tình trạng suy giảm và kiệt sức. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Tokyo có thể không được chú ý tới nếu Romney đắc cử, như vậy rất khó đánh giá liên minh Mỹ-Nhật có thể phát triển như thế nào. Nhật đã hoan nghênh mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng của Obama, mặc dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và đang xảy ra căng thẳng về việc tổ chức lại các lực lượng của Mỹ tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hợp tác nhiều hơn với Triều Tiên, phòng thủ tên lửa và xây dựng hiệp ước an ninh với Mỹ vì Tokyo chuyển hướng tập trung phòng thủ tới các đảo xa của nước này.
Ở Nam Á, Obama đã phát động một cuộc đối thoại chiến lược hàng năm với Ấn Độ, mặc dù còn thiếu kết quả thực tế. Tổng thống mới của Mỹ sẽ cần phải đưa Ấn Độ tham gia vào những thách thức chung như Mỹ rút khỏi Afghanistan, sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn về hạt nhân dân sự.
Nh.Thạch (Theo AP, Petrotimes)