Mỹ thừa nhận Nga đang phát triển siêu ngư lôi hạt nhân; Trung Quốc tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội; Philippines cho Trung Quốc nghiên cứu biển; Mỹ điều tàu chiến, máy bay ném bom đến gần Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý 02-01-2018
- Cập nhật : 02/01/2018
Lý do khiến Nga lo ngại lá chắn tên lửa mặt đất của Nhật
Hệ thống Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình tầm xa, loại vũ khí vốn bị cấm theo hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ.
Nhật Bản tuyên bố sẽ triển khai hai lá chắn phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore trị giá 1,8 tỷ USD vào năm 2023 nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này của Nhật đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga, quốc gia tuyên bố hệ thống Aegis Ashore có thể gây tổn hại quan hệ song phương, theo Popular Mechanics.
Tokyo đã từng bước thiết lập hệ thống phòng thủ Aegis trên các tàu khu trục hải quân, nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng. Hệ thống này gồm radar mảng pha quét điện tử thụ động AN/SPY-1D và tên lửa SM-3 được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo trong không gian.
Radar AN/SPY-1D có thể phát hiện và bám bắt nhiều loại mục tiêu, gồm cả tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa. Mỗi tàu chiến lớp Atago và Kongo của Nhật được trang bị 4 đài radar AN/SPY-1D, cho phép chúng theo dõi cùng lúc 800 mục tiêu ở mọi hướng. Hệ thống Aegis cũng có thể lấy dữ liệu từ radar tầm xa AN/TPY-2, một thành phần của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Tokyo hiện sở hữu 6 tổ hợp Aegis trên các khu trục hạm lớp Kongo và Atago tối tân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc buộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) phải phân tán hạm đội tàu chiến, gây suy giảm khả năng bảo vệ đất liền trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Do đó, Nhật Bản quyết định mua hai hệ thống Aegis mặt đất (Aegis Ashore) từ Mỹ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ.
Bệ phóng Mk 41 thử nghiệm trên mặt đất. Ảnh:Wikipedia.
Aegis Ashore là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu chiến. Thành phần tổ hợp Aegis Ashore tương tự phiên bản nguyên gốc nhưng được triển khai cố định, có thể giúp các lực lượng phòng vệ dễ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu hơn.
Hệ thống Aegis Ashore sử dụng các bệ phóng thẳng đứng (VLS) Mk. 41 trang bị tên lửa SM-3. Đây được coi là hệ thống chỉ dùng để phòng thủ và không có khả năng tấn công, nhưng Nga vẫn bày tỏ quan ngại trước động thái triển khai hai tổ hợp Aegis Ashore của Nhật Bản.
Moscow cho rằng Aegis Ashore là hệ thống có khả năng tiến công do sử dụng bệ phóng Mk 41. Loại bệ phóng này có thể lắp đặt và phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, gồm cả tên lửa hành trình tầm xa BGM-109 Tomahawk.
Theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, Mỹ và Liên Xô cũng như Nga hiện nay bị cấm bố trí tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên mặt đất có tầm bắn 500-5.470 km, nhưng được phép triển khai trên biển. Trên thực tế, tên lửa Tomahawk Mỹ và Kalibr Nga đều lắp đặt trên tàu chiến, không nước nào bố trí chúng trên mặt đất.
Tuy nhiên, Moscow coi việc Tokyo mua hệ thống Aegis Ashore là hành động hỗ trợ Washington vi phạm hiệp ước INF. Các bệ phóng Mk. 41 có thể triển khai tên lửa Tomahawk, biến chúng thành hệ thống tên lửa hành trình tầm xa triển khai trên bộ.
Tên lửa Tomahawk phóng từ bệ VLS Mk 41. Ảnh:USNI.
Một số chuyên gia cho rằng lo ngại này của Nga không có cơ sở, bởi Nhật Bản không sở hữu tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống Aegis Ashore cũng không được cài đặt phần mềm để vận hành tên lửa này. Ngoài ra, Tokyo không tham gia INF, khiến họ không bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước này.
