Thủ tướng Hun Sen: không cần quốc tế công nhận bầu cử; Hàn Quốc "mạnh tay" với đội tàu cá Trung Quốc hung hãn; Đài Loan làm khó Trung Quốc; Ý triệt phá băng mafia Trung Quốc lộng hành châu Âu
Tin thế giới đáng chú ý 16-01-2018
- Cập nhật : 16/01/2018
Mỹ thừa nhận Nga đang phát triển siêu ngư lôi hạt nhân
Bản thảo báo cáo của Lầu Năm Góc đề cập các vũ khí tối tân Nga đang phát triển, trong đó có ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân.
Bản thảo Đánh giá Tình hình Hạt nhân (NPR) do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo bị rò rỉ hồi cuối tuần trước xác nhận Nga đang sở hữu một thiết bị không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá lên đến 100 megaton, News Week ngày 14/1 đưa tin.
Trong bản thảo, giới chức cảnh báo rằng Nga đã và đang tích cực đa dạng hóa năng lực hạt nhân nhằm cạnh tranh lợi thế chiến lược với Mỹ, như phát triển nhiều đầu đạn và thiết bị phóng mới, nâng cấp các thành phần trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược là oanh tạc cơ chiến lược, tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa phóng từ mặt đất.
"Nga cũng đang phát triển ít nhất hai hệ thống liên lục địa mới gồm một thiết bị bay siêu âm và một ngư lôi không người lái liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân", bản thảo của Lầu Năm Góc viết.
Ngư lôi này được cho là Status-6, siêu vũ khí được Văn phòng Thiết kế Rubin phát triển, có tầm bắn lên tới 10.000 km, tốc độ tối đa là gần 100 km/giờ.
Hình ảnh về bản thiết kế Status-6 vô tình bị truyền hình Nga rò rỉ khi đưa tin về một cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Siêu ngư lôi này được cho là có thể lặn sâu 1.000 m, được thiết kể để phóng từ tàu ngầm lớp Oscar 949A, hoặc tàu ngầm Đề án 09851.
Trong tuyên bố ra sau đó, Lầu Năm Góc không phủ nhận tính xác thực của bản thảo này, nhưng khẳng định nó chỉ là một trong nhiều bản thảo. Bản đánh giá cuối cùng vẫn chưa hoàn thành và sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng xem xét, phê chuẩn.
Trước đó, trang tin Washington Free Beacon cho biết giới chức Mỹ phát hiện Nga thử nghiệm "Hệ thống Đa nhiệm Đại dương Status-6" hồi tháng 11/2016.(Vnexpress)
----------------------------
Trung Quốc tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội
Trung Quốc chính thức thông báo rằng, Thượng tướng Phòng Phong Huy, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc bị điều tra vì tình nghi tham nhũng, vừa bị giao cho công tố viên quân sự, theo tin Tân Hoa Xã.
Thượng tướng Phòng Phong Huy (phải) trong lần tiếp Đại tướng Joseph Dunford, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Ảnh REUTERS/Thomas Peter
Tân Hoa Xã đưa tin này, có nghĩa là ông sẽ bị kết tội tại toà án quân sự. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Andrei Karneev, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi, bình luận về vụ việc này.
Lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Quân ủy Trung ương, ông Phòng Phong Huy, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc và ông Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương đã bị điều tra và sa thải vào tháng Tám năm ngoái.
Cuộc điều tra phát hiện cả hai ông đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật.
Theo tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, vào tháng 11, tướng Trương Dương đã treo cổ tự sát tại nhà riêng, sau khi bị điều tra về hành vi tham nhũng và vi phạm kỷ luật đảng.
Việc bắt giữ các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao như vậy là một trường hợp khá bất thường và cho thấy rằng, Trung Quốc tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng ở mọi cấp độ quyền lực trong các cơ quan nhà nước.
Chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc tập trung chú ý không chỉ vào công tác chống hối lộ, mà còn vào công tác phòng chống tất cả các hành vi lạm dụng quyền lực làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội.
Nói chung, trọng tâm chú ý là việc tăng cường kỷ luật và xây dựng quân đội tuyệt đối trung thành với ban lãnh đạo chính trị.
Các bản báo cáo chính thức đã nhấn mạnh, quá trình sụp đổ của hai cựu Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là do sai lầm chính trị chứ không phải thói tham nhũng khét tiếng của họ.
Tờ Quân đội, tờ báo "Tsefansiungpao" đã viết về vụ này rằng, "nhiều người đã bị sốc khi biết về mức độ tham nhũng của các tướng Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, nhưng đây không phải là thiệt hại chính do hai nhân vật này gây ra, thiệt hại lớn nhất là họ đã vượt qua "ranh giới đỏ" về mặt chính trị".
Không loại trừ khả năng, vụ Phòng Phong Huy, người đã được coi là một trong những tướng lĩnh hứa hẹn nhất, có liên quan đến việc loại bỏ những sai lầm chính trị của các nhà lãnh đạo quân sự cũ và thanh lọc hết ảnh hưởng của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trong quân đội.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Phòng Phong Huy là vị tướng thứ năm bị sa thải sau vụ Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Cuộc chiến phòng chống tham nhũng, kể cả trong quân đội và các cơ quan an ninh khác, đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối nội của ông Tập Cận Bình sau khi ông nắm quyền lãnh đạo năm 2012.
