Mặc dù có người xem việc Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế tạo là một dấu hiệu cho thấy nước này đã làm chủ công nghệ hải quân, nhưng nhiều nhà quan sát quân sự vẫn đánh giá Trung Quốc chỉ nắm được khoảng 4% năng lực hải quân của Mỹ, South China Morning Post (SCMP) đánh giá.
Từ Tomahawk đến siêu bom MOAB
- Cập nhật : 26/04/2017
Chuyện tổng thống Mỹ bất ngờ tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk và IS ở Afghanistan bằng siêu bom MOAB gây ra nhiều ý kiến trái chiều, đồng thời hé lộ những góc khuất sặc mùi lợi ích nhóm và tâm lý chiến
Đằng sau sự kiện Mỹ bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat gần TP Homs rạng sáng 7-4 có nhiều câu hỏi về mục đích thật sự của Tổng thống (TT) Donald Trump nói riêng và chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung đối với Syria.
Giá trị lớn, hiệu quả nhỏ
Nhà Trắng tuyên bố hành động quyết liệt của chính quyền ông Trump là nhằm trừng phạt Syria dùng vũ khí hóa học tấn công lực lượng chống chính phủ tại thị trấn Khan Shaykhun, tỉnh Idlib - Syria ngày 4-4 khiến ít nhất 74 người chết và hơn 500 người bị thương, theo cơ quan y tế địa phương.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu khu trục Mỹ USS Ross tấn công căn cứ không quân al-Shayrat rạng sáng 7-4 Ảnh: REUTERS
Washington cho rằng căn cứ al-Shayrat là nơi tàng trữ vũ khí hóa học và là nơi xuất kích máy bay Syria thực hiện cuộc tấn công hóa học kể trên. Vì vậy, nó trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, trước và sau cuộc oanh kích, Mỹ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy chính quyền ông Assad sử dụng hay tàng trữ vũ khí hóa học.
Đòn trừng phạt của Mỹ hiệu quả đến đâu? Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trong vòng 30 phút, 58 quả Tomahawk (có một quả bị trục trặc, không bay đến đích) đã phá hủy gần như hoàn toàn căn cứ không quân al-Shayrat, hủy diệt 20 chiến đấu cơ Syria, 10 ụ chứa máy bay, nhiều kho đạn dược và nhiên liệu, đường băng, trạm radar…
Tuy nhiên, ngay sau đó, video clip của trang tin RT (Nước Nga ngày nay) cho thấy 2 đường băng chính hình chữ V của sân bay không bị hư hỏng nhiều. Vì thế, ngay sau đợt oanh kích của Mỹ, chiến đấu cơ Syria vẫn có thể tiếp tục lăn bánh xuất kích.
Giải thích chuyện này, hãng thông tấn Anh Reuters cho biết căn cứ al-Shayrat chỉ bị Tomahawk đánh trúng phần thứ yếu. Theo nguồn tin quốc phòng Nga, chỉ có 23 quả Tomahawk bắn trúng đích nên thiệt hại gây ra không như mong đợi.
Trang tin Veterans Today của cựu chiến binh Mỹ tường thuật chi tiết: Trong số 34 quả Tomahawks không đến đích, 5 quả rơi trên đất liền, 29 quả rơi trên biển. Trong 25 quả bay tới nơi, 2 quả bị chệch hướng và rơi cách sân bay khoảng 1-2 km, 23 quả đánh trúng khu vực sân bay. Trong 23 quả này, cũng chỉ có khoảng 10 quả thật sự đánh trúng các ụ chứa máy bay, trạm điều khiển hoặc kho nhiên liệu, số còn lại chệch vài chục mét nên gây thiệt hại không đáng kể. Veterans Today kết luận: Cuộc tấn công gây tốn kém cho ngân sách quốc phòng Mỹ gần 100 triệu USD nhưng chỉ đạt hiệu quả mang tính “biểu tượng”.
