Máy bay không người lái của Trung Quốc bay gần đảo tranh chấp với Nhật; Thượng nghị sỹ Mỹ kêu gọi trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ; Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí nối lại "ngoại giao con thoi"; Đô đốc Harry Harris thăm trạm giám sát radar Nhật Bản gần đảo Senkaku
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 19-05-2017
- Cập nhật : 19/05/2017
Lý giải nguyên nhân Mỹ sốt vó, Nga lại bình tĩnh với Triều Tiên
Khác với sự lo lắng của cộng đồng quốc tế trước chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Nga lại tỏ ra bình tĩnh và thậm chí còn kêu gọi các bên liên quan kiềm chế cũng như ngừng bắt nạt Bình Nhưỡng.
Cộng đồng quốc tế nhanh chóng đưa ra phản ứng và chỉ trích mạnh mẽ việc Triều Tiên cho phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 14/5. Về phần mình, Moscow lại khiến giới chuyên gia bất ngờ với những tuyên bố có phần hờ hững dù tên lửa Triều Tiên được xác định rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, cộng đồng quốc tế nên có những động thái thận trọng và kiên nhẫn cũng như ngừng đe dọa Triều Tiên.
Theo Business Insider, Nga vẫn cần phải đặc biệt quan tâm tới chương trình phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Bởi Nga là một trong ba quốc gia có đường biên giới đất liền sát Triều Tiên trải dài khoảng 17 km. So với Mỹ, vùng lãnh thổ phía đông của Nga còn là khu vực có khả năng chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công của lực lượng tên lửa Triều Tiên.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới việc thay vì chỉ trích, Nga lại dường như lặng tiếng sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là vì với Moscow, Bình Nhưỡng hiện không phải là mối quan ngại an ninh hàng đầu. Nói cách khác, Nga hiện đang tập trung giải quyết các vấn đề tại Ukraine, Syria, các mối quan hệ với NATO và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Và điện Kremlin cảm thấy "vui vẻ" để Bắc Kinh chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi Trung Quốc mới là quốc gia có lợi ích chiến lược trước số phận của Triều Tiên.
Việc Nga muốn các bên sử dụng phương pháp ngoại giao để giải quyết những tranh cãi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng là cách giúp Moscow tăng vị thế trên trường quốc tế.
Trên thực tế, giới chức Nga hiểu rằng sở hữu vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo vệ chính quyền. Điều này được thể hiện thông qua việc Nga cho khôi phục năng lực hạt nhân trong thập niên 90 để đối phó với những lời chỉ trích của phương Tây về cuộc chiến ở Chechnya. Thậm chí, trong chuyến công du cuối cùng hồi năm 1999 trên cương vị Tổng thống Nga, ông Boris Yeltsin đã nói với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton rằng, việc Nga sở hữu sức mạnh hạt nhân sẽ "ngăn chặn quyết tâm của Mỹ trong việc đề ra quy định cho toàn thế giới".
Còn hiện tại, khác với quan điểm của nhiều quốc gia phương Tây, Nga không coi chính quyền Bình Nhưỡng là "mất lý trí". Với Nga, việc phương Tây can thiệp vào nội bộ chính quyền Yugoslavia, Iraq, Libya và cuộc biểu tình Maidan ở Ukraine mới thực sự là mối đe dọa với Moscow chứ không phải là các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Do đó, theo giới chuyên gia, Nga có thể là quốc gia duy nhất trong khu vực không quan tâm tới chuyện liệu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có được giải quyết hay không và hai quốc gia này có tiến tới thống nhất hay không.
Trong khi đó, nếu xảy ra viễn cảnh thống nhất hai miền Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt và đối mặt với cả sự bất ổn bởi giữa Seoul và Bình Nhưỡng tồn tại khoảng cách lớn về tốc độ phát triển và chất lượng cuộc sống.
Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất thì mối đe dọa an ninh hiện thời sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng Nhật Bản lại quan ngại rằng sự thống nhất này sẽ giúp Hàn Quốc có quy mô và dân số tương đương Nhật Bản cũng như trở thành đối thủ nặng ký với Tokyo. Nguyên nhân là quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng căng thẳng kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Còn với Trung Quốc, dù Triều Tiên đang gây ra nhiều phiền toái cho chính quyền Bắc Kinh, nhưng Bình Nhưỡng vẫn đóng vai trò chiến lược trở thành vùng đệm để ngăn các mối đe dọa tấn công trên bộ. Nói cách khác, một lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ đang hoạt động trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể tiến sát biên giới Trung Quốc nếu như không may chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Đây chính là điều Trung Quốc không bao giờ mong muốn.
