Những quyết sách của Tổng thống Mỹ thứ 39 vẫn còn bị giấu kín, song các tài liệu vừa được CIA giải mật cùng với một số hồ sơ lưu trữ trong thư viện chính phủ đã hé lộ một góc nhỏ về kế hoạch ứng phó của Nhà Trắng đối với nguy cơ tận diệt.
Trung Quốc vừa cho hạ thủy tàu sân bay thứ hai của mình.
Tàu sân bay đầu tiên của họ, một con tàu có từ thời Liên Xô được cải tạo lại, có tên là Liêu Ninh được đưa vào trang bị cho Hải quân từ năm 2012. Con tàu thứ hai là tàu sân bay tự chế, vừa được hạ thủy ngày 26/4 tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc.
Tàu này có tên chính thức là Sơn Đông. Cứ theo tên gọi của hai tàu sân bay đầu tiên, có thể thấy, các tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được đặt tên theo các tỉnh, thành của nước này. Tuy nhiên, tàu sẽ mang số hiệu CV -001A và dự kiến sẽ được đưa vào vận hành năm 2020 bởi còn cần quá trình lắp ráp thiết bị, hoàn thiện các chi tiết và tiến hành nhiều đợt chạy thử.
Trong khi tàu sân bay thứ hai còn lâu mới được đưa vào vận hành, việc hạ thủy nó đã “đánh một dấu mốc quan trọng về sự tiến bộ của đất nước chúng ta trong việc thiết kế và chế tạo tàu sân bay” - tuyên bố của quân đội nêu rõ – “Các tàu sân bay vẫn là thứ vũ khí nền tảng có giá trị và sức mạnh tác chiến nhất trên biển”.
Nhìn chung, tàu sân bay Trung Quốc vẫn chưa thể sánh với tàu của Mỹ, nhưng nó đưa lại vị thế và những khả năng mới mà các nước láng giềng của Trung Quốc còn thiếu. Đó là biểu tượng của sức mạnh.
“Với mỗi tàu sân bay mới, Trung Quốc gửi tín hiệu rằng, họ không có đối thủ trong số các quốc gia láng giềng” - Patrick M. Cronin, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh Châu Á Thái Bình dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ có trụ sở tại Washington, nói với phóng viên báo New York Times.
Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là có một hạm đội biển xanh với sức mạnh tương đương của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ đi theo hướng đó với tốc độ rất nhanh.
“Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã đủ năng lực đưa Hải quân nước này trở thành hải quân lớn thứ hai thế giới vào năm 2020 “,Tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hiểu biết tường tận về sự phát triển của hải quân Trung Quốc trao đổi với tờ Diplomat. “Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì lực lượng tác chiến tổng thể của Hải quân Trung Quốc sẽ không chỉ ngang bằng với hải quân Mỹ về số lượng mà ngang bằng cả về chất lượng vào năm 2030.”
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tin vào tương lai sáng sủa của chương trình phát triển tàu sân bay của nước họ.
Chuyên gia Cao Weidong giải thích rằng, Trung Quốc cần có nhiều nền móng tác chiến quy mô lớn để làm giảm các mối đe dọa vì thế cần nhiều hơn là một hoặc hai tàu sân bay. Hải quân Trung Quốc đang tiến tới sở hữu nhiều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng giãn nước lớn hơn và năng lực tác chiến được cải thiện nhiều hơn” – chuyên gia này phát biểu trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc.
Yin Zhuo, một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc thì nói rằng nước này cần các cụm tàu sân bay ở cả biển Đông Hải và Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền (vô lý – VT) với nhiều quốc gia cùng nhận phần. Ông này đề xuất, ở mỗi biển Trung Quốc cần ít nhất ba tàu sân bay.
Hiện vẫn chưa rõ, liệu Trung Quốc sẽ theo đuổi kế hoạch phát triển như vậy hay không, nhưng nước này đã cho thấy, họ muốn có một lực lượng tàu hải quân lớn để bảo vệ các quyền lợi đang bành trướng của mình. Ngoài việc đóng các tàu sân bay, Trung Quốc còn đang phát triển các tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu bảo đảm mới.Hà Khoa
Theo Viettimes.vn