Sự hiện diện bất thường các máy bay chiến đấu, và việc xây dựng các bến cảng lớn có thể tiếp nhận các chiến hạm lớn nhất trong hạm đội Trung Quốc, cho thấy nếu cần họ có thể thực hiện các cuộc tấn công trong tương lai từ các hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông, chuyên gia Mỹ cảnh báo.
Tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở thủ đô Manila ngày 29/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không đề cập đến tranh chấp Biển Đông.
Ông Rodrigo Duterte chỉ nhắc sơ qua rằng các nước thành viên ASEAN cần căn cứ vào quan hệ “tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”, giải quyết hòa bình “tranh chấp”. Ông Rodrigo Duterte không đề cập đến tôn trọng tiến trình ngoại giao, mà dùng cụm từ “thượng tôn pháp luật”.
Ông Rodrigo Duterte nói: “Nếu tất cả các bên có liên quan lợi ích đều học được cách tôn trọng và coi trọng giải quyết hòa bình tranh chấp, quan hệ cũng sẽ được giữ vững”. Ông không hề nhắc đến Trung Quốc.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 29/4, Tổng thống Philippines đã bày tỏ lo ngại đối với mối đe dọa của hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời đã nhấn mạnh tính cần thiết của giải quyết các vấn đề cấp bách như buôn lậu ma túy và chủ nghĩa khủng bố.
“Trên phương diện chính trị và an ninh, chúng tôi phát hiện các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang thách thức quyết tâm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực của chúng ta” – ông Rodrigo Duterte nói.
Ông cho hay: “Sự phát triển địa - chính trị và chiến lược toàn cầu cũng đã tạo ra thách thức đối với lợi ích và mục tiêu chung của chúng ta” – ông không đề cập cụ thể đến tình hình căng thẳng của bán đảo Triều Tiên và đề cập đến tranh chấp Biển Đông.
Ông Duterte kêu gọi “giải quyết hòa bình tranh chấp” và tôn trọng “pháp trị”. Ông nói: “Trong một thời đại không xác định, chúng ta cần kiên trì thượng tôn pháp luật một cách trung thực”.
Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung Đức ngày 28/4, mặc dù là người nổi tiếng với việc “không giữ mồm giữ miệng”, nhưng vài ngày qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải giữ kiềm chế. Ông lần đầu tiên đóng vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Đối với ASEAN với hơn 600 triệu dân, Hội nghị Cấp cao lần này diễn ra đúng vào thời khắc quan trọng. Trong thời điểm tròn 50 năm thành lập, ASEAN phải tiến hành “định vị” giữa hai nước lớn cạnh tranh nhau: Mỹ và Trung Quốc.
Tại hội nghị lần này, vấn đề Biển Đông cũng không còn được thảo luận một cách sôi nổi. Tổng thống Philippines đã tiến hành thay đổi “lớn” về chính sách ngoại giao, đang rời xa đồng minh Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc – nước láng giềng và là đối tác thương mại quan trọng.
Điều này cũng gây ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, quan hệ căng thẳng giữa khu vực với Trung Quốc có vẻ dịu đi.
Lào, Campuchia và Thái Lan sớm đã tiến hành hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Hiện nay, ngoài Philippines, về ngoại giao, Malaysia và Indonesia cũng đang xích lại gần Trung Quốc.
Theo bài báo, xu thế này được tăng cường là do hiện nay còn chưa rõ tân Chính phủ Mỹ có “tích cực” ở khu vực này hay không. Trong khi đó, Trung Quốc lại thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tiếp tục mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực này về mặt chiến lược.
Tháng 5/2017, Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường”. Được biết, hầu hết các nước ASEAN đều sẽ tham gia.
Theo Phong Vân
Viettimes.vn