Việc Nga tuyên bố lo ngại hệ thống Aegis Ashore của Nhật có thể do nước này không tin lá chắn tên lửa của Tokyo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, hoặc đang muốn làm chậm quá trình triển khai chúng, chuyên gia Kyle Mizokami nhận định.(Vnexpress)
---------------------------
Đô đốc Mỹ: Chiến tranh với Triều Tiên chưa bao giờ ‘gần đến thế’
Đô đốc Mike Mullen - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng Mỹ đang tiến đến gần với một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.
Theo thông tin từ đài ABC của Mỹ ngày 31-12, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen tuyên bố rằng Mỹ hiện tiến gần hơn bao giờ hết tới một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên trong bối cảnh ông ít thấy có triển vọng về một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Tướng về hưu Mullen nhấn mạnh: "Theo cách nhìn của tôi, bầu không khí đang cực kỳ nguy hiểm đang hiện hữu trong bối cảnh khó lường và không rõ tất cả tình trạng này sẽ kết thúc như thế nào, đặc biệt với Triều Tiên. Theo tôi, chúng ta thực sự đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên và chiến tranh khu vực hơn bao giờ hết. Tôi không thấy có cơ hội giải quyết vấn đề này bằng biện pháp ngoại giao trong thời điểm này".
Ông Mullen, người từng phục vụ dưới 2 đời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, cho rằng cách điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra "bầu không khí cực kỳ nguy hiểm" bởi ông Trump là "người bất ổn lạ thường và rất khó đoán".
Rõ ràng Tổng thống (Trump) đã chọn cách gây bất ổn và tạo ra tình cảnh khó đoán"
Đô đốc Mike Mullen - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ
Vị tướng Mỹ về hưu nêu nhận định: "Các bạn bè của chúng ta từ nhiều năm qua đang đặt ra những câu hỏi về tính chắc chắn của chúng ta trong các cam kết với họ, với khu vực và ngờ vực về những phẩm chất lãnh đạo mà chúng ta đã thể hiện trong bảy năm qua (…). Trong khi đó kẻ thù của chúng ta, những quốc gia muốn làm hại chúng ta, lại có vẻ thu lợi trong tình cảnh bất an này".
Binh sĩ Mỹ tập trận cùng binh sĩ Hàn Quốc. Các hoạt động tập trận chung thường bị Bình Nhưỡng xem là hành động khiêu khích gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên - Ảnh: AFP
Trước đó, hôm 27-11, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng đã dẫn lời đô đốc Mike Mullen nhận định rằng khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời gian tới sẽ cao hơn so với trước đây do cách lãnh đạo "rất rất khó đoán" của ông Kim Jong Un.
Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình ABC về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời gian tới, ông Mullen đã bày tỏ mối quan ngại trên và nhấn mạnh: "Nói thật lòng, điều này làm cho tôi sợ đến chết. Đây là những loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới".
Ngoài ra, ông Mullen cũng phê phán việc nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chống lại nhau, đồng thời nói rằng việc này đã làm cho tình hình càng trở nên khó đoán định hơn so với một năm trước đây.
Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận rằng chính quyền của ông Trump đang có thái độ "rất nghiêm túc" về việc xem xét các phương án giải quyết mối đe dọa trên trong bối cảnh ông Kim Jong Un đang thực sự nỗ lực mạnh mẽ để đạt được khả năng hạt nhân.
Kim Jong Un: "Nút bấm hạt nhân đã sẵn sàng"
Trong khi đó, trong bài phát biểu mừng năm mới ở Bình Nhưỡng lúc 9h (giờ địa phương) sáng nay (1-1-2018), ông Kim Jong Un tuyên bố cứng rắn: "Nút bấm hạt nhân luôn trên bàn làm việc của tôi. Đó không phải là chuyện hù dọa để mặc cả mà là thực tế".
Màn pháo hoa đón mừng Năm mới ở thủ đô Bình Nhưỡng. Hình ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi sáng nay 1-1-2018 - Ảnh: REUTERS
Ông giải thích rõ đầy tự hào với người dân trong bài phát biểu mừng Năm mới thứ 6 của mình trên sóng truyền hình trực tiếp toàn quốc: "Mỹ không thể tuyên bố chiến tranh chống lại chúng ta. Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng ta và nút kích hoạt tên lửa hạt nhân ở ngay trên bàn của tôi. Triều Tiên đảm bảo được sự răn đe mạnh mẽ chống lại mối đe doạ hạt nhân từ Mỹ".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng kêu gọi sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân, tên lửa và đưa vào phục vụ trong năm tới trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên ông Kim cho rằng những vũ khí này chỉ được dùng đến khi an ninh Triều Tiên bị đe dọa.
Bài phát biểu mừng Năm mới của ông Kim được chú ý kỹ sau khi thế giới trải qua một năm 2017 căng thẳng vì những diễn biến nhiều lúc tưởng bên bờ vực chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.(Tuoitre)
--------------------------------
Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh, Mỹ - Nhật - Ấn vào tầm ngắm
Tên lửa đạn đạo “siêu thanh” mới của Trung Quốc không chỉ đe dọa quốc phòng Mỹ mà còn có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu ở Nhật Bản và Ấn Độ, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 1-1 dẫn nguồn tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc trong năm 2017 đã thử nghiệm thành công 2 quả tên lửa đạn đạo mới, được gọi là DF-17, gắn vào một loại "phương tiện lướt siêu thanh (HGV)".
Theo Diplomat, Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thử nghiệm quả đầu tiên vào ngày 1-11-2017 và quả thứ hai vào 2 tuần sau đó ở trung tâm phóng tên lửa Jiuquan, thuộc khu vực Nội Mông. Hai quả tên lửa này bay được khoảng 1.400 km trong suốt quá trình thử nghiệm.
Các nguồn tình báo Mỹ cho biết 2 vụ thử nghiệm đều thành công và DF-17 có thể được sử dụng vào năm 2020.
HGV là những máy bay không người lái, được phóng đi từ tên lửa, có khả năng lướt và đi qua khí quyển trái đất với tốc độ cao.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên hé lộ hình ảnh thử nghiệm HGV hồi tháng 10-2017. Ảnh: SCMP
So với các hệ thống tên lửa đạn đạo thông thường, các đầu đạn gắn vào HGV có thể bay nhanh hơn rất nhiều với độ cao, thấp và quỹ đạo bay khó đoán hơn. Do đó, HGV khiến các hệ thống phòng ngự không có đủ thời gian để ngăn chặn đầu đạn tấn công mục tiêu.
Ông Song Zhongping, cựu thành viên của Quân đoàn Pháo binh 2 thuộc PLA, cho biết DF-17 là phiên bản cải tiến của DF-ZF.
Theo ông Song, hệ thống HGV có thể sử dụng được với nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn ít nhất 5.500 km.
Ông Song còn nhấn mạnh rằng nhiều đầu đạn HGV có thể sử dụng được với tên lửa DF-41, có tầm bắn ít nhất là 12.000 km và có thể tấn công mọi khu vực của Mỹ trong chưa đầy 1 giờ.
Trong khi đó, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau cho biết các tên lửa gắn vào HGV có thể tấn công và phá hủy Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Hàn Quốc đã triển khai THAAD vào năm ngoái để đối phó với mối đe dọa đến từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên,Trung Quốc xem THAAD là một mối đe dọa.
Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming cho biết công nghệ HGV đã trở thành một phần chiến lược hạt nhân giữa 3 cường quốc hạt nhân thế giới là Trung Quốc, Mỹ và Nga. "So với các tên lửa đạn đạo thông thường, các tên lửa gắn vào HGV phức tạp và khó bị ngăn chặn hơn" – ông Zhou chia sẻ.
"Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nên lo lắng về việc Trung Quốc phát triển thành công công nghệ HGV vì nó có thể tấn công mục tiêu nhanh và chính xác hơn. Các căn cứ quân sự ở Nhật và thậm chí là các lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ đang nằm trong tầm ngắm" – ông Zhou khẳng định.(NLĐ)
------------------------------
Úc bị cảnh báo 'sẽ nhận hậu quả' nếu can thiệp Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dọa rằng Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp mạnh gây "ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Úc" nếu Canberra nhúng tay vào Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy các công trình Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong năm 2017 (màu đỏ) - Ảnh: AP
Trong bài viết đầu năm trên Thời báo Hoàn cầu, ông Zhang Ye - nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc (Bắc Kinh), cảnh báo hành động "bợ đít Mỹ" của Úc sẽ "đầu độc quan hệ với Bắc Kinh và làm rung chuyển nền tảng cân bằng chiến lược (của Úc) trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc".
"Úc đã thay đổi đáng kể chính sách. Hành động thiên kiến của họ hủy hoại không chỉ lợi ích quốc gia Trung Quốc mà còn lợi ích lâu dài của Úc, khiến cho các xung đột cấu trúc và chiến lược của Canberra thêm tồi tệ" - ông Zhang diễn giải.
Bài bình luận gay gắt xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi một chỉ huy hải quân cấp cao Trung Quốc chính thức chỉ trích lãnh đạo hải quân Úc - phó đô đốc Tim Barrett liên quan đến chính sách của Úc ở Biển Đông.
Hành động trên một phần nhằm đáp trả lại việc tàu hải quân Úc đi vào Biển Đông trong cuộc tập trận quân sự đa quốc gia hồi tháng 9-2017.
Đầu tháng 12-2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập đại sứ Úc tại Bắc Kinh, ông Jan Adams, để phản đối việc Canberra "lật tẩy" Bắc Kinh can dự vào hệ thống chính trị của Úc. Chính phủ Thủ tướng Turnbull đã phải đưa ra luật mới để đối phó hành động can thiệp từ nước ngoài.
Và trước đó một tháng, Bắc Kinh kịch liệt phản đối Sách trắng Chính sách đối ngoại của Úc, cho rằng nội dung nhận xét về Biển Đông là "vô trách nhiệm".
Học giả Trung Quốc Zhang Ye kêu gọi Úc nên công nhận "sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc" và đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn thương quan hệ song phương, hoặc trở thành "công cụ cho thế lực nước ngoài phá hoại ổn định khu vực".
Giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia về Biển Đông của Úc, bình luận bài viết của tờ Hoàn cầu là sự leo thang trong giọng điệu chống Úc của Trung Quốc, và nó cố tình nhắm đến độc giả người Úc.
Ông Thayer cho rằng ý kiến "Trung Quốc nên trừng phạt kinh tế Úc" do quan điểm Biển Đông "đặc biệt gây quan ngại".
"Thời báo Hoàn cầu đóng vai trò một con chó giữ nhà Rottweiler chuyên đe dọa bất cứ quốc gia nào có quan điểm trái với những gì Trung Quốc tuyên truyền" - vị giáo sư Úc nhận xét.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc liên tục xây dựng hạ tầng quân sự ở Biển Đông suốt năm 2017 trong lúc Mỹ và các đồng minh bị cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thu hút. Thậm chính chính quyền Bắc Kinh đã bước đầu nhìn nhận về việc có xây dựng ở một số thực thể mà họ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, bất chấp phân định của tòa quốc tế.
Hành động xây dựng của Trung Quốc vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian qua trong khi Bắc Kinh tung chiêu tỏ ý sẵn sàng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) với các nước trong khu vực.(Tuoitre)