Các nhà quan sát lưu ý rằng, theo kết quả Đại hội 19 Đảng Công sản Trung Quốc đã thay đổi cơ cấu của Ủy ban Quân sự Trung ương, cơ quan này đã trở thành nhỏ gọn hơn và dễ kiểm soát hơn bởi Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.
Đồng thời, hiện nay trong thành phần Quân ủy Trung ương không chỉ có Bộ Tham mưu và Bộ Công tác Chính trị, mà còn Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.
Trong số các thành viên Ủy ban quân sự trung ương có cả Phó chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Trương Thăng Dân.
Chi tiết này cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục cuộc thanh lọc giới "chóp bu" quân sự.(Bizlive)
--------------------------
Philippines cho Trung Quốc nghiên cứu biển
Bất chấp các phản đối và lo ngại về chủ quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định cho phép Trung Quốc tiến hành nghiên cứu khoa học tại vùng biển ngoài khơi nước này.
Tàu Trung Quốc đuổi một chiếc tàu nhỏ khỏi khu vực Scarborough năm 2016 - Ảnh: NYT
Reuters ngày 16-1 dẫn lời người phát ngôn của ông Duterte xác nhận tổng thống với tư cách là lãnh đạo chính sách đối ngoại của Philippines đã cho phép Bắc Kinh phối hợp với Đại học Philippines nghiên cứu tại vùng Benham Rise được đánh giá là rất đa dạng sinh học và nhiều cá ngừ, tuy nhiên khẳng định sẵn sàng cho phép bất cứ nước nào tham gia nếu có quan tâm.
Trung Quốc ngay sau đó tuyên bố sẽ tiến hành "các hoạt động khoa học" tại khu vực này kể từ tháng sau.
Dù Benham Rise không nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, các tàu chiến xuất hiện tại khu vực này hồi năm 2016 khiến Manila lo ngại. Thông tin Bắc Kinh được phép tiếp cận vùng biển này, được giấu kín cho đến khi bị tiết lộ gần đây, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ tại Philippines.
Tờ Inquirer dẫn lời thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án tối cao Philippines chỉ trích hành động này là "ngu xuẩn" sau khi Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế về chủ quyền biển của Manila.
"Ý định của chính quyền ông Duterte là gì khi cho phép hoạt động như vậy bất chấp an ninh quốc gia" - chính trị gia Gary Alejano đặt câu hỏi trên tờ Rappler. "Liệu một kẻ bắt nạt chiếm đất sân trước nhà anh rồi đòi xem sân sau, anh có cho phép không?" - ông Carpio so sánh.
Nhiều ý kiến khác đặt câu hỏi về mục đích của nghiên cứu và có lợi ích gì cho Philippines.
Chưa kể, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano ngày 15-1 cũng tuyên bố Manila sẽ thảo luận với Bắc Kinh về việc hợp tác thăm dò dầu khí trên Biển Đông tại diễn đàn song phương vào tháng sau.(Tuoitre)
----------------------------
Mỹ điều tàu chiến, máy bay ném bom đến gần Triều Tiên
Mỹ đang tăng cường sự hiện diện xung quanh bán đảo Triều Tiên bằng cách triển khai các oanh tạc cơ tàng hình, bổ sung thêm ít nhất một tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công đến khu vực.
Động thái trên xảy ra trước khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc ở huyện Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2, trong bối cảnh Washington đã đồng ý hoãn lại các cuộc tập trận thường niên với Seoul cho đến khi đợt tranh tài kết thúc.
Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) hồi tuần trước thông báo một nhóm gồm 3 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit từ căn cứ không quân Whiteman (bang Missouri) đã đáp xuống đảo Guam, theo Hãng tin AP.
Thông báo của PACAF chỉ nêu lý do ngắn gọn là việc điều động trên nhằm mục đích cung cấp cho giới lãnh đạo Washington “các biện pháp ngăn chặn nhằm duy trì ổn định tại khu vực”.
B-2 hiện là oanh tạc cơ tối tân của Không quân Mỹ, và không giống như B-1B, có thể mang theo vũ khí hạt nhân.
>> Mỹ điều 3 máy bay ném bom tàng hình tới đảo Guam
Đây cũng là dòng oanh tạc cơ duy nhất có thể thả loại bom lớn nhất của Không quân Mỹ là MOP GBU-57, trọng lượng 14.000 kg. MOP có khả năng đâm xuyên lòng đất để phá hủy đường hầm và boong-ke, được thiết kế đặc biệt nhằm vào Triều Tiên.
Bộ ba B-2 đến Guam chỉ vài ngày sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thẳng hướng tới tây Thái Bình Dương. Dự kiến nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ vào vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên trước khi Thế vận hội khai mạc vào ngày 9.2.
Tại khu vực hiện đã có tàu sân bay USS Ronald Reagan và Bình Nhưỡng còn cáo buộc Washington đang có ý định gửi thêm một tàu khác là USS John Stennis đến đây.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ vào ngày 14.1 cũng công bố thông tin tàu đổ bộ tấn công được nâng cấp USS Wasp đã cập cảng tại căn cứ Sasebo ở phía nam Nhật Bản. Đây là tàu có thể chở theo hơn 30 máy bay, bao gồm F-35B.(Thanhnien)