Tinh thần bất khuất của Triều Tiên trước cường quyền quốc tế là điều đáng ngưỡng mộ, các nước nhỏ nên giúp Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ...
Triển khai THAAD ở Seoul có thực chất nhằm đối phó Triều Tiên?
- Cập nhật : 30/04/2017
Rất nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Seoul không phải phòng thủ trước Triều Tiên, mà là một mối đe dọa với Nga và Trung Quốc.
Các trang thiết bị cần thiết cho việc lắp đặt THAAD được vận chuyển tới Seongju, đông nam Hàn Quốc ngày 27/4. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trả lời trong buổi phỏng vấn với Đài phát thanh Sputnik (Nga), Namhee Lee - Phó giáo sư ngành Lịch sử Hàn Quốc hiện đại thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết, “có nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng việc triển khai THAAD thực chất để ngăn chặn Trung Quốc chứ không phải Triều Tiên”.
Phó Giáo sư này là người đã ký tên dưới bức thư của Tổ chức "Women Cross DMZ" chuyên vận động vì hoà bình gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 26/4 vừa qua, kêu gọi ông xoa dịu căng thẳng quân sự cũng như bắt đầu đàm phán hòa bình để ngăn chặn chiến tranh bùng phát trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo bà Lee, tên lửa của Triều Tiên bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật (SCUD) tầm ngắn, với tầm bắn chỉ khoảng 500 km và tên lửa tầm trung Rodong 1 với tầm bắn trải dài 1.300 km trong khi hệ thống THAAD lại đạt hiệu quả nhất khi đối phó với các loại tên lửa tầm xa và cao.
Bà Lee giải thích: “Hệ thống THAAD không hữu hiệu khi phải chặn tên lửa SCUD. THAAD đạt được hiệu quả khi phòng thủ trước tên lửa Rodong 1. Tuy nhiên loại tên lửa này của Triều Tiên không được phát triển để nhằm vào Hàn Quốc, mà nhằm vào đảo Okinawa”.
Được hỏi lí do vì sao quân đội Mỹ lại triển khai hệ thống THAAD tại Seoul, bà Lee cho rằng: “Bởi vì mục đích là nhằm vào Trung Quốc và Nga, để thu thập thông tin, và đó cũng là lý do vì sao hai nước này lại tức giận trước đợt triển khai THAAD này”.
Phó Giáo sư Lee nhấn mạnh radar X-band tích hợp với hệ thống THAAD có khả năng phát hiện tên lửa trong phạm vi 1.000-5.000 km, điều này có nghĩa là rất nhiều loại tên lửa Trung Quốc có thể bị radar X-band phát hiện.
Không chỉ có vậy, nguyên do bùng phát việc phản đối triển khai THAAD ngay tại chính Hàn Quốc là do việc lắp đặt radar gây ra lo ngại về nguy cơ với sức khỏe người dân địa phương. Vị sử gia này cho hay: “Rất nhiều người lo sợ về sức khỏe và độ an toàn của người sống khu vực xung quanh, khi tiếp xúc với bức xạ điện từ mà radar phát ra".
Đặc biệt người dân tại huyện Seongju thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang cảm thấy bức xúc vì quyết định triển khai THAAD không hề hỏi qua ý kiến của họ cũng như không có bất kỳ đánh giá về sức khỏe nào.
Bức xạ điện từ của hệ thống radar THAAD được cho là sẽ gây nguy hại tới sức khỏe người dân sống quanh. Cụ thể người sống trong phạm vi bán kính 100 m có thể thiệt mạng, và với những người sống phạm vi bán kính 3,6 km sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, nôn nao.
Trước đó, đêm 25/4 và rạng sáng 26/4, người dân huyện Seongju đã bất bình kéo nhau tới khu vực lắp đặt hệ thống THAAD khi 6 xe tải chở radar và các bộ phận khác của THAAD đến đây. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, đụng độ nổ ra khi cảnh sát cố ngăn cản khoảng 200 người dân địa phương giận dữ cản trở hoạt động vận chuyển tại lối ra vào sân golf Seongju nơi lắp đặt hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Bà Lee nhận xét các hoạt động biểu tình là kế sách cuối cùng nhằm phản đối triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức