Tuần này một nhóm gồm 3 chiến hạm của hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm hữu nghị tới Philippines, chuyến cập cảng đầu tiên của họ trong 7 năm qua.
Philippines, Singapore và Việt Nam với cân bằng quan hệ Trung - Mỹ ở Biển Đông
- Cập nhật : 04/05/2017
Cho dù Donald Trump có lựa chọn các giải pháp cực đoan khác với trước đây, ASEAN vẫn nên tìm cách cân bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
The Australian ngày 3/5 đưa tin, ứng viên Đại sứ Mỹ sang Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump đề cử, Thống đốc bang Iowa - ông Terry Branstad hôm thứ Ba 2/5, đã phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện:
"Có thực tế rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc (ông Tập Cận Bình) đã gọi chúng tôi là bạn cũ.
Nhưng điều này không có nghĩa là tôi sẽ ngại ngùng hay rụt rè trong việc nêu ra các vấn đề, có thể là nhân quyền hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
Trên Biển Đông, Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp (bất hợp pháp) để ép buộc các nước láng giềng, hoặc hạn chế tự do hàng hải, hàng không". [1]
Cùng đưa tin về buổi điều trần, South China Monring Post ngày 3/5 dẫn nguồn hãng thông tấn AP đưa tin về phát biểu của ông Terry Branstad:
"Là một người bạn cũ, tôi muốn nói với ông ấy (Tập Cận Bình) những lĩnh vực nào ông ấy đang thiếu sót".
Thượng nghị sĩ Bob Menendez của đảng Dân chủ chất vấn Terry Branstad rằng, ông coi Trung Quốc là kẻ thù hay đồng minh, ứng viên Đại sứ Mỹ trả lời:
Đây là một câu hỏi hóc búa. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dao động giữa hai thái cực, Washington nên cố gắng trở thành đối tác với Bắc Kinh, thay vì đối thủ.
Nhưng Trung Quốc cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ "luật chơi".
Branstad cho biết, ông sẽ không ngần ngại gặp các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, thậm chí chào đón họ đến đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.
Ông cũng tiết lộ ý định sẽ đến thăm khắp các tỉnh trên đất Trung Quốc, gống như ông từng đến tất cả các quận, hạt ở Iowa. [2]
Võ miệng của Washington ở Biển Đông có còn hiệu nghiệm?
The New York Times ngày 2/5 đưa tin, 6 tuần trước chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã đề nghị các quan chức cấp cao Mỹ cho phép đơn vị này phái chiến hạm tiến vào 12 hải lý tuần tra xung quanh bãi cạn Scarborough.
Hải quân Mỹ có lý do chính đáng để tin rằng yêu cầu này sẽ được chấp thuận.[3]
Bởi trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Donald Trump đã từng chỉ trích Tổng thống Barack Obama yếu đuối trong việc bảo vệ các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã tích tụ quân sự rất mạnh để đòi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp), xây đảo nhân tạo, đường băng trên các bãi cát ngầm tranh chấp.
Tháng Giêng năm nay, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để phê chuẩn đề cử Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã kêu gọi, Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Lúc này, các chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại và các nhà quan sát châu Á đã mừng thầm cho sự trở lại của các hoạt động tuần tra hải quân Mỹ thường xuyên xung quanh phạm vi "lãnh hải tự xưng" của Trung Quốc, một cái gì đó ông Obama vẫn tìm cách kiềm chế.
Nhưng khi ông Donald Trump lên cầm quyền, trong tháng Hai năm nay chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và 2 vị quan chức lãnh đạo Hải quân Hoa Kỳ đã đề xuất tuần tra trên Biển Đông thì Lầu Năm Góc tiếp tục bác bỏ.
Thậm chí phương án này đã được trình lên bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump.
Hơn 100 ngày qua kể từ khi nắm quyền của ông Trump, không có hoạt động tuần tra nào bên trong 12 hải lý các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông.
Quyết định không thách thức yêu sách (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy sự nhượng bộ đáng chú ý của Washington với Bắc Kinh, khi Donald Trump ngày càng cần Tập Cận Bình giúp đỡ xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện vẫn chưa rõ việc ngăn chặn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương tuần tra trong 12 hải lý các đảo nhân tạo, cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông này do ai quyết định:
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joshep F. Dunford Jr hoặc cấp phó của 2 vị trên.
Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc - Hoa Kỳ Robert Daly bình luận:
"Những phát biểu và thực tế chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa chỉ trích Obama vì đã không thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (ở Biển Đông) mang theo kỳ vọng lớn rằng Trump sẽ sớm triển khai việc này.
Nhưng nó đã không xảy ra".
Việc từ chối chấp thuận đề nghị của Hải quân Mỹ cho tàu tuần tra tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo tranh chấp trên Biển Đông xảy ra khá thường xuyên thời Barack Obama.
Ông Obama đã bị đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì điều này trong hơn 2 năm.
Tháng 10/2015, chính quyền Obama đã cho phép Hải quân điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra quanh bãi Xu Bi, một trong các cấu trúc bị Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa.
Vào thời điểm đó, Nhà Trắng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng không công khai bình luận về việc này, để tránh leo thang xung đột với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn The New York Times ngày 27/3/2016, ông Donald Trump nói rằng, Bắc Kinh đã xây dựng những pháo đài quân sự trên Biển Đông mà trước đó thế giới chưa từng thấy.
Vị tỉ phú này cho rằng:
"Họ (Trung Quốc) đã làm theo ý mình mà không đếm xỉa gì tới Tổng thống của chúng ta, họ không tôn trọng đất nước chúng ta". [4]
Trước khi trở thành Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson từng ví von chiến dịch Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông cũng "na ná" như việc Nga "sáp nhập" bán đảo Crimea.
Ông cho rằng, chính quyền Donald Trump sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng: thứ nhất, việc xây dựng đảo nhân tạo phải dừng lại; thứ hai, Trung Quốc không được phép truy cập những đảo nhân tạo này. [3]
Người viết cho rằng, tường thuật của The New York Times ngày hôm qua và nhắc lại những gì Obama đã làm cũng như những gì Donald Trump đã cam kết, là ví dụ không thể rõ ràng hơn về tính thực dụng và hai mặt của người Mỹ trên Biển Đông.
Khi những lời nói và hành động của Tổng thống, Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông còn có thể thay đổi 180 độ bất cứ lúc nào toan tính chiến lược của họ thay đổi, thì những phát biểu cứng rắn của ngài ứng viên Đại sứ Mỹ sang Trung Quốc cũng chỉ nên để tham khảo.
Càng mạnh miệng bao nhiêu sẽ càng phản tác dụng bấy nhiêu, khi cam kết tiền hậu bất nhất, lời nói và việc làm mỗi thứ một phương.
Đằng sau câu chuyện tranh cãi giữa hai cựu Ngoại trưởng
Tờ Rappler của Philippines ngày 3/5 dẫn ý kiến trái chiều nhau của hai vị cựu Ngoại trưởng nước này, bình luận xung quanh Tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN năm nay về hội nghị cấp cao của khối, liên quan đến Biển Đông.
Được biết do vận động hành lang của phía Trung Quốc, Tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN năm nay đã tránh nêu hai vấn đề quan trọng liên quan đến Biển Đông:
Thứ nhất, Tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN năm nay không nhắc đến Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đã "quật ngã" các yêu sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thứ hai, Tuyên bố này cũng không lên tiếng bày tỏ lo ngại về các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở các vùng biển tranh chấp.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu với báo giới hôm Chủ nhật, ngày 30/4 rằng:
"Chính phủ của chúng tôi vì mong muốn nhanh chóng dàn xếp một cách đầy đủ với nước láng giềng bành trướng phương Bắc, có lẽ đã đánh mất mình khi thương thảo một con đường nguy hiểm với rất ít, hoặc không có đường lùi cần thiết để phanh lại và chuyển hướng khi cần".
Ông Albert del Rosario giữ chức Ngoại trưởng Philippines trong 5 năm nhiệm kỳ Tổng thống Benigno Aquino III, là người xúc tiến và thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài về việc Bắc Kinh ứng dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông.
Bình luận về Tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN, cựu Ngoại trưởng Perfecto Yasay viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm qua rằng:
"ASEAN dưới sự chủ trì của Philippines, đã quyết định đúng đắn trong việc không đưa Phán quyết Trọng tài về Biển Đông vào chương trình nghị sự và kết luận của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.
Không có gì ích lợi bằng việc đưa chúng ta quay trở lại những nỗ lực vì hòa bình, hợp tác, phát triển và ổn định".
Về Phán quyết Trọng tài, ông Perfecto Yasay cho rằng, đây là nền tảng pháp lý vững chắc để Philippines theo đuổi các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.
Ông tin rằng, ASEAN không bao giờ dao động lập trường vững chắc của mình đã đạt được tại Lào năm ngoái về vấn đề quân sự hóa, thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Perfecto Yasay chưa từng có kinh nghiệm Ngoại giao và trở thành Ngoại trưởng trong thời gian 8 tháng kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức.
Ông là một bạn cùng phòng ký túc xá của Tổng thống Rodrigo Duterte thời sinh viên. Các nhà lập pháp Philippines đã từ chối phê chuẩn vị trí Ngoại trưởng cho ông hôm 8/3. [5]
Cá nhân người viết cho rằng, cả ông Albert del Rosario và ông Perfecto Yasay đều là những người yêu nước. Có điều mỗi người yêu nước theo một cách của riêng mình.
Sự khác biệt ở đây là khác biệt về nhận thức, đánh giá tình hình, đặc biệt là trong bối cảnh Philippines phải đối mặt với đối thủ không cân sức, vượt trội hơn mình từ kinh tế - quân sự cho đến ngoại giao hay tham vọng.
Đây cũng là đặc điểm chung phổ biến trong dư luận xã hội các quốc gia nhỏ ven Biển Đông trước thực trạng Trung Quốc tìm cách độc chiếm vùng biển này, trong khi Hoa Kỳ ngày càng cho thấy những dấu hiệu thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Điểm tựa an ninh của khu vực mà nhiều người tin tưởng kỳ vọng vào Hoa Kỳ đang có dấu hiệu lung lay khi Washington và Bắc Kinh mặc cả, thỏa thuận được với nhau các lợi ích chiến lược.
Về mặt tình cảm, người viết chia sẻ với lo lắng của ông Albert del Rosario về Tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN năm nay không đề cập tới 2 vấn đề quan trọng ở Biển Đông.
Có lẽ đây cũng là tâm trạng chung của không ít người dân các nước ven Biển Đông lo lắng cho tương lai, số phận của quốc gia dân tộc mình, cũng như hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trong khu vực.
Về mặt lý trí, người viết hiểu tại sao Tổng thống Rodrigo Duterte phải có những hành động và quyết sách "bơi ngược dòng nước" như vậy.
Có thể thấy, ông là một người rất lý trí và tỉnh táo trong nhận định tình hình và tìm kiếm giải pháp trong vấn đề Biển Đông nói riêng, chính sách đối ngoại nói chung, trong bối cảnh quốc gia, dân tộc mình trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược của 2 siêu cường Trung - Mỹ.
Ngả theo Trung Quốc hay Hoa Kỳ cũng đều đẩy mình vào chỗ nguy hiểm
Bình luận về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN tại Philippines tuần qua, BBC tiếng Trung Quốc ngày 2/5 nhận xét:
Trước sức ép từ Trung Quốc, ngày càng nhiều các quốc gia Đông Nam Á trở nên bảo thủ và sợ hãi trong vấn đề Biển Đông. Trên phạm vi châu Á, ngày càng nhiều nước bị cuốn vào quỹ đạo phát triển của Trung Quốc.
"Một vành đai, một con đường" đang thay thế TPP.
