Tổng thống Philippines nói Chủ tịch Trung Quốc cảnh báo chiến tranh có thể xảy ra nếu Manila có các động thái quyết liệt ở Biển Đông.
Tin thế giới đáng chú ý chiều 19-05-2017
- Cập nhật : 19/05/2017
Máy bay không người lái của Trung Quốc bay gần đảo tranh chấp với Nhật
Reuters đưa tin Chính phủ Nhật Bản thông báo ngày 18/5, nước này đã lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực mà Tokyo coi là lãnh hải của nước này, gần các hòn đảo ở Biển Hoa Đông và một vật thể giống máy bay không người lái đã bay gần một chiếc tàu.
Theo giới chức Nhật Bản, đây là lần đầu tiên một chiếc máy bay như vậy bay gần các đảo này và cũng là lần thứ 13 trong năm nay các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào các vùng biển tranh chấp.
[Tàu Nga, Trung Quốc bám sát tàu sân bay Mỹ ở biển Hoa Đông]
Trong một cuộc điện đàm với Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, Cục trưởng Cục Các vấn đề Đại dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi, nêu rõ: "Quần đảo Senkaku thuộc lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản và việc các tàu của chính quyền Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải này là tuyệt đối không thể chấp nhận được. Hơn nữa còn xuất hiện một chiếc máy bay không người lái. Chúng tôi phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc làm leo thang tình hình."
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đã đáp trả phản đối của Nhật Bản bằng cách nhắc lại "lập trường riêng của Trung Quốc" về các đảo này.
Trong một thông báo trên trang điện tử, Cục Hải dương Trung Quốc cũng xác nhận có 4 tàu hải cảnh đang tuần tra những đảo trên nhưng không đề cập đến bất kì máy bay không người lái nào(Vietnam+)
------------------------------
Thượng nghị sỹ Mỹ kêu gọi trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ
Reuters đưa tin Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ngày 18/5 đã kêu gọi trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ sau khi bạo lực bùng phát giữa những người biểu tình ủng hộ cộng đồng người Kurd và các nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Nhà Trắng gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Trả lời phỏng vấn MSNBC, Thượng nghị sỹ McCain, một trong những người có tiếng nói về chính sách ngoại giao hàng đầu tại Quốc hội Mỹ, nêu rõ: "Chúng ta nên trục xuất Đại sứ của họ ra khỏi Mỹ."
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng bắt nguồn từ việc các nhóm vũ trang thuộc Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và YPG được Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc PYD và YPG là các nhóm khủng bố có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ankara cũng cho rằng PYD và YPG có ý định thành lập một khu tự trị của người Kurd tại miền Bắc Syria và hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng việc Ankara triển khai chiến dịch trên bộ tại Syria để tiêu diệt IS thực chất là hướng tới mục tiêu xóa sổ YPG (Vietnam+)
--------------------
Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí nối lại "ngoại giao con thoi"
Ngày 18/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có buổi tiếp ông Moon Hee Sang, đặc phái viên của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trong đó hai bên nhất trí nối lại "ngoại giao con thoi" giữa hai nhà lãnh đạo.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Abe nhấn mạnh Tokyo và Seoul là “các nước láng giềng quan trọng nhất của nhau, cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược."
Ông Abe bày tỏ mong muốn “xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai với chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae In.”
Đặc phái viên Moon Hee Sang đã trao bức thư của Tổng thống Moon Jae In tới Thủ tướng nước chủ nhà Abe, trong đó cho biết tân Tổng thống Hàn Quốc mong muốn sớm có cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe và Đặc phái viên Moon Hee Sang cũng đã trao đổi về thỏa thuận song phương ký năm 2015 về vấn đề "phụ nữ mua vui," theo đó hai nước nhất trí giải quyết triệt để vấn đề này.
Trước đó, phát biểu với báo giới trước khi bắt đầu cuộc gặp, ông Moon Hee Sang cho biết, hai nước chia sẻ “mối quan tâm chung là đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên."
"Ngoại giao con thoi," chỉ động thái các nhà lãnh đạo thăm viếng chính thức lẫn nhau hàng năm, đã bị đình trệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ tháng 12/2011 dưới thời Chính quyền của Tổng thống Lee Myung Bak.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên vào đầu tháng Bảy tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) diễn ra tại thành phố Hamburg của Đức(Vietnam+)
--------------------------
Đô đốc Harry Harris thăm trạm giám sát radar Nhật Bản gần đảo Senkaku
Thăm trạm radar ở đảo Yonaguni là một động thái hiếm có, phát đi tín hiệu rất rõ ràng với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề đảo Senkaku. Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ đặc biệt lo ngại.
Đô đốc Harry Harris cho hay, ông thăm trạm quan trắc bờ biển trên đảo Yonaguni, cực nam của quần đảo Ryukyu là do đã nhận được lời mời của Đô đốc Kawano Katsutoshi, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Ngày 17/5, Đô đốc Harry Harris còn nhấn mạnh, đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đang tranh chấp với Nhật Bản) nằm trong phạm vi được áp dụng Điều 5 Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, vì thế sẽ được bảo vệ như đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo quân sự này đến thăm căn cứ này. Tuyên bố còn cho hay trong cuộc thảo luận ở Tokyo trước đó 1 ngày, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương trong việc ứng phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Năm 2016, Nhật Bản đã lắp đặt thiết bị ở đảo Yonaguni, thiết lập một trạm thu thập tin tức tình báo hoạt động thường xuyên ở khu vực nhóm đảo có tranh chấp (Senkaku) với Trung Quốc. Hành động này đã làm cho Trung Quốc rất bực tức. Trong khi đó, vào lúc này, Mỹ lại đang muốn Trung Quốc “giúp đỡ” để ngăn chặn Triều Tiên.
Trạm giám sát này của Nhật Bản là một mắt xích trong mở rộng tập kết quân sự thêm 1.400 km trên chuỗi đảo của Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cho biết hành động này là một phần của sách lược kiềm chế Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Đảo Yonaguni nằm ở cực tây của Nhật Bản, cách đảo Senkaku khoảng 150 km về phía bắc. Trạm radar ở đảo Yonaguni có thể tiến hành do thám 24/24 giờ đối với mọi động thái của máy bay và tàu thuyền (Trung Quốc). Có khoảng 160 binh sĩ phụ trách nhiệm vụ này.
Trước hành động trên của Đô đốc Harry Harris, trong cuộc họp báo thường lệ ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bày tỏ “đặc biệt quan ngại” đối với những tuyên bố của Đô đốc Harry Harris. Bà Oánh tái khẳng định đảo Senkaku là “lãnh thổ của Trung Quốc”, tuyên bố: “Bất kể ai nói gì và làm gì, bất kể là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ nói hay người khác nói, thì đều không thể thay đổi sự thực đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc, cũng không thể làm lung lay quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc”.
Bà Oánh mong muốn các bên liên quan làm những việc “có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực”.(Viettimes)