Ngay cả với Mỹ, mối đe dọa từ Triều Tiên cũng là cái cớ tốt nhất để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ngoài mục đích đối phó với Bình Nhưỡng, về lâu dài, sự có mặt của quân đội Mỹ trong khu vực cũng là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Business Insider, Nga không chịu thiệt hại gì nhiều nếu như chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Thậm chí, một khi hai miền Triều Tiên thống nhất, Nga lại có cơ hội thực hiện những dự án kinh tế mới như xây dựng đường ống dẫn khí đốt và các tuyến đường sắt mới. Ngoài ra, khi hai miền Triều Tiên thống nhất, quân đội Mỹ cũng sẽ rút lui khỏi khu vực. Tóm lại, một khi sự chia rẽ ở bán đảo Triều Tiên kết thúc, cán cân sức mạnh ở khu vực Đông Á cũng sẽ nghiêng về phía Nga. Moscow cũng sẽ có thêm một đối tác kinh tế mới.
Do đó, trong tình hình hiện nay, Nga chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để ngăn cho căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên không tiến tới mức nguy hiểm và biến thành xung đột. Và những tuyên bố của Tổng thống Putin kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh cho thấy, Nga sẽ không bao giờ nhìn nhận vấn đề Triều Tiên theo lăng kính của phương Tây. (Infonet)
---------------------
Triều Tiên đang nắm “chìa khóa thảm họa diệt vong”?
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương đã gọi hoạt động phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là “chìa khóa thảm họa diệt vong” và vì vậy Mỹ và các nước trong khu vực phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Theo hãng tin Sputnik, trong cuộc phóng thử diễn ra ngày 14/5 của Triều Tiên, tên lửa đã bay cao hơn và xa hơn so với các loại tên lửa trước đây, điều này đã khiến một số chuyên gia tin rằng đây là bước tiến lớn nhất từ trước tới nay mà Triều Tiên đã đạt được trong các chương trình phát triển vũ khí. Được biết, tên lửa đã đạt độ cao hơn 2.100km, ngang với các vệ tinh tầm thấp ngoài vũ trụ.
Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết, cuộc phóng thử nghiệm này là nhằm đánh giá khả năng mang theo “đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn” của tên lửa.
Trong cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao của Nhật Bản, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương cho biết: “Việc một lãnh đạo như ông Kim Jong-un có trong tay các đầu đạn hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo cũng đồng nghĩa với việc họ có chìa khóa dẫn đến thảm họa diệt vong”.
“Tất cả các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên đều được công bố là thành công, bởi nó giúp nước này tiến thêm một bước nữa trong việc chế tạo loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể được phóng đi bất kỳ nơi nào trên thế giới”, ông Harris nói thêm.
Đô đốc người Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn các hiểm họa đến từ Triều Tiên. Hiện ba nước đang tiến hành một cuộc diễn tập quân sự gần bán đảo Triều Tiên, một động thái mà Bình Nhưỡng coi là nhằm chuẩn bị xâm lược và lật độ chính quyền trung ương Triều Tiên.
Được biết ông Harris đã gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn gặp gỡ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu điều kiện cho phép, song đại diện thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết hành động thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên “sẽ không cho phép họ ngồi đối diện và đàm thoại với Tổng thống Mỹ”.
Bà Haley cũng chỉ trích ông Kim “hoang tưởng” và cảnh báo rằng Washington sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với quốc gia này. Nhà Trắng cũng đưa ra tuyên bố nói rằng Triều Tiên “đã là hiểm họa rõ ràng từ bao lâu nay”.(Infonet)
--------------------------
Nga tăng gần gấp đôi giao thương với Triều Tiên
Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng, thời gian qua phía Nga đã tăng cường hoạt động xuất khẩu nhiên liệu sang nước này.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), hoạt động giao thương giữa Nga và Triều Tiên đã tăng hơn 85% trong bốn tháng đầu năm nay.