Tiền thầy bỏ túi
Câu hỏi đặt ra là tại sao TT Trump chọn tên lửa Tomahawk chỉ chứa 450 kg thuốc nổ mà không chọn các loại bom rẻ tiền hơn nhưng có sức hủy diệt lớn hơn gấp bội lần? Chẳng hạn, bom BLU-107 dư sức san phẳng al-Shayrat, phá banh đường băng và tạo ra những “ổ voi” khổng lồ rất khó vá ngày một ngày hai.
Có nhiều lời đáp cho câu hỏi trên. Một là, BLU-107 cần máy bay ném bom chở đến mục tiêu. Máy bay có thể bị bắn hạ, phi công có thể chết trong khi Tomahawk là vũ khí tự hành, an toàn hơn. TT Trump - vốn là một nhà kinh doanh khôn khéo - chọn sự an toàn là điều dễ hiểu.
Hai là, theo nhận định của Reuters, có thể TT Trump - vốn là một ngôi sao truyền hình thực tế dày dạn kinh nghiệm - chỉ muốn khoe với khán thính giả tivi trong và ngoài nước vũ khí hoành tráng của Mỹ chứ thật sự không đặt nặng vấn đề hiệu quả.
Ba là, TT Mỹ làm như vậy vì ông có cổ phần trong Raytheon - công ty sản xuất tên lửa Tomahawk. Về vấn đề này, trang tin Market Watch ngày 15-4 đã có bài phân tích hấp dẫn của nhà báo Claudia Assis.
Dẫn lời các chuyên gia tài chính Mỹ, nhà báo Assis cho biết mỗi quả Tomahawk trị giá gần 1 triệu USD. Vị chi, TT Trump đã “đốt” gần 60 triệu USD. Nếu tính thêm các khoản khác, tổng chi phí lên đến 93,8 triệu USD - theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc.
Sau vụ này, theo ông Loren Thompson, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Lexington Institute, hải quân Mỹ sẽ đặt mua 60 quả khác để thay thế với giá đắt hơn, có thể trên 1 triệu USD/quả tùy kích cỡ và các yếu tố khác của phiên bản mới.
Tom Karako, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho biết nhu cầu Tomahawk chưa bao giờ sụt giảm nên việc tăng giá là điều bình thường. Hơn nữa, ngân sách hải quân Mỹ năm 2017 cho phép mua các loại tên lửa mới hiện đại hơn, trị giá khoảng 1,5 triệu USD/quả. Ví dụ, Tomahawk loại Block IV TLAM trang bị hệ thống so sánh ánh quang học kỹ thuật số về vị trí của mục tiêu tấn công, có thể tự điều chỉnh hành trình lúc đang bay.
Tomahawk đã được quân đội Mỹ trang bị từ 30 năm nay và sử dụng lần đầu năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh. Gần đây nhất, vào tháng 10-2016, hải quân Mỹ sử dụng nó trả đũa phiến quân Houthi ở Yemen sau khi chiến hạm Mỹ bị lực lượng này tấn công hụt.
Theo Công ty Raytheon, Tomahawk đã được các binh chủng Mỹ sử dụng hơn 2.000 lần từ trước đến giờ. Nó được phóng từ xe tải, tàu ngầm, chiến hạm hay máy bay với tầm bắn đa dạng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Nó cũng là vũ khí được ưa thích nhất trong quân đội Anh.
Việc Raytheon đứng trước cơ hội thu vào gần 100 triệu USD với đơn đặt hàng của hải quân Mỹ đồng nghĩa với doanh thu công ty sẽ tăng đáng kể. Không phải vô cớ mà cổ phiếu của Raytheon trên sàn chứng khoán Mỹ đã tăng nhẹ ngay trong ngày 7-4. Điều này có ý nghĩa gì?
Theo trang tin Mỹ Business Insider, ông Trump trước khi trở thành TT Mỹ là một cổ đông lớn của Raytheon. Không rõ TT Trump nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần nhưng có một điều chắc chắn là ông sẽ kiếm được bộn tiền sau sự kiện tấn công Syria bằng Tomahawk. Đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc tại sao TT Trump chọn Tomahawk tấn công Syria, theo những người theo thuyết âm mưu.
Nguyễn Cao
Theo nld.com.vn