Sự "tâm đầu ý hợp" ngoài dự liệu giữa Donald Trump với Tập Cận Bình có khả năng đẩy các nước châu Á có khuynh hướng ngả theo Trung Quốc tới chỗ cảm thấy tự tin hơn về quyết sách của mình.
Reuters dẫn nguồn tin 2 nhà ngoại giao ASEAN giấu tên cho hay, đại diện Trung Quốc đã tìm mọi cách thuyết phục các quan chức Philippines loại bỏ các nội dung liên quan đến tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông.
Trước hội nghị, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố rằng, gây sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông là việc vô ích.
Nhà nghiên cứu Malcolm Cook từ Viện ISEA-Yusof Ishak, Singapore cho rằng: rõ ràng kết quả này cho thấy, trong nội bộ ASEAN người nói thay Trung Quốc không chỉ còn có mình Campuchia.
Bên lề hội nghị này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, thái độ mới của Washington đã phá vỡ sự cân bằng về chính trị và kinh tế ở châu Á.
Cũng giống như Việt Nam, Singapore hiện nay không ngả theo Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh với các đối tác khác trong ASEAN:
Cho dù Donald Trump có lựa chọn các giải pháp cực đoan khác với trước đây, ASEAN vẫn nên tìm cách cân bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. [6]
Cá nhân người viết cho rằng, quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về Biển Đông không trái với lợi ích của Philippines, cũng như các quốc gia trong khu vực.
Bởi lẽ, xét về tương quan lực lượng lẫn thực tiễn thỏa hiệp giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ, làm sao duy trì được hòa bình, ổn định và hiện trạng ở Biển Đông có lẽ là mối quan tâm hàng đầu, và cũng là điều khả thi nhất các bên có thể làm được trong lúc này.
Ông Rodrigo Duterte đã chấp nhận hứng "búa rìu dư luận" để kéo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, không tạo cớ để Trung Quốc lấn thêm và chiếm thêm đã là một việc khó khăn và rất đáng ghi nhận.
Còn lại các bên phải cùng nỗ lực phối hợp giữ hòa bình, ổn định, hiện trạng ở Biển Đông tránh cho tình hình xấu thêm, đồng thời gác lại những tranh chấp và tăng cường tìm kiếm những khả năng hợp tác có thể giữa các bên.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long rõ ràng thể hiện một tầm nhìn chiến lược, một triết lý sinh tồn của các quốc gia, dân tộc nhỏ nằm trong vòng tranh đoạt ảnh hưởng, "địa bàn" của các siêu cường.
Đó cũng chính là những chính sách và nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi mà Việt Nam đang theo đuổi.
Luật pháp quốc tế sẽ là sợi dây kết nối hiệu quả các nước trong khu vực với nhau, mặc dù quyền và lợi ích của mỗi bên ở Biển Đông cũng như trong quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và Trung Quốc có khác nhau.
Người viết chỉ xin lưu ý rằng, sự công bằng trong mái nhà chung Liên Hợp Quốc hay sự giải thích, vận dụng luật pháp quốc tế luôn luôn là một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của các nước nhỏ.
Bởi dù nhân loại đã tiến vào thời đại văn minh, nhưng giấc mộng siêu cường, thống trị nhân loại vẫn không hề biến mất trong một số siêu cường, đặc biệt là một số chính khách đang ở đỉnh cao quyền lực và đầy tham vọng.
Vì thế, dĩ bất biến, ứng vạn biến luôn là lựa chọn khôn ngoan và có lợi nhất. Có lẽ đây cũng là điều ông Lý Hiển Long trăn trở, cũng là điều người Việt ta phải suy ngẫm trước thời cuộc đổi thay quá nhanh.
Tài liệu tham khảo:
[3]https://www.nytimes.com/2017/05/02/world/asia/navy-south-china-sea.html
[5]http://www.rappler.com/nation/168648-asean-summit-chairman-statement-del-rosario-yasay
[6]http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world-39776958
Ts Trần Công Trục
Nguồn: giaoduc.net.vn