Dẫn ra các số liệu từ hải quan Nga, đài VOA (Mỹ) cũng cho biết hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia này đạt 31,83 triệu USD trong quý 1 năm nay, chiếm đa số là các mặt hàng năng lượng.
Trong khi đó, hoạt động giao thương giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã giảm trong cùng thời kỳ này. Trong tháng 3, lượng than xuất khẩu từ Bình Nhưỡng sang Trung Quốc đạt 6.342 tấn. Đây chỉ là một phần nhỏ nếu so với lượng 1,44 triệu tấn than xuất sang Trung Quốc trong tháng 1 năm nay.
Cùng với đó Bắc Kinh cũng đã ngừng cung cấp dầu nhiên liệu mà Bình Nhưỡng vốn rất cần dùng, một động thái được giới quan sát cho rằng thể hiện thái độ không hài lòng của Bắc Kinh sau các vụ thử tên lửa gần đây.
Các số liệu thống kê mới công bố cho thấy chi tiết mức độ tăng cường trong hoạt động giao thương của Nga với Triều Tiên phần nào phản ánh sự tương đồng trong quan điểm đưa ra đầu tuần này (15-5) của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo đó ông Putin cho rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là “nguy hiểm”, nhưng ông cũng nói: “Chúng ta phải dừng việc khiêu khích Bình Nhưỡng và tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này”, và “không nên đe dọa họ”.
Ông James Brown, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Temple ở Tokyo cho rằng một số hoạt động giao thương tại biên giới giữa Nga và Triều Tiên có thể là hoạt động của những thành phần “cơ hội kinh tế”, nhưng động cơ lớn hơn và bao trùm hơn là nguyên do địa chính trị.
Ông James Brown nói: “Nga rất lo ngại về tình trạng cô lập Triều Tiên và tin rằng điều đó sẽ khiến tình hình trở nên nguy hiểm khi Mỹ đang có cách tiếp cận vấn đề kiểu đối đầu.
“Quan điểm của Matxcơva cho rằng việc gây áp lực với Triều Tiên đã không có tác dụng và trên thực tế còn khiến Bình Nhưỡng có động thái phản ứng vì cảm thấy bị đe dọa. Do đó thay vì cô lập, biện pháp không hiệu quả, Nga đang đề xuất giải pháp hợp tác”.(Tuoitre)
--------------------------------------
Tổng thống Trump: vẫn có nguy cơ xung đột với Triều Tiên
Trong cuộc gặp 10 phút, tổng thống Mỹ nói với đặc sứ của Hàn Quốc rằng Washington sẵn sàng giải quyết khủng hoảng Triều Tiên bằng cam kết khi hội đủ điều kiện.
Tổng thống Moon Jae In đã cử các đặc sứ đi gặp đối tác để bàn giải pháp cho Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 18-5 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "cuộc xung đột lớn" với Triều Tiên là hoàn toàn có khả năng xảy ra và mọi lựa chọn đều đang được cân nhắc.
Tuy nhiên tổng thống Mỹ cũng bày tỏ mong muốn giải quyết xung đột trên bán đảo Triều tiên thông qua ngoại giao và hòa bình, nhiều khả năng là bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In muốn có một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Triều Tiên. Tuy nhiên ông Moon khẳng định rằng Bình Nhưỡng cần phải thay đổi lập trường kiên định về việc phát triển vũ khí trước khi tính đến việc đàm phán.
Ông Hong Seok Hyun - đặc sứ được ông Moon cử đi Washington - nói rằng ông Trump sẵn lòng dùng đến "cam kết" để tạo nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên ông Hong cũng cho biết rằng ông Trump khẳng định Mỹ sẽ không đối thoại với Triều Tiên và sử dụng áp lực như cách thức ưu tiên để tiếp cận Bình Nhưỡng.
Nhiệm vụ chính của ông Hong trong chuyến công du là chuyển thư của tổng thống Moon cho vị lãnh đạo Nhà Trắng.
Hãng tin Reuters cho biết ngày 14-5 Triều Tiên đã có vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất bất chấp các nghị quyết lên án và trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ.
Sau vụ thử đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố tên lửa có khả năng "mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn".
Dù vậy, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên từng nói rằng Bình Nhưỡng sẽ đàm phán với Washington khi hội đủ điều kiện.(Tuoitre)